Hà Lan điều tra hai quầy dịch vụ công an Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp tại nước này
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết, chính phủ Hà Lan đang điều tra ít nhất hai quầy dịch vụ công an ngầm của Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp ở Hà Lan vi phạm chủ quyền của nước này.
Theo một ấn bản gần đây (pdf) của tổ chức nhân quyền phi chính phủ Safeguard Defenders, “các quầy dịch vụ” của công an Trung Quốc ở hải ngoại, hay “110 ở Hải Ngoại”, đã bị phát hiện ở hàng chục quốc gia trên khắp năm châu lục.
Ở Hà Lan, một quầy dịch vụ của Trung Quốc được đặt tại Rotterdam bởi Sở Công an Phúc Châu, và một quầy khác được đặt ở Amsterdam bởi công an huyện Thanh Điền.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 26/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Lan Maxime Hovenkamp cho biết, “Một cách chính thức, chúng tôi rất coi trọng vấn đề này,” và chính phủ Trung Quốc không thông báo cho Hà Lan về sự hiện hữu của hai cơ sở này qua các kênh ngoại giao.
Chính phủ Hà Lan đang điều tra mục đích và nhiệm vụ của hai quầy dịch vụ này trước khi có hành động thích hợp, theo bà Hovenkamp.
Bà nhấn mạnh, “Vì vậy, nếu xét về định nghĩa—thì điều đó là bất hợp pháp.”
Tổ chức nhân quyền phi chính phủ Safeguard Defenders cho biết, có ít nhất bốn quốc gia, gồm cả Canada và Tây Ban Nha, cũng đang điều tra về các văn phòng do các cơ quan chấp pháp Trung Quốc điều hành trên lãnh thổ của họ
Mối đe dọa với những người bất đồng chính kiến
Nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc tị nạn tại Hà Lan Vương Tĩnh Du (Wang Jingyu) đã có trải nghiệm trực tiếp với lực lượng 110 ở Hải ngoại này.
Hồi tháng Hai, một người nào đó từ trung tâm dịch vụ Rotterdam đã tình nguyện trợ giúp anh và đề nghị gặp nhau tại trạm xe lửa Rotterdam Centraal.
Anh cảm thấy nghi ngờ và đã từ chối lời đề nghị này. Kể từ đó, anh liên tục nhận được các cuộc gọi sách nhiễu, anh nói với The Epoch Times hôm 25/10.
Anh cho biết: “Tôi cứ nghĩ mình sẽ được an toàn ở đây, nhưng họ theo dõi tôi khắp mọi nơi.”
Anh giải thích rằng đại sứ quán Trung Quốc đã đưa ra một lời đe dọa đánh bom giả về anh với cảnh sát Hà Lan, những người sau đó đã xác định lời đe dọa này là một tuyên bố sai sự thật. Sự việc được hai hãng thông tấn Hà Lan là RTL Nieuws và Follow the Money xác nhận trước đó.
Bà Hovenkamp nói với The Epoch Times rằng cảnh sát Hà Lan và Bộ Tư pháp đang điều tra vụ việc, nhưng bà không có thêm thông tin chi tiết.
Quầy dịch vụ tại Rotterdam
Gần đây, một cư dân Amsterdam được thông báo về một quầy dịch vụ báo công an của Trung Quốc ở Rotterdam.
Bà Trương Diễm Hoa (Zhang Yanhua), người mang quốc tịch Trung Quốc và cũng là học viên Pháp Luân Công tại Amsterdam, đang thực hiện sứ mệnh nâng cao nhận thức về chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của chính quyền [Trung Quốc] cho khách du lịch tại Quảng trường Dam. Pháp Luân Công là môn tu luyện có nguồn gốc từ lịch sử và văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Bà Trương nói với The Epoch Times hôm 26/10 rằng một người đàn ông đã tiếp cận bà và nói về quầy dịch vụ công an của Trung Quốc ở Rotterdam.
Ông cảnh báo bà có một quầy dịch vụ của công an Trung Quốc ở Rotterdam nhận nhiệm vụ thuyết phục những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại bằng “luận điệu lừa mị” và “thuyết phục” họ quay về Trung Quốc; và kết quả là, “vài người trong số họ đã không thể quay trở lại Hà Lan,” bà Trương nhớ lại.
Người đàn ông này giải thích với bà Trương rằng ông mới rời Hồng Kông vì quyền tự do ở thành phố này đã không còn nữa.
Bà Trương cho biết người đàn ông này nhấn mạnh rằng những người làm việc quầy dịch vụ đó đều là công an Trung Quốc, nhưng họ đến với danh nghĩa một đoàn thể khác.
Ông Triệu, một công dân Trung Quốc đang theo học tiến sĩ ở Hà Lan, nói với The Epoch Times hôm 27/10 rằng ông có biết về cơ quan này. Đã từng có thời điểm, ông hy vọng được gia hạn thẻ căn cước Trung Quốc của mình thông qua quầy dịch vụ ở Rotterdam. Tuy nhiên, ông được thông báo rằng dịch vụ này chỉ giới hạn cho những người Trung Quốc xuất thân từ Phúc Châu.
Nhận thấy rằng việc thiết lập quầy dịch vụ công an trên khắp thế giới cần tiêu tốn chi phí khổng lồ, ông nghi ngờ ý định thực sự đằng sau việc thiết lập các trạm như thế này ở hải ngoại khi mà các dịch vụ họ cung cấp rất ít ỏi.
Sự phủ nhận của chính quyền Trung Quốc
Trong cuộc họp báo hôm 26/10, hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) đã đưa ra một nghi vấn báo chí cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) về hai quầy dịch vụ bất hợp pháp tại Hà Lan.
Ông Uông nói những đồn công an hải ngoại này là “trung tâm dịch vụ dành cho Hoa kiều” với mục đích giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy phép lái xe và khám sức khỏe; một giải pháp được đưa ra trong thời đại dịch.
The Epoch Times không liên lạc được với trung tâm dịch vụ của Trung Quốc ở Rotterdam để xin bình luận. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan tránh thảo luận về vấn đề này, nói rằng họ chỉ trợ giúp những người Trung Quốc nào có nhu cầu. Các cuộc gọi đến bộ phận chính trị và thư ký của đại sứ không nhận được phản hồi.
Hoạt động trấn áp xuyên quốc gia của công an
Theo báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders, hai quầy dịch vụ của Trung Quốc ở Hà Lan nhận mệnh lệnh từ [Sở Công an] Phúc Châu và Thanh Điền.
Phúc Châu là thành phố nằm ở tỉnh Phúc Kiến, một tỉnh duyên hải đông nam Trung Quốc. Theo báo cáo của các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ngành công an Phúc Châu đã đưa khởi động chương trình “110 ở Hải ngoại” đầu tiên của tỉnh vào tháng 01/2022.
Đến tháng 01/2022, công an Phúc Châu đã thành lập 30 trung tâm dịch vụ ở hải ngoại, bao gồm cả trung tâm ở Rotterdam. Trung tâm dịch vụ này được cho là nằm trong một tòa nhà chung cư ở Van der Sluysstraat 370, Rotterdam.
Tại Amsterdam, quầy dịch vụ này được thành lập bởi công an huyện Thanh Điền, thành phố Lệ Thủy. Tính đến tháng 02/2021, họ tuyên bố đã thành lập 46 điểm kết nối tại 39 thành phố trên 29 quốc gia kể từ năm 2018, theo báo cáo của các hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc.
Một báo cáo của Trung Quốc vào tháng 01/2020 tiết lộ rằng quầy dịch vụ ở Madrid, Tây Ban Nha, đã thuyết phục thành công một nghi phạm người Trung Quốc quay trở lại huyện Thanh Điền.
Bản tin có sự đóng góp của Li Yan
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times