Giữ gìn giấc mơ Mỹ
Tuyên ngôn Độc lập dạy rằng nước Mỹ được thành lập như một quốc gia của nhân tài, một quốc gia nơi người dân đạt được thành công dựa trên phẩm chất, năng lực cá nhân, và làm việc chăm chỉ.
Bản Tuyên ngôn đạt được điều này như thế nào?
Bản Tuyên ngôn khẳng định rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng,” có nghĩa là tất cả người Mỹ đều bình đẳng xét về khả năng đề ra phương hướng phát triển cho mình. Tuyên ngôn xây dựng trên lập luận này bằng cách nói thêm rằng tất cả mọi người phải được bảo đảm quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc — chứ không phải được bảo đảm cho có được bản thân hạnh phúc.
Các nguyên tắc của bản Tuyên ngôn đã đặt nền tảng cho điều mà ngài James Truslow Adams gọi là “Giấc mơ Mỹ”, mà ông định nghĩa là “giấc mơ về một vùng đất mà ở đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và sung túc hơn cho tất cả mọi người, ai cũng có cơ hội tùy theo khả năng hoặc thành tựu.”
Chính giấc mơ đó đã thu hút hàng triệu người từ mọi nơi trên khắp thế giới đến Hoa Kỳ. Chính giấc mơ đó đã gắn kết chúng ta thành một quốc gia và đưa chúng ta trở thành quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới.
Đó là giấc mơ mà ngài Frederick Douglass và ngài Martin Luther King Jr. — hai người ủng hộ cho các nguyên tắc lập quốc của Mỹ — mong muốn tất cả người Mỹ đều có thể đạt được, bất kể màu da. Cả hai ông đều muốn có một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người. Họ đã xây dựng thêm dựa trên sự tiến bộ vốn tạo nên và thúc đẩy Hoa Kỳ tiến xa hơn nữa trên con đường đưa mục tiêu Giấc mơ Mỹ trở thành hiện thực cho mọi công dân.
Nhưng chính giấc mơ đó, lời hứa đó trong bản Tuyên ngôn của chúng ta, giờ đây đang bị tấn công. Phải thừa nhận rằng tiến bộ để đạt được giấc mơ đó đã chậm chạp. Nhưng không có lý do gì để bỏ qua tiến bộ đã đạt được này và thay thế lời hứa trong bản Tuyên ngôn bằng một điều gì đó hoàn toàn khác.
Thay vì tập trung vào thành tựu cá nhân dựa trên thiên tính, phẩm chất, và sự làm việc chăm chỉ của một người, có một số người muốn xóa bỏ Giấc mơ Mỹ và các nguyên tắc tạo nên nền tảng cho giấc mơ này.
Trong các trường học mà tôi tham gia vào việc lan tỏa rộng rãi các nguyên tắc và lịch sử lập quốc của chúng ta, tôi thấy các nỗ lực nhằm phá hoại khái niệm về nhân tài, cũng như quan niệm về trách nhiệm cá nhân.
Tại New York, thị trưởng tiền nhiệm đã chấm dứt các chương trình năng khiếu ở trường công lập. Các giáo viên ở California và những nơi khác đã bắt đầu loại bỏ thang điểm từ A đến F, bởi những mối lo ngại về “công bằng.”
Chính sách được đề nghị nhằm xóa các khoản nợ vay sinh viên là một vấn đề khác về phương diện này. Đã có người sẵn lòng muốn vay tiền và cam kết sẽ hoàn trả khoản vay đó. Nhưng hiện nay chính phủ nói rằng họ không cần phải trả lại, hoặc ít ra là không cần phải trả lại toàn bộ khoản vay này. Một cách miễn cưỡng, những người khác sẽ trả khoản vay này giùm cho quý vị. Đây là một bài học để dạy cho giới trẻ sao!
Có vẻ như chúng ta đang bác bỏ ý tưởng về phẩm chất và trách nhiệm cá nhân, hai trụ cột quan trọng của Giấc mơ Mỹ.
Martin Luther King Jr. thời nay đang ở đâu để xây dựng trên sự tiến bộ của Hoa Kỳ nhằm đạt được tầm nhìn của bản Tuyên ngôn?
Tôi tin vào Giấc mơ Mỹ vì nó ghi nhận năng lực và sự cố gắng của cá nhân. Mặc dù một số yếu tố ngoài lề với âm lượng chói tai đang đòi bác bỏ giấc mơ này, nhưng tôi tin rằng đa phần trong số hơn 330 triệu công dân của chúng ta cũng tin vào nó.
Tôi tin rằng học đường phải giáo dục giới trẻ của chúng ta, những cử tri tương lai của chúng ta, về vẻ đẹp và lời hứa của Giấc mơ Mỹ để các em có thể tiếp tục nỗ lực khiến điều đó trở thành hiện thực cho tất cả mọi người cũng như cho chính bản thân các em. Giờ đây, đó mới là điều đáng để tuần hành và kiến nghị với chính phủ của chúng ta để: cứu lấy Giấc mơ Mỹ.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times