Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Cộng đã được xuất cảng sang hơn 120 quốc gia và khu vực
Theo báo cáo chính thức của Trung Quốc, doanh số bán các vi mạch bán dẫn Bắc Đẩu được ‘Sản xuất tại Trung Quốc’ đã vượt quá 100 triệu [USD] và các sản phẩm liên quan đã được xuất cảng sang hơn 120 quốc gia và khu vực. Báo cáo này cũng chỉ ra vai trò của Bắc Đẩu trong việc chống lại đối thủ GPS của Hoa Kỳ, cũng như tầm quan trọng của hệ thống này đối với chiến lược bảo vệ quốc gia của Trung Quốc, là “không tả xiết.”
Theo trang thông tin Sina Finance của Trung Quốc, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu số 1 của Trung Quốc, được khởi động từ năm 1994, đã hình thành một chuỗi phát triển công nghiệp. Các sản phẩm liên quan đến Bắc Đẩu hiện đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người dùng.
Theo báo cáo trên, thống kê cho thấy hơn 7 triệu phương tiện đường bộ, 36,300 phương tiện bưu chính và chuyển phát nhanh, 1,400 tàu công cộng và 350 phương tiện hàng không thông dụng ở Trung Quốc đại lục đã sử dụng hệ thống [định vị] Bắc Đẩu.
Theo một sách trắng gần đây do Hiệp hội Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu và Dịch vụ hướng vị trí của Trung Quốc (GNSS and LBS Association of China, GLAC) phát hành, vào cuối năm 2020, doanh số bán các vi mạch bán dẫn và module tương thích với Bắc Đẩu đã vượt quá 150 triệu chiếc và tổng số sản phẩm thiết bị đầu cuối của Bắc Đẩu có chức năng định vị, kể cả điện thoại thông minh, đã vượt quá 1 tỷ đơn vị.
Các mẫu điện thoại thông minh như Huawei, ViVO, OPPO, Xiaomi và các thương hiệu Trung Quốc khác đều hỗ trợ hệ thống [định vị] Bắc Đẩu này.
Sách trắng này cũng nói rằng “Các giải pháp dựa trên Bắc Đẩu để xác nhận quyền sở hữu đất, nông nghiệp chính xác, xây dựng kỹ thuật số, giám sát phương tiện và tàu thuyền, và các cảng thông minh đã được áp dụng thành công ở ASEAN, Nam Á, Đông Âu, Tây Á và Phi Châu.”
Mục tiêu chiến lược của hệ thống định vị Bắc Đẩu
Hiện nay, trên thế giới có bốn Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu (GNSS) chính, bao gồm Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Hoa Kỳ, Hệ thống Vệ tinh Định hướng Quỹ đạo Toàn cầu (GLONASS) của Nga, Hệ thống Vệ tinh Định vị Galileo của Liên minh Âu Châu và Hệ thống Vệ tinh Định vị Bắc Đẩu.
Vào tháng 06/2020, tài khoản mạng xã hội chính thức của Viện Khoa học Trung Quốc đã công bố một bài báo có tựa đề “10 câu hỏi về Bắc Đẩu” và tiết lộ các mục tiêu chiến lược của hệ thống định vị Bắc Đẩu.
Đầu tiên, bài báo này đưa ra nhiều bình luận về các thuộc tính quân sự của GPS, nói rằng GPS về căn bản là một hệ thống định vị vệ tinh quân sự phục vụ cho Không quân Hoa Kỳ và hiện đang được sử dụng trong hầu hết các loại vũ khí yêu cầu định vị trong quân đội Hoa Kỳ.
Bài báo này lưu ý rằng sự xuất hiện của hệ thống GPS đã góp phần tạo nên lịch sử chiến tranh của nhân loại với một số thuật ngữ mới như “các cuộc tấn công mục tiêu chính xác,” “sát nhân có chủ đích” và “tiêu diệt thủ lĩnh của kẻ địch.”
“Trên thực tế, các kỹ sư thiết kế vệ tinh không chỉ có thể bổ sung khả năng gây nhiễu và đánh lừa tín hiệu mà còn có thể vô hiệu hóa dịch vụ trong một khu vực nhất định, và quyền định giá cũng như quyền truy cập của vi mạch bán dẫn cũng nằm trong tay họ,” bài báo này cho biết thêm.
Bài báo còn nhấn mạnh rằng việc hoàn thành hệ thống Bắc Đẩu có nghĩa là Trung Cộng không chỉ có thể làm tất cả những việc mà GPS có thể làm, “mà còn hoàn toàn không bị ràng buộc bởi những hệ thống khác. Tầm quan trọng của điều này đối với an ninh quốc phòng của Trung Quốc là không thể kể xiết.”
Bài báo này cũng chỉ ra rằng “không có hợp tác quốc tế thực sự trong lĩnh vực này.”
Ông Kim Xuân (Jin Chun), một kỹ sư tại Viện Nghiên cứu Nam Kinh trước đây của Huawei, nói với The Epoch Times rằng mục đích chính mà Trung Cộng phát triển hệ thống Bắc Đẩu là để sử dụng trong quân đội.
Ông nói rằng hệ thống định vị vệ tinh do Trung Cộng sở hữu là một phần quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống hỏa tiễn của nước này. Hệ thống định vị vệ tinh chủ yếu được sử dụng để dẫn đường cho hệ thống hỏa tiễn của Trung Quốc và điều này có thể được quan sát thấy thông qua các hoạt động quân sự của Trung Cộng ở Biển Đông.
Ông Lý Thừa Tu (Lee Cheng-hsiu), một nhà nghiên cứu tại Quỹ Chính sách Quốc gia của Đài Loan, cũng bày tỏ quan điểm tương tự với The Epoch Times.
Ông nói: “Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nếu hệ thống hỏa tiễn của Trung Cộng vẫn dựa vào định vị GPS của Hoa Kỳ, thì hỏa tiễn được đặt ở đâu, bắn như thế nào và bắn theo hướng nào đều nằm trong tầm kiểm soát của các vệ tinh của Hoa Kỳ, trận chiến chắc chắn sẽ bị thua trước khi đánh. Đây là lý do chính cho những nỗ lực của Trung Cộng trong việc phát triển một hệ thống định vị độc lập.”
Nghi vấn về tuyên bố ‘Sản xuất tại Trung Quốc’
Ông Dương Trường Phong (Yang Changfeng), nhà thiết kế chính của hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, đã tuyên bố vào tháng 10/2020 rằng các vi mạch bán dẫn của Bắc Đẩu đều được sản xuất tại Trung Quốc và tốt như các sản phẩm của ngoại quốc.
Tuy nhiên, ông Lý lại nhìn nhận điều này theo cách khác.
Ông cho biết công nghệ vi mạch bán dẫn không hề dễ dàng, công nghệ này vẫn chỉ thuộc sở hữu của một vài quốc gia, còn Trung Quốc thì không. Ngay cả Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ về các công nghệ chủ chốt của mình.
Ông Lý cho biết Trung Cộng đã phát triển hệ thống Bắc Đẩu trong hơn hai thập kỷ và phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong nhiều khía cạnh nghiên cứu và phát triển vi mạch bán dẫn của mình.
Tuy nhiên, việc cựu Tổng thống Donald Trump thắt chặt các hạn chế xuất cảng đối với các sản phẩm công nghệ cao đã tạo ra những trở ngại cho việc mua công nghệ và cập nhật hệ thống cho hệ thống định vị Bắc Đẩu.
Ông Lý cho biết ông nghi ngờ việc Trung Cộng có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ về lâu dài.
Ông Lý nói rằng, “Cuộc đua trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ không phải là cuộc chạy nước rút 100 mét hay 200 mét mà là một cuộc đua marathon 42 km. Nhiều quốc gia đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc đại lục có đủ kinh phí, nhân lực, và công nghệ để đối đầu với Hoa Kỳ trong dài hạn hay không, và liệu Trung Cộng có thể hỗ trợ cho sự phát triển của lĩnh vực vũ trụ hay không.”
Do Jessica Mao và Jennifer Zeng thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: