Giới quan sát: Cuộc đột kích Mar-a-Lago đã làm hoen ố hình ảnh của DOJ
Các chuyên gia cho biết, cuộc đột kích của Cục Điều tra Liên bang (FBI) hồi tuần trước (08-14/08) vào tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump ở Mar-a-Lago, Florida, bề ngoài với mục đích truy xuất các tài liệu có chứa thông tin mật liên quan đến an ninh quốc gia, đã làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với cơ quan thực thi pháp luật liên bang và Bộ Tư pháp (DOJ).
Mặc dù bản tuyên thệ cho thấy sự biện minh của DOJ trong việc tìm kiếm lệnh khám xét vẫn được niêm phong và nhiều chi tiết vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các nhà quan sát giải thích cuộc đột kích là một triệu chứng cho thấy DOJ ngày càng chính trị hóa dưới thời Tổng thống Joe Biden và sự sẵn sàng bẻ cong luật pháp để theo đuổi mục tiêu của họ.
Trát lệnh này được mở niêm phong hôm 12/08 cho thấy ông Trump đang bị điều tra về khả năng vi phạm ba điều luật của Hoa Kỳ liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, bao gồm thông tin quốc phòng và hồ sơ được sử dụng trong các cuộc điều tra liên bang.
Theo các nhà quan sát, thời điểm của cuộc đột kích — chỉ vài ngày trước một buổi làm chứng khi đó cựu tổng thống viện dẫn các quyền của Tu chính án thứ Năm chống lại việc tự buộc tội, trong bối cảnh diễn ra một cuộc điều tra về các giao dịch kinh doanh của gia đình ông — là đặc biệt đáng lo ngại.
Không vội vàng phán xét
Các chuyên gia pháp lý cảnh báo rằng quan điểm trong cộng đồng pháp lý bị chia rẽ về tính hợp pháp của cuộc đột kích, và điều quan trọng là không đi đến các kết luận vì những chi tiết khác về các cuộc thảo luận và cơ sở pháp lý cho điều đó — nếu có — tiếp tục xuất hiện.
Ông Mark Graber, một giáo sư luật thuộc Đại học Maryland, bác bỏ các giả thuyết được ông Trump và các đồng minh đưa ra, cho rằng “tại Hoa Kỳ, FBI bị phe cánh tả cấp tiến kiểm soát hoặc cho rằng chính FBI đã đàn áp Đảng Cộng Hòa.”
Thay vào đó, ông nói, “Có thể có một số lý do để tin rằng FBI đang khám xét tư dinh của ông Donald Trump bởi vì họ có bằng chứng quan trọng và tin rằng họ sẽ tìm thấy thứ gì đó bất hợp pháp.”
Ông Graber mô tả cuộc đột kích này là một sự kiện không xảy ra một cách tự phát hoặc không có bất kỳ cảnh báo nào, mà đúng hơn, đó là đỉnh điểm của một quá trình trong đó Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã yêu cầu ông Trump hoàn trả các tài liệu lấy từ Tòa Bạch Ốc vào thời điểm mãn nhiệm kỳ của ông hồi năm ngoái (2021), và đã đợi một thời gian dài trước khi cơ quan này chỉ nhận lại một số tài liệu được yêu cầu.
“Những yêu cầu này đã diễn ra trong nhiều tháng. Họ có nên gửi thêm một thư điện tử với nội dung ‘Vui lòng hoàn trả tài liệu’ không? Tôi không thể nói, nhưng rất rõ ràng, chính phủ đã cố gắng hành xử đúng đắn và không có kết quả,” ông Graber nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, ông Trump và các luật sư của ông ấy tranh cãi về sự thích đáng trong các hành động của FBI, nói rằng họ đã hợp tác với các nhà điều tra trong nhiều tháng và họ sẽ cung cấp tài liệu nếu được liên bang yêu cầu. Ông Trump cũng lập luận rằng tất cả các tài liệu đã được “giải mật.”
Tiêu chuẩn kép?
Cơ quan chấp pháp liên bang có thể dễ bị cáo buộc có tiêu chuẩn kép và né tránh đối xử với ông Trump như với những người khác vốn có các quan điểm chính trị tương đắc hơn với chính phủ đương nhiệm.
Ông Graber cho biết có khả năng nhóm pháp lý của ông Trump sẽ đưa ra lý lẽ rằng DOJ đã áp dụng các tiêu chuẩn cho ông Trump vốn được miễn trừ đối với các nhân vật chính trị khác.
“Chúng ta có thể dự đoán các luật sư của ông Trump sẽ tranh luận rằng ông Trump đã bị phân biệt đối xử, họ sẽ lập luận rằng FBI chưa bao giờ đột kích tư gia của bà Hillary Clinton” trong vụ bê bối phát sinh do thất bại trong việc giải quyết thông tin mật khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đến gần, ông Graber nói.
Trong khi, về lý thuyết, các cơ quan chấp pháp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của họ một cách trung lập về mặt chính trị, thì ông Graber cho rằng thực tế không thể tránh khỏi là cách giải thích luật sẽ khác nhau giữa các nhiệm kỳ chính phủ.
Ông nói: “Chúng ta có thể dự đoán rằng, dưới một chính phủ do Đảng Dân Chủ cầm quyền, thì Bộ Tư pháp sẽ áp dụng một cách giải thích rộng hơn đối với một số luật và một cách giải thích hẹp hơn đối với các luật khác so với dưới một chính phủ của Đảng Cộng Hòa.
‘Câu chuyện đáng buồn’
Ông Graber nói rằng chính phủ của Tổng thống Biden không điều tra các nhân vật chính trị của Đảng Cộng Hòa, và nếu có bất cứ cuộc điều tra nào, thì một số thành viên Đảng Dân Chủ sẽ thất vọng với những gì được họ nhìn nhận là tương đối thiếu các biện pháp thực thi.
Ông nói: “Chúng ta không thấy chính phủ ông Biden điều tra hết thành viên này đến thành viên khác của Đảng Cộng Hòa.”
Nhưng đối với các nhà quan sát và nhà bình luận khác, FBI đã thực hiện một hành vi xâm phạm quyền riêng tư mà không thể không làm xói mòn sự tín nhiệm của công chúng đối với Cục này và nhắc lại những hành vi lạm dụng quyền lực thường liên quan đến các chế độ toàn trị và các chế độ độc tài phổ biến trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Ông Van B. Poole, một cựu thành viên thượng viện tiểu bang Florida kiêm cựu chủ tịch Đảng Cộng Hòa Florida, hiện đang làm việc với tư cách là một nhà tư vấn chính trị, nói với The Epoch Times rằng nhiều người dân Florida mà ông đã trò chuyện trong những ngày gần đây đã mạnh mẽ phản đối cuộc đột kích và không còn dành cho FBI sự tín nhiệm nào nữa.
“Đó là một câu chuyện đáng buồn, bởi vì mọi người đã từng luôn ngưỡng vọng FBI, và giới lãnh đạo đang thực sự hủy hoại thanh danh của Cục, và các nhân viên của Cục, những người cống hiến cho FBI, đang phải gánh chịu hậu quả từ đó, và giờ đây người dân không còn tín nhiệm họ nữa,” ông Poole nói.
“Tổng chưởng lý Merrick Garland chỉ là một con rối thực hiện những gì mà chính phủ muốn, và điều này thật tồi tệ đối với đất nước,” ông nói thêm.
Ông Poole nói rằng ông không khỏi nhớ lại thời điểm khi ông còn làm việc tại thượng viện tiểu bang Florida, từ năm 1979 đến năm 1983, hoặc khi ông giữ vai trò chủ tịch Đảng Cộng Hòa của tiểu bang này, từ năm 1989 đến năm 1993, khi những mâu thuẫn công khai như vậy tồn tại giữa cơ quan chấp pháp liên bang với các quyền và quyền tự do của người dân ở tiểu bang.
Ông Poole nói: “Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, nếu họ đang xem xét điều gì đó, thì chúng tôi luôn hợp tác với cơ quan chấp pháp.”
Bình luận của Tổng Chưởng lý Garland không được thỏa đáng
Trong các bình luận trước công chúng tại Hoa Thịnh Đốn hôm 18/08, Tổng Chưởng lý Garland bảo vệ tính hợp pháp và sự thích đáng của các hành động của DOJ, đồng thời nói thêm rằng quyết định yêu cầu lệnh khám xét là quyết định do đích thân ông chấp thuận.
“Trung thành tuân thủ pháp quyền là nguyên tắc căn bản của Bộ Tư pháp và nền dân chủ của chúng ta. Giữ vững pháp quyền có nghĩa là áp dụng luật pháp một cách công bình, không e sợ hay ưu ái. Theo quan sát của tôi, đó chính xác là những gì Bộ Tư pháp đang làm,” ông Garland nói.
Bình luận của ông Garland đã không trấn an tất cả các nhà quan sát về tính hợp pháp của vụ đột kích hoặc lập trường trung lập về mặt chính trị của DOJ.
“Chúng tôi không biết tính chất của tất cả những tài liệu này là gì. Có một danh sách kiểm kê, trong đó có các bức ảnh của ông Trump chụp với các nhà lãnh đạo ngoại quốc khác, và một lời nhắc gọi cho ai đó chẳng hạn. Tôi không thể hiểu sao đó lại là một vấn đề đối với an ninh quốc gia,” ông Richard Conley, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Florida và là tác giả của một số cuốn sách về chính trị Hoa Kỳ, cho biết.
Theo quan điểm của ông Conley, vấn đề này chắc hẳn có thể nảy sinh một phần từ sự hỗn loạn của quá trình chuyển giao khi ông Trump chuẩn bị rời Tòa Bạch Ốc và khi các sự kiện xảy ra vào ngày 06/01/2021.
“Theo hiểu biết của tôi, FBI đã tìm thấy những tài liệu đó và thay vì lấy chúng, vốn là việc mà lẽ ra họ đã làm ở thời điểm đó, thì họ lại yêu cầu ông Trump và các cộng sự của ông ấy trang bị thêm các ổ khóa trên cửa” khi cất giữ các hộp tài liệu,” ông Conley nói thêm khi đề cập đến bình luận của ông Trump sau cuộc đột kích.
Ông Conley nhận thấy một tiêu chuẩn kép tại nơi làm việc trong cách đối xử của FBI đối với ông Trump, so với việc cơ quan chấp pháp liên bang không truy tố nhà ông Biden về các nội dung trong máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden.
“Làm thế nào để quý vị đến Trung Quốc và trở về với 85 triệu USD, nhưng dường như không một ai đang điều tra vụ này. Tuy nhiên, ông Trump sắp sửa bị buộc tội theo Đạo luật Gián điệp. Tất cả những điều này làm suy giảm uy tín của FBI, và chúng tôi đã biết từ lâu, cho dù đó là IRS hay FBI, rằng những người thực thi pháp luật đang truy đuổi những kẻ thù chính trị,” ông nói, khi đề cập đến hoạt động kinh doanh của ông Hunter Biden với những doanh nhân Trung Quốc có liên đới với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một góc nhìn của người ngoại quốc
Đối với một số người ở Romania ngày nay, cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago là một lời nhắc nhở rùng rợn về kiểu lạm dụng quyền lực nhà nước và quyền lực của cảnh sát mà họ đã ra tay ngoài vòng pháp luật sau khi nhà độc tài Nicolae Ceaușescu sụp đổ vào tháng 12/1989.
“Ở Romania ngày nay, việc khám xét nhà của ai đó là bất hợp pháp nếu người đó không có mặt ở đó để chứng kiến việc khám xét. Bất kỳ vật dụng nào bị tịch thu khi người chủ nhà không có mặt đều không được chấp thuận trước tòa,” bà Alexandra Ares, một nhà văn, nhà viết kịch, và là một ký giả sống tại Bucharest nói với The Epoch Times.
Bà nói một hoạt động giống như cuộc đột kích Mar-a-Lago sẽ không xảy ra ở Romania, nơi giới chức trách phải tuân theo một quy tắc nhằm mục đích bảo vệ quyền của công dân. Ông Trump cho biết các đại diện pháp lý của ông đã có mặt trong cuộc đột kích, nhưng họ không được phép đến gần các khu vực mà các đặc vụ FBI đang lục soát.
“Cảnh sát chỉ có thể đi vào nơi ở của ai đó khi chủ nhà có mặt hoặc một trong những người đại diện hợp pháp của chủ nhà (người giúp việc và nhân viên dịch vụ không đủ tiêu chuẩn), bất kể đó là trường hợp khẩn cấp. Trước khi chủ nhà hoặc người đại diện hợp pháp đến, thì các đặc vụ phải đợi bên ngoài,” bà Ares giải thích.
Sau đó, các đặc vụ phải nêu danh tính của họ cho chủ nhà hoặc đại diện hợp pháp của chủ nhà, và mọi hành động của họ trong khu nhà sẽ được quay phim.
“Không có đặc vụ chưa được xác định nào có thể đi vào trong nhà của ai đó mà không có người giám sát. Những thủ tục này được đưa ra sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989. Người Romania rất ngạc nhiên khi luật pháp Hoa Kỳ cho phép cuộc đột kích Mar-a-Lago và xem đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng đáng lẽ, mà chỉ có thể xảy ra ở Congo hoặc Bangladesh hoặc một số chế độ quân phiệt độc tài,” bà Ares nói tiếp.
The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Tư pháp để yêu cầu bình luận.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).