Hạ viện Hoa Kỳ giới thiệu Dự luật cấm hàng hóa Tân Cương do lao động cưỡng bức sản xuất
Hôm 01/02/2021, Hạ viện Hoa Kỳ đã giới thiệu lại một dự luật với sự ủng hộ của lưỡng đảng, quy định việc nhập cảng vào Hoa Kỳ tất cả hàng hóa từ khu vực Tân Cương phía tây bắc của Trung Quốc là bất hợp pháp trừ khi có thể chứng minh rằng quá trình sản xuất hàng hoá đó không liên quan đến lao động cưỡng bức.
Phiên bản sửa đổi của dự luật đã được Hạ viện thông qua với [tỷ lệ] 406-3 tại Quốc hội trước đó vào tháng 9 năm ngoái, tương tự như phiên bản của Thượng viện – Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, được giới thiệu lại vào tháng trước.
Đạo luật này sẽ cho phép Tổng thống Joe Biden quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào chịu trách nhiệm về các hoạt động lao động nô lệ, bị ép buộc đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong khu vực mà phần lớn theo đạo Hồi.
Dự luật này của Hạ viện cũng yêu cầu các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ cung cấp các tiết lộ về tài chính liên quan đến tương tác của họ với các công ty và tổ chức Trung Quốc có hành vi lạm dụng – một điều khoản chưa có trong phiên bản của Thượng viện.
Sự đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ, được thực hiện thông qua mạng lưới các trại giam giữ và hệ thống giám sát hàng loạt, đã khiến quốc tế lên án. Theo ước tính được lưu trữ trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác bị giam giữ mà không có lệnh bắt giam trong các cơ sở như vậy.
Chính phủ của cựu TT Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm về các hành động tàn bạo trong khu vực này. Họ cũng áp đặt lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ Tân Cương, do các thông lệ lao động cưỡng bức.
Ông Jim McGovern, đại diện của Hoa Kỳ và đồng Chủ tịch Ủy ban điều hành của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, nói về việc tái giới thiệu dự luật này, “nền kinh tế Tân Cương được xây dựng trên nền tảng của lao động cưỡng bức và đàn áp.”
“Chúng ta đã kinh hoàng khi chứng kiến chính phủ Trung Quốc tạo ra lần đầu tiên, và sau đó mở rộng hệ thống các trại giam giữ hàng loạt, mà không cần tòa án xét xử, nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và thiểu số Hồi giáo,’’ ông McGovern lên án.
“Nhiều tập đoàn Hoa Kỳ, quốc tế và Trung Quốc đồng lõa với việc bóc lột lao động cưỡng bức, và những sản phẩm này tiếp tục thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đất nước của chúng ta,” ông McGovern nói thêm.
Tổng thống Joe Biden và chính phủ của ông cho đến nay vẫn lên tiếng, lên án chế độ Trung Cộng vì những vi phạm nhân quyền.
Hôm 16/02/2021, tại một tòa thị chính ở tiểu bang Wisconsin, ông Biden cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với “hậu quả” vì các hành động của mình, đồng thời cảnh báo rằng Hoa Kỳ tái khẳng định vai trò của mình trong việc lên tiếng cho nhân quyền tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác.
Tuy nhiên, Tổng thống đã bị chỉ trích vì nói rằng “về mặt văn hóa, mỗi quốc gia có những chuẩn mực khác nhau” khi được hỏi về sự đàn áp của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Một ngày trước khi rời nhiệm sở, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đã định danh cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của chế độ Trung Cộng là tội ác diệt chủng và là “tội ác chống lại loài người.” Chính phủ của ông Biden đã đồng ý với định danh này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Anthony Blinken cho hay chính phủ mới có một số nghi ngại về cách tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc.
“Hãy để tôi nói rằng tôi cũng tin Tổng thống Trump đã đúng khi tiếp cận một cách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi rất không đồng ý với cách mà ông ấy thực hiện trong một số lĩnh vực, nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng, và tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hữu ích cho chính sách đối ngoại của chúng ta,” ông Blinken nói với hội đồng quan hệ đối ngoại của Thượng viện trong phiên điều trần xác nhận [chức vụ] của mình.
Do Isabel Van Brugen thực hiện
Với sự đóng góp của Emel Akan và Reuters
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: