Hoa Kỳ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc sau các chính sách hà khắc, thuế quan thời ông Trump, và lo ngại về đạo đức
Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hàng nhập cảng từ Trung Quốc đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Các công ty đang cố gắng chuyển hướng chuỗi cung ứng của họ sang nơi khác để tránh những thay đổi chính sách khó lường của nhà cầm quyền cộng sản, các mức thuế quan áp đặt lên Trung Quốc vào năm 2018, cũng như những lời chỉ trích về vi phạm nhân quyền.
Dựa trên dữ liệu của Cục Điều tra Dân số và Cục Thống kê Lao động, kim ngạch nhập cảng trong tháng Hai từ Trung Quốc đạt dưới 31 tỷ USD, thấp nhất kể từ năm 2006, được điều chỉnh theo lạm phát đồng thời không tính tháng Hai và tháng Ba năm 2020 khi lượng hàng hóa từ Trung Quốc di chuyển giảm mạnh do các hạn chế về đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, nhập cảng quần áo và thiết bị điện tử, lĩnh vực mà Trung Quốc từng chi phối, nay đã có sự chuyển dịch.
Nhập cảng máy điện toán và thiết bị điện tử trong tháng Một và tháng Hai đã giảm khoảng 27% so với cùng thời kỳ năm 2018. Nhập cảng quần áo giảm gần 42% trong cùng thời kỳ, theo dữ liệu của Bộ Thương mại nước này.
Trung Quốc trên thực tế có thể mất vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Hồi tháng Hai, Hoa Kỳ đã nhập cảng nhiều hơn từ Mexico so với từ Trung Quốc — một tình huống chưa từng thấy trong nhiều thập niên, ngoại trừ hai tháng khi đại dịch bắt đầu.
Trung Quốc đang đánh mất thêm nhiều thị phần trong ngành công nghiệp may mặc trong ít nhất một thập niên, với sự sụt giảm tăng nhanh vào năm 2018, sau khi chính phủ cựu Tổng thống Trump áp đặt thuế quan đối với vô số hàng hóa của Trung Quốc, theo ghi nhận của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) hồi tháng Ba sau khi họ phát hành báo cáo về Triển vọng và Xu hướng Tìm nguồn Cung ứng.
Theo dữ liệu hải quan, các mức thuế quan này đã mang lại hơn 176 tỷ USD.
USFIA nhận xét về dữ liệu năm 2022: “Mặc dù Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn cho thị trường Hoa Kỳ, nhưng họ không còn là nhà cung cấp chủ đạo nữa.”
Xu hướng này dường như còn nổi bật hơn trong năm nay. Mỹ quốc đã nhập cảng hàng may mặc trị giá gần 4 tỷ USD từ Việt Nam và Bangladesh, nhưng chưa đến 2.8 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Hai, chiếm chưa đến 20% thị phần nhập cảng.
Trong cùng thời kỳ trên, khoảng 20 tỷ USD máy điện toán và thiết bị điện tử đến từ Trung Quốc, trong khi hơn 24 tỷ USD đến từ Mexico, Đài Loan, và Việt Nam. Điều đó khiến Trung Quốc có ít hơn 29% thị phần.
Bên cạnh thuế quan, hồi năm ngoái (2022), Trung Quốc đã khiến các nhà bán lẻ tức giận khi liên tục thực hiện các đợt phong tỏa COVID-19 khắc nghiệt. Thêm vào đó, chính dịch bệnh đã gây ra nhiều gián đoạn.
“Có thể xảy ra vô số sự chậm trễ và hủy đơn hàng trong năm nay nếu trong các nhà cung cấp của quý vị có nhà cung cấp ở Trung Quốc,” Everstream Analytics, công ty tư vấn chuỗi cung ứng của Đức, cảnh báo trong dự báo năm 2023 (pdf).
Báo cáo này chỉ định mức độ rủi ro có thể là 90%.
Báo cáo cho biết: “Những lời cam đoan của các nhà cung cấp Cấp 1 rằng họ không kinh doanh với Trung Quốc là không đủ bảo đảm vì những nhà cung cấp đó có thể không có khả năng nhìn thấu mạng lưới cung ứng hoàn chỉnh của họ.”
“Nhưng họ sẽ cảm nhận được ảnh hưởng này vào một thời điểm nào đó trong năm 2023.”
Báo cáo này cũng đưa ra mức “Điểm Rủi Ro” là 75% cho khả năng rằng các công ty sẽ phải đối mặt với các vi phạm về lao động nô lệ.
Báo cáo này lưu ý, “Các nhà điều tra truyền thông, tổ chức phi chính phủ (NGOs), và các nhóm nghiên cứu khác đang điều tra các hành vi vi phạm lao động cưỡng bức đã thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).”
“Các nhà điều tra đã phát hiện ra mối liên hệ giữa một số thương hiệu nổi tiếng và các nhà cung cấp bên thứ ba sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, Trung Quốc. Công ty của quý vị có thể xuất hiện trên các tiêu đề báo chí tiếp theo, đặc biệt nếu quý vị hoạt động trong ngành điện tử hoặc bán lẻ.”
Lao động nô lệ là một hình thức trừng phạt của nhà cầm quyền Trung Quốc. Mặc dù mạng lưới rộng lớn các trại “lao động cải tạo” của đất nước này đã chính thức bị đóng cửa từ nhiều năm trước, nhưng hoạt động này vẫn tiếp diễn ở nhiều cơ sở giam giữ khác. Việc sử dụng hình thức “cải tạo” này đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhưng chính sách đó đã được sử dụng rộng rãi để đàn áp toàn bộ dân chúng và đặc biệt là các tù nhân lương tâm, trong đó có cả Phật tử Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ, tín đồ Cơ Đốc hoạt động ngầm, và các học viên Pháp Luân Công.
Theo UFLPA, 31 công ty đã bị cấm nhập cảng vào Hoa Kỳ vì sử dụng lao động nô lệ ở Tân Cương, nhưng Everstream đã tìm thấy ít nhất 177 công ty khác.
Báo cáo cho biết: “Dự đoán là những điều đó sẽ xuất hiện trên các hãng truyền thông trong năm tới.”
Lĩnh vực sản xuất vi mạch đang trong quá trình chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, nhưng quá trình này sẽ mất thời gian.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times