Hiểu về đức Khiêm tốn và tính Chính trực qua hai bức tranh Trung Hoa cổ
Những vụ bê bối luôn có sức hấp dẫn và lôi cuốn đối với chúng ta. Ngày nay khi những vụ tai tiếng thường được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, thì người Trung Hoa cổ lại sử dụng những sự kiện như vậy để truyền đạt những bài học về đạo đức thông qua nghệ thuật. Những vụ việc ấy trở nên vượt thời gian nhờ nghệ thuật đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tư tưởng và giá trị thời Trung Hoa cổ vẫn còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Trong triều đại nhà Minh (1368-1644), các họa sĩ thường mô tả phụ nữ theo một mô típ phổ biến. Trong số các họa sĩ này, Đường Dần (1470-1524) và Cừu Anh (1494-1552), cả hai đều là “Tứ đại Minh gia”, đã lấy cảm hứng từ các vụ bê bối trong quá khứ của các cung tần và kỹ nữ để làm chủ đề cho các tác phẩm của họ.
Đi theo chủ nghĩa tượng trưng và những câu chuyện ngụ ngôn vượt ra ngoài việc miêu tả nhan sắc của giai nhân, đại danh họa Đường Dần và Cừu Anh đã mang đến cho người Trung Hoa cổ cơ hội để suy ngẫm về các nhân vật của chính họ và những bức tranh của họ như một lời nhắc nhở về việc duy trì đức tính chính trực.
Một cuộc hẹn hò
“Đào Cốc tặng từ đồ” (Đào Cốc tặng thơ – Tao Gu Presents a Poem) của danh họa Đường Dần mô tả cuộc gặp gỡ dường như trong sáng giữa Đào Cốc với một kỹ nữ. Bối cảnh tại triều đại nhà Tống (960 – 1279) lần đầu tiên thiết lập mình như một quyền lực trung tâm, và Ngũ Đại Thập quốc (908–979) đang tan rã.
Đào Cốc (903-970) là một quan viên triều đình nhà Tống và từng là sứ giả của Nam Đường (937-975), một trong Thập quốc. Với xuất thân như trên, Đào Cốc luôn tỏ ra kiêu ngạo khi đối mặt với nhà vua xứ Nam Đường là Lý Hậu Chủ.
Bị xúc phạm bởi sự xấc xược của Đào Cốc, Lý Hậu Chủ đã lập một kế hoạch nhằm vạch trần hành vi trơ tráo của Đào Cốc. Nhà vua đã cử một kỹ nữ nổi tiếng có tên là Tần Nhược Lan để quyến rũ Đào Cốc khi ông ta đang tuần hành đến Nam Đường.
Kỹ nữ như Tần Nhược Lan là những ca kỹ để mua vui, không bị ràng buộc bởi hôn nhân. Là những hầu nữ chuyên nghiệp, thành thục cầm kỳ thi họa, vai trò chính của họ là sử dụng tài năng của mình mua vui cho khách trong chốn quan trường.
Trong bức tranh, Đào Cốc và Tần Nhược Lan được miêu tả đang ở giữa buổi hẹn hò trong một khu vườn. Tuy nhiên, Đào Cốc không biết Tần Nhược Lan có thân phận kỹ nữ vì nàng cải trang thành con gái của một vị quan.
Nàng mặc một bộ váy thêu, ngồi vắt chéo chân duyên dáng chơi đàn Tỳ Bà – nhạc cụ truyền thống bốn dây, hình quả lê – gắn liền với các kỹ nữ.
Thoạt nhìn, cuộc gặp gỡ của họ có vẻ như đứng đắn nhưng nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy điều ngược lại.
Đào Cốc vừa chăm chú ngắm nhìn mỹ nhân vừa nghe tiếng đàn, bên cạnh ông là bút lông và vài mảnh giấy.
Chuyện kể rằng ông say mê nhan sắc của nàng và đắm chìm trong tiếng nhạc nên đã sáng tác một bài thơ để tặng mỹ nhân. Bởi vì các kỹ nữ bị xã hội kỳ thị và có địa vị thấp kém nên hành vi này sẽ bị coi là không hợp với khuôn phép và vi phạm các nghi thức của Trung Quốc thời ấy.
Nghệ thuật tượng trưng trong các chi tiết
Danh họa Đường Dần đã khắc họa sự tình tứ của buổi gặp gỡ với những chi tiết đầy tinh tế. Phía sau Tần Nhược Lan là một bức bình phong đặt hai người trong một không gian tách biệt. Phía dưới bên trái có một trẻ nhỏ nấp sau mấy tảng đá trong vườn để nghe trộm cuộc chuyện trò nói lên bản chất mờ ám của tình huống. Một ngọn nến cháy giữa hai người càng làm nổi bật vẻ bí mật của cuộc hẹn và cho thấy rằng màn đêm đã buông xuống.
Ngoài ra, các họa tiết sân vườn được vẽ tỉ mỉ lồng ghép vào khung cảnh. Cặp đôi ngồi bên dưới cây liễu, những tán lá đung đưa là biểu tượng cho mái tóc của người con gái. Ở phía trước, vài cây chuối mọc lên từ đất tượng trưng cho vẻ đẹp của cô gái.
Đường Dần cũng vẽ vài nhánh trúc ở rìa phải của bức tranh. Mặc dù trúc gắn liền với giá trị của sự chính trực, nhưng ở đây nó lại nằm cách xa khung cảnh chính, biểu thị hành vi không phù hợp của Đào Cốc.
Câu chuyện kết thúc vào ngày hôm sau khi vua Nam Đường, Lý Hậu Chủ, tổ chức yến tiệc chào mừng Đào Cốc. Một lần nữa, Đào Cốc lại mang vẻ trịch thượng và tự phụ. Lý Hậu Chủ sau đó đã yêu cầu Tần Nhược Lan đến và tấu diễn một khúc nhạc có lời mà Đào Cốc đã viết tặng nàng. Bị chế giễu trước mặt mọi người vì một kỹ nữ, Đào Cốc đã mất phẩm giá và cảm thấy bị sỉ nhục. Ngay sau đó, ông bị giáng chức.
Vì vậy, bức tranh này cho thấy tầm quan trọng của đức khiêm tốn trong Nho Giáo cổ. Ở Nam Đường, Đào Cốc tự cho mình ở trên tất cả mọi người vì ông đến từ một nước hùng mạnh. Tuy nhiên, hành động trịch thượng của ông không khiến ông được tôn trọng, mà ngược lại, nó khiến nhân phẩm ông bị hạ thấp và dẫn đến kết cục không may.
Khổng Tử nói: “Khiêm tốn là nền tảng vững chắc của mọi đức tính.” Đúng vậy, người Trung Quốc cổ đại tin rằng một người đứng đầu theo Nho Giáo cần phải khiêm tốn, đồng cảm và không tự phụ, đồng thời là người biết lắng nghe và hiểu được mong muốn của mọi người. Chỉ với những phẩm chất này người lãnh đạo mới có thể thực sự có ảnh hưởng và truyền cảm hứng.
Chân dung của sự chính trực
Bức tranh “Hán Cung Xuân Hiểu” (Buổi sáng mùa xuân ở cung điện nhà Hán – Spring Morning in the Han Palace) của đại danh họa Cừu Anh là một bức họa dài tái hiện hình ảnh hậu cung của các cung tần triều đại nhà Hán (206 TCN – 220 CN). Cuộn tranh mở ra từ bên trái là cổng của cung điện nhà Hán, rồi dẫn người xem đi qua các kiến trúc nguy nga, sân vườn sang trọng với cây cối và vườn đá nằm xen kẽ giữa các tòa nhà. Vài cảnh đầu cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về cuộc sống xa hoa của các cung tần với những trò tiêu khiển nhàn nhã khác nhau.
Trong khuôn viên ngoại cung, một cung tần cùng các con đang tựa vào lan can ngắm cá trong hồ. Đôi chim công nhởn nhơ đi lại trong sân nhận thức ăn từ một cung nữ ném cho.
Tại đây, các cung tần đang tụ tập hát ca và chơi các nhạc cụ như đàn nguyệt và đàn tỳ bà. Một cung tần đang chỉnh và lên dây cho cây đàn cổ tranh, người khác đang mở đàn và chuẩn bị hòa tấu. Bên phải có hai cung tần đang thưởng trà, những người còn lại dường như đang nhảy múa theo khúc nhạc.
Địa vị của các cung tần có thể được phân biệt bằng kiểu tóc; phi tần ở địa vị cao hơn có kiểu tóc cầu kỳ hơn với trâm cài tóc bằng ngọc và vàng, còn các cung nữ có kiểu tóc đơn giản hơn.
Di chuyển xa hơn dọc theo lối đi, chúng ta thấy một cung tần đang đi lên bậc thang trên tay là một cây Sanh, một loại nhạc cụ Trung Quốc được làm từ nhiều ống sậy. Tư thế và cách cô vấp ngã biểu thị tập tục bó chân truyền thống. Phía bên trái, một số người đang xếp hoa, hai cung tần phía bên trên đang cùng đọc nhau đọc sách.
Trong một cảnh khác, nhóm cung tần nhàn nhã chơi cờ vây. Phía bên trái, một nhóm khác đang cuộn tấm lụa mới dệt. Ngay ở phía trên là những người đang dệt một tấm thảm có họa tiết tinh xảo. Bên cạnh họ là một người mẹ đang chơi đùa cùng hai con.
Sự dối trá
Những miêu tả trên đây thể hiện sự hòa thuận trong cuộc sống cung đình. Nhưng cảnh tiếp theo cho thấy sự tranh đấu chốn hậu cung. Cừu Anh đã tái hiện câu chuyện kể về các thê thiếp của hoàng đế Nguyên Đế trong triều đại nhà Hán.
Theo sử ký, Hán Nguyên Đế sẽ chọn phi tần dựa trên những bức chân dung của họ và cũng qua đó sẽ quyết định ai là người được chọn thị tẩm.
Vụ bê bối liên quan đến một cung tần.
Mong muốn có được ân sủng của hoàng đế, các cung tần thường hối lộ họa sĩ triều đình tên là Mao Diên Thọ để ông ta vẽ chân dung cho mình đẹp hơn thực tế. Cung nữ Vương Chiêu Quân với tấm lòng ngay thẳng đã từ chối việc hối lộ cho họa sĩ. Để trả thù, Mao Diên Thọ đã vẽ nàng rất xấu xí với những nốt ruồi trên mặt.
Trong bức tranh, Vương Chiêu Quân ngồi trước bức bình phong khi họa sĩ vẽ chân dung của nàng. Các cung tần khác ở bên cạnh cãi vã và nói chuyện phiếm với nhau khi xem ông vẽ.
Một cung tần mang lòng đố kỵ lén đứng sau bức bình phong để theo dõi. Hai thái giám ở phía trước cùng trò chuyện với nụ cười nhếch mép trên khuôn mặt, như thể họ biết được các khoản hối lộ và sự gian dối của Mao Diên Thọ. Thái giám là những người đàn ông bị tịnh thân để bảo đảm các cung tần chốn hậu cung không có quan hệ bất chính với bất kỳ ai ngoài hoàng đế.
Chuyện kể rằng với bức chân dung xấu xí của Vương Chiêu Quân nàng đã không được Hán Nguyên Đế để mắt tới và nàng chịu cảnh làm một cung nữ có thân phận thấp kém.
Một ngày nọ, thủ lĩnh của Hung Nô từ phương bắc đến triều đình nhà Hán để kết mối giao bang thông qua hôn nhân. Hoàng đế thấy rằng Hung Nô là một miền đất nhỏ đầy những con người lỗ mãng, nên chọn Vương Chiêu Quân làm cô dâu vì cho rằng nàng là người kém hấp dẫn nhất trong số các cung tần của mình. Tuy nhiên, chỉ khi nàng được triệu kiến, Hán Nguyên Đế mới nhận ra rằng nàng thực sự là một đại mỹ nhân. Nhưng đã quá trễ, mọi chuyện đã được an bài. Quá tức giận trước sự gian dối của Mao Diên Thọ, Nguyên Đế ra lệnh xử trảm tên họa sĩ.
Phong cảnh này trong họa phẩm cảnh báo tội hối lộ và nhấn mạnh ý nghĩa của các giá trị công lý và lẽ phải trong Nho Giáo. Vì nhận hối lộ mà làm tổn hại đến cơ hội của Vương Chiêu Quân, người họa sĩ cũng đã tự quyết định số phận của mình.
Khổng Tử có câu: “Quân tử hiểu rõ là đạo nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ là lợi ích”. Tư tưởng của Nho Giáo chú trọng đến đạo đức để đưa ra các quyết định dựa trên trách nhiệm làm điều thiện chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân. Chỉ có tấm lòng nhân đức mới có được vẻ đẹp trong nhân cách.
Mike Cai tốt nghiệp Học Viện Nghệ Thuật Phi Thiên New York và Đại Học California – Berkeley.
Mike Cai
Phương Du biên dịch
Xem thêm: