Hầu hết người Mỹ trên 50 tuổi lo lắng rằng quỹ An sinh Xã hội sẽ cạn kiệt
Vấn đề An sinh Xã hội được dự đoán sẽ là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 khi một cuộc khảo sát mới cho thấy đại đa số người Mỹ từ 50 tuổi trở lên lo lắng rằng họ sẽ phải chứng kiến quỹ An sinh Xã hội hết tiền ngay khi họ còn sống.
Theo Viện Hưu trí Toàn quốc, cơ quan tổ chức cuộc thăm dò ý kiến người Mỹ hàng năm về nhận thức và mối lo ngại của người dân Mỹ về hệ thống An sinh Xã hội, mười năm trước, 66% người Mỹ trên 50 tuổi lo lắng rằng quỹ An sinh Xã hội sẽ cạn kiệt khi họ vẫn chưa đi hết cuộc đời của mình.
Theo ấn bản khảo sát mới nhất năm 2023 (pdf), hiện tại, con số đó cao hơn đáng kể, với một tỷ lệ lớn là 75% người được khảo sát cho biết họ lo ngại rằng quỹ An sinh Xã hội sẽ cạn tiền trong thời gian họ còn sống.
Nỗi lo ngày càng tăng về tình trạng quỹ An sinh Xã hội vẫn chưa khẩn bách bằng việc tỷ lệ người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên cho biết họ không có nguồn thu nhập hưu trí nào khác ngoài An sinh Xã hội đã gia tăng.
Hơn một phần năm một chút (21%) cho biết tất cả những gì họ phải trông cậy vào khi về hưu là An sinh Xã hội, tăng mạnh so với mức 13% hồi năm 2014.
Mười năm trước, 48% người Mỹ có một khoản lương hưu ngoài An sinh Xã hội. Vào năm 2023, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 31%.
Quỹ An sinh Xã hội gặp nguy hiểm
Chương trình An sinh Xã hội đang phải đối mặt với những thách thức trong tương lai do nhiều yếu tố khác nhau như lạm phát và các khoản thu từ thuế thấp hơn dự kiến.
Một dự báo gần đây của Ủy ban về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB), một tổ chức phi đảng phái, ước tính rằng quỹ tín thác An sinh Xã hội, bao gồm hai quỹ nhỏ hơn — quỹ tín thác Bảo hiểm Người già và Người sống sót (OASI) và quỹ tín thác Bảo hiểm Người khuyết tật (DI) — sẽ mất khả năng chi trả vào năm 2033.
Phân tích này nêu rõ, “Khi mất khả năng chi trả, luật pháp quy định rằng quỹ tín thác OASI chỉ có thể chi tiêu số tiền bằng doanh thu sắp tới của quỹ tín thác, có nghĩa là tất cả 70 triệu người về hưu, người phụ thuộc, và những người sống sót — bất kể tuổi tác, thu nhập hoặc nhu cầu — sẽ bị cắt giảm phúc lợi 23%.”
Điều này có nghĩa là vào năm 2033, phúc lợi trung bình hàng năm dành cho một cặp vợ chồng đều có thu nhập vừa mới về hưu sẽ bị giảm hơn 17,000 USD.
Phân tích cho biết: “Đối với một đôi vợ chồng đều có thu nhập điển hình về hưu vào năm 2033, chúng tôi ước tính điều này sẽ đồng nghĩa với việc họ bị giảm ngay lập tức 17,400 USD tiền phúc lợi hàng năm theo trị giá USD hiện tại, còn một đôi vợ chồng có một đầu thu nhập điển hình thì bị giảm ngay lập tức 13,100 USD.”
Phân tích của CRFB cũng nói rằng bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào năm 2024 hứa không động đến An sinh Xã hội đều “ngầm tán thành việc cắt giảm 23% phúc lợi trên diện rộng” cho khoảng 70 triệu người về hưu khi quỹ hết tiền trong vòng 10 năm.
‘65 tuổi là quá thấp’
Tương lai của An sinh Xã hội đã trở thành một chủ đề chính trị quan trọng khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 đang sôi động.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo những đồng nghiệp thuộc Đảng Cộng Hòa của ông không được cắt giảm phúc lợi An sinh Xã hội, trong khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ đẩy lùi mọi nỗ lực do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo nhằm cắt giảm các khoản thanh toán An sinh Xã hội.
Trong khi chủ đề An sinh Xã hội không được chú ý nhiều trong cuộc tranh luận sơ bộ gần đây của Đảng Cộng Hòa, thì bà Nikki Haley, một trong những ứng cử viên, đã nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn vào ngày hôm sau rằng giải pháp của bà là tăng tuổi về hưu — và giảm phúc lợi.
Bà nói: “Quý vị có nhiều ứng cử viên trên sân khấu nói rằng họ sẽ không động đến các quyền lợi, bao gồm cả ông Trump, và bất kỳ ứng cử viên nào nói rằng họ sẽ không động đến các quyền lợi có nghĩa là về cơ bản họ sẽ nhậm chức và sau đó khiến nước Mỹ phá sản.”
Bà Haley đề cập đến những dự đoán cho thấy quỹ An sinh Xã hội sẽ phá sản trong vòng một thập niên, đồng thời đề nghị một giải pháp khả thi.
Bà nói: “Chúng tôi không đề cập đến việc về hưu của bất kỳ ai hoặc bất kỳ ai đã được hứa tham gia hệ thống nhưng chúng tôi đề cập đến những người như những đứa con của tôi ở độ tuổi 20, khi các cháu sắp tham gia và chúng tôi nói rằng các quy tắc đã thay đổi.”
Bà tiếp tục nói, “Chúng ta thay đổi tuổi về hưu nhằm phù hợp với tuổi thọ. Thay vì tăng chi phí sinh hoạt, chúng ta làm điều đó do lạm phát. Chúng ta hạn chế phúc lợi của những người giàu có.”
Bà Haley từ chối nêu rõ một con số khi được hỏi độ tuổi về hưu mà bà cho là phù hợp, mà chỉ nói rằng việc quyết định này cần phải dựa trên dữ liệu và độ tuổi 65 như hiện tại là quá thấp.
Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta phải tính toán các con số, chúng ta phải tính ra con số đó là bao nhiêu, nhưng điều chúng ta biết là 65 là quá thấp và chúng ta cần tăng số tuổi lên.”
Mới đây, một ứng cử viên tổng thống khác của Đảng Cộng Hòa, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, đã đưa ra một ý tưởng tương tự. Ông khuyến cáo thực hiện những thay đổi trong chương trình An sinh Xã hội, như là những người Mỹ có thu nhập cao hơn sẽ bị giảm phúc lợi trong khi không thực hiện cải tổ nào đối với những người từ 50 tuổi trở lên.
Mô hình Reagan-O’Neill
Các nhà lập pháp đã đưa ra những lời kêu gọi khác cho một giải pháp ngăn chặn quỹ An sinh Xã hội cạn kiệt.
Trong phiên điều trần của Ủy ban Ngân sách Thượng viện hôm 12/07, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa) cho biết Quốc hội nên noi gương cố Tổng thống Ronald Reagan và cựu Chủ tịch Hạ viện Tip O’Neill (Dân Chủ-Massachusett) vào những năm 1980.
Ông Grassley hỏi, “Khi quý vị có các ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa và hiện nay quý vị có một tổng thống Đảng Dân Chủ đương nhiệm nói rằng ‘Chúng tôi sẽ không động đến An sinh Xã hội’ thì quý vị sẽ làm gì giải quyết vấn đề này?”
“Cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận về An sinh Xã hội là làm theo mô hình Reagan–O’Neill. Điều đó có nghĩa là Quốc hội và tổng thống làm việc theo mô hình lưỡng đảng và có một chuỗi, một loạt các lựa chọn trên bàn làm việc,” ông Grassley nói, đề cập đến thỏa thuận năm 1983 đã giúp chương trình An sinh Xã hội ổn định trong nhiều thập niên.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times