Hòa giải giữa Nam Hàn và Nhật Bản về lao động cưỡng bức trong Đệ nhị Thế chiến có thể báo hiệu một liên minh mạnh hơn chống lại Trung Quốc cộng sản
Hôm 06/03, chính phủ Nam Hàn công bố một kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân Nam Hàn bị những công ty Nhật Bản cưỡng bức lao động trong Đệ nhị Thế chiến. Chính phủ Nhật Bản hoan nghênh đề nghị này và mời Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol thăm Nhật Bản vào giữa tháng Ba để dự cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Tổng thống Joe Biden cũng nói sự việc này đánh dấu một chương mới trong quan hệ hợp tác và đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Á Châu.
Kế hoạch được công bố là Nam Hàn sẽ sử dụng quỹ địa phương để bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thay vì buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường. Năm 2018, Tối cao Pháp viện Nam Hàn ra phán quyết ủng hộ việc bồi thường của các công ty Nhật Bản được hưởng lợi từ lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định mọi vấn đề bồi thường đã được giải quyết đầy đủ dựa trên luật pháp quốc tế theo hiệp ước năm 1965 giữa hai nước. Mối bang giao giữa Nam Hàn và Nhật Bản đã xấu đi kể từ đó.
Hôm 06/03, tờ Nikkei News của Nhật Bản đưa tin rằng sự thay đổi chính sách mang tính lịch sử của Nam Hàn trong vụ kiện bồi thường này có liên quan đến Chiến tranh Nga-Ukraine, mối bang giao Mỹ-Trung xấu đi, và tình hình an ninh ở Đông Á.
Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin nói: “Nam Hàn có thể hợp tác với nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia chia sẻ các giá trị chung về dân chủ tự do, nền kinh tế thị trường, pháp quyền, và nhân quyền, vì lợi ích chung của hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và thế giới.”
Cùng ngày, ông Yoon cho biết chính phủ của ông đã đưa ra quan điểm về các yêu sách liên quan đến lao động cưỡng bức đối với Nhật Bản trước nhiều thách thức nhằm thúc đẩy bang giao tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.
Sự hồi sinh của khối chống cộng ba bên
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cũng phản hồi đề nghị này, nói rằng: “Chúng tôi hoan nghênh các biện pháp do chính phủ Nam Hàn công bố hôm nay nhằm khôi phục mối bang giao lành mạnh giữa Nhật Bản và Nam Hàn.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng ca ngợi việc hai quốc gia này đã có dũng khí để giải quyết các vấn đề của họ và tiến tới mối bang giao tốt đẹp hơn.
Hôm 07/03, nhà bình luận các vấn đề thời sự Thạch Sơn (Shi Shan) nói với The Epoch Times rằng mối bang giao tốt đẹp hơn giữa Nhật Bản và Nam Hàn báo hiệu sự hồi sinh của liên minh ba bên giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn để chống lại mối đe dọa từ một Trung Quốc cộng sản ngày càng hiếu chiến. Chính phủ Nam Hàn tiền nhiệm đã làm suy yếu mối quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật Bản bằng cách khơi lại cuộc tranh cãi lịch sử này giữa hai nước.
Khôi phục bang giao Nhật-Hàn trước những mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Hàn
Sau khi đắc cử năm 2022, ông Yoon bày tỏ mong muốn cải thiện mối bang giao giữa Nhật Bản và Nam Hàn. Một bản tin của Nikkei News hôm 06/03 cho rằng Nhật Bản đã nhận thấy Nam Hàn nâng cao các cảnh báo về các hành vi gây hấn từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn, khiến cựu Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đến thăm Nam Hàn vào tháng 11/2022 và gặp ông Yoon để kiểm tra quyết tâm cải thiện mối bang giao giữa hai quốc gia của ông.
Vào thời điểm đó, ông Yoon nói với ông Aso rằng: “Tôi mong muốn cải thiện mối bang giao Hàn-Nhật ngay cả khi tỷ lệ tín nhiệm của tôi giảm 10%. Tôi tin rằng việc giải quyết những vấn đề này càng sớm càng tốt sẽ có lợi cho tương lai của Nam Hàn về lâu dài.”
Hôm 01/03, trong một buổi lễ kỷ niệm ngày Nam Hàn độc lập khỏi ách thống trị của Nhật Bản, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã thay đổi giọng điệu so với các tổng thống Nam Hàn tiền nhiệm, những người đã yêu cầu Nhật Bản xin lỗi vào ngày này về vụ những phụ nữ mua vui, và thay vì yêu cầu một lời xin lỗi, ông đã tỏ ý sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản.
“Ngày nay, Nhật Bản đã chuyển từ một cường quốc thuộc địa quân phiệt trong quá khứ thành một đối tác khu vực quan trọng của Nam Hàn có chung các giá trị và có thể cùng hợp tác trong các vấn đề an ninh, thương mại, và các sự vụ toàn cầu,” ông nói trong bài diễn văn của mình.
Đương kim Tổng thống Nam Hàn cho rằng trong bối cảnh xáo trộn địa chính trị hiện nay ở Đông Bắc Á, điều quan trọng là phải thay đổi chiến lược trước đây vốn duy trì thế cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và tham gia chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ đứng đầu.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times