Giám đốc điều hành người Canada rời khỏi Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu do Bắc Kinh lãnh đạo, tiết lộ sự kiểm soát của ĐCSTQ
Trong một tuyên bố hôm 14/06, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu (AIIB) đã tuyên bố từ chức, đồng thời tuyên bố rằng ngân hàng này đang bị “những kẻ tay sai của Đảng Cộng sản” kiểm soát và việc trở thành thành viên không mang lại lợi ích tốt nhất cho Canada.
“Tôi là một người Canada yêu nước, nên đây là cách hành xử duy nhất của tôi,” giám đốc điều hành Bob Pickard cho biết việc ông từ chức trong một loạt tweet hôm thứ Tư (14/06).
“[AIIB] bị các đảng viên Đảng Cộng sản chi phối và cũng có một trong những văn hóa độc hại nhất có thể tưởng tượng được. Tôi tin rằng tư cách thành viên AIIB sẽ không phục vụ cho lợi ích của đất nước tôi.”
Phản ứng trước sự việc này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết Canada sẽ tạm dừng mọi hoạt động với ngân hàng này, và chính phủ sẽ điều tra các cáo buộc của ông Pickard.
Bà Freeland nói: “Chính phủ Canada cũng sẽ thảo luận vấn đề này với các đồng minh và đối tác cũng là thành viên của ngân hàng này. Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cần đóng một vai trò trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia.”
Ông Pickard, người đã đảm nhận vai trò tổng giám đốc truyền thông của AIIB hồi tháng 03/2022, cho biết “những kẻ tay sai của Đảng Cộng sản đang làm chủ tình thế” tại ngân hàng có trụ sở tại Trung Quốc này và rằng “họ xem một số thành viên hội đồng quản trị là những kẻ ngốc hữu dụng.”
“Thực quyền tại ngân hàng này từ đầu đến cuối đều thuộc về ĐCSTQ,” ông viết trên Twitter, ám chỉ Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Tôi tin rằng Chính phủ của tôi không nên là một thành viên trong ngân hàng này — một thứ công cụ của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa].”
‘Mô hình quản trị độc tài’
Phản ứng trước diễn biến này, nhà phê bình các vấn đề đối ngoại của Đảng Bảo Thủ Michael Chong cho biết việc ông Pickard từ chức “đã xác nhận những gì lâu nay Đảng Bảo Thủ đã nói” về AIIB.
“Đó là một công cụ của Bắc Kinh để xuất cảng mô hình quản trị độc tài của họ ra khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông viết trên Twitter. Ông cũng nhắc lại lập trường của đảng mình rằng chính phủ nên thoái vốn khỏi ngân hàng này và “thu hồi các khoản công quỹ đã đầu tư về nước.”
Được ĐCSTQ thành lập vào ngày Giáng sinh năm 2015, AIIB được xem là tổ chức tài chính đa phương toàn cầu đầu tiên, hoạt động như một giải pháp thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế do Mỹ và châu Âu đứng đầu, nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia trên khắp châu Á, châu Mỹ Latinh, và châu Phi.
Các chuyên gia về Trung Quốc đã cảnh báo rằng mục đích của Bắc Kinh khi thành lập một ngân hàng phát triển quốc tế là khiến nền kinh tế thế giới xoay chuyển về phía nhà nước cộng sản này và tách khỏi Hoa Kỳ.
Bắt đầu với 57 quốc gia thành viên ban đầu, ngân hàng này đã lôi kéo được các quốc gia trên khắp năm châu lục, tăng số lượng thành viên lên hơn 100 quốc gia trong vòng chưa đầy 5 năm tính đến tháng 07/2020, theo Baidu, một cổng thông tin của Trung Quốc do Bắc Kinh kiểm soát.
Vương quốc Anh, quốc gia trở thành thành viên sáng lập của ngân hàng này hồi năm 2015, đã tiên phong mở đường cho các nước phương tây gia nhập AIIB trái với mong muốn của Hoa Kỳ.
Năm 2017, chính phủ ông Trudeau đã đóng góp 995 triệu USD (khoảng 1.28 tỷ Canada dollar) để gia nhập ngân hàng này với 1.07% cổ phần.
Ở châu Âu, các nước Ý, Pháp, và Đức cũng đã chi số tiền đáng kể để có được quyền biểu quyết từ 2% đến khoảng 5% kể từ khi gia nhập với tư cách là các thành viên.
Trung Quốc vẫn là cổ đông lớn nhất của AIIB với 30% cổ phần, và 26% quyền biểu quyết, cho phép nước này có quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng, vốn đòi hỏi 75% đồng thuận.
‘Công an chìm’
Ông Pickard đã nói trong các dòng tweet của mình rằng ĐCSTQ “là ông chủ,” mặc dù ông không thực sự nhận ra điều đó khi mới bắt đầu.
Ông viết, “Chỉ sau khi làm việc ở đó trong nhiều tháng, tôi mới biết rằng quyền lực thực sự bên trong ngân hàng tập trung ở đâu – đám người của ĐCSTQ hoạt động như công an chìm.”
“Tôi đã tận mắt chứng kiến mức độ mà những kẻ tay sai của Đảng Cộng sản chiếm giữ các chức vụ quan trọng trong ngân hàng này, theo kiểu KGB hoặc Gestapo hoặc Stazi nội bộ.”
AIIB đã đưa ra một tuyên bố ngay sau thông báo của ông Pickard.
“Những bình luận và mô tả công khai gần đây của ông Pickard về ngân hàng là vô căn cứ và đáng thất vọng,” ngân hàng này cho biết. “Chúng tôi tự hào về sứ mệnh đa phương của mình và có một đội ngũ quốc tế đa dạng đại diện cho 65 quốc gia khác nhau.”
Trước đây, Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada đã cảnh báo rằng động cơ thành lập AIIB của Bắc Kinh là lợi dụng sức mạnh kinh tế để xuất cảng mô hình quản trị độc tài của mình ra khắp thế giới.
Sau đó, các tài liệu tóm tắt năm 2019 của bộ này, do Ủy ban Đặc biệt về Quan hệ Canada-Trung Quốc của Hạ viện Canada phát hành vào năm 2020, đã mô tả ngân hàng này và Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình là những công cụ để thúc đẩy mô hình đó.
Hồi tháng 02/2021, Ủy ban Tài chính của Hạ viện Canada, khi đó do cựu nghị sĩ Đảng Tự Do Wayne Easter làm chủ tịch, đã đưa ra một báo cáo khuyến nghị Canada rút lại khoản đầu tư vào AIIB.
Bản tin có sự đóng góp của Gu Feng, Omid Ghoreishi, Peter Wilson, Shane Miller và The Associated Press
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times