Hãy luôn không ngừng học hỏi để có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa
Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, luôn không ngừng tìm tòi và học hỏi những kiến thức, lĩnh vực mới sẽ giúp chúng ta phát triển tiềm năng của chính mình, mở rộng thế giới nội tâm và là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.
Nhà bác học Albert Einstein được mọi người biết đến nhiều nhất nhờ những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực khoa học. Chúng ta ngưỡng mộ ông vì đã giải quyết những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ trong lĩnh vực vật lý và đưa ra những khám phá làm thay đổi thế giới, như thuyết tương đối và thuyết cơ học lượng tử. Thế nhưng, ông tự đánh giá như thế nào về những thành tựu của mình? Ông đã khiêm tốn nói về gốc rễ của việc không ngừng theo đuổi kiến thức vẻn vẹn trong một câu ngắn gọn, “Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ là người đam mê tìm tòi.”
Nhà văn Héctor García cũng có cùng suy nghĩ như trên với nhà khoa học Einstein. Ông đưa ra lời khuyên cho chúng ta rằng: “Hãy để sự ham học hỏi dẫn dắt bạn và giữ cho mình bận rộn bằng cách làm những việc khiến bạn cảm thấy vô cùng ý nghĩa và hạnh phúc.” Cuốn sách của nhà văn Héctor García có nhan đề “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” (Tạm dịch: Ikigai: Bí mật để có một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc của người Nhật”) trình bày những gì ông tìm hiểu được khi đến thăm một số cộng đồng dân cư ở vùng Okinawa, Nhật Bản – nơi có số lượng (trên mức trung bình) người sống thọ trăm tuổi (hoặc hơn). Ông và nhóm cộng sự của mình đã phỏng vấn những cư dân nơi đây để tìm hiểu xem bí quyết có được cuộc sống lâu dài và hạnh phúc là gì? Đó là kết quả của một công thức thông thường, tập thể dục và ăn kiêng lành mạnh. Họ cũng sống theo phương châm của ikigai: giữ cho bản thân bận rộn thực hiện các hoạt động có ý nghĩa, tích cực hoạt động xã hội và không ngừng học hỏi. “Ikigai” là một từ tiếng Nhật, có nghĩa là tìm thấy và sống theo đam mê của bạn. Đó là thứ khiến bạn có động lực rời khỏi giường vào mỗi buổi sáng. Đối với người Okinawa, nhà khoa học Einstein và có lẽ hầu hết mọi người chúng ta, sự tìm tòi và niềm đam mê dường như là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống viên mãn.
Tiếp thu kiến thức mới là điều cần thiết và bắt buộc đối với một số nghề nghiệp. Các bác sĩ và nhân viên y tế khác, giáo viên, nhà trị liệu, kỹ sư, và nhiều người khác cần thường xuyên cập nhật kỹ năng và kiến thức để giữ công việc của họ. Đôi khi, chúng ta cần học tập nhiều hơn để đạt được điều kiện tiêu chuẩn cho một nghề nghiệp mới. Đó là những gì chúng ta cần phải làm và điều đó có thể thú vị, ý nghĩa hoặc không. Thuật ngữ “học hỏi suốt cả đời” có một sự nhấn mạnh khác, liên quan đến việc theo đuổi kiến thức để thỏa mãn sở thích cá nhân và đạt được hạnh phúc. Học tập giúp bổ sung một số năng lượng nhất định cho cuộc sống của chúng ta. Tại sao chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi học được một điều mới? Niềm hân hoan mà chúng ta cảm nhận được có thể tác động tích cực đến não bộ.
Mọi người đều biết rằng các tế bào não được kích hoạt khi bản thân chúng ta chìm đắm vào việc khám phá kiến thức mới và phát triển các kỹ năng. Tác giả García, trong cuốn sách “Ikigai” của mình, mô tả cách bộ não của con người thu được lợi ích khi được kích thích: “Khi tiếp nhận thông tin mới, bộ não tạo ra các kết nối mới và được cung cấp nguồn năng lượng tái tạo. Đây là lý do tại sao chấp nhận thay đổi là rất quan trọng, ngay cả khi bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân đồng nghĩa với việc bạn cảm thấy lo lắng một chút.”
Khi tìm tòi và tự tin bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, chúng ta sẽ có được những chuyến phiêu lưu mới. Có rất nhiều cách để tìm hiểu, học hỏi, đặc biệt là với những lợi thế của mạng Internet ngày nay, thường cung cấp các chương trình giáo dục miễn phí. Các trường đại học và cao đẳng cộng đồng cung cấp những khóa học nâng cao với học phí hợp lý, đặc biệt dành cho người về hưu. Năm 2010, tôi được truyền cảm hứng để có thêm thu nhập ngoài việc giảng dạy bằng cách theo đuổi một nghề nghiệp mới. Điều này bắt nguồn từ việc tôi được vị chánh sứ trong nhà thờ nơi mình hay đi lễ trong một bài thuyết giảng chia sẻ về kinh nghiệm của ông khi tham gia một khóa tâm lý học tích cực tại San Francisco State University. Tôi đã đăng ký tham gia rất nhiều lớp học để lấy chứng chỉ huấn luyện viên cuộc sống. Những giáo viên hướng dẫn, những buổi họp lớp và bài tập về nhà hấp dẫn hơn nhiều so với các lớp văn học Pháp tại Đại học St. Lawrence vào những năm 70, chủ yếu là vì tôi đang học những kỹ năng có thể giúp mình thật sự ứng dụng để cải thiện cuộc sống của bản thân và hỗ trợ những người khác ngay trong thời điểm hiện tại.
Trở lại trường học sau khi tốt nghiệp đem đến cho chúng ta những lựa chọn mà mình không có được trong quá khứ. Ví dụ, chúng ta có thể cảm thấy hối tiếc vì đã không tham gia một số khóa học thú vị vì đó là những môn học không bắt buộc đối với ngành học chính của mình. Gần đây, tôi nhận được một ấn phẩm quảng cáo qua email từ The Great Courses (Tạm dịch: Những khóa học tuyệt vời) (www.BuyGreatCourses.com), giới thiệu các khóa học trực tuyến có học phí hợp lý, với những bài thuyết trình của các giáo sư từng đạt giải thưởng về tất cả các lĩnh vực, bao gồm nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc và khoa học. Đây chỉ là một ví dụ về các cơ hội giáo dục sẵn có. Một số nguồn cung cấp kiến thức tuyệt vời khác là podcast (chương trình phát thanh được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số) và các chương trình radio giờ đây đã nằm gọn trong lòng bàn tay của chúng ta nhờ điện thoại thông minh.
Một số người trong chúng ta yêu thích mở rộng kiến thức của mình bằng cách lắng nghe các chuyên gia, và những người khác thích phát triển các kỹ năng. Có bao nhiêu người trong chúng ta từng mơ ước trở thành nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên và nhà văn, nhưng đã từ bỏ việc phát triển tài năng để thực hiện giấc mơ của mình vì những hạn chế về thời gian, tiền bạc và gia đình? Sau này trong cuộc sống, chúng ta có thể tìm lại được niềm hứng khởi khi thấy những gì mình có thể làm và có nhiều thời gian hơn. Chị chồng tôi khích lệ khả năng âm nhạc thiên bẩm của con gái mình bằng cách cho cháu tham gia lớp học piano với học phí đắt tiền. Trở về nhà từ sở làm, người mẹ này cảm thấy xúc động khi lắng nghe những bản nhạc như “Claire de Lune” của nhạc sĩ Debussy hay “Für Elise” của nhạc sĩ Beethoven được con gái biểu diễn thành thạo sau nhiều năm học tập và rèn luyện. Sau khi nghỉ hưu, chị chồng tôi, Peggy, đã theo học lớp piano do giáo viên của con gái mình giảng dạy. Chị luyện tập nhiều giờ mỗi ngày để phát triển kỹ năng, trải nghiệm niềm hân hoan và hài lòng sâu sắc khi làm được những gì mình đã luôn mong ước. Bắt đầu bằng việc luyện tập các thang âm và hợp âm, đọc những bản nhạc đơn giản, và giờ đây chị đánh được tất cả các bản nhạc cổ điển mà con gái mình từng biểu diễn.
Chúng ta có thể yêu thích việc tự khám phá và học hỏi, trong khi những người khác lại mong muốn có sự đồng hành. Câu lạc bộ sách là nơi phổ biến để giao lưu và thu thập kiến thức thông qua việc đọc và thảo luận. Khi mới đến Colorado, hai vợ chồng tôi cùng với bạn bè, cũng đến từ những tiểu bang khác, bắt đầu thành lập một câu lạc bộ sách. Quyển sách đầu tiên chúng tôi chọn là “Centennial” (Tạm dịch: Kỷ niệm một trăm năm) của nhà văn James A. Michener vì chúng tôi muốn tìm hiểu về lịch sử của tiểu bang nơi mình mới đến sinh sống. Sau khi hoàn thành việc đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử khá dài này về tiểu bang Colorado, chúng tôi đã lên kế hoạch cho các chuyến đi thực tế tham quan một số địa điểm lịch sử được mô tả trong cuốn sách. Nhóm của chúng tôi cảm thấy rất hài lòng khi cùng nhau học hỏi vì điều này giúp mọi người có trách nhiệm và tận tâm để phát triển, đồng thời chúng tôi cảm thấy được hỗ trợ trong hành trình tìm kiếm kiến thức của mình.
Có thể chúng ta vẫn chưa rõ nên bắt đầu từ đâu với việc học tập suốt đời, với tất cả các thông tin và cơ hội sẵn có. Do đó, chúng ta có thể phải dành một khoảng thời gian để cân nhắc về sở thích và tài năng thiên bẩm của mình trước khi lựa chọn. Có thể hữu ích nếu thảo luận vấn đề này với bạn bè và cùng nhau tìm hiểu điều gì đó. Tôi biết một người phụ nữ rất sáng tạo, thời thơ ấu cô thích đan móc và sau khi nghỉ hưu, đã cùng với một số người bạn sinh hoạt chung tại nhà thờ thành lập một tổ chức bất vụ lợi có tên là “Strings of the Heart”. Hoạt động chính của các thành viên, bao gồm một số thành viên đã thành thạo công việc và một số khác mới học, là tạo ra các miếng vải hình vuông khâu lại với nhau để làm chăn đắp tặng cho những gia đình đang gặp khó khăn. Nhóm những người phụ nữ này đã học cách thành lập và quản lý một tổ chức bất vụ lợi, đồng thời họ cũng phát triển các kỹ năng đan, móc và chần bông.
Có lẽ nhà bác học Albert Einstein đã nghĩ đến việc gì đó khi ông mô tả sự tìm tòi là điều thần thánh: “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Sự tìm tòi có lý do tồn tại của riêng nó. Người ta không khỏi kinh ngạc khi suy tư về những bí ẩn của sự vĩnh hằng, sự sống, sự sắp đặt kỳ diệu của hiện thực. Một người chỉ cần cố gắng hiểu một chút bí ẩn này mỗi ngày là đủ. Đừng bao giờ đánh mất sự tìm tòi thiêng liêng.” Trên thực tế, chúng ta có thể bồi đắp khía cạnh thiêng liêng của việc học tập suốt đời thông qua cầu nguyện, thiền định, nghiên cứu kinh sách và phụng sự, như một phương tiện để tiếp xúc với năng lượng tâm linh và khả năng yêu thương của mình. Những hoạt động này không chỉ giúp ta mở mang trí óc mà còn phát triển nội tâm. Nhà khoa học Einstein ca ngợi cuộc hành trình bên trong tâm hồn như sau, “Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải phóng bản thân khỏi nhà tù của chính mình bằng cách mở rộng lòng trắc ẩn để bao dung tất cả thế nhân và toàn bộ thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó.”
Không bao giờ là quá muộn để học hỏi một điều mới. Hãy bắt đầu cuộc hành trình học tập suốt đời với niềm đam mê và “sự tìm tòi thiêng liêng”, du ngoạn trên những vùng biển chưa từng được khám phá và phát hiện liệu điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đào sâu vào tiềm năng vô hạn và thiêng liêng của chính mình.
Bài viết này lần đầu được xuất bản trên tạp chí American Essence