Hai nhà văn khiến gà tây trở thành món ăn truyền thống trong Lễ Tạ Ơn
Lễ Tạ Ơn mà không có món gà tây cũng như Lễ Giáng Sinh thiếu cây thông noel vậy.
Tổng thống George Washington từng viết rằng “bổn phận của tất cả các dân tộc là nhận biết thiên ý của Đức Chúa Trời Toàn Năng, tuân theo ý chỉ của Ngài, biết ơn những phước lành Ngài ban, khiêm tốn cầu xin sự che chở và ân điển của Ngài.” Điều này được nêu trong phần đầu bài tuyên bố Ngày Lễ Tạ Ơn được ông ban hành vào ngày 03/10/1789. Thông qua tuyên bố này, Tổng thống Washington đã ấn định Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của đất nước là ngày 26/11, để tất cả người dân Mỹ có thể “cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành và khiêm tốn của chúng ta.”
Dẫu vậy, suốt 74 năm sau đó, “Liên minh hoàn hảo hơn” này đã gần như hoàn hảo khi ăn mừng Lễ Tạ Ơn cùng lúc. Ngày Lễ Tạ Ơn trên khắp Mỹ quốc [trước đó] thường được tổ chức vào bất cứ thời điểm nào từ tháng Mười đến tháng Một. Lịch sử là vậy, nhưng rồi người Mỹ đã dành hẳn một ngày để bày tỏ lòng biết ơn đối với những phước báu mà họ nhận được. Ngày Lễ Tạ Ơn này đã từng như thế nào?
Nhà văn Charles Dickens và món gà tây trứ danh
Những người Mỹ thuở sơ khai có thể đã học hỏi những người hành hương và thổ dân trong dịp Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào năm 1621 ở vùng Plymouth. Theo hồi ký của thống đốc thuộc địa William Bradford thì vào mùa đó họ có loài chim nước (waterfowl), một kho “gà tây hoang dã lớn,” cùng với hươu và bắp bản địa. Món gà tây gần như chỉ được nhắc đến thoáng qua, vì vậy người ta không rõ liệu món gà tây có được phục vụ trong dịp đặc biệt này hay không.
Nhà văn người Anh là Charles Dickens đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến món gà tây thành tâm điểm trong các bữa ăn ngày lễ, cũng giống như cách người Anh đã góp phần nào đó — ít nhất là như vậy — trong việc thành lập thuộc địa Plymouth lẫn Cuộc Cách mạng Mỹ.
Trong câu chuyện đạo đức kinh điển “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh), nhân vật Ebenezer Scrooge giàu có nhưng keo kiệt. Ông ta trả lương cho người phụ việc Bob Cratchit ít đến mức anh không thể mua nổi một con gà tây cho bữa tối Giáng Sinh. Gia đình Cratchit tội nghiệp chỉ có thể mua được nhiều nhất là một con ngỗng. Mãi đến cuối câu chuyện, khi nhân vật Scrooge được trao cho cơ hội kỳ diệu để soi xét lại quá khứ, hiện tại, và tương lai của mình, ông ta mới quyết định bù đắp cho những việc làm xấu của bản thân. Suy nghĩ đầu tiên của ông là giúp đỡ gia đình Cratchits, may mắn thay, đây là thời điểm hoàn hảo để làm điều đó — Lễ Giáng Sinh.
Khi ông Scrooge mở cửa sổ vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, ông nhìn thấy một cậu bé đi ngang qua và hỏi thăm cậu về con gà tây treo trên cửa sổ của “cửa hàng gia cầm” nơi góc phố.
“Cháu có biết con gà tây tuyệt hảo treo ở cửa hàng đó đã bán hay chưa? — Không phải con gà tây nhỏ: con to ấy nhé?” …
“Con gà tây vẫn được treo ở đó bác ạ,” cậu bé trả lời. Ông Scrooge sau đó hứa cho cậu bé nửa đồng crao nếu cậu đến cửa hàng mua con gà tây và quay trở lại “trong vòng năm phút.”
Đó là một con gà tây! Con chim đó không bao giờ có thể đứng trên đôi chân của mình được nữa. Anh ta sẽ cắt nhỏ con gà trong vòng một phút, dễ như đổ sáp để niêm phong thư vậy.
Ông Mark Connelly, giáo sư môn lịch sử Anh hiện đại ở Đại học Kent từng viết, “Câu chuyện này gợi lên hình ảnh về một Lễ Giáng Sinh thời Victoria hoàn hảo và hoài cổ, đầy ắp món gà tây, cây tầm gửi và lòng tốt.”
Theo bà Cathy Kaufman, chủ tịch của Hiệp hội Culinary Historians of New York (Hiệp hội các sử gia ẩm thực New York), người Anh tin rằng “Giáng Sinh không phù hợp với thế giới công nghiệp đô thị,” mà đúng hơn là ở London — bối cảnh đặc trưng trong truyện của tác giả Dickens. Ở Mỹ quốc, Lễ Giáng Sinh được nhìn nhận gần như giống nhau — có lẽ chỉ ngoại trừ miền Nam, nơi người dân ở đây thường tổ chức ăn mừng Giáng Sinh trong 12 ngày.
Sau khi ông Dickens xuất bản cuốn sách của mình, Lễ Giáng Sinh ở Anh quốc đã quay trở lại truyền thống thời trung cổ trước đó, nơi ngày lễ này được tổ chức nhiều hơn một ngày và các bữa tiệc sẽ kéo dài. Như bà Kaufman viết, “Cuốn tiểu thuyết ‘Hồn Ma Đêm Giáng Sinh’ của Dickens đã mang đến một diện mạo tốt lành vào dịp Giáng Sinh, xoay quanh kỳ nghỉ gia đình dưới thời kỳ Victoria cổ kính và yên bình, với điểm nhấn là những việc làm thiện nguyện nhỏ.”
Nhà văn Dickens ở Mỹ quốc
Khi cuốn sách được phát hành ở Mỹ quốc vào tháng 01/1844, theo một bài giảng của nhà văn William Makepeace Thackeray vào năm 1852, sự thay đổi có ảnh hưởng lớn hơn nữa vì cuốn sách đã tạo nên “một cảm xúc dào dạt về Lễ Giáng Sinh tốt lành; về cách pha chế rượu punch cho đêm Giáng Sinh; lượng lớn gà tây bị làm thịt, và món thịt bò Giáng Sinh được phết dầu và nướng.”
Món gà tây chỉ được nhắc đến một lần trong đoạn cuối của cuốn tiểu thuyết “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh), và độc giả chưa bao giờ được chứng kiến bữa tối cuối cùng ở nhà Cratchit. “Tất cả những gì chúng ta biết là nhân vật Scrooge đã gửi cho nhà Cratchit con gà tây to nhất trong cửa hàng bán gia cầm,” ông Kaufman phỏng đoán. “Đó cũng là hình ảnh ẩm thực gây tiếng vang sâu sắc nhất ở Mỹ quốc.”
Gà tây là một loại gia cầm của người Mỹ, và đã trở nên phổ biến hơn ở Hoa Kỳ sau tiểu thuyết ngắn của ông Dickens. Nhưng vào năm 1844, Lễ Tạ Ơn vẫn được ăn mừng trong các tháng khác nhau tùy theo tiểu bang, và gà tây vẫn chưa trở thành “hình ảnh ẩm thực” được lựa chọn cho ngày lễ này. Cần có một tác giả người Mỹ nữa để đưa gà tây vào ngày Lễ Giáng Sinh.
Bà Hale và sự khởi đầu của một truyền thống ở Mỹ quốc
Bà Sarah Josepha Hale là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất đối với văn hóa Mỹ ở thế kỷ 19. Bà sinh năm 1788, năm Hiến Pháp được phê chuẩn, và gần đúng một năm trước khi cựu Tổng thống Washington đưa ra tuyên bố về Lễ Tạ Ơn. Bà là góa phụ và là mẹ của năm đứa con, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà “Northwood; Or, Life North and South: Show the True Character of Both” (Vùng đất Northwood; Hay là, Cuộc Sống Hai Miền Nam Bắc: Cho Thấy Nét Chân Thực giữa Hai Miền), xuất bản vào năm 1827 — 16 năm trước khi cuốn “A Christmas Carol” của ông Dickens ra đời. Thành công của cuốn tiểu thuyết này mở ra cơ hội cho bà trở thành biên tập viên của Tạp chí Godey’s Lady’s Book, một tạp chí có tầm ảnh hưởng thời bấy giờ. Dưới sự dẫn dắt của bà, số lượng độc giả ghi danh mua tạp chí tăng gấp 15 lần, từ 10,000 lên 150,000.
Tạp chí này ảnh hưởng đáng kể đến thời trang, nghi lễ, và ẩm thực của người Mỹ. Với vai trò là biên tập viên, bà cũng viết một chuyên mục hàng tháng. Năm 1846, bà bắt đầu thúc đẩy Lễ Tạ Ơn trở thành ngày lễ quốc gia. Bà viết thư cho tất cả các tổng thống từ ngài Zachary Taylor cho đến ngài Abraham Lincoln, nhấn mạnh vào việc tạo nên một ngày nghỉ cho Lễ Tạ Ơn quốc gia.
Các vị tổng thống sau ngài Washington đều từng ban hành tuyên bố về ngày Lễ Tạ Ơn trước đó. Ngay cả tổng thống Lincoln cũng ban hành một tuyên bố vào năm 1861, một tuyên bố khác vào năm 1862, và một tuyên bố thứ ba vào mùa hè năm 1863. Tuyên bố năm 1863 được ban hành vào giữa tháng Bảy và ấn định ngày 06/08 “là ngày Lễ Tạ Ơn quốc gia, ca ngợi, và cầu nguyện”, và cho phép người dân “tụ hội ở những nơi thờ phượng theo phong tục của họ.”
Bà Hale cho rằng Lễ Tạ Ơn nên diễn ra vào một ngày cụ thể hàng năm. Bà đã gửi một lá thư cho Tổng thống Lincoln vào ngày 28/09/1863, bày tỏ rằng “trong vài năm qua ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc tổ chức Lễ Tạ Ơn trong cùng một ngày trên đất nước chúng ta, ở tất cả các tiểu bang; bây giờ chỉ cần có sự công nhận và phê chuẩn từ người có thẩm quyền quốc gia, để ngày này trở thành cố định, một phong tục và truyền thống của người Mỹ.”
Năm ngày sau, Tổng thống Lincoln ban hành một tuyên bố mới, nêu rõ: “Đối với tôi, dường như phù hợp và đúng đắn rằng [món quà này] nên được công nhận một cách trang trọng, tôn kính, và biết ơn với cùng một trái tim và một tiếng nói của tất cả người dân Mỹ quốc. Do đó, tôi mời gọi các công dân của tôi trên khắp Hoa Kỳ, cả những ai đang ở trên biển hay đang sống ở hải ngoại, hãy dành riêng và xem ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một là ngày lễ để Tạ Ơn và Ngợi ca Đức Cha nhân từ của chúng ta, Đấng ngự trên Thiên Đàng.”
Một năm sau, Tổng thống Lincoln ban hành một tuyên bố khác về việc ăn mừng Ngày Lễ Tạ Ơn vào thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một. Đây là lần đầu tiên ngày lễ này được đón mừng cùng một ngày trên khắp các tiểu bang trong nhiều năm liên tiếp. Ngày này không thay đổi cho đến năm 1939, khi cựu Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đưa ra tuyên bố thứ hai rằng Lễ Tạ Ơn [sẽ bắt đầu] vào thứ Năm tuần trước đó trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng cách kéo dài mùa mua sắm vào dịp lễ.
Lễ Tạ Ơn đúng kiểu
Khi đề cập đến việc “Lễ hội tráng lệ” này sẽ trông như thế nào, nhà văn Hale đã khắc họa bức chân dung chi tiết trong cuốn tiểu thuyết của mình:
Chiếc bàn được phủ bằng một tấm vải gấm hoa … giờ đây sẽ dành cho cả gia đình, mỗi đứa trẻ đều có một chỗ ngồi trong dịp này, và càng đông người càng tốt. Đó được xem là vinh dự cho người đàn ông khi được ngồi ăn bữa tối Lễ Tạ Ơn cùng đại gia đình của mình.
Bà Hale tiếp tục thảo luận về các món ăn, bao gồm thăn ngoại bò, giò heo, sườn cừu, bánh gà mặn, chén nước sốt thịt, đĩa rau, món ăn muối chua, các loại mứt, bơ, bánh mì ngũ cốc, bánh trái cây hấp (plumb pudding), bánh sữa trứng, bánh nướng, bánh ngọt, đồ ăn ngọt, trái cây, rượu làm từ quả lý chua, thức uống lên men từ trái cây, và bia gừng. Ấy vậy mà, chính món gà tây mới nổi bật trên bàn ăn của Lễ Tạ Ơn hư cấu này, dù chỉ là trong tiểu thuyết nhưng đầy sức ảnh hưởng.
Món gà tây nướng được ưu tiên trong dịp này, được đặt ở đầu bàn; và đó là vị trí tuyệt vời để tỏa ra mùi hương đậm đà của phần nhân nhồi thơm ngon, và được áo mỏng bằng một lớp mỡ bóng bên ngoài.
Theo Hiệp hội Lịch sử New England (New England Historical Society), phần miêu tả của bà Hale về cách bày biện bàn ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn “đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của đất nước.”
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times