Hộ chiếu Hồng Kông xếp hạng thứ 18 toàn cầu về quyền tự do đi lại
Nhật Bản đứng thứ nhất, Vương quốc Anh đứng thứ 6, và Đài Loan đứng thứ 34
Theo bảng xếp hạng mới nhất của công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners có trụ sở tại London, hộ chiếu Hồng Kông xếp hạng thứ 18 trong số các giấy chứng thực du lịch tự do nhất thế giới, với quyền nhập cảnh không gặp trở ngại tới 171 điểm đến.
Hộ chiếu Nhật Bản một lần nữa xếp hạng đầu tiên, đem đến quyền nhập cảnh tự do lên đến 193 quốc gia.
Singapore và Nam Hàn cùng ở vị trí thứ hai với quyền tự do nhập cảnh vào 192 nước. Người có hộ chiếu từ hai nước này có thể đến thăm 192 điểm đến với quyền truy cập miễn thị thực hoặc thị thực theo yêu cầu trên toàn thế giới.
Đài Loan xếp hạng thứ 34 với 145 điểm đến miễn thị thực, trong khi Trung Quốc xếp thức 69 với 80 điểm đến miễn thị thực.
Được công bố hôm 19/07, báo cáo hàng quý này xếp hạng hộ chiếu của mỗi quốc gia dựa trên số lượng điểm đến mà người chủ của hộ chiếu có thể tiếp cận mà không cần xin thị thực trước. Chỉ số Hộ chiếu Henley so sánh khả năng tiếp cận miễn thị thực của 199 hộ chiếu khác nhau với 227 điểm đến du lịch.
Vương quốc Anh và Hoa Kỳ lần lượt xếp thứ sáu và thứ bảy với quyền truy cập dễ dàng đến 187 và 186 quốc gia.
Canada, Úc, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, và Malta đều cùng nằm ở vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng.
Trong một thông cáo công bố bảng xếp hạng hôm 19/07, Henley & Partners cho biết nghiên cứu được thực hiện bằng cách so sánh quyền truy cập miễn thị thực của một quốc gia với điểm Chỉ số Hòa bình Toàn cầu cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa quyền lực hộ chiếu của một quốc gia và tình trạng hòa bình của quốc gia đó.
Bị xếp hạng thấp nhất
Các nước xếp hạng thấp nhất hầu hết là các quốc gia phi dân chủ, với Afghanistan có điểm số thấp nhất với 27 điểm đến có sẵn được miễn thị thực hoặc xin thị thực khi đến.
Ông Stephen Klimczuk-Massion, một thành viên của Trường Kinh Doanh Saïd của Đại học Oxford, cho biết trong bản phát hành này rằng giá trị của một hộ chiếu đang mang một ý nghĩa mới trong tình hình gia tăng hỗn loạn toàn cầu bởi các tác nhân như đại dịch, chiến tranh, lạm phát, và bất ổn chính trị.
Ông nói: “Bây giờ hơn bao giờ hết, nếu nghĩ rằng hộ chiếu chỉ đơn thuần là một giấy thông hành cho phép quý vị đi từ điểm A đến điểm B thì thật sai lầm.”
“Sức mạnh hay điểm yếu tương đối của một hộ chiếu quốc gia cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người mang hộ chiếu và thậm chí có thể là vấn đề sinh tử trong một số trường hợp.”
Dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thông cáo này cũng lưu ý rằng những người mang hộ chiếu với sự tiếp cận toàn cầu lớn nhất, cụ thể là những người đến từ khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, là những người “bị hạn chế nhất và không sẵn lòng hưởng quyền tự do đi lại của họ.”
Thông cáo cho biết, nhu cầu của hành khách quốc tế ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương mới chỉ đạt 17% so với mức trước đại dịch COVID. Trong hai năm qua, nhu cầu trong khu vực này dao động ở mức khoảng 10%, trong khi Âu Châu và Bắc Mỹ đã phục hồi đến khoảng 60% mức độ du lịch quốc tế so với trước đại dịch.
Bản tin có sự đóng góp của Bogdan Diordiev.