Góc giáo dục trẻ thơ: Nuôi dưỡng tấm lòng thiện nguyện
Làm thế nào để nuôi dưỡng sự tử tế và tấm lòng thiện nguyện cho con trẻ từ thuở ấu thơ?
Đó là thời gian vào giữa tháng mười hai, ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh. Tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng dành cho người cao tuổi, các học sinh tiểu học và trung học cơ sở vừa hoàn thành buổi biểu diễn hát mừng Giáng Sinh hàng năm. Các giáo viên trao những tấm thiệp cho học sinh của mình, và các em bắt đầu xuống thăm hỏi những cụ cao tuổi ngồi dưới hàng ghế khán giả. Tôi đã rất tự hào khi thấy trong số học sinh của mình, một cô bé tám tuổi, ngại ngùng đến gần người phụ nữ lớn tuổi ngồi trên xe lăn, đưa ra một tấm thiệp tự làm và giới thiệu về mình. Với nụ cười bẽn lẽn đáng yêu, cô bé nói, “Cháu làm cái này tặng bà ạ.” Cô bé được tưởng thưởng bằng những lời cảm ơn chân thành và những lời thăm hỏi về cuộc sống học đường.
Hàng năm, trường học của cô bé là Principled Academy tại thành phố San Leandro, tiểu bang California, đều tổ chức tập dượt các bài hát cho buổi biểu diễn vào dịp lễ diễn ra vào tháng 12 ở trung tâm sinh hoạt cộng đồng dành cho người cao tuổi. Các giáo viên hướng dẫn cho học trò của mình cách giao tiếp với người lớn tuổi, và các em thực tập các cuộc chuyện trò trước khi diễn ra sự kiện. Bởi vì một số em học sinh chưa có kinh nghiệm trò chuyện với ông bà, nên các giáo viên gợi ý cho các em một số chủ đề để cuộc hàn huyên diễn ra tốt đẹp. Tôi nhắc học sinh của mình ở khối lớp hai rằng các cụ lớn tuổi có thể muốn chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu diễn ra vào dịp lễ hay môn học yêu thích ở trường tiểu học. Tôi tin chắc những tấm thiệp của các em được trang trí với chủ đề theo mùa và lời chúc mừng ngày lễ sẽ được các cụ đón nhận nồng nhiệt.
Sau buổi hòa nhạc, học sinh được giao một bài tập viết, trong đó các em sẽ diễn tả cảm giác của mình khi đến thăm những người lớn tuổi, biểu diễn âm nhạc, trò chuyện thân mật và gửi tặng những tấm thiệp được làm thủ công cho các cụ. Mỗi năm, các học sinh, giáo viên và phụ huynh được chứng kiến những nụ cười và nghe thấy nhiều lời động viên từ các cụ, “hãy trở lại vào năm sau các cháu nhé.” Điều này luôn khơi gợi ước mong tiếp tục thực hiện hoạt động ý nghĩa này. Thỉnh thoảng, những học sinh lớn hơn trở lại trung tâm để trò chuyện, thăm hỏi các cụ. Đây là bằng chứng sống động thể hiện việc quan tâm đến người khác giúp khơi gợi những điều tốt đẹp nhất trong mỗi chúng ta, bao gồm cả trẻ em!
Những gì được đề cập ở trên được gọi là “Học tập phục vụ cộng đồng”, đã trở thành một phần của chương trình giảng dạy ở một số trường học. Đó là sự kết hợp giữa hoạt động phục vụ cộng đồng và việc học của học sinh vừa giúp các em học tập tốt vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng. Kết quả mong đợi là các em sẽ tăng cường ý thức trách nhiệm công dân, đồng thời mong muốn giúp đỡ những người nghèo khổ, cô đơn và đau khổ. Những hạt giống tâm hồn này có thể được gieo trồng từ rất sớm, khi các em còn học tiểu học. Những cô cậu học trò nhỏ tuổi của tôi nhận thức được rằng các em có thể đóng góp nhiều việc hữu ích. Các em không nhất thiết phải là người lớn mới làm được điều đó. Theo nhà tâm lý học Allan Luks, trong quyển sách của ông có nhan đề “The Healing Power of Doing Good” (Tạm dịch: Sức mạnh chữa lành khi thực hiện hoạt động thiện nguyện) cho hay giúp đỡ người khác có thể “cải thiện sức khỏe thể chất và tâm lý, cũng như nâng cao cảm giác hạnh phúc về tinh thần”. Có lẽ một trong những ký ức tươi đẹp nhất của chúng ta khi trưởng thành là việc giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn.
Trẻ em có lẽ không nhận biết được sự tồn tại của nhiều khổ đau trên thế giới. Các em có thể không nhận ra rằng một số người, bao gồm các bạn cùng trang lứa, đang đói và không có đủ thức ăn ở nhà. Khi thu thập hộp đựng đồ ăn cho ngân hàng thực phẩm địa phương hoặc gây quỹ cho UNICEF, các em nhận thức được rằng mình đang hỗ trợ cho những người kém may mắn hơn. Giáo viên lên kế hoạch cho các bài học và hoạt động để nâng cao nhận thức về nạn đói. Học sinh trung học ghé thăm và hỗ trợ tại ngân hàng thực phẩm địa phương. Khi làm việc bên cạnh những tình nguyện viên của tổ chức từ thiện, các em tận mắt nhìn thấy giá trị và sự cần thiết của hoạt động phục vụ cộng đồng. Các em hiểu rằng nhiều người sẽ đói nếu không có những tình nguyện viên này. Hy vọng những đứa trẻ này sẽ lớn lên với ước mong giải quyết một số vấn đề của xã hội chúng ta, hoặc ít nhất, sử dụng các kỹ năng của mình để hỗ trợ những người gặp khó khăn.
Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích phát triển loại hình “học tập phục vụ cộng đồng”? Điều quan trọng là các gia đình và trường học phải lựa chọn những dự án học tập phục vụ cộng đồng phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh và thường xuyên, kiên trì thực hiện những hoạt động này. Tìm hiểu các cơ hội hoạt động tình nguyện tại địa phương có thể giúp học sinh lớn hơn, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, tăng cường khả năng nghiên cứu của mình. Những nhóm học sinh có thể lên kế hoạch dự án và thực hiện các chiến lược. Sau khi đã chọn lọc và viết một bản đề xuất, các em có thể bắt tay vào làm và đánh giá hiệu quả của hoạt động.
Một loạt chương trình “học tập phục vụ cộng đồng” đã được áp dụng thành công trong các trường học. Dưới đây là một số gợi ý để giáo viên và phụ huynh cùng tham khảo. Trẻ em có thể làm các hộp chăm sóc cho những người trong quân ngũ, thiệp thủ công tri ân và động viên các cựu chiến binh, chuẩn bị bộ vật dụng thiết yếu cho người vô gia cư, bao gồm xà phòng, kem đánh răng và các sản phẩm cần thiết khác, gây quỹ cho một số tổ chức từ thiện bằng việc nướng bánh để bán, thu thập sách mới và sách đã qua sử dụng để quyên góp đến bệnh viện nhi đồng địa phương. Còn vô số ý tưởng khác nữa! Thực hiện công việc này luôn truyền cảm hứng, đặc biệt là khi nó gắn liền với việc học. Khi Principled Academy có một dự án toàn trường để quyên góp tiền cho UNICEF, một đại diện của UNICEF đã thuyết trình về các mục tiêu của tổ chức. Ngay khi hiểu thêm về hoàn cảnh của những gia đình nghèo khó, các em học sinh đã có ý tưởng tập trung vào trò chơi trick-or-treating (một tập tục trong lễ hội Halloween rất được yêu thích dành cho trẻ em và người lớn ở nhiều nước). Các em nhận được kẹo của mình, nhưng cũng gây quỹ để giúp đỡ những người kém may mắn hơn.
Thực hiện công việc thiện nguyện sẽ được nhân rộng. Mong muốn giúp đỡ người khác có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo viên, những người áp dụng chương trình “học tập phục vụ cộng đồng” vào giáo án và hoạt động ở trường; các bậc phụ huynh truyền cảm hứng cho con trẻ bằng việc tham gia hoạt động thiện nguyện cùng gia đình, và những hình mẫu người lớn đưa trẻ em vào trong các hoạt động công dân của họ.
Công việc mẹ tôi làm tại một khu ổ chuột đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi. Bà đưa tôi đến chương trình Head Start (đây là chương trình thúc đẩy sự sẵn sàng đến trường của trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo từ các gia đình có thu nhập thấp) đầu tiên ở Rochester, Thành phố New York, nơi bà là giáo viên mầm non cho trẻ em đến từ các gia đình nghèo khó. Mùi hăng nồng phát ra từ một nhà máy sản xuất mù tạt là điều đầu tiên khiến tôi chú ý khi chúng tôi lái xe vào khu phố. Người dân trên vỉa hè trông có vẻ khốn khổ, và tôi thấy rác thải vứt bừa bãi khắp nơi. Thật là một cảnh tượng trái ngược với vùng quê nơi tôi sinh sống với không khí trong lành và thiên nhiên tươi đẹp. Những thanh âm, khung cảnh và mùi của sự nghèo đói khiến tôi tràn đầy ước mong thay đổi cuộc sống của những gia đình này. Tôi biết rằng ký ức về khoảng thời gian đó sẽ luôn khắc ghi trong trái tim mình.
Khi trưởng thành, chính trải nghiệm đó đã truyền cảm hứng cho tôi thành lập một tổ chức bất vụ lợi hỗ trợ người vô gia cư ở Oakland, tiểu bang California, vào năm 2019. Nguồn gốc ra đời của tổ chức này là từ cuộc chuyện trò của tôi với một người bạn tại quán cà phê về việc những hoạt động từ thiện của mẹ mình đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi như thế nào. Để tôn vinh và tiếp nối di sản của những người mẹ mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ, tôi và bạn mình bắt đầu thực hiện chương trình tiếp cận thực phẩm và quần áo tại một trong những khu vực nghèo nhất của Oakland. Điều đó khiến tôi hồi tưởng về ký ức tuổi thơ với mẹ trong khu ổ chuột, dành sự quan tâm và tình cảm cho những đứa trẻ và gia đình đang phải chịu cảnh nghèo đói. Tôi cảm thấy vui mừng khôn xiết, vì ít nhất, chúng tôi đã có thể làm điều gì đó giúp đỡ những người vô gia cư đang sống trong các căn lều ở khu vực khốn khó ấy.
Ở những ngôi trường có chương trình “học tập phục vụ cộng đồng”, trẻ em được đọc các bài viết về cuộc sống của những người đã tìm thấy hạnh phúc và ý nghĩa thông qua những hoạt động phục vụ lợi ích của người khác. Mẹ Teresa là một tấm gương chưa bao giờ ngừng truyền cảm hứng đến mọi người. Bà từng nói, “Bản thân chúng tôi cảm thấy rằng những gì mình đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ không đủ đầy nếu thiếu giọt nước đó.” Tất cả chúng ta đều trân trọng Tiến sĩ Martin Luther King Jr., người đã giáo dục về giá trị phục vụ cộng đồng, “Mọi người đều có thể trở nên tuyệt vời bởi vì mỗi người đều có thể phục vụ cộng đồng….Đất nước này sẽ không còn là nơi tốt đẹp cho bất kỳ ai trong chúng ta sinh sống trừ khi chính chúng ta khiến đất nước mình trở thành một nơi chốn tốt đẹp cho tất cả mọi người…Tôi đã phát hiện ra rằng, trong số rất nhiều lợi ích mà hoạt động thiện nguyện đem lại, sự cho đi giải phóng tâm hồn của người trao tặng.” Những người nổi tiếng này từng là những đứa trẻ học cách cho đi từ hình mẫu của họ. Ai đó đã nuôi dưỡng và tưới mát hạt giống của lòng trắc ẩn đó và cho phép họ truyền cảm hứng đến nhiều người trên thế giới.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: