Hoa cúc chi – Trà vàng tiến vua
Hoa cúc chi (kim cúc), từ xưa vốn được xem là một loại trà quý để dâng lên vua chúa thưởng thức, nên còn được gọi là trà tiến vua.
Chi Cúc (danh pháp Chrysanthemum) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “chrysos” (nghĩa là “vàng”) và “anthemon” (nghĩa là “hoa”), được trồng tại Trung Quốc từ 1,500 năm trước Công Nguyên (TCN). Không chỉ làm hoa trang trí, cúc chi còn làm thuốc chữa bệnh, làm phong phú cho đời sống ẩm thực và thậm chí là làm thuốc trừ sâu. Hoa cúc cũng in đậm dấu ấn vào văn hóa của nhiều quốc gia.
Một dược liệu quý
Hoa cúc có công dụng như một loại thảo mộc. Người xưa tin rằng loài hoa có khả năng chịu đựng thời tiết rất lạnh này chắc chắn đã thu hút “linh hồn của trời đất” – chắc chắn có lợi cho sức khỏe.
Một cuốn sách từ thời nhà Hán (206-220 TCN) cho biết, xưa có một ngôi làng tên là Gangu ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, nơi người dân uống nước từ một con suối gần đó có chứa những cánh hoa cúc. Những cánh hoa đã rơi xuống dòng suối trên núi và tất cả dân làng đều sống rất thọ, có người lên tới 130 tuổi.
Theo Đông y, hoa cúc chi có vị đắng nhẹ, tính mát, nên hoa cúc được coi là một thức uống thảo mộc giúp giải nhiệt rất được ưa chuộng. Loại trà này giúp người uống giữ đầu óc tỉnh táo. Y học Trung Hoa cho rằng trà hoa cúc có khả năng làm sạch gan và mắt. Gan gắn với hành Mộc điều khiển mắt, gắn liền với sự bực dọc và căng thẳng (“can chủ nộ”). Người ta tin rằng trà có tác dụng chữa đau mắt do căng thẳng hoặc do mất cân bằng âm (thiếu nước). Trà cũng được dùng để chữa chứng mắt nhìn mờ hay nhìn thấy đốm, suy giảm thị lực hoặc hoa mắt chóng mặt.
Đào Hồng Cảnh (456–536), là một nhà giả kim, nhà thiên văn học, nhà thư pháp, tướng quân, nhạc sĩ, bác sĩ và dược sĩ người Trung Quốc cũng khuyến khích mọi người ăn cánh hoa cúc. Trong Đông y, hoa cúc được đánh giá cao về các đặc tính y học. Nhiều cuốn sách về thảo mộc mô tả hoa cúc có thể giúp trẻ hóa và kéo dài tuổi thọ.
Ngày nay vẫn có thể thấy phụ nữ Á Đông uống trà hoa cúc thay vì cà phê. Trà hoa cúc từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông như để tăng cường sức khỏe và làm dịu một số triệu chứng bệnh thông thường.
Tại Việt Nam, giống hoa cúc làm trà phổ biến là trà hoa kim cúc, cúc chi: Là loại hoa cúc nhỏ, màu vàng, cánh hoa nhỏ, đan chặt vào nhau, thường nở từ tháng Mười đến tháng Mười Hai dương lịch. Với hàm lượng dược tính cao, hoa cúc chi là một trong những giống hoa tốt nhất để làm trà.
Trà hoa cho ngày Tết
Với khả năng thanh nhiệt, thải độc, mát gan, hỗ trợ tiêu hóa, trà hoa cúc thích hợp dùng trong ngày Tết, nhất là sau khi ăn nhiều thực phẩm chiên rán và các đồ uống có cồn hại gan mật.
Hoa cúc chứa nhiều thành phần hoạt tính có lợi như tinh dầu, tannin, chất nhầy, flavonoid, chất đắng, acid hữu cơ, chất nhựa và inulin, … Những thành phần này được tìm thấy ở tất cả bộ phận của cây và tốt cho sức khỏe.
Trà cúc có thể uống bất cứ thời điểm nào trong ngày. Trà cúc có màu vàng ngả nâu đậm, tỏa hương thơm dịu, có đắng nhẹ mà thanh. Trà hoa cúc chi sẽ ngon hơn nếu kết hợp với các loại thảo mộc khác như cỏ ngọt, táo đỏ, kỳ tử, cam thảo, mật ong, …
Khi pha trà, thả vài bông cúc vào bình nước nóng, ngâm vài phút cho hoa nở, nước trà hoa cúc có hương thơm nhẹ nhàng và hương vị ấm áp, dễ chịu khiến tinh thần như được thư giãn.
Trà hoa cúc thanh nhiệt vào mùa hè và ấm nồng vào mùa đông. Thường xuyên uống trà hoa cúc giúp ích khí, lưu thông máu, làm chậm quá trình lão hóa. Có lẽ bởi thế mà từ xưa, trà hoa cúc luôn loại trà yêu thích của nhiều đạo sĩ.
An Nam thực hiện