Hạ viện thông qua dự luật có thể cấm TikTok ở Hoa Kỳ
Dân biểu Mike Gallagher nói: “Thời gian của TikTok ở Hoa Kỳ sẽ kết thúc trừ phi họ chấm dứt mối liên hệ với ByteDance do ĐCSTQ kiểm soát.”
Hạ viện đã thông qua một dự luật có thể cấm TikTok ở Hoa Kỳ và trao cho tổng thống các thẩm quyền sâu rộng mới để nhắm vào các công ty ngoại quốc tại Hoa Kỳ.
Đạo luật Bảo vệ Người Mỹ khỏi các Ứng dụng do Địch thủ Ngoại quốc Kiểm soát đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 352 phiếu thuận – 65 phiếu chống hôm 13/03; 197 thành viên Đảng Cộng Hòa và 155 thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật này, trong khi 50 thành viên Đảng Dân Chủ và 15 thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu phản đối. Một thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu “có mặt.”
Dự luật này sẽ yêu cầu đại công ty truyền thông xã hội TikTok về mặt pháp lý phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với một lệnh cấm lên các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ ở Hoa Kỳ.
Dự luật hiện sẽ được chuyển đến Thượng viện, và Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ ký thành luật nếu dự luật được Thượng viện thông qua.
Kể từ khi được giới thiệu hôm 05/03, dự luật này đã nhanh chóng vượt qua quá trình phê chuẩn của quốc hội, khi nhận được sự chấp thuận đồng thuận hiếm hoi từ Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện hai ngày sau đó.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào thời điểm đó nói rằng dự luật này là cần thiết để chống lại ảnh hưởng của chế độ này tại Hoa Kỳ.
Ông Gallagher nói trong một tuyên bố được chuẩn bị sẵn: “Đây là thông điệp của tôi gửi tới TikTok: Hãy chia tay với Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc là mất đi sự tiếp cận của quý vị đến người dùng Mỹ.”
“Thời gian của TikTok ở Hoa Kỳ sẽ kết thúc trừ phi họ chấm dứt mối liên hệ với ByteDance do ĐCSTQ kiểm soát.”
Một số nhà phân tích bảo mật nói rằng TikTok có thể được vũ khí hóa nhắm vào công dân Hoa Kỳ thông qua các hoạt động giám sát mang tính chất săn mồi, kiểm duyệt, và quảng bá tuyên truyền do nhà nước hậu thuẫn.
Để chống lại mối đe dọa đó, dự luật này sẽ tạo ra một quy trình để tổng thống phân loại các ứng dụng truyền thông xã hội dưới sự ảnh hưởng của một số quốc gia ngoại quốc là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia và cấm các ứng dụng này hoạt động trừ khi chuyển quyền sở hữu cho các công ty Hoa Kỳ.
Dự luật sẽ cho phép tổng thống buộc bất kỳ công ty truyền thông xã hội nào có trụ sở tại Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn, hoặc Nga và có hơn một triệu người dùng phải thoái vốn.
TikTok đã chỉ trích quyết định này là một cuộc tấn công vào tự do ngôn luận và thậm chí còn chỉ dẫn người dùng kêu gọi các dân biểu của họ để yêu cầu bỏ phiếu chống lại dự luật.
“Dự luật này rõ ràng là một lệnh cấm TikTok, bất kể các tác giả của dự luật có cố gắng ngụy trang nó đến mức nào,” một phát ngôn viên của TikTok nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử. “Dự luật này sẽ chà đạp các quyền theo Tu chính án thứ Nhất của 170 triệu người Mỹ và tước đi một nền tảng của 5 triệu doanh nghiệp nhỏ dựa vào để phát triển và tạo việc làm.”
Những lời chỉ trích
Không phải là không có sự chỉ trích nào, và mục đích cùng cấu trúc của dự luật đã bị các nhà lập pháp ở cả hai đảng chỉ trích.
Dân biểu Robert Garcia (Dân Chủ-California) nói rằng dự luật này sẽ gây tổn hại không công bằng cho hàng triệu chủ doanh nghiệp Hoa Kỳ, những người sử dụng TikTok làm nguồn thu nhập chính của họ.
Ông nói với The Epoch Times: “170 triệu người Mỹ sử dụng TikTok. Vì vậy, kiểu suy nghĩ rằng chúng ta sẽ không lưu tâm đến không chỉ người dùng mà cả 7 triệu chủ doanh nghiệp nhỏ sử dụng nền tảng này làm nguồn thu nhập chính cho gia đình họ, thì tôi nghĩ là thực sự sai lầm.”
Tương tự, Dân biểu Maxwell Frost (Dân Chủ-Florida) cho rằng công việc phê chuẩn gấp rút của Ủy ban Năng lượng và Thương mại là nhằm ngăn chặn gia tăng tâm lý do dự về dự luật này. Ông nói, dự luật này đã là một lệnh cấm trên thực tế.
Hôm 12/03, ông Frost nói với các phóng viên: “Thật vô lý khi tin rằng trong 180 ngày nữa sẽ tìm được một người mua và một thỏa thuận sẽ được soạn thảo dẫn đến việc công ty này bị cấm.”
“Tôi tin rằng đó là một hành vi xâm phạm các quyền theo Tu chính án thứ Nhất của chúng ta và vi phạm Hiến Pháp.”
Ông Frost nói thêm rằng dự luật “không giải quyết được” vấn đề về luồng dữ liệu, vì các công ty Hoa Kỳ như Google, Meta, và X, trước đây là Twitter, vẫn được phép bán dữ liệu của người Mỹ một cách hợp pháp cho các nhà môi giới dữ liệu, những người mà sau đó sẽ bán dữ liệu đó trực tiếp cho Trung Quốc, nơi ĐCSTQ có thể truy cập bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, một số thành viên Đảng Cộng Hòa nổi tiếng như Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã nêu lên lo ngại rằng dự luật này sẽ được sử dụng để tách các công ty Hoa Kỳ khỏi cạnh tranh với các công ty ngoại quốc và có thể được sử dụng trong tương lai để nhắm mục tiêu vào các nền tảng mà người chủ sở hữu được nhận thức là kẻ thù của chính phủ.
“Khi Tik Tok được bán, ai sẽ mua? Và tại sao lại kỳ vọng rằng nền tảng này sẽ tốt hơn?” bà Greene viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
“Nếu là Meta, nội dung sẽ rất khó thay đổi, do đó tất cả những người bảo tồn truyền thống, những người cho rằng dự luật này sẽ bảo vệ con cái chúng ta, sẽ vô cùng thất vọng khi nền tảng đó không hề thay đổi.”
Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) nói tại Hạ viện rằng dự luật này nên được gọi là “Đạo luật Bảo vệ và Tăng cường Facebook” và nếu được thông qua, dự luật này sẽ ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu của Meta.
Tương tự như vậy, một số tổ chức nghiên cứu chính sách lớn đã bắt đầu vận động hành lang phản đối nỗ lực mà họ cho là sao chép kiểu quản trị độc tài của ĐCSTQ.
Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã lên án dự luật này là một hình thức “chuyển giao công nghệ cưỡng bức do nhà nước bảo trợ” mà thực tế sẽ cho phép các công ty của Hoa Kỳ đánh cắp công nghệ tốt hơn của Trung Quốc, chẳng hạn như thuật toán truyền thông xã hội của ByteDance.
Những người ủng hộ dự luật nói rằng thẩm quyền như vậy là cần thiết để ngăn chặn các cường quốc ngoại bang lợi dụng nền kinh tế thị trường tương đối mở của Hoa Kỳ.
Vì mục đích đó, Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên cấp cao của Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ, nói rằng dự luật này không phải là một lệnh cấm đối với bất kỳ ứng dụng riêng rẽ nào cũng như không xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận mà là một sự lựa chọn giữa lòng trung thành với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Dự luật này không phải là một lệnh cấm, và thực sự không phải là về TikTok,” ông Krishnamoorthi nói. “Dự luật này là một sự lựa chọn. Và đó là sự lựa chọn cho ByteDance cũng như bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào khác do địch thủ ngoại quốc kiểm soát.”
Tương tự như vậy, Dân biểu Dan Kildee (Dân Chủ-Michigan) cho rằng không có giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này nhưng Hoa Kỳ cần đối phó lại ảnh hưởng thâm độc của ĐCSTQ.