Giáo viên: Các đợt phong tỏa do COVID-19 gây tổn hại đến sự phát triển ngôn ngữ và trí tuệ của trẻ em
Các giáo viên cho biết, những biện pháp hạn chế do COVID-19 đã gây tổn hại sự phát triển của trẻ em theo những cách không thể bù đắp lại được.
Từ thời ấu thơ đến trung học, trẻ em dựa vào các biểu hiện nét mặt, giao tiếp xã hội, trò chuyện với những người mới, và tình bạn để phát triển về mặt trí tuệ.
Những đứa trẻ từ chối giao tiếp xã hội không phát triển về mặt trí tuệ theo cách như thế. Khi các chính phủ đóng cửa việc giảng dạy trực tiếp trong nhiều tháng, nghiêm cấm các hoạt động như gặp gỡ vui chơi, và ra lệnh cho các gia đình phải ở nhà, điều đó đã đẩy trẻ em rơi vào cảnh bị cô lập đau khổ.
Giờ đây, các giáo viên trên khắp Hoa Kỳ nói rằng thế hệ trong thời kỳ phong tỏa tụt hậu so với những thế hệ được nuôi dạy trong những năm bình thường. Những đứa trẻ lớn tuổi hơn có ít bạn hơn và trí óc chậm chạp hơn, còn một số bé nhỏ tuổi nhất không hề cảm thấy thôi thúc cần phải kết bạn.
“Một trong những chênh lệch lớn nhất là số lượng trẻ em không có ngôn ngữ,” bà Rachel Garcia, nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ có khả năng song ngữ tại Ensemble Therapy Services, cho biết. Bà làm việc với trẻ em từ 1 đến 3 tuổi ở Palm Desert, California.
Lớn lên một mình
Khi các đợt phong tỏa do COVID-19 tiếp tục kéo dài, bà Garcia nhận thấy rằng trẻ em từ ba tuổi trở xuống không học nói.
Hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu biết nói vào khoảng một tuổi. Nhưng bà cho biết nhiều trẻ em trong thế hệ phong tỏa không nói ngay cả khi chập chững biết đi.
Bà Garcia nói rằng vấn đề này có những tác động có hại. Trẻ em cần nói chuyện về gần như tất cả mọi thứ.
Trong một năm bình thường, có số ít trẻ em luôn phải vật lộn với việc học nói. Nhưng đại dịch đã chứng kiến những con số này bùng nổ.
“Tôi đã thấy nhiều hơn những đứa trẻ hai hoặc ba tuổi và không biết nói,” bà cho hay. “Theo kinh nghiệm của tôi, con số đó nhiều hơn so với những năm không có COVID trước đây.”
Bà Garcia nói rằng thủ phạm dường như là sự cô lập có hại khỏi những đứa trẻ khác.
Bà nói, dành thời gian với những đứa trẻ khác sẽ giúp trẻ em học nói.
Nhưng một số trẻ em bị phong tỏa đã qua nhiều năm mà chẳng gặp một đứa trẻ nào khác — hoặc một người trưởng thành nào khác, bà Garcia cho biết. Lần đầu tiên gặp gỡ một người lạ đôi khi khiến các em khiếp sợ.
Bà Garcia kể rằng, một đứa trẻ đã khóc suốt nửa giờ khi gặp bà.
“Cậu bé được đưa vào phòng với tôi và khóc hết nước mắt 30 phút tiếp theo vì quá kinh hãi,” bà nói. “Ở đây có một người khác không phải là Mẹ mình!”
Bà nói: “Trong suốt quá trình đánh giá và hỏi những bậc cha mẹ này và sau đó điều trị cho những đứa trẻ này, tôi nhận thấy rằng, theo nghĩa đen, những người duy nhất các bé nhìn thấy là Cha và Mẹ.” “Trong hai hoặc ba năm, đó là những người duy nhất mà các bé từng tương tác.”
Bà Garcia nói rằng chỉ có cha mẹ là các hình mẫu, trẻ em sẽ thấy mình bị mắc vào một cái bẫy. Cha mẹ giỏi chăm sóc con cái của họ mà không cần nói gì, vì vậy các bé không bận tâm học ngôn ngữ.
Bà nói: “Cha và Mẹ rất hiểu những gì đứa trẻ cần nên họ chỉ cứ vậy mà làm.”
Hơn nữa, các bậc cha mẹ có khả năng ngôn ngữ vô cùng vững vàng. Trẻ nhỏ cảm thấy như chúng không thể đạt đến cấp độ đó, vì vậy chúng không bận tâm đến việc bắt đầu học nói.
Bà Garcia nói: “Quý vị không coi Cha và Mẹ như những người từng là trẻ con. Quý vị xem họ như Cha và Mẹ mình.”
Bà cho biết, khi những đứa trẻ trong cảnh phong tỏa chỉ có cha mẹ bên cạnh, đôi khi chúng trở nên hết sức thờ ơ với những gì người khác làm.
Bà Garcia nói: “Chúng không nhìn Cha và Mẹ chúng, chúng không nhìn tôi, bởi vì các bé không cần phải làm như vậy.” “Chúng có thể đi lấy đồ chơi của mình, chúng có thể làm những gì chúng muốn, chúng không cần phải phản ứng với quý vị.”
Bà cho biết kiểu độc lập này không làm cho những đứa trẻ trong cảnh phong tỏa trở nên mạnh mẽ hơn. Khi những đứa trẻ này cần giúp đỡ, chúng sẽ từ bỏ hơn là nhờ người khác giúp đỡ.
Bà nói: “Từ bỏ những thứ chúng muốn thì tốt hơn và dễ dàng hơn cho chúng so với yêu cầu nó.”
Bà Garcia nói, những đứa trẻ trong cảnh phong tỏa cô đơn đến mức chúng không biết cô đơn là gì.
Bà đặt câu hỏi: “Chúng hoàn toàn thoải mái khi tự chơi một mình. Lúc nào chúng cũng chơi một mình. Tại sao chúng phải làm điều gì khác biệt chứ?”
Không giao tiếp, không có sự giáo dục
Theo các nhà nghiên cứu, sự chậm phát triển như thế này có những tác động lâu dài. Vốn từ vựng của trẻ lúc hai tuổi dự đoán sự thành công của chúng khi chúng bắt đầu đi học, từ đó dự đoán sự thành công sau này trong cuộc sống.
Ngay cả những đứa trẻ không bị cô lập cũng gặp phải những trở ngại lớn trong việc học. Trẻ em phải học cách phân biệt các âm thanh giống nhau và nhận biết các nét mặt khác nhau. Những chiếc khẩu trang đã làm cho cả hai nhiệm vụ này trở nên khó khăn.
Khi khẩu trang che đi biểu cảm của người trưởng thành, trẻ em ít hiểu ý nghĩa trong lời nói của họ hơn.
Một cuộc khảo sát gần đây của Education Endowment Foundation cho thấy 55 trong số 57 trường học cho biết họ “rất lo ngại” hoặc “khá lo ngại” về khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Các trường học cũng cho biết họ lo ngại về các kỹ năng cá nhân, xã hội, cảm xúc, và đọc viết.
Vẫn còn quá sớm để biết thiệt hại do phong tỏa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những đứa trẻ non nớt nhất của Hoa Kỳ trong suốt cuộc đời của chúng. Tuy nhiên, theo một số giáo viên, các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng đến trẻ lớn tuổi hơn trên khắp Hoa Kỳ theo cách tương tự.
Một số thầy cô giáo nói với The Epoch Times, từ lớp hai đến trung học, sự phát triển trí tuệ của trẻ em dường như lùi lại hai năm.
Đánh giá này bao gồm cả học tập học thuật và phát triển xã hội. Và ngay cả những giáo viên kỳ cựu cũng phải chật vật để giúp trẻ em tiến lên trong hai năm.
Trường tiểu học
Những đứa trẻ mà bà Garcia làm việc cùng còn quá nhỏ để đi học. Nhưng những đứa trẻ lớn tuổi hơn cũng bị các đợt phong tỏa gây ảnh hưởng.
Bà Jessica Bonner, một nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ ở trường tiểu học tại Birmingham, Alabama, cho biết trẻ em trong thời kỳ phong tỏa không hòa nhập với xã hội nhiều như những đứa trẻ trước thời COVID-19. Mặc dù bà Bonner đã chuyển trường ngay trước khi phong tỏa, nhưng sự khác biệt mà bà thấy dường như vượt xa sự khác biệt giữa các trường.
Bà cho biết có vẻ như cha mẹ đã để điện thoại nuôi dạy con em họ trong thời gian phong tỏa, và trẻ em dường như đã chấp nhận sự sắp xếp mới này.
Bà nói: “Việc giao thiết bị cho đứa trẻ và để chúng làm bất cứ điều gì chúng muốn vốn dễ dàng hơn.” “Chúng đang ở trong thế giới cá nhân của riêng chúng mà không có [người lớn] chúng ta.”
Bà Bonner nói thêm rằng sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào Internet đã thay thế cả cha mẹ và bạn bè. Bà cho biết, thường thì bọn trẻ ngồi cạnh nhau xem video trên máy điện toán bảng hơn là nói chuyện với nhau.
Bà nói: “Chúng đang ngồi cạnh nhau để xem thứ gì đó trên máy điện toán bảng thay vì thực sự chơi với nhau.”
Bà Bonner nói, trẻ em thích ở nhà và sử dụng trường học kỹ thuật số. Nhưng chúng có xu hướng lười biếng ở đó. Chúng học được nhiều hơn khi học trực tiếp.
“Điều đó đã được chứng minh rằng các em sẽ phát triển mạnh khi gặp mặt trực tiếp trong tòa nhà đó với bạn đồng trang lứa và một giáo viên,” bà nói. “Tôi không tin rằng đó là không gian ưa thích của chúng.”
Quá dễ dàng
Bà Bonner cho biết, vì không có sự giao thiệp trực tiếp, trẻ em đã học cách hướng toàn bộ cuộc sống của mình vào Internet. Trường học, tương tác xã hội, và giải trí đều thông qua Zoom. Hệ quả này của COVID đã khiến trẻ mất tập trung trong lớp.
Bà nói, trên màn hình, trẻ em có xu hướng dễ bị phân tâm. Ứng dụng Zoom không thể thay thế cho việc học trên lớp.
Bà Bonner nói: “Nếu quý vị không chú ý vào giáo viên, tại sao ngay từ đầu quý vị lại dùng Zoom?”
Thầy Dan McHenney, giáo viên lớp sáu ở Illinois, cho biết việc chuyển sang học trực tuyến chỉ là một trong nhiều quyết định liên quan đến COVID-19 mà có thể sẽ mang đến tác động lâu dài.
Thầy cho biết, thậm chí sau khi học sinh trở lại trường học, các quy định COVID-19 vẫn có xu hướng tạo cơ hội cho tính lười nhác.
Thầy McHenney nói, những học sinh tuyên bố mắc COVID-19 đã được phép học trực tuyến trong hai tuần.
Thầy cho biết: “Điều đó có ảnh hưởng rất tiêu cực đến lời cam kết.” “Tôi có những học sinh đã ở nhà học 50 ngày … Và con số đó vẫn đang tiếp tục tăng lên.”
Thầy McHenney nói rằng học từ xa không hiệu quả đến mức học sinh năm 2021 trên thực tế đã không đến trường. Thầy đã chứng kiến những học sinh thông minh bắt đầu gặp khó khăn vì không đến lớp đầy đủ.
“Cô bé đó thông minh,” thầy nói về một học sinh. “Cô bé biết cách làm. Nhưng một khi cô bé đó không đến lớp, việc học ngày càng trở nên chật vật hơn.”
Thầy McHenney chia sẻ rằng thầy mới tham gia giảng dạy, nhưng tất cả các giáo viên khác ở trường của thầy nói rằng bọn trẻ luôn chậm hai năm so với lịch trình.
Thầy McHenney nói: “Lẽ ra tôi phải dạy cách chia phân số khi bắt đầu lớp sáu.” “Đầu năm học này, có nhiều trường hợp tôi phải dạy phép cộng phép trừ với những em này. Đó là kỹ năng của lớp ba.”
Ông nói, về mặt xã hội, trẻ em cũng đang bị tụt hậu. Chúng đưa ra những quyết định không sáng suốt.
“Tôi chắc chắn có thể thấy tác động đó,” thầy McHenney nói. “Các học sinh đã bị bắt gặp đang lên lịch đánh nhau trong phòng tắm, ngay tại trường. Có những đứa trẻ đang cố gắng mài bút mực trong chiếc gọt bút chì của tôi. Và chỉ đưa ra những quyết định tồi. Chúng sẽ rời khỏi chỗ ngồi trong khi thầy cô đang dạy và chúng sẽ tát một vài học sinh nào đó.”
Thầy McHenney đã đổ lỗi cho TikTok đã gây ra những hành vi sai trái kỳ lạ này. Học sinh bắt chước các video trò đùa trực tuyến mà gần như không hài hước trong đời thực. Thầy cho rằng điều này còn tệ hại hơn sự non nớt bình thường ở lứa tuổi trung học cơ sở.
“Tôi nghĩ các đồng sự khác của tôi cũng sẽ đồng ý về điều đó,” thầy nói. “Một số học sinh nghĩ rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn.”
Thầy McHenney cho học sinh cơ hội điền vào các biểu đồ hình tròn để nói những gì chúng đã làm hàng ngày trong kỳ đại dịch. Ông nói, có rất ít học sinh làm theo hướng dẫn. Một số trẻ em đã lấp đầy gần như toàn bộ biểu đồ hình tròn bằng trò chơi điện tử.
“Tôi biết điều đó không đúng,” ông nói. “Không đến mức như chúng nói.”
Trung học phổ thông
Theo một cựu giáo viên ở thành phố New York, cô Aghogho, những học sinh trung học phổ thông cũng bị ảnh hưởng. Gần đây cô đã nghỉ dạy sau khi sinh em bé.
“Tôi có những đứa trẻ mới tinh lên lớp chín, và cả năm đầu tiên trung học của chúng đều dành cho việc lên mạng, về căn bản là cô lập trong ngôi nhà của chúng,” cô nói. “Điều đó thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.”
Kể từ đó, cô Aghogho đã chứng kiến tỷ lệ chuyên cần tồi tệ đến mức chỉ có một nửa lớp học có mặt. Cô nói, đôi khi không một em nào đến lớp cả.
Cô Aghogho cho biết những học sinh đi học thường cảm thấy sợ hãi vì COVID-19. Đối với chúng, việc chấm dứt các hạn chế không có ý nghĩa gì.
Cô nói: “Chúng không biết cách bỏ qua sự cẩn trọng của giãn cách xã hội. Rất khó để dành hai năm để bảo bọn trẻ tránh xa nhau và bây giờ quý vị nói với chúng rằng không sao cả. Thì chúng không tin điều đó.”
Cô nói rằng mặc dù học sinh trung học muốn kết bạn, nhưng sau hai năm cách ly chúng chật vật để biết cách kết bạn.
Cô Aghogho cho biết thêm, học sinh mới vào trường thời COVID-19 bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Để có bạn bè, chúng cần tham gia các câu lạc bộ và chơi thể thao. Nhưng các trường học đã đóng cửa tất cả các hoạt động này. Một số câu lạc bộ ở trường cô vẫn còn đóng cửa.
Cô chia sẻ, vì không có bạn bè, các học sinh thời phong tỏa cảm thấy thất vọng. Nhiều em cảm thấy chán nản.
Cô chia sẻ: “Chúng thể hiện sự thất vọng của chúng với thầy cô và với nhau. Đó chính là một động lực kỳ lạ.” “Tôi biết việc này sẽ dần tốt lên theo thời gian. Nhưng ngay bây giờ, việc đó chỉ là rất kỳ lạ.”
Cô Aghogho nói, các cố vấn dẫn dắt tại trường phải rất vất vả để theo kịp quy mô của thảm họa sau thời kỳ phong tỏa.
Cô cho biết học sinh đã dành hai năm vừa qua cho các lớp học trên Zoom, ở đó chúng có thể chơi trò chơi điện tử cả ngày khi để lớp học [trực tuyến] ở màn hình phía sau. Giờ đây, chúng nổi loạn chống lại những yêu cầu học tập bình thường.
“Những đứa trẻ này đã có quyền tự do để làm bất cứ điều gì chúng muốn,” cô nói. “Và bây giờ đột nhiên, chúng trở lại trường học … Chúng không thích hệ thống này. Nó rất bất tiện. Vì vậy, chúng muốn nổi loạn. Nếu quý vị hiểu bản chất con người, khi quý vị cố gắng áp đặt các quy tắc đối với mọi người, bản năng của họ là nổi loạn. Và đó là một cuộc nổi loạn mà chúng tôi đang gánh chịu.”
Giống như ở các lớp khác, những em học sinh trung học của cô Aghogho cũng chậm hơn hai năm. Cô nói, học sinh trung học phải đối mặt với các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn giúp xác định nghề nghiệp tương lai cho chúng.
Cô cho biết, “Chúng phải theo kịp.”
Cô Aghogho nói rằng bất chấp những thách thức này, cô vẫn lạc quan về khả năng của giáo viên để mang đến cho học sinh của mình những gì các em cần để tốt nghiệp.
“Tôi tin vào sức mạnh của các thầy cô giáo. Chúng tôi là những người rất bền bỉ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tồi tệ, những đứa trẻ mà người ta cho rằng có thể sẽ không tốt nghiệp nổi, vậy mà chúng đã làm được điều đó,” cô nói. “Vì vậy, điều đó là có thể.”
Ông Jackson Elliott đưa tin về các thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ cho The Epoch Times. Ông học cách viết và tìm hiểu sự thật tại Đại học Northwestern. Ông tin rằng những hành động quan trọng nhất là từ những chuyện nhỏ và như ông Dostoevsky nói, mọi người đều có trách nhiệm với mọi người và mọi việc. Khi không viết, ông thích chạy, đọc và dành thời gian cho bạn bè. Quý vị có thể liên lạc với ông Jackson tại [email protected]