Giải mã Israel (P4): Tinh thần ‘cả gan’ và văn hóa không coi trọng cấp bậc
Mọi sự đã biến mất, nhưng người Do Thái thì không. Tất cả các thế lực khác đã trôi vào quá vãng, nhưng họ vẫn còn. Bí mật trong sự bất tử của họ là gì? (Văn hào Mark Twain).
“Chutzpah” miêu tả tinh thần táo bạo, cả gan, gai góc, dám nghĩ dám làm, thứ phẩm chất được xem như báu vật của người Israel, là trung tâm và khởi nguồn cho nhiều tính cách, giá trị làm nên thành công phi thường của đất nước này.
Cậu nhóc Israel vượt mặt PayPal
Dan Senor và Saul Singer kể lại cậu chuyện về cậu nhóc Israel vượt mặt PayPal trong cuốn Quốc gia khởi nghiệp – một ví dụ tiêu biẻu cho tinh thần Chutzpah của người Do Thái.
Scott Thompson, giám đốc kỹ thuật của Paypal, dịch vụ thanh toán online lớn nhất thế giới, có một cuộc gặp với Shvat Shaked, đại diện của Fraud Science, một công ty khởi nghiệp (start-up) từ Israel. Mặc dù rất bận rộn nhưng Thompson vẫn dành ra 20 phút để nghe Shvat trình bày về giải pháp chống lừa đảo trên mạng mà công ty anh ta đang phát triển. Shvat cho rằng, bằng ý tưởng phân loại người tốt – người xấu trên thế giới ảo, họ có thể chống lừa đảo trên mạng.
Thompson lắng nghe với vẻ coi thường. Trước PayPal, Thompson từng là nhà lãnh đạo cấp cao của gã khổng lồ thẻ tín dụng VISA, một doanh nghiệp luôn bị ám ảnh với việc đối phó với nạn lừa đảo trực tuyến.VISA và hệ thống ngân hàng đối tác của tập đoàn này sở hữu hàng chục ngàn chuyên gia bảo mật và những cá nhân giỏi nhất là kỹ sư có bằng tiến sĩ, tất cả chỉ để đối phó với những kẻ lừa đảo. Vậy mà giờ đây cậu nhóc này lại rao giảng về “người tốt và kẻ xấu”, như thể là người đầu tiên tìm ra vấn đề vậy.
“Dù sao tôi cũng sẽ cho các anh một cơ hội. Tôi sẽ gửi dữ liệu về các giao dịch thông qua Paypal để công ty các anh phân tích và phân loại giao dịch thật và lừa đảo, sau đó sẽ so sánh kết quả với chúng tôi,” Thompson nói với Shvat trước khi tạm biệt.
Bằng cách gửi một lượng dữ liệu khổng lồ về các giao dịch nhưng không đi kèm thông tin người dùng, Thompson còn làm cho công việc của công ty Do Thái kia khó khăn hơn cả Paypal và ông hi vọng sẽ không phải gặp lại anh chàng này nữa.
Thật bất ngờ, chưa đầy một tuần sau khi gửi đi dữ liệu, Thompson nhận được kết quả phân tích từ “cái công ty Do Thái kia”. Sau vài tuần so sánh, nhóm kỹ thuật của Paypal kinh ngạc khi nhận ra rằng kết quả phân tích của mấy anh chàng vô danh thậm chí còn chính xác hơn cả của Paypal.
Là doanh nghiệp giỏi nhất trong lĩnh vực quản lý rủi ro nhưng lại bị một đội ngũ chỉ với 55 nhân viên người Israel đánh bại với lý thuyết phân biệt người tốt, kẻ xấu. Thompson ước tính vào thời điểm đó mức độ hiệu quả trong hệ thống của Fraud Sciences đã đi trước PayPal đến 5 năm. Với công ty VISA, họ thậm chí sẽ không bao giờ nghĩ ra được một ý tưởng như vậy, kể cả khi cho họ 10 đến 15 năm để thực hiện.
Ngay lập tức, Thompson biết PayPal phải mua bằng được công ty Do Thái vô danh này.
Không lâu sau đó, Thompson có chuyến ghé thăm công ty. Lần này ông còn bất ngờ hơn nữa bởi chính là thái độ của nhân viên Fraud Sciences trong buổi họp toàn công ty mà ông phát biểu. Mọi gương mặt đều quay sang nhìn ông chăm chú. Không một ai nhắn tin, lướt web hay ngủ gật. Bầu không khí còn nóng lên khi bắt đầu vào màn thảo luận.
Thompson hồi tưởng lại: “Mọi câu hỏi đều rất sắc sảo. Tôi thật sự thấy bất ngờ vì chưa bao giờ nhận thấy những quan sát độc đáo như vậy – từng điều một. Họ không phải là đồng nghiệp hay cấp quản lý; họ chỉ là những nhân viên trẻ tuổi. Thế nhưng, không một ai tự ti về những thách thức logic mà chúng tôi đã làm nhiều năm ở PayPal. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một thái độ tập trung, thẳng thắn và không ngại ngần như thế trong đời mình. Đến mức tôi đã tự hỏi: Ai đang làm việc cho ai?”
Tại sao không phải là tôi là sếp của ông?
Những gì Scott Thompson vừa trải nghiệm chính là liều thuốc đầu tiên của người Israel về tinh thần “Chutzpah”, nó có nghĩa là “táo bạo, gai góc, bất chấp, cả gan”.
Sự “cả gan” này hiển hiện ở bất kỳ đâu trên đất Israel: Trong cách các sinh viên đại học nói chuyện với giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan chỉ huy và thư ký sửa lưng các bộ trưởng chính phủ. Tuy nhiên, đối với người Israel, đây không phải là sự cả gan, mà là điều hết sức bình thường.
Nếu so với phần đông các xã hội quá coi trọng thứ bậc, nơi mà người trẻ không dám phản biện, không dám qua mặt người đi trước, thì văn hóa không câu nệ cấp bậc là một đặc trưng mạnh mẽ làm nên sự khác biệt của Israel. Sự gan lì, không ngại, không sợ là tư duy người Do Thái. Hkhông coi trọng thứ bậc cũng không chấp nhận là kiểu nhân viên ngoan ngoãn vâng lời.
Mooly Eden – lãnh đạo cao cấp của Intel – cho biết: “Quản lý năm nhân viên người Israel luôn khó khăn hơn năm mươi người Mỹ. Vì người Israel luôn thử thách bạn mọi lúc – bắt đầu bằng những câu hỏi như: Tại sao ông là sếp của tôi, tại sao không phải là tôi là sếp của ông?
Quá trình tuyển chọn lãnh đạo của Israel dựa trên tài năng chứ không phải dựa trên mối quen biết hay sức mạnh tài chính. Quá trình tuyển chọn rất minh bạch và dân chủ cộng với văn hóa tranh luận và đặt câu hỏi “tại sao tôi không phải là sếp của ông?” đầy thách thức, làm cho người sếp không đủ tài năng sẽ phải nhường chỗ cho người khác. Quá trình này giúp tìm ra được người lãnh đạo tốt nhất cho công ty, tập đoàn hay chính phủ.
Khi có lãnh đạo giỏi, việc trao quyền cho cấp dưới được thực hiện dễ dàng hơn, các thông tin, ý tưởng, giải pháp được đến từ nhiều người hơn là chỉ một số người có trách nhiệm. “Mục tiêu của nhà lãnh đạo là tối đa hóa sự chịu đựng – trong khi khuyến khích sự bất đồng chính kiến.” Tinh thần này có nghĩa, lãnh đạo phải chịu được những điều “chướng tai gai mắt”, những khác biệt thậm chí bất đồng, thì nhân viên mới thỏa sức sáng tạo. Còn nhân viên, phải phát huy tính tự chủ độc lập của mình, không sợ khác biệt về nhận định hay giải pháp, vì đó chính là khởi nguồn của sáng tạo. Văn hóa này đã nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu và hướng tới cái mới hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
Chutzpah trong quân đội
Tinh thần Chutzpah có ở khắp mọi nơi, nhưng đặc biệt sâu sắc trong môi trường quân đội. Đó cũng là một thứ ‘bí quyết’ giúp quân đội Israel – một tiểu quốc với tổng số dân ít ỏi chứ chưa nói gì số binh lính, lại có thể bất khả chiến bại với lực lượng khủng bố của hàng loạt quốc gia thù địch đông gấp nhiều lần vây kín xung quanh.
Nhà sử học Michael Oren, từng làm việc trong quân đội Israel với tư cách sĩ quan liên lạc: “Một sĩ quan bậc trung úy trong quân đội Israel có quyền ra quyết định lớn hơn người đồng cấp thuộc bất kỳ quân đội nào trên thế giới”. Mô hình quân đội Israel, có rất ít sĩ quan chỉ huy. Quân đội Israel đặc biệt thiếu hụt sĩ quan cấp lãnh đạo. Cấp dưới có quá ít chỉ huy để báo cáo. Tất cả đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều sáng kiến hơn đến từ binh lính cấp dưới.
Hiện tượng cấp dưới có quyền đưa ra quyết định vượt cấp trong quân đội Israel là kết quả của nhu cầu thực tế cũng như bản chất của lực lượng này. Việc quân đội Israel có ít chỉ huy, đồng nghĩa với việc có nhiều sáng kiến hơn đến từ binh lính cấp dưới. Mức độ trao quyền hạn vượt cấp trong quân đội Israel đã làm lãnh đạo các quốc gia ngạc nhiên.
Điều này xuất phát từ quan niệm: Giá trị của binh lính Israel không phụ thuộc quân hàm, mà được quyết định bởi năng lực của họ. Ở đây, bí quyết lãnh đạo là niềm tin của binh lính đối với chỉ huy của mình. Nếu không có niềm tin, binh lính sẽ không bao giờ tuân phục. Trong doanh trại quân đội Israel, các viên tướng, sĩ quan và binh lính thường ngồi quây quần bên nhau, ít kiểu cách nhưng thân thiện và bao dung hơn so với sự phân cấp rõ ràng trong hàng ngũ các quân đội khác.
Lực lượng dự bị – xương sống của quân đội
Văn hóa không coi trọng cấp bậc và giá trị được đánh giá dưa trên năng lực thực sự, công với sự khan hiếm nhân lực tạo ra một tính chất độc đáo của quân đội Israel: lực lượng dự bị được xem như xương sống của quân đội!
Không lâu sau cuộc chiến giành độc lập năm 1948, lãnh đạo Israel phát minh ra cơ cấu quân đội với quân dự bị là chủ đạo độc nhất vô nhị trên thế giới. Trái ngược với hầu hết các quốc gia khác, nơi lực lượng dự bị trong quân đội được xây dựng như một bộ phận bổ sung cho quân chính quy – là lực lượng quốc phòng chủ chốt của các quốc gia, ở Israel,
Lính dự bị không chỉ là các đơn vị dự bị mà còn được các sĩ quan dự bị chỉ huy. Không quân đội nào dựa vào số lượng lớn binh lính của mình là những người được gửi ra chiến trường chỉ sau hai ngày nhập ngũ.
Cả thế giới cũng chỉ có mỗi Israel sử dụng mô hình này. Như sử gia quân sự Fred Kagan (Mỹ) giải thích: “Đây thực chất là một phương pháp quản lý quân sự tồi tệ, nhưng lại được người Israel vận hành xuất sắc vì họ không còn lựa chọn nào khác”.
Trong quân dự bị Israel, hệ thống thứ bậc bị xóa bỏ khi một người dân lao động tay chân có thể ra lệnh cho các tỷ phú, còn các thanh niên có thể huấn luyện chú, bác của mình; hệ thống quân dự bị càng củng cố đặc tính chống lại phân cấp thứ bậc, vốn có thể tìm thấy trong mọi khía cạnh xã hội Israel, từ phòng tham mưu đến lớp học hay phòng họp của ban giám đốc.
Trong quân đội Israel, một binh nhì có thể nói với vị tướng trong lúc luyện tập, rằng cách ông đang làm là sai, phải làm như thế này mới đúng”
Amos Goren, một nhà đầu tư mạo hiểm của hãng Apax Partners ở Tel Aviv từng là lính chính quy của đội biệt kích trong quân đội Israel suốt năm năm, và tiếp tục tham gia lực lượng dự bị trong 25 năm tiếp theo nói: “Suốt thời gian phục vụ trong lực lượng dự bị, tôi chưa bao giờ chào bất kỳ ai, trong khi tôi không phải sĩ quan mà mới chỉ là lính trơn”.
Việc ra lệnh và tuân lệnh là ở trong khí chất của những người đàn ông có nhiệm vụ và sẵn lòng hoàn thành nhiệm vụ, vậy nên phân cấp chỉ huy không quá quan trọng.
Cựu sĩ quan quân đội dự bị Israel kiêm sử gia Micheal Oren – hiện là đại sứ Israel tại Mỹ giải thích: “Trong đất nước này có một quy tắc xã hội bất thành văn: Mọi người dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, chừng nào chính phủ và quân đội vẫn chịu trách nhiệm trước nhân dân… Tôi nghĩ quân đội Israel có nhiều điểm tương đồng với quân đội thuộc địa Mỹ năm 1776 hơn là quân đội Mỹ của năm 2008. Nhân thể, George Washington hiểu rằng cấp bậc “Đại tướng” của mình không có nhiều giá trị, mà ông phải thật sự trở thành vị tướng vĩ đại – và điều cơ bản là người dân phải tự nguyện phục vụ”.
Thật dễ tưởng tượng làm thế nào mà những binh lính không quan tâm tới cấp bậc sẽ không e sợ khi nói với chỉ huy câu: “Ông đã sai”. Thứ tinh thần Chutzpah này, vốn được tôi luyện qua nhiều năm trong quân đội Israel đã cho thấy cái nhìn sâu sắc làm thế nào mà Shvat Shaked có thể giảng cho giám đốc PayPal về sự khác nhau giữa “người tốt và kẻ xấu” trên Internet.
Điều đó khiến Israel thực sự khác biệt. “Trong quân đội Mỹ, cấp bậc tuyệt đối quan trọng. Binh lính và sĩ quan Mỹ giơ tay chào quân hàm của nhau, chứ không phải người mang quân hàm đó”, Oren cho biết.
Sự quả quyết, xấc xược, tư duy phê phán, độc lập, với sự bất phục tùng, tầm nhìn sâu rộng, kiêu ngạo.. bất kể từ nào chọn dùng để định nghĩa tinh thần Chutzpah – đó chính xác là văn hóa xã hội, quân sự, và kinh doanh của người Israel.
Tư duy đa nhiệm
Môi trường mà trong đó các chức danh – và sự phân chia nhiệm vụ cụ thể cùng với nó – không có nhiều ý nghĩa lại sản sinh ra một sự khác biệt nữa của người Israel, đó là tu duy đa nhiệm
Doug Wood nhận thấy điều đó khi quyết định chuyển từ Hollywood sang Jerusalem: “Ở đây thật thích, vì các hãng phim Hollywood thường bảo rằng bạn cần một giám đốc dự án và một điều phối viên sản xuất hoặc một chuyên viên phụ trách lay-out. Còn ở Israel các chức danh thực sự chỉ là thứ trừu tượng, bởi chúng có thể hoán đổi cho nhau theo nhiều cách và một người thường làm nhiều hơn một việc.”
Doug Wood mới đến làm ở Israel. Từ Hollywood, anh đến Jarusalem để làm một công việc chưa từng xuất hiện ở nơi này: Wood là Giám đốc sản xuất bộ phim hoạt hình dài tập đầu tiên, được sản xuất bởi Animation Lab, một công ty khởi nghiệp do nhà đầu tư mạo hiểm Erel Margalit thành lập. Wood làm việc với vai trò Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực phát triển và sản xuất phim hoạt hình ở Turner, Warner Brothers, và Universal.
Khi Margalit đề nghị anh chuyển tới Jerusalem để làm một bộ phim hoạt hình, Wood nói rằng trước tiên anh phải xem liệu Jerusalem đã có một cộng đồng sáng tạo thực sự hay chưa. Sau một thời gian sống ở Jerusalem tại Bezalel – học viện hàng đầu Israel về nghệ thuật và thiết kế – anh đã bị thuyết phục. “Tôi đã gặp những người làm việc ở đó. Tôi gặp một số người viết kịch bản truyền hình,và một số tay viết kịch bản kỳ tài khác. Họ không thua kém gì những người bạn gặp ở các trường nghệ thuật hàng đầu trên thế giới.”
Song anh cũng nhận thấy những điểm khác biệt ở Israel. “Ở đây, họ có thói quen làm việc đa nhiệm. Chúng tôi đã bàn thảo với nhiều cán bộ kỹ thuật người Israel, họ tìm ra những hướng cải tiến quy trình làm việc của chúng tôi và giải quyết vấn đề trực tiếp hơn. Có lần, tôi làm việc trong một dự án sáng tạo với một thanh niên tốt nghiệp ngành nghệ thuật ở Bezalel. Anh ta hơi đặc biệt – tóc dài, đeo bông tai, mặc quần soóc và đi dép xỏ ngón. Bỗng nhiên xảy ra một sự cố kỹ thuật. Tôi đang định gọi nhân viên kỹ thuật đến sửa thì chàng sinh viên từ Bezalel đã bỏ dở công việc đồ họa và bắt đầu khắc phục sự cố như một kỹ sư lành nghề. Tôi hỏi anh ta học điều này ở đâu. Hóa ra anh ta cũng là một phi công lái máy bay chiến đấu trong không quân. Gã sinh viên nghệ thuật này ư? Là một phi công lái máy bay chiến đấu ư? Giống như toàn bộ thế giới sụp đổ về đây – nói đúng hơn là “hội tụ” về đây, tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận sự việc.”
Trong hệ thống quân sự của Israel, hầu hết mọi máy bay đều phải thực hiện nhiều loại nhiệm vụ tác chiến khác nhau và lúc nào cũng chở theo tên lửa không đối không như loại tiêm kích. Trong hệ thống Israel, mỗi phi công đều phải nắm vững không chỉ mục tiêu của mình mà cả những mục tiêu khác trong các đội hình riêng biệt.
Tinh thần của những người xuất sắc
Quân đội Israel được quyền chọn từ những người giỏi nhất. Ở Mỹ thì cách làm hoàn toàn ngược lại. Những cơ sở đào tạo quốc gia được xem là ngang hàng với với Harvard, Princeton và Yale chính là các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Israel.
“Ở Israel, quá khứ quân ngũ của một người đôi khi còn quan trọng hơn quá khứ học thuật của họ. Một trong những câu hỏi thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn là: “Bạn đã phục vụ ở đơn vị nào trong quân đội”.
Các đơn vị mà những ứng viên này từng phục vụ có thể cho nhà tuyển dụng tương lai biết người đó đã trải qua những quy trình tuyển chọn nào, cũng như những kỹ năng và kinh nghiệm liên quan mà họ đã có.
Một học giả người Nhật đã sống nhiều năm với người Israel nói rằng, ông chưa từng thấy khi nào, người Do Thái tỏ ra lo sợ trước mặt người khác, đối phương dù là ai đi nữa thì người Israel đều cho rằng đó chỉ là người có quyền uy ở một phương hiện nào đo, còn các phương diện khác họ cũng là người bình thường, như thế có thể đối thoại một cách bình đẳng và từ đó học thêm được rất nhiều điều.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao một dân tộc từng trải qua mấy ngàn năm lưu vong, luôn phải chịu đựng sự khinh khi, nhục mạ, đày ải như nô lệ thậm chí như súc vật, vậy mà họ lại phát triển một thứ khí chất như Chutzpah: độc lập, dám đối đầu, phản biện, bất tuân phục – thứ phẩm chất khiến họ trở nên khác biệt với tất cả các quốc gia khác, và rõ là, đó là một trong những bí quyết thành công vượt trội của họ.
Xem thêm: