Hoa Kỳ: Báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân tốt hơn dự kiến báo hiệu nhiều áp lực lạm phát hơn
Báo cáo việc làm mới nhất của khu vực tư nhân có số liệu cao hơn nhiều so với dự báo đồng thuận, cho thấy các lực lạm phát vẫn dai dẳng và sẽ có nhiều áp lực hơn đối với Cục Dự trữ Liên bang trong việc tiếp tục hạ nhiệt nền kinh tế một cách quyết liệt.
Báo cáo nhân dụng quốc gia (ADP) đã loan báo hôm 08/03 rằng lượng việc làm tư nhân của Hoa Kỳ đã tăng thêm 242,000 việc làm vào tháng trước, cao hơn đáng kể so với dự báo đồng thuận là 200,000 vị trí.
Ngoài ra, dữ liệu cho tháng Một đã được sửa đổi lên cao hơn, cho thấy có thêm 119,000 việc làm thay vì chỉ 106,000 việc làm như đã báo cáo trước đó.
Áp lực tăng trưởng tiền lương giảm bớt một chút nhưng vẫn tăng trong tháng Hai, với những người ở lại làm việc được tăng lương 7.2% tính theo năm và những người thay đổi công việc nhận thấy mức tăng 14.3%. Hai con số này đã giảm từ các mức 7.3% và 14.9% tương ứng của tháng Một.
“Hiện có một sự đánh đổi đang diễn ra trong thị trường lao động,” nhà kinh tế trưởng của ADP, ông Nela Richardson, cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến tuyển dụng mạnh mẽ, điều này là tốt cho nền kinh tế và người lao động, nhưng tốc độ tăng lương vẫn còn khá cao. Bản thân việc tăng lương chậm lại một chút không có khả năng đủ để khiến việc lạm phát giảm xảy ra nhanh chóng trong thời gian tới.”
Tăng trưởng tiền lương có xu hướng dẫn đến áp lực lạm phát lớn hơn, với việc các quan chức Cục Dự trữ Liên bang thường xuyên theo dõi các động lực của thị trường lao động để tìm các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Nhưng cho đến nay, các quan chức của Fed đang chứng kiến bằng chứng cho thấy thị trường việc làm vẫn ổn định hơn dự kiến và cùng với đó là lạm phát đang dai dẳng hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong phiên điều trần hôm thứ Ba (07/03) trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện: “Mặc dù tăng trưởng chậm lại, nhưng thị trường lao động vẫn rất thắt chặt.”
Ông Powell nói, “Mặc dù lạm phát đã được kiểm soát trong những tháng gần đây, nhưng quá trình giảm lạm phát xuống 2% vẫn còn một chặng đường dài phía trước và có thể sẽ gập ghềnh,” và đồng thời cho biết thêm rằng việc tăng lãi suất “có khả năng cao hơn” hơn so với dự tính trước đó.
Lãi suất vượt quá 6%?
Trước nhận xét của ông Powell, các nhà giao dịch chủ yếu đã kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản tại cuộc họp ấn định lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào hai ngày 21 và 22/03 tới. Sau nhận xét thể hiện lập trường thắt chặt mạnh mẽ của ông Powell, thì các hợp đồng tương lai của các quỹ liên bang đã tăng giá với mức tăng lớn hơn 50 điểm căn bản.
Trước tình trạng lạm phát tăng vọt, Fed năm ngoái đã tăng chi phí vay với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm, nhưng tháng trước đã giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0.25 điểm phần trăm.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, cho biết: “Fed có thể buộc phải tăng 50 điểm căn bản tại cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang nếu chúng ta nhận được một báo cáo việc làm mạnh mẽ khác.”
Ông nói thêm: “Động lực của nền kinh tế mạnh đến mức chúng ta có thể phải đi đến năm 2024 trước khi lãi suất quỹ liên bang đạt đỉnh.”
Báo cáo của ADP được đưa ra hai ngày trước khi có báo cáo việc làm được theo dõi chặt chẽ của chính phủ, vốn sẽ được công bố vào hôm thứ Sáu (10/03). Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters trên các nhà kinh tế cho thấy việc làm sẽ tăng 203,000 trong tháng trước, giảm từ mức 517,000 của tháng Một.
Mặc dù báo cáo việc làm phi nông nghiệp của tháng Một vượt xa mong đợi, nhưng các chuyên gia cho biết một phần tăng trưởng trong số liệu đó là do sự điều chỉnh hàng năm và thời tiết ấm hơn bình thường.
Chủ tịch Fed đã nhiều lần nói rằng ngân hàng trung ương sẽ phụ thuộc vào dữ liệu để đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ của mình, nhưng các số liệu luôn không ổn định.
Trong một bài diễn văn hồi tháng Hai tại Hoa Thịnh Đốn, ông Powell cho biết ông đã nhìn thấy bằng chứng về việc giảm phát, nhưng lưu ý rằng bằng chứng đó chủ yếu chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàng hóa. Ông nói thêm rằng Fed đang tìm kiếm thêm các dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt trong các lĩnh vực dịch vụ cũng như trong các lĩnh vực như giá thuê căn hộ, được phản ánh trong các số liệu có độ trễ.
Trong phiên điều trần hôm thứ Ba (07/03), ông Powell đã nhắc lại cam kết của Fed trong việc dập tắt áp lực giá cả: “Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng việc thắt chặt nhanh hơn là cần thiết, thì chúng tôi sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất.”
Lợi suất trái phiếu tăng vọt
Kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ đẩy lãi suất lên cao hơn và giữ lãi suất ở đó lâu hơn trước khi nới lỏng đã khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Lợi tức công khố phiếu kỳ hạn 10 năm gần đây đã vượt quá mức 4%, và sau bài diễn văn của ông Powell vào hôm thứ Ba (07/03), lợi suất công khố phiếu kỳ hạn hai năm lần đầu tiên đạt đỉnh 5% kể từ năm 2007.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng có nghĩa là chi phí trả nợ cao hơn, tạo gánh nặng cho người nộp thuế.
Ông William Luther, giám đốc Dự án Tiền tệ Lành mạnh của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER), nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Lợi suất công khố phiếu đã tăng đáng kể trong năm qua, điều đó có nghĩa là chính phủ liên bang ngày càng phải chi ra nhiều tiền hơn chỉ để trả nợ.”
Ông Luther cho biết không có nguy cơ ngay lập tức rằng gánh nặng nợ sẽ trở nên không bền vững, một tình huống mà về mặt kỹ thuật là sẽ xảy ra khi mức lãi suất đã qua điều chỉnh theo lạm phát vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của nền kinh tế một cách vĩnh viễn.
“Chúng ta vẫn còn cách khá xa điểm không thể quay trở lại,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế hiện đang có xu hướng ở mức khoảng 2.25% mỗi năm, trong khi chứng khoán kho bạc được bảo vệ khỏi lạm phát (TIPS) đang giao dịch ở mức khoảng 1.67% đối với kỳ hạn 5 năm và ở mức khoảng 1.60% đối với kỳ hạn 10 năm.
Ngay cả khi những mức lợi suất đó tăng vọt, vượt lên trên tốc độ tăng trưởng dài hạn, thì chính phủ vẫn “có thể sẽ chống chịu được miễn là thị trường cho rằng tình huống đó chỉ là tạm thời.”
Tuy nhiên, mặc dù vỡ nợ sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng ông Luther cảnh báo rằng điều này không nên được xem là “lời kêu gọi nhảy ngay đến bờ vực.”
Ông nói, “Chính phủ càng tiến gần đến kịch bản lợi suất lớn hơn tăng trưởng, thì càng có nhiều khả năng trái chủ từ bỏ trái phiếu chính phủ để chuyển sang các tài sản an toàn hơn.”