Hoa kiều sống sót sau khi bị tra tấn kể với thế giới: Hãy tránh xa Trung Cộng, đảng này ‘giống như chất độc’
Thế giới không bao giờ nên tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), mà thay vào đó hãy nhìn nhận đảng này như đúng bản chất của nó: “nhóm khủng bố và mafia lớn nhất” hành tinh, một cựu tù nhân lương tâm bị bắt nhốt và tra tấn trong gần một thập kỷ vì đức tin của mình đã cảnh báo.
“Giống như chất độc hoặc axit sulfuric, đảng này sẽ gây hại cho quý vị ngay khi quý vị động chạm đến nó,” học viên Pháp Luân Công Vương Vi Vũ (Wang Weiyu) nói với The Epoch Times.
Trong thời gian bị giam giữ tại một loạt các trại giam của Trung Quốc trong những năm 2000, ông Vương đã có trải nghiệm [thiết thân] về việc chế độ cộng sản có thể gây hại nhiều đến mức nào.
Tại những cơ sở này, ông đã phải chịu đựng một loạt các hình thức tra tấn về thể chất cũng như tinh thần, tất cả đều nhằm buộc ông từ bỏ đức tin của mình đối với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
“Mỗi khi quý vị muốn xác định ranh giới đạo đức của họ, quý vị sẽ hối hận vì đã nghĩ như thế và cho rằng mình thật ngây thơ,” ông Vương nói về những kẻ đã tra tấn mình. “Đơn giản là họ không hề có ranh giới. Không có điều gì mà họ không thể làm.”
Chính trong những hang ổ tăm tối này, chế độ cộng sản đã “để lộ bộ mặt thật của nó,” nạn nhân sống sót này cho hay.
Ông Vương, hiện đã ngoài tứ tuần và đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đã trải qua phần lớn tuổi 30 của mình trong các trại giam ở Trung Quốc. Ông đã chia sẻ câu chuyện của mình về cuộc bức hại tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/07.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện bao gồm các bài tập thiền định và một bộ các bài giảng tập trung vào các nguyên lý “chân, thiện, nhẫn,” đã được thực hành công khai tại các công viên và trường học trên khắp Trung Quốc vào những năm 1990. Theo ước tính chính thức vào thời điểm ấy, đến cuối thập niên đó, môn tu tập này đã có từ 70 đến 100 triệu người theo học. Coi sự phổ biến này là mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của mình, Trung Cộng đã phát động một chiến dịch bức hại sâu rộng vào tháng 07/1999.
Không lâu sau đó, ông Vương – khi ấy còn là một nghiên cứu sinh – nhận thấy mình trở thành mục tiêu của một chiến dịch đấu tố kiểu Cách mạng Văn hóa. Hàng chục bạn học của ông đã lần lượt bị buộc phải chỉ trích ông trong hơn hai giờ đồng hồ. Một người bạn thân thời đại học của ông Vương, ông nhớ lại, đã đứng lên và đe dọa sẽ “đâm ông đến chết” nếu ông vẫn giữ vững niềm tin của mình.
“Tôi không hề biết rằng tuyên truyền có thể làm thay đổi một người theo cách đáng kinh ngạc như vậy,” ông nói trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị thượng đỉnh IRF.
Sinh ra ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ông Vương đã bắt đầu thực hành môn tu luyện tinh thần này tại Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh, một trường đại học danh tiếng nơi ông theo học bằng tiến sĩ kỹ sư quang học. Ông Vương nhớ mình đã bị thu hút bởi những bài giảng đạo đức của cuốn “Pháp Luân Công” đến mức ông đã đọc xong cuốn sách dài 330 trang này trong vòng vài giờ mà không cần phải ngồi xuống. Ông và khoảng 500 sinh viên và giáo viên tại Đại học Thanh Hoa đã thiền định hàng ngày theo nhóm trong khuôn viên nhà trường.
Chỉ ba năm trước khi cuộc sống của ông bị đảo lộn do hậu quả của cuộc bức hại, ông Vương đã phải đình chỉ học hai lần và cuối cùng bị đuổi học do niềm tin vào đức tin của mình.
Năm 2002, một nhóm cảnh sát mặc thường phục đã hất văng kính của ông Vương ra khỏi gương mặt ông khi ông đang đi bộ xuống đường và họ đã dẫm đạp lên đầu ông. Ông được đưa đến một cơ sở chính thức được gọi là “trung tâm đào tạo pháp luật,” nhưng được biết đến một cách không chính thức giữa những người bất đồng chính kiến là một trung tâm tẩy não. Ngày đầu tiên ở đó, bốn hoặc năm “huấn luyện viên” đã sốc điện ông trong khoảng 11 giờ. Họ gây sốc trên tất cả các bộ phận của thân thể ông, kể cả mười đầu ngón tay. Một trong những lính canh, một người đàn ông cao 6 foot 5 inch (khoảng 1.96 m), đã ấn dùi cui cùng lúc vào [cùng] một chỗ [trên thân thể ông], cho đến khi chiếc dùi cui này hết điện.
Ông Vương đã ngất đi vì bị điện giật, ông nói.
Ông nghĩ rằng mình sẽ chết.
“Ban đầu sàn nhà khô ráo, nhưng khi quý vị bước ra, quý vị sẽ lảo đảo bước đi trên một vũng nước,” ông nói. Tất cả đều là mồ hôi của ông Vương trong buổi tra tấn.
“Có thể quý vị đã từng thấy cách họ đánh các học viên trong các bộ phim tài liệu hoặc phim ảnh. Tôi nói với quý vị, cho dù nó thực tế đến đâu, nó chỉ cho thấy không đến 5% những gì đã thực sự xảy ra.”
Trong sáu tháng tiếp theo, ông bị đưa vào một phòng giam đơn, nơi ông bị giám sát chặt chẽ. Ban ngày, ông bị bắt phải ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu nhỏ hẹp. Ban đêm, ông chìm vào giấc ngủ cùng với những âm thanh đánh đập và la hét từ những nạn nhân bị tra tấn.
Sau đó, ông Vương bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ và cả các nhà tù. Tại tất cả các cơ sở trên, các hình thức đối xử đặc biệt tàn bạo đã được dành riêng cho những người bị giam giữ là các học viên Pháp Luân Công. Các tù nhân, bao gồm cả trẻ vị thành niên, được khuyến khích tham gia vào các hành vi bạo lực đối với các học viên. Trong khi đó, thể hiện lòng tốt đối với họ sẽ có nguy cơ bị trừng phạt.
Tại Trung tâm giam giữ Triều Dương ở Bắc Kinh, ông Vương từng tình cờ nghe các bác sĩ thảo luận về một phương pháp tra tấn phổ biến gọi là bức thực, một thủ thuật thường được sử dụng đối với các tù nhân tuyệt thực bằng cách luồn một đường ống qua mũi của một người vào dạ dày [của người đó]. Một y tá, vẫn trong độ tuổi đôi mươi, đã hỏi bác sĩ cách luồn ống như thế nào để gây thêm đau đớn cho các học viên.
Ông Vương cũng nhận thấy một số cai ngục ở trung tâm này đang nghiên cứu sách về bệnh nhân tâm thần, chỉ có điều mục tiêu của họ không phải là để chữa bệnh cho những người bị giam giữ, mà là để tìm ra cách để “khiến quý vị phát điên,” ông nói.
Trong khoảng thời gian ở một nhà tù tại Bắc Kinh, ông Vương và các bạn tù bị biến thành “những nô lệ thời hiện đại.” Họ trồng củ cải, gói kẹo và làm những chiếc cốc giấy muffin. Bạn của ông Vương, khi đang khâu các mảnh của một quả bóng thể thao, đã vô tình đâm vào mắt và vĩnh viễn mất đi thị lực.
“Nếu bất kỳ nhóm quốc tế nào đến, những gì họ có thể thấy là một nhà tù tuyệt đẹp và những gì họ có thể nghe chỉ là những lời khen ngợi,” ông Vương nhớ lại khi một cai ngục khoe khoang. Trong một chuyến tham quan kiểm tra hiếm hoi, một nữ thanh tra đã cố gắng tiếp cận ông Vương, nhưng một cai ngục đã nhanh chóng chạy về phía họ và ngăn họ lại.
Sau khi trốn sang Hoa Kỳ vào năm 2013, ông Vương nhìn thấy cơ hội để tạo ra sự khác biệt từ bên ngoài.
Ông nhớ một cai ngục, người bị ngập trong những lá thư từ đến từ nước ngoài yêu cầu ông ta ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công, đã nói với ông Vương rằng hãy làm cho những lá thư đó đừng đến nữa.
Đó là một khoảnh khắc mang tính khai sáng đối với ông Vương. Ông nhận ra rằng “rốt cuộc thì họ cũng sợ điều gì đó,” ông nói trong bài phát biểu. “Bóng tối luôn sợ hãi khi bị phơi bày ra ánh sáng.”
Do Eva Fu thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: