Góc nhìn về chiến dịch tranh cử tổng thống thất bại của ông Mike Pence
Khi cựu Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố ứng cử vào vị trí đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa, thông điệp của ông đã rất rõ ràng. Ông tự đặt mình là ứng cử viên chống lại ông Trump, hy vọng các cử tri sẽ đánh giá cao việc ông đã từ chối yêu cầu của cựu Tổng thống Trump trong việc thách thức sự chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống gây tranh cãi gay gắt vào năm 2020.
“Tôi tin rằng bất cứ ai đặt mình lên trên Hiến Pháp sẽ không bao giờ trở thành tổng thống Hoa Kỳ,” ông nói về ông chủ cũ của mình. “Và bất cứ ai yêu cầu người khác đưa mình lên trên cả Hiến Pháp sẽ không bao giờ trở thành tổng thống Hoa Kỳ thêm lần nữa.”
Chỉ bốn tháng sau, ông Pence từ bỏ tham vọng trở thành tổng thống của mình. Khi thông báo tạm dừng chiến dịch tranh cử vào cuối tuần trước (28-29/10), cựu phó tổng thống khẳng định rằng ngay từ đầu ông đã “không hối hận” về quyết định tranh cử này.
Theo CNN, ông Pence đã đưa ra quyết định này do lo ngại rằng ông thậm chí có thể không đủ điều kiện tham gia cuộc tranh biện lần thứ ba của Đảng Cộng Hòa vào cuối tháng này vì thiếu nhà tài trợ và chỉ số bình chọn dành cho ông chỉ là một chữ số.
Sau khi chiến dịch tranh cử của ông kết thúc, chẳng trách nếu ai đó đặt câu hỏi rằng: Ông Pence đang cố gắng đạt được điều gì?
Việc chạy đua vào chức tổng thống chủ yếu nhằm nâng cao sự chú ý của cả nước đối với một người nào đó hoặc để đặt định bản thân người đó như một ứng cử viên tiềm năng cho một vị trí trong nội các. Tuy nhiên, với việc ông Pence đã được công nhận từ thời còn phục vụ ở Tòa Bạch Ốc, thì điều này hầu như không cần thiết.
Một cách lý giải khác đó là ông ấy thực sự tin rằng mình có thể giành được cả sự đề cử lẫn chức vụ tổng thống, mặc dù ngay từ đầu đã rõ ràng rằng cơ hội thành công của ông là rất mong manh. Chỉ số bình chọn trung bình trong cuộc thăm dò của RealClearPolitics cho thấy ông chỉ ở mức 3.4%, thấp hơn so với cựu Thống đốc South Carolina Nikki Haley và doanh nhân Vivek Ramaswamy.
“Chiến dịch tranh cử của ông Mike Pence luôn giống với ông Dan Quayle, cựu phó tổng thống Đảng Cộng Hòa gần đây nhất chỉ phục vụ một nhiệm kỳ trước khi thử ra tranh cử,” ông Dennis Lennox, một nhà tư vấn của Đảng Cộng Hòa ở Michigan, người đã từng làm việc trong nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống, nói với The Epoch Times. “Tôi không tin rằng ngay cả trong một tình huống giả định giống như trước năm 2016, cựu Phó Tổng thống Mike Pence có thể loại sạch các đối thủ hoặc trở thành ứng cử viên hàng đầu.”
“Luôn có những câu hỏi về việc liệu ông ấy có một chiến dịch tranh cử thực sự hay không,” ông tiếp tục. “Ngay từ đầu, ông ấy đã chật vật trong việc gây quỹ, và tôi không chắc ông ấy có nộp hồ sơ tham gia bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào hay không. Thực tế là chúng ta hiện đang ở giai đoạn của chiến dịch khi mà thời hạn nộp hồ sơ cho tất cả 56 cuộc bầu cử sơ bộ và cuộc họp bầu ở cấp tiểu bang và lãnh thổ đang đến và sắp trôi qua.”
Những người khác tin rằng chiến dịch tranh cử của ông chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi của ông ấy, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm tổn hại đến uy tín của ông trong lòng các cử tri của Đảng Cộng Hòa.
Ông Josh Hammer, biên tập viên cao cấp của Newsweek và người dẫn chương trình podcast theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, cho biết: “Ông Mike Pence từ lâu đã tự coi mình là một kẻ tử vì đạo ‘có nguyên tắc’ cho chủ nghĩa bảo tồn truyền thống. Nếu xem xét kỹ lịch sử hoạt động của ông ấy thì hoàn toàn không phải như vậy.”
“Những người có trí nhớ tương đối tốt sẽ nhớ được rằng, vào năm 2015, ông Pence, Thống đốc tiểu bang Indiana khi đó, người bấy lâu đã vận động tranh cử với tư cách là một người bảo tồn truyền thống xã hội kiên định, đã nhanh chóng bỏ cuộc khi giới doanh nghiệp vận động hành lang phản đối Luật Khôi phục Tự do Tín ngưỡng của Indiana. Tương tự, nỗ lực tranh cử tổng thống năm 2024 viển vông của ông ấy liên quan nhiều hơn đến việc thỏa mãn cái tôi quá lớn của chính ông ấy chứ không phải là ‘nguyên tắc.’”
Một số người bảo tồn truyền thống có cái nhìn thông cảm hơn. Ví dụ, ông Gregg Keller, người sáng lập Atlas Strategy Group, đã nói với The Epoch Times rằng ông Pence coi chiến dịch của mình là cơ hội để nêu bật các vấn đề bảo tồn truyền thống về xã hội, như phá thai và gia đình hạt nhân.
“Các vấn đề bảo tồn truyền thống về văn hóa và xã hội đã truyền cảm hứng cho Phó Tổng thống Pence xác định sự nghiệp của ông ấy,” ông Keller giải thích. “Và, tuy không hoàn hảo, tôi tin rằng ông ấy coi chiến dịch của mình như một phương tiện để giữ cho những vấn đề bảo tồn truyền thống về văn hóa đó — ủng hộ sự sống, nền văn hóa đang trở nên thô tục của chúng ta, vai trò trung tâm của gia đình, v.v. — là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của các cử tri Đảng Cộng Hòa,” ông Keller nói tiếp. “Ông ấy sẽ luôn là tiếng nói của những vấn đề mà các cử tri của chúng ta tôn trọng và quan tâm.”
Ông Michael Johns, từng là người viết diễn văn cho tổng thống tại Tòa Bạch Ốc và là chuyên gia phân tích chính sách của Quỹ Di sản (Heritage Foundation), cho rằng chiến dịch tranh cử của ông Pence có thể xuất phát từ mong muốn cả đời là được bước chân vào Oval Office.
“Rất có thể nguyện vọng làm tổng thống của ông Pence đã có từ đầu thế kỷ này khi ông còn ở Quốc hội. Nếu không thì những nguyện vọng ấy chắc chắn đã xuất hiện khi ông còn là thống đốc tiểu bang Indiana. Bây giờ là năm 2023, và sự công nhận của cả nước đối với ông được cho là đã đạt đến mức cao nhất, ông ấy có thể đã kết luận rằng đây là một sự nỗ lực rất xứng đáng.”
“Có bao giờ ông ấy cảm thấy chắc chắn rằng mình có thể giành được đề cử hoặc chức vụ tổng thống không? Gần như chắc chắn là không, nhưng cũng đúng là nhiều khi các tổng thống bắt đầu chiến dịch tranh cử mà không hề có được mức độ tự tin đó.”
Tuy nhiên, ông Johns đồng thuận với quan điểm phổ biến trong các cử tri Đảng Cộng Hòa rằng việc ông Pence từ chối thách thức sự chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 là một sự phản bội. Vấn đề này đã được đề cập nhiều lần trong quá trình vận động tranh cử, với việc những người chỉ trích đã gọi ông là “kẻ phản bội” vì ông đã không hành động.
Ông Johns giải thích: “Khi từ chối thực hiện các yêu cầu của nhiều nhà lập pháp tiểu bang ở các tiểu bang then chốt để điều tra và giải quyết các hành vi gian lận và bất thường rõ ràng, ông Pence đã thực sự khiến hàng chục triệu cử tri xa lánh mình. Kể từ đó, ông ấy tiếp tục tuyên bố một cách sai lầm rằng ông ấy đã được yêu cầu lật ngược lại kết quả của cuộc bầu cử.”
“Cho đến ngày nay, tôi nghĩ rằng hầu hết cử tri của ông Trump đều thấy rằng ngày hôm đó, khi thực sự bị buộc phải quyết định giữa quan điểm của giới quyền uy và việc sửa chữa nhiều sai lầm nghiêm trọng ở quốc gia này, thì ông ấy đã không có đủ lòng can đảm để làm điều đúng đắn.”
Với việc ông Pence hiện đã mãn nhiệm và không tham gia chiến dịch tranh cử, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tương lai của ông.
Bất kỳ sự trở lại tiền tuyến chính trị ngay lập tức nào dường như là khó xảy ra. Một cuộc thăm dò của Associated Press và Trung tâm Nghiên cứu Công Vụ NORC cho thấy 57% người Mỹ nhìn nhận ông Pence một cách tiêu cực, chỉ có 28% giữ quan điểm tích cực.
Tuy nhiên, rõ ràng là ông Pence hy vọng sẽ duy trì được một mức độ ảnh hưởng nào đó trong Đảng Cộng Hòa (GOP). Theo một báo cáo gần đây của Associated Press, những người thân cận với ông Pence đã “bắt đầu cảm thấy rằng việc tiếp tục là một ứng cử viên có nguy cơ làm giảm vị thế lâu dài của ông trong đảng” và việc tiếp tục tham gia chiến dịch tranh cử “có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì tiếng nói lãnh đạo của ông trong phong trào bảo tồn truyền thống.”
Nếu cuối cùng ông Trump trở thành người đề cử của Đảng Cộng Hòa, có thể sức ảnh hưởng vốn đã hạn chế của ông Pence trong Đảng Cộng Hòa sẽ chỉ giảm đi hơn nữa. Cựu tổng thống đã loại trừ khả năng chọn ông Pence là ứng cử viên liên danh thêm lần nữa, và mô tả những hành động của ông vào ngày 06/01 là “sự tự sát chính trị.”
Ông Pence cho đến nay vẫn từ chối ủng hộ cho ông Trump (hoặc bất kỳ ứng cử viên của cuộc bầu cử sơ bộ nào khác), mặc dù cựu phó tổng thống chưa loại trừ khả năng sẽ bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump nếu ông ấy trở thành người giành được đề cử của Đảng Cộng Hòa.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times