‘Giống như bị chôn sống’: Ký giả Thành Lôi tiết lộ cuộc sống trong nhà tù Trung Quốc
Ký giả người Úc Thành Lôi (Cheng Lei) đã phải ngồi tù gần ba năm ở Trung Quốc vì vi phạm lệnh cấm vận.
Ký giả Úc Thành Lôi (Cheng Lei) đã phải ngồi tù gần ba năm ở Trung Quốc do vi phạm một lệnh cấm vận, bà tiết lộ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi trở về quê nhà Melbourne hôm 11/10.
Bà Thành, 48 tuổi, phóng viên về chủ đề kinh doanh của đài truyền hình Anh ngữ CGTN do nhà nước Trung Quốc điều hành đã bị bắt giữ hôm 13/08/2020, và sau đó bị buộc tội cung cấp trái phép bí mật an ninh nhà nước Trung Quốc ra ngoài. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc một tổ chức ở ngoại quốc đã thông đồng với bà.
Bà Thành phủ nhận những cáo buộc chống lại mình.
Cung cấp bí mật nhà nước ra ngoài là một trong những điều luật mơ hồ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để bắt giữ và truy tố bất kỳ ai mà họ cho là mối đe dọa đối với chế độ này.
Tuy nhiên, bà Thành tiết lộ rằng bà đã bị bắt và giam giữ sau khi vi phạm lệnh cấm vận truyền thông chỉ sau vài phút.
Lệnh cấm vận là một thỏa thuận giữa ký giả và chính quyền hoặc công ty nhằm hạn chế xuất bản thông tin cho đến thời điểm đã thỏa thuận.
“Ở Trung Quốc, đó là một tội lỗi lớn. Các người đang hủy hoại quê hương. Và chính quyền nhà nước đã bị xói mòn vì các vị,” bà Thành nói với Sky News Australia hôm 17/10 và nói thêm rằng, “Những gì có vẻ vô hại đối với chúng ta ở đây … thì là mối đe dọa ở Trung Quốc.”
Bà nói rằng vào ngày bị bắt, một người “rất cao cấp” trong cơ quan của bà đã gọi bà đến dự một “cuộc họp quan trọng,” nơi một quan chức giơ thẻ ra và nói rằng: “Bà đang bị truy nã.”
Bà nói: “Vừa nói dứt lời, họ mang hết đồ đạc của tôi đi, và áp giải tôi về căn hộ của mình.”
Tại đó, bà đã làm món bánh mì kẹp phô mai nướng và bơ; nhưng bà không hề hay biết rằng mình sẽ không thể ăn món này trong ba năm tới.
Chôn vùi trong câm lặng
Sau đó, bà mẹ hai con ở Melbourne này đã được đưa đến một nhà tù Trung Quốc và bị giam giữ ở đó hai năm 11 tháng.
Bà Thành nói rằng sáu tháng đầu tiên họ đã giam bà tại Cơ sở Giám sát Khu dân cư tại một Địa điểm được Chỉ định (RSDL), nơi bà bị giam một mình ở trong phòng và bị sự giám sát 24/24.
RDSL là mạng lưới nhà tù nơi những người bị ĐCSTQ làm cho “biến mất” trong bí mật. Họ sẽ được đưa đến đó mà không cần lệnh của tòa án; tại đó, nạn nhân thường xuyên bị thẩm vấn và cấm ngủ.
Bà nói: “Họ làm thế là để khiến người bị giam cảm thấy bị cô lập, buồn chán, đau đớn và tuyệt vọng.”
Trong năm tháng đầu bị cô lập, bà đọc sách và viết lách; tuy nhiên, đến tháng cuối cùng, bà không được phép làm điều đó nên ngày nào bà cũng ngồi bần thần trong căn phòng chật hẹp và tối tăm u ám của mình.
“Họ nói rằng họ cho tôi 15 phút để hít thở không khí trong lành, nhưng tất cả những gì họ nói đến đó là một cửa sổ trên tầng thượng, nơi mà lính canh sẽ lên và mở ra trong vòng 15 phút. Nhưng những tấm rèm cửa thì vẫn đang buông xuống,” bà Thành cho biết.
“Đó chỉ là sự câm lặng. Cảm giác như bị chôn sống vậy.”
Để vượt qua tình cảnh đó, bà đã dịch các bài thơ, trò chuyện với cộng sự của mình là ông Nick Coyle, và trong đầu hình dung ra một đài phát thanh mang tên ‘Coffin FM.’
Tuy nhiên, sau sáu tháng, bà được chuyển đến một nhà tù khác và ở cùng với các bạn tù, một trong số họ đã giúp bà cải thiện tiếng Quảng Đông của mình.
Bà nói: “Tôi cũng cố gắng tự học tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và một chút tiếng Nhật.”
“Tôi đã tích lũy được hơn 200 cuốn sách. Và tôi đã từng nghĩ, ‘Chà, đây là cuốn sách mà anh Nick đã ưu ái chọn cho mình và là cuốn sách mà anh đã từng cầm trên tay.’
“Tôi vuốt ve cuốn sách đó và giữ nó bên mình. Và khi đọc được những câu nói thông thái hay khích lệ, tôi lại cảm thấy như chính anh ấy đã viết cho mình.”
Bà Thành nói thêm rằng thức ăn bà nhận được trong tù rất ít ỏi, và khi trở về nhà, bà đã “ăn cho thỏa cơn thèm” tại Chợ Queen Victoria ở Melbourne và thưởng thức rượu sâm panh. “Tôi tận hưởng mọi thứ một cách mãnh liệt và hít hà mọi mùi vị.”
Bà bày tỏ: “Mỗi lần nhìn lên bầu trời, tôi không thể tin được … bầu trời tròn vành vạnh bao la rộng lớn, trái ngược hẳn với việc chỉ nhìn hé qua một lỗ hổng nhỏ trên gác mái của phòng giam.”
Nhiều khi bà có cảm giác mình “như người tàn phế vậy, giống như một đứa trẻ sơ sinh và rất mong manh. Nhưng có lúc, tôi cảm thấy như mình có thể bay lên và tôi muốn ôm trọn mọi thứ,” bà nói.
Suy nghĩ lại, bà cho biết cách bà được đối đãi trong tù đã thay đổi sau khi chính phủ ông Albanese đắc cử vào năm 2022 và sau khi chính phủ này ổn định được mối bang giao đầy trắc trở trước đây của Úc với Trung Quốc.
Bà bày tỏ lòng biết ơn đến Thủ tướng Anthony Albanese và Ngoại trưởng Penny Wong.
Úc liên tục vận động để bà được về nước
Việc trả tự do cho bà Thành xảy ra sau khi chính phủ Úc liên tục đề cập đến trường hợp của bà trong các cuộc họp cấp bộ trưởng với các quan chức ĐCSTQ.
Bà Wong nêu vấn đề này trong cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc bầu cử năm 2022, nói rằng “Người Úc muốn thấy một người mẹ được đoàn tụ với các con của mình.”
Bà Vương, người chứng kiến cảnh bà Thành được đoàn tụ với gia đình tại Phi trường Tullamarine, mô tả khoảnh khắc này là “hiếm có.”
Bà nói: “Được gặp bà Thành thay mặt toàn bộ người dân Úc là một vinh dự của tôi.”
“Tôi chúc bà và gia đình mọi điều tốt lành. Bà ấy hỏi bà có thể làm gì cho chúng tôi, và tôi nói, ‘Chỉ cần thấy cô thành công, khỏe mạnh và hạnh phúc, thì đó chính là điều mà mọi người dân Úc đều mong muốn.”
Trước đó, ông Albanese đã đề nghị trả tự do cho bà khi gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2022 và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm 07/09.
Ông cho biết việc này diễn ra sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý ở Trung Quốc, và chính phủ Úc sẽ tiếp tục trợ giúp về mặt lãnh sự cho bà Thành và gia đình.
“Như trường hợp xảy ra trong suốt thời gian bà bị giam giữ, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến lợi ích và phúc lợi của bà,” ông chia sẻ hôm 11/10.
“Bà ấy đã trải qua ba năm trong hoàn cảnh đầy thử thách. Tôi đã trò chuyện với bà ấy về thông điệp gần đây mà bà gửi tới người dân Úc. Bà ấy là một người mạnh mẽ và kiên cường. Khi chúng tôi trò chuyện, bà ấy rất vui mừng khi được trở lại Melbourne.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times