Hành trình phi thường của một nghệ sĩ chơi dương cầm bằng tay trái
Mặc dù người ta nói rằng cô sẽ không thể chơi nhạc lại nữa, nhưng nghệ sĩ dương cầm Lisa Spector vẫn không từ bỏ.
Cũng giống như bác sĩ phẫu thuật, sinh kế của các nghệ sĩ âm nhạc phụ thuộc vào bàn tay của họ; để trình diễn một cách khéo léo những bản nhạc hay và xúc động lòng người, người chơi phải sở hữu những ngón tay khỏe mạnh và linh hoạt. Khi các nhạc sĩ bị thương nặng ở ngón tay và bàn tay, họ thường từ bỏ nhạc cụ của mình. Nhưng Lisa Spector, một nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp đến từ Vịnh Half Moon, California, đã học cách thích nghi và tiếp tục chơi nhạc sau một tai nạn thương tâm.
Cây đàn dương cầm đã trở thành tình yêu suốt đời của Spector. Cô đã bị cuốn hút ngay từ giây phút đầu tiên nghe mẹ chơi đàn.
Cô Spector chơi đàn từ khi lên 7 tuổi, cô chia sẻ: “Khi tôi nghe thấy những âm thanh này phát ra, nó giống như thỏi nam châm hút lấy các ngón tay của tôi.”
Cô Spector nhanh chóng làm quen với piano và cuối cùng theo học dương cầm tại trường Juilliard trước khi nhận bằng tốt nghiệp tại Đại học Nam California. Những chuyến lưu diễn trong và ngoài nước suốt 35 năm trong sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp đã mang lại cho cô những kỷ niệm khó quên.
Một nghệ sĩ dương cầm trẻ
Vào sinh nhật lần thứ 17, cô Spector đã giành chiến thắng trong một cuộc thi hòa tấu tại địa phương và có cơ hội trình diễn trong một buổi hòa nhạc kéo dài ba đêm với hơn 3,000 khán giả. Khi bước vào tuổi 20, cô đã giành chiến thắng trong cả hai cuộc thi Chopin ở New York và Los Angeles tại trường cao học. Cô cũng có cơ hội biểu diễn ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Ba Lan, Tây Ban Nha, Pháp và Ý.
Tại Tây Ban Nha, cô đã có dịp đến đến thăm đảo Mallorca – nơi nhà soạn nhạc Chopin đã sáng tác phần lớn tác phẩm của mình. Cô cũng có cơ hội biểu diễn trước 23,000 khán thính giả cùng một dàn nhạc giao hưởng ở Trung Quốc vào năm 1994.
“Nó giống như một buổi dạ hội xa hoa, tôi mang theo bốn chiếc đầm dài, và phải thay đổi trang phục. Tôi có một vệ sĩ bên mình vì sau đó mọi người vây quanh tôi trên sân khấu, không phải vì tên tuổi của tôi mà chỉ vì tôi là người Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, nó giống như một cuốn tiểu thuyết. Điều này khá mới mẻ đối với khán giả, vì thế đây chắc chắn là một trải nghiệm hiếm có,” cô Spector nhớ lại.
Năm 1997, Spector trở thành một doanh nhân và mở trường dạy nhạc của riêng mình. Học sinh của cô trong độ tuổi từ 4 đến 94, và cô dành một khoa cho việc giảng dạy nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đồng thời, cô cũng sáng tác các bản nhạc giúp các chú chó giảm sự lo lắng. Có thời điểm, cô nhận thấy mình ôm đồm quá nhiều dự án cùng một lúc và phải tạm ngưng sự nghiệp biểu diễn của mình.
Nhiều năm sau, một tai nạn đau thương xảy ra khiến cô quay trở lại biểu diễn.
Cú ngã
Vào ngày 27/06/2017, cô Spector đang đi bộ bên ngoài trung tâm mua sắm thì vấp phải lề đường. Lúc ấy, tay phải của cô đang cầm một chai nước, và cách cô ngã xuống đã làm nát cả bàn tay và các ngón tay phải. Cú ngã xảy ra quá nhanh khiến cô tưởng chừng như các ngón tay mình đã gãy rụng.
“Làm thế nào tôi có thể lại chơi piano?” là ý nghĩ đầu tiên lướt qua tâm trí Spector khi cô vừa ngã xuống.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện cô bị 7 vết gãy xương phức tạp ở bàn tay và ngón tay phải. Bác sĩ trị liệu bàn tay đầu tiên nói với cô rằng cô sẽ không bao giờ có thể chơi piano được nữa. Tuy nhiên, cô đã học cách tự chăm lo cho sức khỏe của mình và thực hiện nhiều liệu pháp điều trị của cả Tây phương lẫn Đông phương.
Khoảng 6 tuần sau khi phẫu thuật, cô Spector bắt đầu học chơi các bản nhạc ngắn bằng tay trái để duy trì niềm đam mê. Khi cô tham gia một bữa tiệc, ai đó đã đề nghị cô chơi nhạc. Cô chơi một khúc nhạc dạo đầu ngắn bằng tay trái, và có ai đó đã tiến lại gần cô sau khi cô kết thúc.
Một nghệ sĩ guitar rơm rớm nước mắt nói với cô rằng anh không chạm vào nhạc cụ của mình suốt ba năm vì một trong các ngón tay của anh bị viêm khớp, việc xem cô chơi nhạc bằng tay trái khiến anh nhận ra rằng không có bất kỳ lý do nào để biện hộ cho việc này nữa và anh sẽ bắt đầu chơi guitar trở lại.
“Đó là một kỷ niệm thật đáng nhớ vì nó thực sự tạo động lực cho hoàn cảnh của tôi: tôi được sinh ra là chỉ để chơi nhạc vậy đó. Chơi nhạc bất kể điều gì có xảy ra bởi vì biết đâu ai đó sẽ cảm thấy được khích lệ và điều này sẽ thay đổi cuộc sống của họ,” cô Spector nói.
Cô Spector nhanh chóng phát hiện ra rằng một nửa số nhạc sĩ bị thương tật thường từ bỏ nhạc cụ của mình, và cô quyết tâm phải chơi nhạc bằng bất cứ giá nào.
“Đó là khi tôi nhận ra rằng dường như tôi không chỉ chơi piano bằng các ngón tay mà tôi cũng thực sự tạo ra âm nhạc bằng trái tim mình,” cô nói.
Thích nghi
Cô Spector gặp nhiều thử thách khi chơi nhạc bằng tay trái, nhất là trong việc giữ thăng bằng. Trong vài tháng đầu, nửa người bên trái của cô đau nhức; cô đang phục hồi lại lực [của các ngón tay] nhưng vẫn phải nghỉ ngơi thường xuyên. Cô không thể sử dụng nốt Đô giữa bàn phím làm điểm tham chiếu, vì vậy cô rất dễ bị sai quãng tám.
Thông thường, một người sẽ chơi giai điệu bằng tay phải, nhưng cô Spector hiện tại buộc phải chơi cả giai điệu lẫn hòa âm bằng tay trái. Trải nghiệm này khiến cô nhận ra rằng mình có thể không trở thành một người chơi kỹ thuật giỏi, nhưng sẽ là một nghệ sĩ giỏi.
“Vì vậy, tôi đã đối mặt với một vài thử thách âm nhạc rất độc đáo, cam go, vui nhộn và tôi tin rằng chỉ riêng điều đó đã thực sự khiến tôi trở thành một nghệ sĩ giỏi hơn vì nó khiến tôi lắng nghe bản thân mình một cách sáng tạo hơn,” cô Spector nói.
Sau nhiều lần tháo và thay băng, cô bắt đầu chơi nhạc bằng các ngón tay phải đã hồi phục. Cô tiếp tục rèn luyện bằng tay phải và học cách điều chỉnh kỹ thuật của mình cho một số bản nhạc. Việc có thể chơi nhạc bằng cả hai tay khiến cô Spector rất phấn khích.
“Điều đó thật hạnh phúc. Điều hạnh phúc nhất trên thế giới,” cô nói.
Hiện cô Spector đang trong quá trình tự biên tập cuốn hồi ký của mình “Bàn tay trái diệu kỳ: Hành trình từ bi kịch đến chiến thắng của một nhạc sĩ” (Left Hand Lemonade: A Musician’s Journey from Tragedy to Triumph). Cô cũng đang phát sóng trực tiếp buổi biểu diễn của chuỗi hòa nhạc trên Facebook có tên “Bàn tay trái diệu kỳ, cùng sống với Lisa Spector” (Left Hand Lemonade Live With Lisa Spector), trong đó có phần đọc hồi ký của cô, cô chơi piano bằng tay trái, bằng tay phải và bằng cả hai tay vào lúc 6 giờ chiều (giờ Thái Bình Dương) vào các tối thứ Bảy. Các buổi hòa nhạc trực tiếp này cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.
“Cô đã chiếm trọn trái tim chúng tôi khi cô chơi nhạc”, một khán thính giả nhận xét. “Buổi hòa nhạc của cô là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng chứng kiến kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Nhiều lúc tôi đã rơi nước mắt,” một người khác chia sẻ.
Cô Spector bộc bạch: “Tôi nhận được những lời bình luận thật tuyệt vời vì chúng thể hiện tôi đã truyền cảm hứng cho mọi người nhiều thế nào và tôi đang kể câu chuyện về sự kiên cường vào thời điểm thực sự giúp ích cho họ.”
Andrew Thomas
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: