Hiến pháp Mỹ và nền Cộng hòa – Chính phủ của tôn giáo và đức hạnh
Kỳ 1: Hiến pháp Mỹ và nền Cộng hòa – Chính phủ của tôn giáo và đức hạnh Kỳ 2: Tối cao Pháp viện: Cuộc chiến Hiến Pháp và các giá trị Mỹ |
Năm xưa khi Benjamin Franklin rời khỏi hội nghị về Hiến pháp, một phụ nữ đã đến hỏi ông rằng: “Ngài đã để lại cho chúng tôi những gì?” Franklin ngay lập tức trả lời: “Một nền Cộng hòa, thưa bà, nếu bà và con cháu bà có thể bảo vệ được nó”.
Hiến pháp Hoa Kỳ đã thiết lập một chính phủ Cộng hòa đầu tiên trên thế giới
Hiến pháp Hoa Kỳ là bộ luật tối cao của Hoa Kỳ được soạn thảo ngày 17 tháng 9 năm 1787, dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập giữa nhánh Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Tổng thống) và Tư pháp (Tòa án).
Cùng với Tuyên ngôn Độc lập viết năm 1776, bản Hiến pháp này đã thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản của người Mỹ trong việc xây dựng nhà nước Cộng hòa đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại.
Hiến pháp Hoa Kỳ là bản Hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi được hiệu lực năm 1789, nó đã được tham khảo nhiều lần để làm mô hình cho các Hiến pháp của những quốc gia khác.
Nhà nước Cộng hòa là gì?
Nền cộng hòa Republic bắt nguồn từ chữ “representatives” tức là cai trị bởi những người đại diện cho dân, chính phủ được lập ra bởi nhân dân, và hoạt động để bảo vệ lợi ích người dân, đảm bảo cho người dân được thừa hưởng các quyền mà Chúa ban và Luật tự nhiên chi phối. (“The laws of Nature and laws of Nature’s Gods” là những dòng đầu tiên của Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và được coi là hiển nhiên)
“Để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an toàn và hạnh phúc của họ.” (Trích Tuyên ngôn Độc lập Mỹ)
Việc sinh ra Hiến pháp để quản lý chính phủ, hạn chế quyền lực của tổng thống và chia sẻ quyền lực của chính phủ để kiểm soát lẫn nhau. Hiến pháp không quản lý nhân dân mà cấp quyền cho nhân dân kiểm soát chính phủ.
Câu hỏi đặt ra là, nếu chính phủ Cộng hòa không cai trị nhân dân, thì ai quản lý nhân dân? Nếu người dân ai cũng “tự do” định nghĩa quyền của mình theo bất cứ cách hiểu nào tùy ý như phe cấp tiến cổ xúy, thì chẳng phải xã hội sẽ đại loạn bất trị?
Trong chính phủ Cộng hòa ai cai trị nhân dân?
“Government” có nghĩa là chính quyền hoặc sự cai trị. Sự cai trị luôn có 2 phần: cai trị từ bên ngoài và cai trị bên trong.
Cai trị bên ngoài được thực hiện cưỡng chế thông qua các luật lệ do nhà nước tạo ra, và thực thi bằng hệ thống công an và nhà tù. Sự cai trị bên ngoài được thực thi bởi luật pháp.
Nhưng luật pháp có thể trừng trị khi công dân vi phạm chứ không ngăn cản họ không phạm tội, luật pháp có tính răn đe nhưng không thể khiến họ không phạm tội, vậy mới sinh ra luật pháp để trừng trị khi con người phạm tội.
Vậy điều gì có thể ngăn con người không phạm tội?
Đó là lương tâm, khi con người tự cai trị mình từ bên trong.
Cai trị bên trong được điều khiển bởi đạo đức, lương tâm, làm theo những luật của Tự nhiên và của Đấng Tạo hóa (The laws of nature and laws of nature’s Gods – Tuyên ngôn Độc lập).
Con người tự nguyện tuân thủ các quy luật đó, không làm điều gì trái với đạo lý (Thiên đạo – Luật Tự nhiên). Đó cũng chính là các giá trị phổ quát tạo nên nền tảng đạo đức giúp con người nhận biết thế nào là thiện ác tốt xấu.
Khi con người có thể tự cai trị được chính mình bằng lương tâm, đạo đức sẽ ít cần sự cai trị cưỡng chế từ bên ngoài. Tự cai trị bằng lương tâm bắt nguồn từ tôn giáo và giáo dục đạo đức, các giá trị phổ quát, các luật của Tự nhiên và lời răn của Chúa. Nếu không thể cai trị bằng lương tâm được thì cách cai trị dựa vào bên ngoài, mô hình cai trị sẽ là nhà tù, được điều khiển bằng nỗi sợ hãi, bạo lực, trừng phạt.
Đó là lý do mà các vị quốc phụ Hoa Kỳ đã xác lập quốc gia dựa trên quyền tối cao thuộc về Chúa, chứ không phải chính phủ chuyên chế. Bởi vì những người lãnh đạo cao nhất cũng phải tự cai trị mình từ bên trong. Sẽ ra sao khi những người nắm quyền lãnh đạo hành pháp, lập pháp, tư pháp lại không có đạo đức?
Người lãnh đạo chỉ có thể bảo vệ các quyền của người dân, các quyền Chúa ban khi chính họ có nền tảng đạo đức cao quý. Khi một đất nước không thể tự cai trị bằng lương tâm thì chính phủ sẽ là độc tài chuyên chế và cơ chế pháp luật sẽ phức tạp để xử lý các vấn đề vì người dân không thể tự cai trị tốt mình. Dân chủ cũng không thể sinh ra từ một nhà nước như thế.
Ông Dr. Earl Taylor, một chuyên gia về các vấn đề chính trị và Hiến pháp Mỹ sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ và Hiến pháp nước Mỹ đã đúc kết ra 28 nguyên tắc cơ bản hình thành nên tự do dân chủ ở Mỹ. Những nguyên tắc này cũng sẽ là tương đồng cho bất kỳ quốc gia nào mong muốn có được tự do và dân chủ thực sự.
Trong đó có những nguyên tắc sau:
- Nước Mỹ là một nền Cộng hòa.
- Cơ sở đáng tin cậy duy nhất cho các mối quan hệ tạo nên chính phủ tốt và con người chính nghĩa là luật tự nhiên.
- Một dân tộc tự do không thể tồn tại dưới một nền Hiến pháp cộng hòa nếu họ không giữ vững đạo đức và nhân cách.
- Phương pháp tốt nhất để đảm bảo một dân tộc có đạo đức và nhân cách là bầu chọn lên những lãnh đạo có đạo đức.
- Chính phủ của những người tự do sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tôn giáo.
Trong chế độ độc tài, chính phủ cai trị nhân dân. Trong chế độ Cộng hòa, Thượng Đế cai quản nhân dân thông qua các giá trị đạo đức phổ quát, do đó nhà nước Cộng hòa bắt buộc phải được thực thi qua đức hạnh, người dân tự cai trị được chính họ bằng các giá trị đạo đức được Chúa giảng trong Kinh Thánh.
Khi Tocqueville tới Mỹ, ông thấy dù nhà cửa có tồi tàn đến đâu, ở nhà mỗi người dân đều có cuốn Kinh Thánh và người dân rất chăm học Kinh Thánh. Học các lời răn của Chúa chính là cách để người dân tự cai trị mình bằng đức hạnh từ bên trong.
Đó là lý do mà Tổng thống Trump luôn nói: “Ở Mỹ chúng ta tôn thờ Chúa, không tôn thờ chính phủ”. Bởi vì chính phủ Mỹ là một chính phủ “ở dưới Chúa”.
Chính phủ Cộng hòa – nhà nước của tôn giáo và đạo đức
Năm 1787, Hamilton cùng James Madison và John Jay soạn thảo tập Luận cương Chủ nghĩa Liên bang (The Federalist Papers), mục đích nhằm để thúc đẩy việc phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ. Ông viết:
“Có thể nhận thấy rằng người dân của đất nước này có quyền định đoạt một vấn đề rất quan trọng […] chính là liệu các xã hội loài người có thể thiết lập một chính phủ tốt bằng việc suy xét và chọn lựa hay không, hay liệu họ mãi mãi phải dựa vào may rủi và vũ lực vì lí do thể chế chính trị. Nếu điều trên đúng thì cơn khủng hoảng mà chúng ta đang gặp phải này cũng đích thực chính là thời đại mà đã đến lúc chúng ta phải đưa ra quyết định; và bầu cử sai chính là nỗi bất hạnh chung của nhân loại.”
Hamilton là một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ: ông khẳng định: “Chúng ta là chính phủ Cộng hòa. Tự do thực sự không bao giờ được tìm thấy trong chế độ chuyên quyền hay trong sự cực đoan của một nền Dân chủ”.
Thomas Jefferson là Tổng thống thứ 3 của Mỹ, tại nhiệm từ năm 1801 đến năm 1809. Ông là một trong những nhà triết học chính trị có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Ông là người soạn thảo chính bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. Ông viết:
“Khi người dân sợ chính phủ, chúng ta có độc tài. Khi chính phủ sợ người dân, chúng ta có tự do”
Nước Mỹ được xây dựng là một nền Cộng hòa, và sẽ luôn luôn là như vậy. Đó là lý do mà nước Mỹ không phải là chính quyền cai trị bởi độc tài như Đức Quốc Xã, Liên bang Xô Viết, hay Đảng cộng sản Trung Quốc. Chế độc tài sẽ định nghĩa đạo đức theo quan niệm của đảng và cưỡng chế thực thi thông qua bạo lực, cai trị bằng sự sợ hãi của dân chúng, nhà tù. Quyền lực của nhà nước vì thế sẽ mở rộng cực độ.
Các vị Cha Lập quốc tin rằng nền Cộng hòa và quyền dân chủ Mỹ cần có một tiền đề quan trọng. Đó là người dân phải có đủ đạo đức, như vậy họ mới có thể tự kiểm soát bản thân, nếu đạo đức không đủ, nền tự trị sẽ không thể thành lập.
Một dân tộc tự do không thể tồn tại dưới một nền Hiến pháp Cộng hòa nếu họ không giữ vững đạo đức và nhân cách. Chính phủ của những người tự do sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tôn giáo. Mọi thứ đều được tạo ra bởi Thượng đế, vì thế tất cả nhân loại đều phụ thuộc một cách bình đẳng vào Ngài, và có trách nhiệm một cách bình đẳng với Ngài trong việc tự cai trị chính mình từ bên trong.
Khi các vị Quốc phụ nước Mỹ thống nhất kiến thiết nền Cộng hòa đầu tiên trên thế giới giao quyền lực cho nhân dân kiểm soát chính phủ, điều đó thể hiện họ tin tưởng mạnh mẽ vào nền tảng tôn giáo và đạo đức của người Mỹ. Bởi vì một nền dân chủ mà không có ước thúc đạo đức thì sẽ trở thành vô chính phủ.
Samuel Adams, một trong các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ, từng nói:
“Ngay cả Hiến pháp uyên bác nhất hay luật pháp uyên bác nhất cũng không thể mang đến tự do và hạnh phúc cho một người đã hoàn toàn mục ruỗng. Vì thế, người tuyên dương đạo đức là người bảo vệ tự do cho tổ quốc… chúng ta sẽ không thể để một người nắm quyền lực và lòng tin mà không uyên bác và có đạo đức.”
Pháp luật và nhà nước có thể cấm đoán trừng phạt nhưng không dạy con người yêu thương tha thứ nhau được. Thượng đế mới dạy con người yêu thương nhau. Tôn giáo và Thượng đế mới giúp người ta vượt lên trên luật lệ của thế gian.
Đảng Cộng hòa: Bảo vệ các giá trị truyền thống
Đảng Cộng hòa là đảng của những người có quan điểm bảo thủ. “Conservative” thường được gọi là “bảo thủ”. Bảo thủ hiểu đúng theo nghĩa là “bảo vệ và giữ gìn, không làm mất đi” truyền thống, nền tảng căn bản các giá trị cốt lõi.
Washington, Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ từng nói: “Chính sách của nước Mỹ là lấy nguyên tắc đạo đức cá nhân làm cơ sở, lấy hết thảy đặc điểm của việc đắc được lòng dân và sự tôn trọng của toàn thế giới để thể hiện ra tính ưu việt. Tôn giáo và đạo đức là hai trụ cột thiết yếu. Chính trị gia thuần túy phải giống như một người thành kính, biết tôn trọng và trân quý tôn giáo cùng với đạo đức.”
Trong cuộc bầu cử Mỹ, một số vấn đề xã hội trở thành trọng tâm tranh luận thể hiện rõ quan điểm đạo đức giữa hai đảng phái. Đảng Cộng hòa – chính thể dựa trên nền tảng tôn giáo và đạo đức thể hiện rõ trong vấn đề xã hội như phản đối nạo phá thai, phản đối hôn nhân đồng tính.
Cuộc sống con người là bất khả xâm phạm bởi nó được tạo ra bởi Đấng Sáng Thế và đó là lý do mà sinh mệnh con người là thiêng liêng, sự bình đẳng của con người là sự bình đẳng từ Chúa.
Tự do và bình đẳng của nước Mỹ trở thành tượng đài của nền dân chủ của một quốc gia nhân đạo là bởi đó là thứ tự do và bình đẳng dưới quyền uy sự bảo hộ của Chúa, đó là lý do mà Mỹ là quốc gia bảo vệ tự do tôn giáo, tín ngưỡng mạnh mẽ nhất thế giới. Nhà thờ, chùa chiền và các tín ngưỡng tôn giáo đều được tôn trọng ở Mỹ.
“Mọi dạng chính phủ là kết tinh đạo đức của cả một dân tộc dân tộc” (Montesquieu)
Tuyên ngôn độc lập nhiều lần nhắc đến Đấng Sáng Thế. Điều đó có nghĩa là nền độc lập của Mỹ dựa vào Chúa. Nền dân chủ Cộng Hòa mà các nhà sáng lập Hoa Kỳ tạo ra là nền dân chủ dựa trên đức hạnh, tôn giáo là nền tảng cội nguồn của đức hạnh.
Đó là lý do mà nước Mỹ trở thành vĩ đại. Một quốc gia tin tưởng tuyệt đối vào Thần, tất nhiên sẽ có sức mạnh lớn lao từ Thần, có trí tuệ do Thần ban cho và lòng nhân ái bao dung đủ lớn để chào đón những công dân ở các quốc gia khác.
Trong bài diễn văn nhậm chức của mình, Washington. phát biểu: “Đức Chúa Trời thiêng liêng đã soi sáng tương lai của chúng ta. Người đã ban cho chúng ta sự phán đoán đầy trí tuệ. Đây chính là chỗ dựa trong sự thành công của chính phủ này”.
Tổng thống Trump từng nói rằng ông suốt đời là một người “bảo thủ”. Đó là lý do mà ông đại diện cho Đảng Cộng hòa, một chính thể làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ bởi đức tin, lòng kính Chúa và kiên định bảo vệ đến cùng các giá trị đạo đức truyền thống.
Thông điệp xuyên suốt của Tổng thống Trump là làm “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” – Đó là sự trở lại một nước Mỹ của truyền thống, của những giá trị vĩnh cửu mà Chúa ban cho, các giá trị đạo đức – tinh thần – đức tin. Sự trở lại đó, chính làm niềm tin vĩnh cửu vào những giá trị truyền thống mà sứ mệnh của ông là đưa nước Mỹ trở lại con đường chính đạo.