Giới thiệu Dự luật để giám sát Bắc Kinh trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ
Thượng nghị sĩ Rob Portman (Đảng Cộng Hòa – Ohio) và Catherine Cortez Masto (Đảng Dân Chủ – Nevada) đã đưa ra một biện pháp để giám sát kỹ lưỡng các ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu công nghệ toàn cầu.
Trong các công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo, và IoT (internet vạn vật), các tổ chức quốc tế và hiệp hội công nghiệp sẽ giám sát quyền sở hữu trí tuệ và đặt ra các tiêu chuẩn sản xuất và an toàn để được áp dụng trên toàn thế giới. Các cơ quan này thường có các đại diện từ những quốc gia khác nhau là thành viên.
Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách gia tăng sự hiện diện trong các hiệp hội như một phần của kế hoạch kinh tế Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035, nhằm tìm cách khiến các tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc được lựa chọn và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Làm như vậy cho phép Bắc Kinh bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và các công ty Trung Quốc có thể kiếm được tiền bản quyền từ những bằng sáng chế của họ.
Đảm bảo vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ
Được đặt tên là Đạo luật Đảm bảo Vị trí Lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với các Tiêu chuẩn Quốc tế, đạo luật yêu cầu Giám đốc Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Hoa Kỳ (NIST) thực hiện nghiên cứu về “tác động của các ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong các công nghệ mới,” theo báo cáo ngày 18/11/2020 từ văn phòng của Portman.
Nghiên cứu cũng sẽ cung cấp các phản hồi về “cách Hoa Kỳ và các đồng minh toàn cầu có thể tiếp tục đảm bảo rằng việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế được diễn ra một cách minh bạch và dân chủ.”
Portman cho biết biện pháp của Thượng viện tương tự đề xuất của Hạ viện (H.R.7139), được đưa ra bởi Dân biểu David Schweikert (Đảng Cộng Hòa – Arizona) và Ami Bera (Đảng Dân Chủ – California) vào tháng 6/2020.
Theo nội dung của dự luật Hạ viện, nghiên cứu của NIST sẽ bao gồm các đánh giá về cách Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình ở các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn quốc tế trong 10 năm qua, tác động của kế hoạch kinh tế “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” đối với các tổ chức quốc tế này, và liệu các tiêu chuẩn quốc tế có được thiết kế để thúc đẩy kế hoạch công nghiệp khác của Trung Quốc, “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” – với mục tiêu đưa quốc gia này đến khả năng tự cung tự cấp trong 10 lĩnh vực công nghệ quan trọng vào năm 2025.
Ngoài ra, nghiên cứu của NIST sẽ xem xét cách thức Trung Quốc có thể tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế trong tương lai đối với những công nghệ thế hệ mới như Trí tuệ nhân tạo và Khoa học thông tin lượng tử, theo dự luật của Hạ viện.
Với những quan ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên những việc trên, Cortez Masto cho biết, “việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ quốc tế cần phải được thực hiện một cách minh bạch và dân chủ.”
Tham vọng của Trung Quốc
Bắc Kinh bắt đầu triển khai kế hoạch “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” vào tháng 3/2018.
Theo các báo cáo của truyền thông Trung Quốc, vào tháng 12/2018, 12 cơ quan liên quan đến các tiêu chuẩn của Trung Quốc đã họp tại Thanh Đảo, thành phố cảng thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc để cùng trao đổi về việc thúc đẩy kế hoạch thông qua việc kết hợp quân sự – dân sự (MCF). Việc này nằm trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm khai thác thế mạnh của các ngành công nghiệp tư nhân để đẩy mạnh hiện đại hoá quân sự.
Các nỗ lực của Trung Quốc trong việc sử dụng MCF nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của giới chức Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Vào ngày 12/11/2020, Tổng thống (TT) Donald Trump đã ban hành một lệnh hành pháp cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Chế độ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho các nỗ lực thiết lập tiêu chuẩn. Ví dụ như đối với tiêu chuẩn mạng 5G không dây, Trung Quốc đã thành công trong việc chiếm ưu thế.
Melanie Hart, thành viên cấp cao và giám đốc chính sách Trung Quốc ở Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, cho biết trong một phiên điều trần của quốc hội vào tháng 3/2020: “Chính quyền Trung Quốc đã cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính nhà nước để giúp Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác cử nhân viên tham dự những cuộc họp 3GPP và áp đảo quá trình thiết lập tiêu chuẩn bằng những đề xuất công nghệ của Trung Quốc”. 3GPP là một tổ chức có nhiệm vụ phát triển các giao thức và tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ viễn thông di động.
Công ty viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc đã đưa ra hơn 19.000 đề xuất kỹ thuật cho 3GPP, trong khi đó Qualcomm và Intel, có trụ sở tại Hoa Kỳ, chỉ đưa ra 5.994 và 3.656 đóng góp kỹ thuật.
Huawei cũng dẫn đầu về những đóng góp kỹ thuật được phê duyệt; các thành viên của 3GPP đã phê duyệt 5.855 đóng góp từ Huawei, vượt qua cả Qualcomm (1.994) và Intel (962).
Ngoài ra, các công ty Trung Quốc sở hữu 36 phần trăm các bằng sáng chế thiết yếu cho tiêu chuẩn 5G toàn cầu, trong khi các công ty Hoa Kỳ sở hữu 14 phần trăm – cho phép các công ty Trung Quốc có “lợi thế về giá trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, theo Hart.
Bắc Kinh cũng thúc đẩy các tiêu chuẩn của những công ty Trung Quốc bằng cách đưa chúng vào các thỏa thuận song phương với các quốc gia khác, như là với các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Adam Segal, giám đốc chương trình chính sách kỹ thuật số và không gian mạng thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết trong cùng buổi điều trần trên.
BRI được triển khai vào năm 2013, với mục tiêu tăng cường ảnh hưởng địa chính trị thông qua việc xây dựng các tuyến đường thương mại liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Âu, và Mỹ La Tinh.
Segal cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đã ký các biên bản ghi nhớ về tiêu chuẩn hoá với một số quốc gia, bao gồm Mexico, Việt Nam, và Indonesia. Các nước đang phát triển sẽ dễ chấp nhận các tiêu chuẩn Trung Quốc vì “chúng rẻ hơn các giải pháp tương tự của phương Tây” và đi kèm với “sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc”.