Giáo dục con cái chúng ta về tinh thần trách nhiệm
Nhà tư vấn trên chuyên mục nổi tiếng Abigail Van Buren (“Abby Thân Yêu”) đã từng phát biểu rằng: “Nếu bạn muốn con cái của mình sống thực tế và có thể tự chăm sóc bản thân, thì hãy đặt lên vai chúng một số trách nhiệm.”
Thật vậy, khi con trẻ phát triển, sẽ ngày càng quan trọng nếu chúng biết đảm nhận các trách nhiệm, học hỏi giá trị của lao động và cuối cùng phát triển thành những cá nhân có thể tự chăm sóc cho chính mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng và cho cả thế giới.
Việc cha mẹ làm hộ con tất cả mọi công việc từ lớn đến nhỏ trong suốt thời thơ ấu của chúng sẽ khiến con trẻ ngỡ ngàng khi chúng đến thời điểm đủ lông đủ cánh để bắt đầu cuộc sống riêng. Những bậc cha mẹ bận rộn thường cảm thấy khá phiền phức khi dạy con những việc như nấu ăn, hút bụi, giặt giũ hoặc cân bằng chi tiêu. Họ cho rằng sẽ nhanh gọn và dễ dàng hơn khi tự mình thực hiện tất cả.
Như người xưa từng nói: “Cho họ một con cá chỉ có thể giúp họ sống được một ngày, còn dạy họ câu cá sẽ giúp họ sống cả một đời.”
Việc đầu tư thời gian cần thiết ngay từ ban đầu để dạy con cái chúng ta về tính trách nhiệm sẽ hứa hẹn một tương lai nhiều thuận lợi cho cả cha mẹ và con cái. Trên thực tế, việc đặt những trách nhiệm phù hợp với độ tuổi lên vai con cái sẽ giúp chúng phát triển không chỉ năng lực thực tế mà còn cả sự tự tin, sự chính trực, lòng nhân ái và một đạo đức nghề nghiệp vững chắc mà chúng có thể áp dụng trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống sau này.
Có thể dạy trẻ mới biết đi dọn dẹp đồ đạc của mình bằng cách chơi trò chơi tìm kiếm và cất đồ chơi vào đúng vị trí. Cổ vũ mỗi khi con cái hoàn thành nhiệm vụ sẽ khích lệ chúng rất nhiều.
Trẻ mới biết đi cũng có thể giúp cha mẹ đặt chén đĩa vào máy rửa chén (chỉ những thứ nhỏ thôi, trừ dao nĩa), cho quần áo đã giặt vào máy sấy, lau dọn bàn ăn, bật/tắt đèn hoặc làm phồng gối. Những đứa trẻ ở độ tuổi này rất thích được phụ giúp cha mẹ hoặc rất thích tham gia vào các công việc nội trợ. Điều đó giúp chúng làm quen với những việc cụ thể và cũng để chúng biết rằng chúng có năng lực và có thể giúp đỡ người khác.
Những đứa bé trong độ tuổi mới đi học có thể bắt đầu được giao những công việc định kỳ như là dọn dẹp chén đĩa sau bữa ăn, dọn phòng ngủ, hút bụi, lau dọn bồn rửa chén và kệ treo bát đĩa, quét nhà hoặc cho thú cưng ăn. Vẽ ra một biểu đồ làm việc nhà vui nhộn để giúp chúng định hình thói quen sẽ hữu ích trong giai đoạn này.
Khi đứa trẻ dần lớn lên, chúng có thể được dạy những công việc khác nhau như hút bụi, nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, rửa xe, cho bát đũa vào máy rửa bát và lấy đồ ra khi xong, đổ rác, dọn cỏ trong vườn, lấy thư và các công việc dọn dẹp vệ sinh thường ngày.
Theo thời gian, cha mẹ có thể lựa chọn việc trả công cho những nhiệm vụ mà con cái đã hoàn thành – việc này nhằm thiết lập cho chúng ý niệm rằng lao động sẽ đạt được thành quả xứng đáng.
Cuối cùng, đứa trẻ có thể học cách tự quản lý lịch trình của mình cũng như tài khoản ngân hàng, chế độ dinh dưỡng, hình thể và cả giấc ngủ v.v. Cũng có thể chúng sẽ làm tình nguyện viên, làm thêm bên ngoài, hoặc thậm chí bắt đầu một công việc kinh doanh của riêng mình.
Hãy xem gia đình như một đội nhóm làm việc cùng với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, và nhận trách nhiệm trong mọi khía cạnh của cuộc sống; đây là một bức tranh tích cực cha mẹ vẽ ra cho con cái của mình.
Cuối cùng, một thanh niên trẻ tuổi chuẩn bị vào đại học hoặc bắt đầu ra ngoài sống tự lập đều có thể tự tin rằng chúng có đủ mọi thứ cần thiết để tự chăm sóc cho bản thân và những người xung quanh mình. Như vậy, chúng có thể nhắm đến những mục tiêu to lớn hơn cho cuộc sống và tương lai. Chúng sẽ trở thành một người tự lập, làm việc chăm chỉ và chu đáo.
Hãy theo dõi Barbara trên Twitter: @barbaradanza
Barbara Danza
Hoàng Long biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: