Gương Phong Nguyệt soi tỏ mặt trái ái ân tình trường, cũng vạch trần bản chất của ĐCSTQ
Tại sao cuốn tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” trở thành đề tài đàm luận muôn thuở của vạn người? Cuốn sách được ví như “Văn vô đệ nhất, Võ vô đệ nhị”, ý tứ rằng trong vô vàn cuốn tiểu thuyết từ cổ chí kim, Hồng Lâu Mộng luôn đứng ở đầu bảng.
Nghe có vẻ khoa trương, nhưng đây lại là đánh giá chung của giới văn nhân nghệ sĩ. Hồng Lâu Mộng vốn nổi tiếng là một trong “Tứ đại danh tác” của Trung Hoa, có thể nói rằng, đàm luận hết một năm 365 ngày cũng không nói hết cái hay của cuốn tiểu thuyết này, mỗi một trang đều có những chủ đề thú vị để mọi người cùng nhau đánh giá.
Bảo vật Phong nguyệt bảo giám
Chương thứ 12 của Hồng Lâu Mộng có tựa đề: Vương Hy Phượng độc ác, bày cuộc tương tư; Giả Thiên Tường chết oan, soi gương phong nguyệt.
Ở hồi này có nhắc đến một chiếc gương tên là Phong nguyệt bảo giám. Đây thực ra là một chiếc gương báu, soi được cả hai mặt, nhưng hai mặt gương lại phản chiếu ra hai hình ảnh trái ngược nhau. Điều này chẳng phải rất kỳ quặc sao?
Trong sách viết rằng, chàng thư sinh Giả Thụy trầm mê nữ sắc, mắc bệnh tương tư, cuối cùng dục hỏa công tâm, nằm bệnh liệt giường. Một hôm có vị đạo sĩ thọt chân đi hành khất, nói là chữa được bệnh oan nghiệt.
Thế rồi, đạo sĩ lấy ra một chiếc gương và nói rằng đây là bảo bối “chuyên trị chứng tà tư vọng niệm, có công giúp người đời bảo toàn tính mệnh… Nhưng chỉ nên soi mặt trái, không được soi mặt phải. Cẩn thận đấy! Soi ngay đi!”
Giả Thụy nghe vậy mừng rỡ như bắt được vàng, đợi đạo sĩ đi khỏi liền cầm mặt trái ra soi, thấy trong đó có bộ xương người. Giả Thụy sợ quá, vội giấu gương đi, mắng: “Đồ láo! Làm sao lại dọa ta! Ta hãy soi mặt phải xem sao?” Nói rồi hắn bèn soi mặt phải, thấy một mỹ nữ điệu đà, xinh đẹp. Giả Thụy mừng lắm, tà niệm nổi lên, dục tình bộc phát, mây mưa không dứt. Cuối cùng, mạng mỏng của Giả Thụy thế là tiêu đời! Thương thay chàng thanh niên tuổi trẻ mà không học hành tử tế, để rồi tự tìm hố chôn mình.
Chiếc gương này quả thực là một bảo bối, mặt phải thì soi ra một mỹ nhân đẹp vạn người mê, mặt trái lại soi ra bộ xương người khủng khiếp. Mỹ nhân và hài cốt, hai thứ này có liên quan gì đến nhau? Thực ra tác giả có dụng ý là, mỹ sắc ở nhân gian, nếu trầm luân trong đó thì thấy hoàn hảo không tỳ vết. Nhưng nếu giữ được đầu óc tỉnh táo mà nhìn, thì lại thấy nó xấu như ma chê quỷ hờn. Tương tự điều ấy, khi thấy một chàng trai tuấn tú hay một cô gái xinh đẹp, ở hai trạng thái ngắm nhìn là si cuồng và lý trí thì sẽ có cảm nhận hoàn toàn trái ngược: một đằng như thần tiên trên trời, một đằng như quỷ nơi địa ngục. Những người thấu hiểu lẽ đời có lẽ đều từng trải nghiệm hai cảm giác khác nhau một trời một vực này.
Chiếc gương của lão đạo sĩ quả không phải tầm thường! Vậy nếu dùng gương này để soi những chuyện mỹ sự chốn nhân gian thì có linh nghiệm không? Ví dụ, nhìn vào một chuyện tốt đẹp vốn tưởng rằng kết quả mỹ mãn: mặt phải là đội mũ ô sa, kẻ hầu người hạ vây quanh, mặt trái lại là một hũ tro cốt chôn trong ngôi mộ giữa cánh đồng hoang. Hiện tại là đức cao vọng trọng, đầy tớ thành đàn, nhưng vẻ ngoài hào nhoáng ấy cũng chỉ duy trì được mấy chục năm, khi nhắm mắt xuôi tay xuống âm gian thì mọi thứ đã nợ đều phải hoàn trả đầy đủ.
Lấy chiếc gương soi một cảnh tượng khác: cật lực kiếm tiền, mặt phải là nhà lầu xe sang, của cải chất cao như núi; mặt trái lại là cả người nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, nhắm mắt xuôi tay, hồn về với đất. Biệt thự, xe sang như gió thoảng mây bay, chẳng mang theo được.
Lấy gương soi cảnh “vợ chồng con cái”: mặt phải là phu thê mặn nồng, con cháu đầy đàn, gia đình hạnh phúc; mặt trái là chồng chết vợ chạy theo người khác, con cháu bất hiếu, đối xử phụ bạc với cha mẹ già. Thế sự rối ren, lòng người nguội lạnh, vốn là điều thường tình.
Lấy gương soi điều gì cũng vậy, dù sự việc tốt đẹp đến đâu, dù người tài giỏi biết mấy, thì đều sẽ có những mặt trái như chiếc gương bảo bối này vậy. Có thể nói, vị đạo sĩ què này quả là một cao nhân, ông ấy đã đem đạo lý này phổ thành một bài hát, tên là “Hảo liễu ca”:
Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say
Xưa nay tướng soái nơi nào đây,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy
Người đời đều cho thần tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây
Suốt ngày những mong chứa cho đầy,
Đến lúc dầy rồi nhắm mắt ngay
Người đời đều cho thần tiên hay
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây
Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay
Người đời đều cho thần tiên hay
Muốn đông con cháu lòng không khuây
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây! [1]
Những người từng đọc Hồng Lâu Mộng đều không thể quên bài hát “Hảo liễu ca” này. Bởi lời hát đã gửi gắm những đạo lý vô cùng sâu sắc về nhân tình thế thái, về những lúc tỉnh hay si của đời người. Dù là trạng thái nào thì đều nằm trong hai mặt của chiếc gương báu, mặt phải là si mê hồ đồ, mặt trái mới là sự thật nghiệt ngã.
Phong nguyệt bảo giám là Kính chiếu yêu
Nếu chiếc gương này đúng là bảo bối, khi lấy nó chiếu vào những sự việc đang diễn ra, phải chăng sẽ nhìn thấy nhiều “mặt trái” của xã hội? Ví dụ, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tiếp diễn những trò hề lố bịch, khuấy đảo thị phi. Vậy hãy thử lấy gương báu chiếu lên những việc mà ĐCSTQ đã làm.
Đầu tiên, hãy chọn một “việc tốt” của ĐCSTQ, ví như “kinh tế cải thiện”. Mặt phải thì thấy toàn dân khá giả, nền kinh tế vươn lên đứng thứ hai thế giới, GDP tăng vọt. Thành tích quả là đáng nể! Nhưng, mặt trái là: xã hội khá giả là xã hội vẽ trên giấy, GDP bình quân đầu người thấp đến đáng thương, chỉ số hạnh phúc của người dân giảm mạnh. Sự thật tàn khốc là vậy, nhưng ĐCSTQ lại phô trương rằng mức sống của người dân đã cải thiện, trớ trêu thay!
Tiếp đó là chiếu vào “công nghệ phát triển”. Mặt phải là thử nghiệm thành công bom nguyên tử, phóng vệ tinh vũ trụ, công xưởng mọc lên khắp nơi. Còn mặt trái là: đất trống đồi trọc, sông ngòi ô nhiễm, bụi mù khói độc giăng tứ phía. Mấy chục năm nay, ĐCSTQ không ngần ngại tàn phá thiên nhiên, phát triển công nghệ, khiến đất đai, sông ngòi, rừng núi của Trung Quốc bị huỷ hoại nghiêm trọng. Cái giá phải đánh đổi để có được công nghệ, chính là vĩnh viễn đánh mất môi trường sinh sống. Do đó, điều chúng ta cần thực sự là, yêu cầu ĐCSTQ hoàn trả non sông gấm vóc của chúng ta!
Tiếp theo là chiếu vào “giáo dục phát triển”. Mặt phải là hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập, đại chúng hóa giáo dục đại học, thanh niên đều được học đại học. Còn mặt trái là: sinh viên ra trường thất nghiệp, người già té ngã không ai đỡ, trẻ em bị ô tô đâm không ai báo cảnh sát. Tại sao xã hội lại ra nông nỗi này? Vì giáo dục của ĐCSTQ chỉ dạy kiến thức, không dạy làm người, khiến học sinh lầm đường lạc lối, bồi dưỡng ra những người tài nhưng vô đức. Để rồi, họ dù nhận ra điểm bất cập trong giáo dục vẫn nhắm mắt làm ngơ.
Một số người có thể nói, dù ĐCSTQ làm rất nhiều điều ác, nhưng vẫn có một số điều tốt, ví dụ xử lý mạnh tay quan chức tham nhũng. Vậy chúng ta hãy chiếu chiếc gương báu lên chiến dịch “đả hồ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình. Mặt phải là hàng trăm lão hổ rớt đài ngã ngựa, hàng triệu con ruồi vây cánh bị đánh cho tan tác. Mặt trái là: Lão hổ và đám ruồi càng đánh càng nhiều, đấu tranh bè phái trong nội bộ đảng càng thêm gay gắt và chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nhìn lại chặng đường phát triển của ĐCSTQ, bắt đầu từ thời Mao Trạch Đông phát động phong trao Tam phản Ngũ phản, có đợt chống phá tham nhũng nào là không “mạnh tay” không? Nhưng có tác dụng gì không? Thuyết vô thần và thuyết duy vật đã ăn sâu vào đầu não, một khi tín ngưỡng tôn giáo vẫn còn bị đàn áp, càng chống tham nhũng thì càng hủ bại.
Một số người hiểu biết hơn một chút thì nói, phép chiếu này đúng là lợi hại, có thể khiến người dân toàn thế giới nhìn thấu ĐCSTQ. Nó là một tên ma đầu, một kẻ lưu manh đang uy hiếp người dân Trung Quốc, khiến bách tính lầm than, cùng khổ. Nhưng, trong tay nó là cả một đội quân khổng lồ, ai dám động đến cơ chứ? Câu nói này tình cờ nhắc đến một khía cạnh mà chúng ta chưa xét đến, đó là “sức mạnh quân sự đáng gờm”. Đầu tiên là mặt phải: dự án “Hai đạn, một vệ tinh” (Lưỡng đạn nhất tinh), hàng triệu cảnh sát vũ trang, lực lượng quân đội đứng đầu thế giới, sức mạnh quân sự thứ ba thế giới. Đúng là khiến thế giới kiêng dè. Nhưng mặt trái là: Đảng chỉ huy vũ trang, quân đội phục tùng ĐCSTQ, bị người chuộng hoà bình lên án, bị thế giới cô lập.
Năm xưa Hoàng đế Khang Hy cho rằng thu phục được lòng dân thì sẽ thu phục được thiên hạ, chứ không cần động việc binh đao. Còn ĐCSTQ lại hành động hoàn toàn ngược lại, đã không được lòng dân thì mở rộng vũ trang có ích gì? Một khi dân chúng đã không còn tin tưởng nhà cầm quyền, thì ngày tàn của nó cũng đang cận kề. Có lẽ, việc xây dựng quân đội chỉ là để ĐCSTQ xây dựng phòng tuyến bảo vệ chính nó, coi quân đội như chiếc rơm cứu mạng trong những ngày cuối cùng.
Trong “Hồng Lâu Mộng”, đạo sĩ dùng gương báu để phản chiếu những hồ đồ, dại dột trong đời người, giúp chúng ta bừng tỉnh ngộ. Hiện tại, chúng ta lấy gương chiếu vào ĐCSTQ, khiến bộ dạng tà ác, phát ngôn hoang đường của nó hiện nguyên hình, và giúp chúng ta tỉnh ngộ. Hóa ra, đây mới là bộ mặt thật của ĐCSTQ, vậy thì không thể để nó tiếp tục hành ác được nữa!
Sau đây là bài vè “Đảo liễu ca” do tác giả tự biên soạn, dựa tên nhịp thơ của bài “Hảo liễu ca” của Hồng Lâu Mộng, mời quý độc giả cùng tham gia góp ý:
Đảo liễu ca
Thế nhân đô tưởng Trung Cộng đảo,
Khước thuyết kinh tế đề cao liễu,
Trung cộng tiền tài mê tâm khiếu,
Hạnh phúc chỉ số hạ hàng liễu.
Thế nhân đô tưởng Trung Cộng đảo,
Khước thuyết khoa kỹ phát đạt liễu,
Trung cộng chiến thiên hựu đấu địa,
Sinh thái hoàn cảnh phá phôi liễu.
Thế nhân đô tưởng Trung Cộng đảo,
Khước thuyết giáo dục phát triển liễu,
Trung cộng giáo thư bất dục nhân,
Lão nhân suất đảo bất phù liễu.
Thế nhân đô tưởng Trung Cộng đảo,
Khước thuyết phản hủ giác chân liễu,
Trung cộng hủ bại hủ tại tâm,
Vận động nhất quá canh hủ liễu.
Thế nhân đô tưởng Trung Cộng đảo,
Khước thuyết quân sự cường đại liễu,
Trung cộng thương can hộ tà đảng,
Thất tận dân tâm thiên diệt liễu.
Tạm dịch:
Người đời lầm tưởng Trung Cộng hảo,
Lại bảo kinh tế đã đề cao
Trung Cộng khoe tiền mê tâm khéo
Chỉ số hạnh phúc lại đổ đèo
Người đời lầm tưởng Trung Cộng hảo,
Lại bảo công nghệ chất lượng cao
Trung Cộng đấu Thiên rồi đấu Đất
Môi trường sinh thái hủy mất rồi
Người đời lầm tưởng Trung Cộng hảo,
Lại bảo giáo dục phát tiển cao
Trung Cộng dạy gì không dạy đức
Người già ngã đó ai đỡ nào?
Người đời lầm tưởng Trung Cộng hảo,
Lại bảo mạnh tay chống tham nhũng
Tâm kia hủ bại sao dứt được
Vận động càng lắm, rồi sao nào?
Người đời lầm tưởng Trung Cộng hảo
Lại bảo quân sự mạnh siêu cường
Súng kia là vì bảo hộ đảng
Lòng dân đã mất, tận ngày tàn.
Chú thích:
[1]: Bản dịch của Nhóm dịch giả Vũ Bội Hoàng, Nhà xuất bản Văn học.
Tác giả: Phạm Gia Thái
Cổ Dung biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ