Giám đốc Nhân quyền Hà Lan: Đánh đổi nhân quyền và phẩm giá cho quyền lực nhà nước là dấu hiệu cho sự kết thúc của nhân loại
Hà Lan — Hôm 23/09, đông đảo nhân sĩ đã tham gia và có bài diễn văn trong buổi tuần hành lên án cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc tại hai thành phố lớn Rotterdam và Amsterdam.
“Hãy thử tưởng tượng quý vị bị cảnh sát bắt đi vì đức tin của mình. Và giả như quý vị bị ép phải cúi người xuống, để các đầu ngón tay của mình chạm đất. Cũng không tệ lắm, quý vị có thể cho rằng như vậy. Nhưng sẽ mất bao lâu trước khi cơ bắp của quý vị cứng lại và quý vị phải hét lên trong đau đớn?”
“Hoặc sẽ tệ đến mức nào khi một chiếc đèn tập trung chiếu thẳng vào mặt của quý vị? Ai thèm quan tâm chứ, quý vị sẽ nghĩ như thế, cho đến khi tôi nói với quý vị rằng chiếc đèn này có công suất 1000 watt. Sẽ chẳng mất bao lâu cho đến khi quý vị phải chịu một cơn đau đầu dữ dội.”
“Hoặc nếu họ dùng ống thép đánh quý vị khi quý vị đang cố gắng ngủ thiếp đi thì sao? Quý vị có nói ra thông tin về những người khác không nếu các khớp ngón tay, xương sườn, xương bánh chè, và mắt cá chân của quý vị bị vỡ tan ra vì những cú đánh bằng ống thép này?”
“Và quý vị sẽ giữ im lặng được bao lâu khi họ liên tục mạt sát, xem thường, xúc phạm quý vị? Đặc biệt là khi quý vị là một người chính trực muốn làm theo lương tâm của mình, muốn cố gắng để trở thành người tốt như đức tin của quý vị hướng dẫn, thì tình huống sẽ trở nên đáng sợ. Thế nhưng, họ vẫn sẽ tiếp tục (tra tấn) cho đến khi quý vị không thể chịu đựng được nữa.”
Trên đây là những mô tả chân thực để độc giả có thể phần nào hình dung ra được những hình thức tra tấn mà các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc phải đối diện. Đó là một phần trong bài diễn văn mà ông Hans Noot đã trình bày tại Dam Square, quảng trường trung tâm của thành phố Amsterdam, thủ đô Hà Lan, khi ông tham gia hoạt động cùng các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Ông Hans Noot là chủ tịch của Nền tảng Tự do Tôn giáo Tín ngưỡng Toàn cầu, Giám đốc Quỹ Tự do Tôn giáo Tín ngưỡng Gerard Noodt, Giám đốc Tổ chức Nhân quyền Không biên giới Hà Lan, và phó Chủ tịch Tổ chức Nhân quyền Không biên giới ở Brussels.
Trong nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nhân quyền, ông nắm rõ những vi phạm nhân quyền xảy ra tại Trung Quốc dưới chế độ cộng sản. Theo ông, “Nếu việc tra tấn không khiến một tù nhân ở Trung Quốc lên tiếng, thì người đó hẳn phải là một người rất tâm linh, và do đó là vô cùng nguy hiểm cho nhà nước.”
Ông tiếp tục, “Chúng ta đang nói đến những người ở Tây Tạng, Tân Cương,… và đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp.”
Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện Phật gia xoay quanh các nguyên lý chân, thiện, nhẫn với các giảng đạo đức và các bài công pháp có động tác khoan thai, chậm rãi được truyền ra Trung Quốc vào năm 1992. Sau khi được chính quyền Trung Quốc khen ngợi trong nhiều năm vì những lợi ích về sức khỏe và tinh thần, thì đột nhiên vào năm 1999, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ cho rằng Pháp Luân Đại Pháp phát triển quá nhanh và có tầm ảnh hưởng lớn, nên đã xem môn tu luyện thiền định này là một mối đe dọa đối với nhà nước và bắt đầu cuộc đàn áp. Hàng triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị giam giữ, tra tấn, cưỡng ép lao động không tự nguyện trong các nhà tù và trại cải tạo của ĐCSTQ.
Theo ông Hans Noot, “tội ác” của những người này là trở thành học viên của một môn tu luyện đã khiến hàng triệu người khác “theo đuổi lối sống lành mạnh về thể chất, tinh thần, và xã hội, hài hòa với nội tâm, với thiên nhiên và môi trường.”
Ông Hans Noot cho biết Tổ chức Nhân quyền Không biên giới có lưu giữ danh sách các học viên bị bỏ tù trong năm nay. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu họ làm như vậy. “Với tính bí mật ở Trung Quốc, thật khó để cập nhật danh sách này. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng cung cấp thông tin chi tiết về tên, giới tính, độ tuổi và thậm chí cả số năm những người này bị giam giữ. Danh sách có thể được tìm thấy trên trang web của chúng tôi.”
Kết thúc bài diễn văn của mình, ông cảnh báo về sự băng hoại trong đạo đức xã hội, khi mà một chính quyền dùng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lực và dẫm đạp lên nhân quyền: “Chúng ta cũng phải nhận thức được sự trượt dốc của các chính phủ khiến họ quên mất vai trò chính của mình. Đánh đổi nhân quyền và phẩm giá để làm theo quyền lực và ý chí của một nhà nước chính là báo hiệu cho sự kết thúc của nhân loại.”
Đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hà Lan, bà Joyce Man, cũng đã tham dự sự kiện và có bài diễn văn.
Nhắc nhở khán giả rằng năm 2023 là kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, bà nói: “Tuyên ngôn đề cập rõ ràng đến quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do lập hội, hội họp, và quyền tự do ngôn luận. Giống như tất cả các thành viên khác của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc tán thành bản tuyên ngôn quốc tế này và các quyền được nêu trong đó. Các quyền con người quan trọng cũng được ghi trong Hiến Pháp Trung Quốc. Mặc dù vậy, người dân ở Trung Quốc vẫn thường xuyên bị truy tố vì thực hiện các quyền này.”
Kể từ năm 1999, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị bức hại dưới chế độ cộng sản vì bị xem là “mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và xã hội”. Bà tiếp tục cho biết, “Kể từ đó, vô số học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị giam giữ tùy tiện và cưỡng bách, thường là thông qua tra tấn và các hình thức ngược đãi khác, để ép họ từ bỏ niềm tin tâm linh của mình.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập vào năm 1961, với mục đích bảo vệ tất cả các quyền con người đã nêu trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các chuẩn mực quốc tế khác. Biểu tượng của tổ chức là ngọn nến trong vòng dây kẽm gai.
Đặc biệt, Tổ chức Ân xá Quốc tế hoạt động nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm; bảo đảm các tù chính trị được xử công bằng và công khai; bãi bỏ án tử hình, tra tấn, và các hình thức đối xử khác với tù nhân mà họ cho là tàn bạo; nhằm chấm dứt các vụ ám sát chính trị và mất tích cưỡng bức; và chống lại mọi sự vi phạm nhân quyền, bất kể là do chính phủ hay tổ chức khác thực hiện.
Với sự giúp đỡ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, học viên Pháp Luân Đại Pháp Trần Ngạn (Chen Yan) đã được giải thoát. Cô là một giáo viên và bị bắt giữ phi pháp vào năm 2019 trong lúc đang phân phát tờ thông tin nói về sự thật về Pháp Luân Đại Pháp. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng vận động cho các nhân sĩ như luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), người bị mất tích vào năm 2017.
Kết thúc bài diễn văn của mình, bà Joyce nói: “Với tư cách là đại diện của Tổ chức Ân xá Quốc tế Hà Lan, tôi cùng với các bạn hy vọng rằng cuộc đàn áp tùy tiện các học viên Pháp Luân Đại Pháp sẽ sớm chấm dứt. Trong sự kiện đặc biệt này, Tổ chức Ân xá kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ chỉ vì thực thi quyền tự do tín ngưỡng và biểu đạt.”
Nhân chứng đào thoát: Hy vọng cộng đồng quốc tế nhận rõ sự tà ác của ĐCSTQ
Bà Hồ Ái Vân (Hu Aiyun) bắt đầu thực hành môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1997 và đã nhận được nhiều lợi ích sức khỏe từ việc luyện công. Tại buổi diễn thuyết tại quảng trường Dam Square, bà đã ra làm chứng để kể lại những trải nghiệm kinh hoàng của mình, minh chứng cho những điều được ông Hans Noot đề cập đến trước đó.
Trong thời gian ở Trung Quốc, bà “đã bị ĐCSTQ bắt và giam giữ năm lần, trong đó có lần bị giam tại nhà tù nữ thành phố Cáp Nhĩ Tân trong 11 năm. Tại đó có lần tôi đã buộc phải nhảy khỏi lầu hai của một tòa nhà (để đào thoát). Sau đó, tôi bị đưa đến Trại lao động cải tạo Vạn Gia trong một năm, nơi tôi phải chịu đủ mọi hình thức tra tấn và ngược đãi.”
Sau khi đến Bắc Kinh phản đối việc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 19/07/2000, bà bị bắt và bị đưa đến Trại giam huyện Triệu, tỉnh Hà Bắc để giam giữ. Bà nói: “Trại giam huyện Triệu đã nhốt tôi vào lồng sắt trong khi thẩm vấn tôi. Họ kéo tóc tôi, tát vào mặt tôi và đặt một ống thông dạ dày vào người tôi trong một thời gian dài khiến tôi vô cùng đau đớn. Họ treo tôi suốt tám ngày tám đêm trong tình trạng gần như bất tỉnh.”
Lính cai ngục đã dùng nhiều hình thức tra tấn khác nhau để ép buộc bà từ bỏ đức tin: “Vào tháng 08/2003, tôi đã bị cảnh sát trưởng Triệu Phụng Hà (Zhao Fengxia) và lính canh Thắng Thư Vĩ (Sheng Shuwei) đánh đập liên tục tại Trại giam số 2 thành phố Cáp Nhĩ Tân. Có một lần, họ đưa tôi ra khỏi phòng giam và đánh tôi một cách điên cuồng bằng một thanh sắt. Cuối cùng, thanh sắt đó bị gãy, còn toàn thân tôi thì đen kịt, xuất huyết dưới da lan rộng.”
Để phản đối, bà đã tuyệt thực thời gian dài: “Tôi đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối, sau đó họ bức thực tôi một cách tàn bạo, để lại máu trên các tấm lát sàn. Vào ngày 08/03/2008, tôi bắt đầu tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và yêu cầu được thả ra mà không bị buộc tội. Họ đổ nước sôi và nước muối vào người tôi cho đến khi tôi bất tỉnh. Tôi đã tuyệt thực hơn sáu năm ba tháng và khi ra tù vào ngày 20/06/2014, tôi chỉ nặng chưa đến 30 cân.”
Hiện nay, khi đã ở một đất nước tự do, bà đã can cảm đứng lên cất tiếng thay cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp vẫn đang bị bức hại tại Hoa lục, những người không có cơ hội như bà: “Tôi hy vọng rằng mọi người trong cộng đồng quốc tế sẽ nhận ra sự tà ác của ĐCSTQ, tránh xa đảng này và từ bỏ những tư tưởng tà ác của nó. Xin hãy giúp đỡ và ủng hộ các học viên Đại Pháp chấm dứt cuộc bức hại càng sớm càng tốt!”
Sau phần diễn thuyết, đoàn nhạc Thiên Quốc khu vực châu Âu đã dẫn đầu đoàn diễn hành đi qua các con phố chính của thành phố thủ đô Hà Lan. Tuy trời mưa vào khoảng đầu của buổi diễn, nhưng vẫn có rất nhiều người dân tới lắng nghe các diễn giả và chụp ảnh các tiết mục mà đoàn nhạc biểu diễn.
Trước đó, đoàn nhạc đã đi qua nhiều điểm tại trung tâm thành phố Rotterdam, một thành phố cảng lớn nhất của châu Âu được xây dựng lại mới từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Tại Amsterdam, khi đoàn nhạc đi qua con phố chính của thành phố trước khi quay lại quảng trường Dam Square, có rất nhiều người dừng lại chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc này. Trùng hợp thay, khi đó cơn mưa cũng chấm dứt và cầu vồng đôi hiện ra trên bầu trời.
Phượng Hoàng thực hiện