Hàng ngàn học viên Pháp Luân Công diễn hành khắp Manhattan thể hiện niềm hy vọng và sự kiên cường
Không có gì bắt mắt như những sắc nắng vàng rực rỡ làm bừng sáng Big Apple [biệt danh của Thành phố New York].
Hôm 13/05, để đánh dấu Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới và kỷ niệm 29 năm ngày môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công được phổ truyền rộng rãi, 2,500 học viên mặc áo vàng tươi sáng đã diễn hành khắp Manhattan, một cảnh tượng hiếm thấy kể từ khi đại dịch ập đến vào hồi đầu năm ngoái.
“Nó giống như một con rồng vàng đang uốn lượn ngay giữa trung tâm New York,” anh Michael Fitzgerald, một học viên Pháp Luân Công đang ngồi xem khi cuộc diễn hành khởi phát từ Vườn Katharine Hepburn tiến đến, nói.
Đối với những người tham gia diễn hành, trong đó có một số lượng khá lớn là những người sống sót qua sự đàn áp đẫm máu dưới thời Trung Quốc cộng sản, cuộc tụ họp này là một cơ hội để tôn vinh sự kiên trì trong nhiều thập kỷ và để kêu gọi xã hội quốc tế nhận thức rõ hơn [về cuộc đàn áp này]. Họ nói rằng việc đứng lên bảo vệ những đức tin đã gia trì cho họ là điều quan trọng không chỉ đối với tín ngưỡng của họ, mà còn đối với toàn thể nhân loại nói chung.
“Bảo vệ giá trị đạo đức và nhân tính, chỉ khi đó con người mới có hy vọng… và xã hội của chúng ta mới sẽ ổn định,” bà Li Meifang, một học viên gốc Trung Quốc đại lục, nói.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định được giới thiệu lần đầu tiên ở miền bắc Trung Quốc vào năm 1992, có các bài giảng dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi – chân, thiện và nhẫn – cùng với một bộ các bài tập có cử động chậm rãi nhằm nâng cao sức khỏe về tinh thần lẫn thể chất.
Khoảng 70 triệu đến 100 triệu người đã theo học môn này vào năm 1999, khi đó chế độ cộng sản Trung Quốc vô thần coi sự phổ biến rộng lớn như vậy là một mối đe dọa đối với sự cai trị của họ. Bắt đầu từ tháng Bảy năm đó, hàng triệu học viên đã bị tống vào tù hoặc các cơ sở giam giữ khác, tại những nơi đó họ bị tra tấn và lao động nô lệ vì kiên trì đức tin của họ. Số lượng không biết là bao nhiêu học viên đã trở thành đối tượng cho hoạt động thu hoạch nội tạng do nhà nước điều hành.
‘Họ đã dùng đủ loại chiêu trò’
“Họ muốn chúng tôi phải ‘chuyển hóa.’ Chuyển hóa thành gì chứ?” bà Li nói khi đề cập đến một chiến thuật của chế độ này được gọi là “chuyển hóa thông qua giáo dục,” trong đó những người bị giam giữ sẽ bị tra tấn và buộc phải xem các video tuyên truyền. Sau đó, những người bị giam giữ này bị buộc phải viết cái gọi là “hối quá thư” hứa sẽ không bao giờ tu luyện Pháp Luân Công nữa.
“Nếu chúng ta quay ngược lại phản đối chân, thiện, và nhẫn, quay ngược lại phản đối nhân tính, quay ngược lại phản đối những gì ngay thẳng, thì chúng ta sẽ trở nên độc ác. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Lệ rơi đẫm má khi bà bắt đầu nhớ lại những năm tháng gian khổ dưới sự đàn áp.
“Thuốc độc, ngục tù, còng tay, cùm chân, họ đã dùng hết rồi,” bà nói.
Năm nay 71 tuổi, bà Li đã mất hơn 15 năm ở Trung Quốc bị giam giữ hoặc lẩn trốn, cho đến khi bà chạy thoát được đến New York vào năm 2014. Bà đã trải qua ít nhất một chục vụ bắt giữ.
Trong một trại lao động, những cai tù đã cưỡng bức bà ăn hai chậu chất lỏng không rõ nguồn gốc, khiến bà mất nhận thức về mọi thứ.
“Khi tôi nhìn thấy mọi người, tôi chỉ biết nở một nụ cười ngờ nghệch,” bà nói. Bà đã học thuộc một lần lời tựa của cuốn “Chuyển Pháp Luân,” cuốn sách giảng dạy chính của môn tu luyện này. Nhưng sau khi bị dùng thuốc, bà cho biết điều mà bà có thể nhớ được nhất là hai câu đầu tiên.
“Nhà của tôi bị cướp bóc trơ trụi đến nỗi chỉ còn lại một vài chiếc ghế.”
Để tránh những đợt đe dọa liên tục của cảnh sát, sau này bà Li đã rời quê nhà ở Chenzhou, tỉnh Hồ Nam. Trong một nỗ lực truy lùng bà, những giới chức cộng sản đó đã giam giữ con trai và con gái của bà, khi đó lần lượt còn đang học tiểu học và trung học. Các con bà đã bị giam một ngày trong trại giam, không có thức ăn hay nước uống, do chính quyền dồn ép họ để tìm nơi ở của bà. Họ được thả ra lúc 2 giờ sáng.
Một lần khi đang đi bộ trên phố, con gái của bà Li đã bị một người mà bà Li cho là đặc vụ cộng sản đâm liên tiếp. Bác sĩ đếm được ít nhất 13 vết thương. Một trong số đó ở giữa ngón cái và ngón trỏ của cô, đã bị cắt rất sâu, lộ cả xương ra ngoài.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những ký ức đen tối này, bà Li và các con của bà vẫn kiên trì. Tại một thời điểm khi bà Li bị giam giữ, cai tù đã đưa các con của bà đến trước mặt bà và nói rằng chúng có thể bị đuổi học nếu bà không chịu “chuyển hóa.”
Bất cứ lời đe dọa nào mà những cai tù này đưa ra, bà nhớ đã nói với các con của mình rằng “đừng sợ.” “Bình minh cuối cùng sẽ xua tan bóng tối,” bà nói với các con, trước khi cảnh sát kéo họ ra.
Những sắc màu hy vọng
Mặc dù một số biểu ngữ do những người tham gia mang theo hiển thị những hình ảnh bị tra tấn dã man, nhưng các màu sắc vàng và xanh dương tươi sáng của cuộc diễn hành đã thể hiện một thông điệp về hy vọng.
Cả màu vàng và xanh lam đều xuất hiện nổi bật trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong mắt anh Fitzgerald, màu vàng kim mang ý nghĩa của mùa xuân và sự tái sinh. Màu xanh lam gợi nhớ đến hòa bình, như mặt nước hồ tĩnh lặng.
“Đối với những người đang rất tuyệt vọng trong thành phố này, những người cảm thấy như họ không biết phải làm gì vì đại dịch … đây là cơ hội cho nhiều người trong số họ, những gì họ đã đang chờ đợi – để biết rằng họ có hy vọng,” anh Fitzgerald nói.
Tháng Tám năm ngoái (2020), anh Fitzgerald và vợ, Katie, chuyển đến New York cùng với 4 đứa con của họ, độ tuổi từ 2 đến 8, khi anh Michael có một công việc mới ở phía bắc tiểu bang. Cô Katie cũng là một học viên Pháp Luân Công, và họ đã phối trang phục của cả gia đình bằng hai màu này để biểu dương sự kiện này.
Cô Katie, người đã dạy các con học tại nhà toàn thời gian, tin là những lời giảng dạy của môn tu luyện này mang lại sự hòa thuận cho gia đình cô và giúp cô có sự sáng suốt khi giải quyết những mâu thuẫn giữa bọn trẻ.
Cô nói rằng ngày hôm nay, cô dường như trở thành một người khác hoàn toàn với chính phiên bản trẻ trung của 11 năm về trước, trước khi cô bắt đầu tu luyện môn này. Cô cho biết những gì cô có được kể từ đó không chỉ là sự yên tĩnh trong tâm hồn, sức khỏe, và sự khỏe mạnh.
“Chúng tôi bận rộn, nhưng mỗi từng khoảnh khắc trong ngày đều đong đầy mục đích,” cô cho biết. “Chúng tôi chính là những người giàu có nhất, rất may mắn.” Cô bật cười khi nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc của con gái út đang cựa quậy trong lòng mình.
Chồng cô ngắt lời khi chỉ vào bốn hoặc năm người mặc áo khoác màu vàng hoặc xanh dương ở phía sau cuộc diễu hành, đang lặng lẽ quét rác vào các bọc ni lông cầm trên tay.
“Thật khó tin phải không nào? Có nhóm nào khác đang làm điều đó không?” anh nói.
Do Eva Fu thực hiện
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: