Gửi thế hệ tương lai: Hãy chọn phương châm sống đơn giản và đặt vào đó thật nhiều yêu thương
Bạn hãy chọn cho mình hai câu phương châm sống và xem đó là sợi dây kết nối động viên tinh thần bạn vào mỗi thời mỗi khắc. Chỉ cần hai câu đơn giản nhưng hãy đặt vào đó thật nhiều yêu thương.
Tôi đã 81 tuổi.
Có hai phương châm sống mà đến giờ tôi vẫn vận dụng không ngừng. Đó là “Làm những việc cần làm khi đến đúng thời điểm” và “Tôi có thể thực hiện việc này. Tôi đã thì thầm những lời này với chính mình.
May mắn thay, tôi được nuôi dạy vào thập niên 1940, 1950 khi tiếng cười, niềm vui và thái độ tích cực tràn ngập xung quanh, chắc chắn trái ngược hẳn với thời Đệ nhị Thế chiến và tất cả những nỗi ám ảnh đau thương do chiến tranh gây ra. Cha tôi là một phi công thích pha trò. Tôi biết ông thậm chí còn ‘mài dũa’ tính hài hước của mình ngay cả khi đang thực hiện chiến dịch không vận nguy hiểm trong Đệ nhị Thế chiến, có biệt danh HUMP*. Mẹ tôi làm công việc nội trợ. Bà thường xuyên ca hát và huýt sáo. Nguyên do ông bà ngoại tôi được sinh ra ở Bohemia (Czechoslovakia)**, sau đó được giáo dục ở Áo, nên ca hát và khiêu vũ mãi mãi là một phần di sản lớn lao của gia đình chúng tôi.
Vào những năm của tuổi 20, tôi có sáu người con. Khi hôn nhân thất bại, tôi quyết định quay trở lại Đại học. Thời điểm đó, tôi đã thực hiện phương châm sống, “Làm những việc cần làm khi đến đúng thời điểm.” Tôi hoàn thành chương trình học trong hai năm và bắt đầu dạy trung học khi 33 tuổi. Khi đó, tôi đã thì thầm với chính mình, “Tôi có thể thực hiện việc này.” Quá trình này quả thật rất khó khăn.
Năm 34 tuổi, tôi đã mua năm héc ta đất sa mạc với giá rất rẻ ở phía nam thị trấn đáng yêu Cave Creek, tiểu bang Arizona và khai phá một khu đất rộng gấp đôi ở đó. Chúng tôi không thể tìm thấy nguồn nước ở vùng hoang mạc này. Nhờ mẹ tôi giúp đỡ cho một chiếc xe tải nhỏ cũ, chúng tôi đã có thể vận chuyển nước từ nơi khác đến trong hai năm. Các con tôi hết mực vui thích lái xe máy và cưỡi ngựa vòng quanh sa mạc hoang vắng, ngày nay được lấp đầy bởi hàng trăm ngôi nhà đắt giá.
Vào những năm 40 tuổi, tôi hỏi con trai lớn nhất của mình, “Con có nghĩ là chúng ta có thể xây một ngôi nhà không?” Đã đến lúc chúng tôi cần chuyển khỏi căn nhà di động trên xe tải. “Chắc chắn được ạ,” con tôi đáp lời. Chúng tôi cùng chung sức, với các thành viên trong gia đình, xây xong ngôi nhà trong vòng hai năm. Tôi đã làm theo phương châm sống, “Làm những việc cần làm khi đến đúng thời điểm.”
Những năm 60 tuổi, tôi quyết định sơn nội thất của ngôi nhà mình. Đây là việc hết sức cần làm. Leo lên một cái thang cao và lập kế hoạch mỗi tháng sơn một phòng, cuối cùng tôi đã hoàn thành công việc. Tôi đã có thể làm được bằng cách áp dụng phương châm sống, “Tôi có thể thực hiện việc này.”
Khi ở những năm tháng của tuổi 70, tôi quyết định trở thành nhà văn. Tôi đã hoàn tất bốn cuốn tiểu thuyết tự xuất bản. Cuốn thứ tư là tiểu thuyết lịch sử Đệ nhị Thế chiến viết về những phi công bay qua dãy Himalaya. Tôi đã làm bởi lẽ tôi biết đây là lúc cần thực hiện phương châm sống, “Làm những việc cần làm khi đến đúng thời điểm.”
Quý độc giả thân mến, hãy chọn hai câu phương châm sống phù hợp với mình và nhớ đến nó khi cần thiết như là sợi dây kết nối động viên tinh thần bạn. Chọn những phương châm sống đơn giản thôi nhưng hãy đặt vào đó thật nhiều yêu thương từ trái tim mình.
Dottie Gomez, Arizona
———————-
Bạn muốn trao lời khuyên nào đến với những người trẻ?
Chúng tôi kêu gọi tất cả độc giả chia sẻ những giá trị mang tính vượt thời gian – những thứ giúp ta phân định đúng sai, và truyền lại “ngọn đuốc” (nếu bạn muốn) thông qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của chính mình. Chúng tôi cảm thấy công việc này – sự truyền thụ trí tuệ cho thế hệ mai sau càng lúc càng bị xem nhẹ, tuy nhiên chỉ với một nền tảng đạo đức vững chắc thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển.
Gửi lời khuyên của bạn, cùng thông tin cá nhân bao gồm tên họ, tiểu bang mà bạn đang sinh sống tới [email protected] hoặc gửi lời khuyên đó đến: Next Generation, The Epoch Times, 5 Penn Plaza, 8th Fl., New York, NY, 10001.
Ghi chú của dịch giả:
*”The Hump” là biệt danh mà các phi công quân đội Đồng minh đặt tên cho chiến dịch không vận vượt qua chân núi Himalaya để vào Trung Quốc. Đây là lộ trình không vận nguy hiểm nhất của Lực lượng Phòng không lục quân Hoa Kỳ, nhưng đó là con đường duy nhất để vận chuyển quân dụng hỗ trợ Trung Quốc chiến đấu với quân đội Nhật Bản trong thời Đệ nhị Thế chiến.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times