Giám đốc điều hành: Moderna ‘ném 30 triệu liều vaccine vào thùng rác’
Ông Stéphane Bancel, Giám đốc Điều hành của công ty dược phẩm và công nghệ sinh học Moderna, cho biết công ty này đang phải “vứt bỏ” hàng triệu liều vaccine COVID-19 vì “không ai muốn chúng”.
Ông Bancel đã đưa ra bình luận đó trong một lần xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào hôm thứ Hai (23/05), đồng thời nhấn mạnh những lo ngại của ông về việc thiếu người chích ngừa và việc suy giảm khả năng miễn dịch ở những người đã chích ngừa nhưng từ chối chích liều bổ sung.
“Thật đáng tiếc, tôi đang trong quá trình ném 30 triệu liều vào thùng rác vì không ai muốn chúng. Chúng tôi có một vấn đề lớn về nhu cầu,” ông Bancel nói.
Người đứng đầu Moderna giải thích rằng công ty của ông đã liên lạc với một số chính phủ trên toàn cầu để xem liệu có ai muốn mua vaccine hay không nhưng việc đó đã không thành công.
“Hiện tại chúng tôi có các chính phủ — chúng tôi đã cố gắng liên lạc… thông qua các đại sứ quán ở Hoa Thịnh Đốn. Mọi quốc gia và không ai muốn mua chúng,” ông cho biết. “Và vì vậy thách thức mà chúng tôi gặp phải ngay lúc này rất khác với thách thức mà chúng tôi đã gặp hai năm trước.”
“Vấn đề ở nhiều quốc gia là mọi người không muốn chích ngừa,” ông Bancel cho biết thêm, trong khi nói đến dân số ở các quốc gia như Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Nhận xét của ông Bancel được đưa ra khi Moderna chuẩn bị phát hành vaccine bổ sung ngừa COVID-19 đặc hiệu cho Omicron, và biến thể phụ vào mùa thu này.
Ông Paul Burton, Giám đốc Y tế của Moderna, nói với CBS hồi đầu tháng này rằng, “Chúng tôi tự tin rằng vào mùa thu năm nay, chúng ta sẽ có một lượng lớn các mũi vaccine bổ sung mới bảo vệ chống lại Omicron và các biến thể khác, và thực sự bảo vệ người Mỹ và người dân khắp thế giới khi chúng ta bước vào mùa thu năm 2022.”
Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 đã giảm trong những tháng gần đây trong khi số ca nhập viện vẫn tương đối thấp. Trong khi đó, các vaccine COVID-19 vẫn là một chủ đề phân cực giữa các báo cáo về tác dụng phụ.
Trong những tháng gần đây, một loạt các quốc gia Âu Châu nhận thấy bản thân họ đang mắc kẹt với các loại vaccine mà họ đơn giản là không thể sử dụng vì thiếu nhu cầu, trong khi các khoản tài chính eo hẹp hơn do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine có nghĩa là một số quốc gia chỉ đơn giản là không đủ khả năng mua thêm. Các quốc gia này hiện đang tìm cách sửa đổi hợp đồng của họ với các nhà sản xuất trong đó có cả Pfizer, Bloomberg đưa tin.
Trong một cuộc họp trực tuyến với các quan chức y tế từ các quốc gia thành viên EU bao gồm Ba Lan, Slovakia, Romania, Bulgaria, Luxembourg, Phần Lan, và những nước khác, do Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielski tổ chức hôm 18/05, các quan chức đã đồng ý viết một bức thư chung cho Ủy ban Âu Châu về sự cần thiết phải đàm phán lại các hợp đồng vaccine.
“Chúng tôi hy vọng rằng cuộc thảo luận với ủy ban và giữa các quốc gia thành viên sẽ cho phép sự linh hoạt trong các thỏa thuận về vaccine”, bức thư chung viết, nói thêm rằng, “Chúng tôi cũng mong rằng các nhà sản xuất vaccine sẽ thể hiện sự thấu hiểu về những thách thức đặc biệt mà Ba Lan đang phải đối mặt khi hỗ trợ Ukraine và cung cấp nơi trú ẩn cho hàng triệu công dân Ukraine chạy khỏi chiến tranh.”
Trong một bức thư riêng gửi cho Chủ tịch Ursula von der Leyen hồi tháng Tư, các thủ tướng của Estonia, Latvia, và Lithuania lưu ý rằng các vaccine vẫn đang được chuyển đến các nước Baltic và các quốc gia thành viên khác mặc dù việc chích ngừa đang giảm dần.
“Điều này gây áp lực không chỉ lên mạng lưới giao nhận và kho bãi mà còn có các tác động về ngân sách,” các thủ tướng viết.
Việc đàm phán với các nhà sản xuất vaccine nhằm sửa đổi các thỏa thuận với các nhà cung cấp có thể cho phép các quốc gia thành viên quyền “thực hiện lại từng giai đoạn, đình chỉ, hoặc hủy bỏ hoàn toàn việc cung cấp vaccine có thời hạn sử dụng ngắn,” họ lưu ý.
Trong khi đó, trong một bức thư khác, Bộ Y tế Bulgaria đã kêu gọi một “cuộc đối thoại cởi mở” với ủy ban và các công ty dược phẩm, chỉ ra thực tế rằng thỏa thuận hiện tại khiến các quốc gia thành viên buộc phải “mua số lượng vaccine mà họ không cần đến”.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: