Giám đốc TikTok từ chối cam kết cắt luồng dữ liệu của người Mỹ gửi về Trung Quốc
Một giám đốc điều hành của TikTok đã từ chối cam kết rằng ứng dụng video ngắn cực kỳ phổ biến này sẽ cắt luồng dữ liệu của người Mỹ đến Trung Quốc trong phiên điều trần đầu tiên của Thượng viện Hoa Kỳ kể từ khi có thông tin gần đây về mối liên hệ của công ty này với Bắc Kinh.
Giám đốc điều hành TikTok Vanessa Pappas, cùng các giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ lớn khác của Hoa Kỳ, đã điều trần trước Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện hôm 14/09. Trong phiên điều trần, bà Pappas đã bị đặt một loạt các câu hỏi liên quan đến mối liên hệ của Tiktok với Bắc Kinh và khả năng dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ rơi vào tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đã trở thành mối lo ngại của lưỡng đảng.
Thượng nghị sĩ Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio), thành viên Cộng Hòa hàng đầu của hội đồng, hỏi: “Liệu TikTok có cam kết cắt tất cả dữ liệu và luồng dữ liệu đến Trung Quốc, nhân viên TikTok sống tại Trung Quốc, nhân viên ByteDance, hoặc bất kỳ bên nào khác ở Trung Quốc có thể có khả năng truy cập thông tin về người dùng Hoa Kỳ không?”
Vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa cho biết gần một nửa thanh thiếu niên Mỹ đang sử dụng ứng dụng video ngắn này, vốn được thành lập và sở hữu bởi ByteDance, một đại công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh. Các mối liên hệ đó đã gây ra những lo ngại ở Hoa Kỳ và các nơi khác về việc liệu dữ liệu của TikTok có thể được truy cập bởi ĐCSTQ hay không, vì luật của nhà cầm quyền này buộc các công ty phải hợp tác với các cơ quan an ninh khi được yêu cầu.
Các quan chức và chuyên gia nói rằng dữ liệu cá nhân thu được từ người Mỹ có thể bị ĐCSTQ sử dụng để tiến hành các hoạt động gián điệp, hoặc thậm chí định hình nhận thức của người dân để có lợi cho ĐCSTQ.
Bà Pappas nói, “TikTok không hoạt động ở Trung Quốc,” câu trả lời mà bà đã lặp lại nhiều lần trong phiên điều trần.
Bị ông Portman gặng hỏi về cấu trúc của TikTok, bà Pappas nói, “chúng tôi có nhân viên làm việc tại Trung Quốc.”
“Chúng tôi cũng có các biện pháp kiểm soát truy cập rất nghiêm ngặt đối với loại dữ liệu mà họ có thể truy cập và nơi dữ liệu đó được lưu trữ, ở đây tại Hoa Kỳ,” bà cho biết thêm. “Chúng tôi cũng đã nói là trong mọi trường hợp chúng tôi sẽ không cung cấp dữ liệu đó cho Trung Quốc.”
Phiên điều trần hôm thứ Tư (14/09) diễn ra trong bối cảnh ứng dụng này càng được chú ý hơn về mối liên hệ của nó với ĐCSTQ sau một bản tin được công bố hồi tháng Sáu của BuzzFeed News. Ít nhất từ tháng 09/2021 đến tháng 01/2022, các kỹ sư Bytedance ở Trung Quốc đã có quyền truy cập vào dữ liệu không công khai của người dùng TikTok ở Hoa Kỳ, theo bản ghi âm bị rò rỉ của 80 cuộc họp nội bộ được BuzzFeed News trích dẫn. Ngoài ra, bản tin này cho biết, các nhân viên của TikTok đôi khi phải nhờ đến các đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc để biết dữ liệu của Hoa Kỳ đang lưu chuyển ra sao. Nhân viên Hoa Kỳ không được phép truy cập dữ liệu này một cách độc lập.
Theo bản tin, một thành viên của bộ phận Tin cậy và An toàn của TikTok cho biết trong một cuộc họp hồi tháng 09/2022: “Mọi thứ đều được nhìn thấy ở Trung Quốc.” Cũng trong tháng đó, một giám đốc gọi một kỹ sư ở Bắc Kinh là “Quản trị viên chính” với quyền “truy cập vào mọi thứ.”
Những tiết lộ mới nhất đã dấy lên cảnh báo giữa các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Các lãnh đạo trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), đã thúc giục Ủy ban Thương mại Liên bang mở một cuộc điều tra chính thức. Dân biểu Lee Zeldin (Cộng Hòa-New York) và một số người khác đã đặt câu hỏi về tính xác thực trong lời khai của công ty này trước ủy ban vào năm ngoái (2021). Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Brendan Carr đã gửi thư kêu gọi Apple và Alphabet xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ.
Khi được ông Portman hỏi về bản tin kể trên hôm thứ Tư, bà Pappas nói, “những cáo buộc đó là vô căn cứ.”
Bà cho biết thêm, “Đã có cuộc nói chuyện về một tài khoản chính, vốn không tồn tại ở công ty chúng tôi.”
Dữ liệu của tất cả người dùng Mỹ có thể truy cập được ở Trung Quốc là ‘một vấn đề’
Giữa những lo ngại gia tăng, ông Portman đã đề nghị — hơn hai lần — về việc liệu Tiktok có cam kết “cắt tất cả các luồng dữ liệu và siêu dữ liệu đến Trung Quốc hay không.” Nhưng đại diện của TikTok tỏ ra không muốn trả lời trực tiếp.
“Một lần nữa, về phương diện duy trì lòng tin với công dân Hoa Kỳ và bảo đảm an toàn cho dữ liệu người dùng Hoa Kỳ, chúng tôi vô cùng xem trọng điều này,” bà Pappas tuyên bố. “Vì nó liên quan đến quyền truy cập và kiểm soát, chúng tôi sẽ vượt quá mong đợi và còn hơn thế nữa trong việc dẫn đầu các nỗ lực sáng kiến hàng đầu với đối tác của chúng tôi, Oracle, và cũng để đáp ứng cho chính phủ Hoa Kỳ hài lòng thông qua công việc của chúng tôi với CFIUS [Ủy ban về Đầu tư Ngoại quốc trong Hoa Kỳ], ủy ban mà chúng tôi hy vọng sẽ được chia sẻ thêm thông tin.”
Sau câu trả lời của bà, ông Portman lại gặng hỏi về việc liệu bà có thể đưa ra một lời cam kết rõ ràng hay không.
Bà Pappas nói, “Điều tôi có thể cam kết là thỏa thuận cuối cùng của chúng tôi với chính phủ Hoa Kỳ sẽ thỏa mãn tất cả các mối bận tâm về an ninh quốc gia.”
Lo ngại về việc ĐCSTQ có khả năng truy cập dữ liệu của người Mỹ đã khiến chính phủ ông Trump cấm ứng dụng truyền thông xã hội này. Theo một sắc lệnh do cựu tổng thống ban hành hồi tháng 08/2020, việc TikTok thu thập một lượng lớn dữ liệu của người Mỹ “gây nguy cơ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc truy cập vào thông tin cá nhân và bí quyết độc quyền của người Mỹ — có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và nhà thầu Liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền, và thực hiện hoạt động gián điệp qua công ty.”
Nhưng sắc lệnh của ông Trump kể từ đó đã bị đình trệ bởi một số vụ kiện và lệnh của tòa án. Tháng 06/2021, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi sắc lệnh này, thay vào đó ra lệnh cho Bộ Thương mại đánh giá nền tảng này để xác định xem nó có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.
“Tôi cảm thấy lo ngại khi bà không thể trả lời câu hỏi này, trừ khi trả lời chỉ để nói rằng bà sẽ không cam kết cắt dữ liệu này khỏi Trung Quốc,” ông Portman cho biết hôm thứ Tư. “Chúng tôi cho rằng tất cả dữ liệu liên quan đến người Mỹ được thu thập và sau đó được truy cập ở Trung Quốc là một vấn đề. Chúng tôi cho rằng chúng ta nên được an toàn trước sự khai thác của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Các kỹ sư ở Trung Quốc và mối liên hệ với ĐCSTQ
Trong một cuộc tranh luận sôi nổi sau đó, bà Pappas gặp phải câu hỏi nghiêm khắc từ Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) về mối liên hệ của TikTok với ĐCSTQ.
Bà Pappas xác nhận rằng công ty công nghệ này chưa bao giờ giao bất kỳ dữ liệu nào cho chính quyền Trung Quốc hoặc ĐCSTQ, mặc dù bà nói rằng TikTok có các kỹ sư ở Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ.
Ông Hawley hỏi, “Có nhân viên TikTok nào ở Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ không?”
“Như chúng tôi đã công khai cho biết, vâng, chúng tôi có các kỹ sư ở Trung Quốc,” bà Pappas nói, đồng thời nói thêm rằng có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với việc ai là người có khả năng và đâu là cách thức để truy cập dữ liệu.
Ông Hawley sau đó hỏi liệu có bất kỳ nhân viên nào ở Trung Quốc, những người có quyền truy cập vào dữ liệu của người Mỹ, là thành viên của ĐCSTQ hay không.
Bà Pappas dường như né tránh câu hỏi này, nhấn mạnh rằng dữ liệu người dùng Hoa Kỳ của ứng dụng được lưu trữ trong các máy chủ ở Hoa Kỳ. TikTok cho biết hồi tháng Sáu rằng họ đang chuyển tất cả lưu lượng truy cập của người dùng Hoa Kỳ sang các máy chủ Oracle ở Hoa Kỳ. Họ nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng các trung tâm dữ liệu của Hoa Kỳ và Singapore để lưu trữ dự phòng, nhưng họ dự kiến sẽ xóa dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ khỏi các trung tâm đó theo thời gian.
Bà trả lời sau khi bị nghị sĩ này liên tục thúc ép: “Và một lần nữa, với tư cách là một nền tảng công nghệ toàn cầu, không có công ty nào khác có thể đưa ra khẳng định đó.”
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu và Cathy He
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times