Giải mã Israel (P11): Những đứa con được Chúa chọn
“Các ngươi phải tuân theo ý chỉ của Thiên Chúa đó chính là mang trí tuệ và tri thức đến cho loài người” (Sách Đệ Nhị Luật).
Dân tộc Israel ngay từ thời thượng cổ đã tin rằng mình có một sứ mạng thực hiện ý chí của Thượng Đế – mà họ gọi là Yahweh, rằng Israel là đất mà Thượng Đế hứa cho họ và dòng dõi con cháu họ. Trong cuốn Kinh Torah có ghi người Israel được Đức Chúa trời chọn (the Chosen People) để truyền đạt thông điệp của Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc khác. Người Israel rất tin vào điều này, tin vào “sứ mạng” được Chúa giao phó.
Đây chính là động lực lớn nhất khiến người Israel có thể vượt qua tất cả thăng trầm, khổ nhục mấy ngàn năm lưu vong, đồng thời luôn tìm cách đạt đến đỉnh cao của khoa học, phấn đấu đủ tầm trí tuệ “dẫn dắt” nhân loại như họ nghĩ đã được “Chúa lựa chọn”.
Nếu muốn hiểu làm thế nào dân tộc nhỏ bé này trở nên xuất sắc và thành công ngoạn mục như vậy thì phải tìm hiểu quan niệm về sắc dân được Chúa chọn của họ. Chìa khóa quan trọng để hiểu được khái niệm “ được Chúa chọn” người Israel dân tộc này khởi sự từ giao ước với Thiên Chúa.
Thủy tổ người Israel
Người Do Thái là con cháu dòng dõi Abram. Theo Kinh Thánh Do Thái, Abram là người đầu tiên đã được lệnh của Thượng Đế, lập ra một quốc gia gồm toàn những con cháu của những gia đình còn tôn thờ Yahweh, tức là Đức Chúa Trời.
Một ngày kia, Yahweh phán bảo Abram rằng: “Hãy rời bỏ xứ sở ngươi, gia đình ngươi và nhà của cha ngươi, đi đến một nơi mà ta sẽ chỉ định. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và từ ngươi, ta sẽ tạo nên một dân tộc lớn” (Sáng Thế Ký chương 12 câu 1 và 2).
Đó là vào khoảng năm 2.000 TCN. Theo Sách Xuất Hành trong Kinh Thánh, Abram cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran. Tại đó, Abram đã nhìn thấy Thượng Đế trong giấc mơ và được Người chỉ đường tới vùng đất Canaan.
Thượng Đế lập Giao ước với Abram rằng: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, và Ta lập Giao ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, và để đánh dấu Giao ước này, ngươi sẽ đổi tên thành Abraham (có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”). Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ.”
Xứ Canaan về sau được gọi là Đất Hứa (Promised Land) là vì vậy. Abraham chấp nhận Giao Ước, và nguyện sẽ tôn thờ Thượng Đế – Đức Jehovah – là Thiên Chúa duy nhất.
Tại sao Thiên Chúa lại chọn người israel mà không chọn các dân tộc khác?
Thời cổ đại hầu hết các dân tộc đều thờ đa thần và duy trì hôn nhân với các quốc gia ngoại giáo. Thiên Chúa muốn một dân tộc của những người thờ phụng một vị thần duy nhất và họ sẽ duy trì sự trong sạch của bộ tộc bằng cách kết hôn với những người cùng niềm tin tôn giáo trong dân tộc của họ và tuân theo các điều luật của Đấng Tạo Hóa.
Tại sao Thiên Chúa lại yêu mến tổ tiên của người Israel. Câu trả lời thông thường là tổ tiên Abraham luôn tỏ lòng cung kính trước Thiên Chúa và thuận theo ý chỉ của Thiên Chúa.
Ngoài ra họ cho rằng mình là những sinh linh yếu đuối cần sự che chở với sức mạnh của Thiên Chúa. Các dân tộc khác đã thể hiện sức mạnh và sự xa hoa trong lịch sử, thâm chỉ tỏ ra không cần sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Con người ngày càng hoang tưởng vào quyền năng tuyệt đối của loài người và cho rằng Chúa không có thật. Người Israel cho rằng Thiên Chúa sẽ không quan tâm đến những sắc dân ấy, sự phát triển giàu có nhất thời khiến tín ngưỡng của các dân tộc đó suy đồi và họ quay lưng với con đường đi theo Thiên Chúa.
Người Israel trung thành với tôn giáo của mình bởi chính quan niệm Jehovah là Thiên Chúa tạo ra lịch sử của người Israel.
Lòng tin là dân tộc được Chúa chọn chính là hạt giống ban đầu được gieo và tâm thức của mỗi người dân Israel trong khao khát rằng, dù cay đắng, dù khổ đau, dân tộc Israel cuối cùng cũng sẽ đạt đến vinh quang, chính hạt giống này là chất xúc tác giúp cho trí tuệ Israel được tỏa sáng lòng dũng cảm được hun đúc và tính kiên tie nhẫn nại được rèn giữa không mệt mỏi trong suốt chiều dài 4000 năm lịch sử lập quốc Israel.
Từ dân thường đến Thánh dân
Thiên Chúa phán: “Các người có thể trở thành thánh dân”.
Tiền đề của việc trở thành Thánh dân là ban đầu họ là tiện dân, rồi sau mới trở thành Thánh dân. Và đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Làm thế nào để người Israel trở thành Thánh dân. Rõ ràng Thiên Chúa chọn người Israel không phải bởi từ ban đầu họ đã là Thánh dân. Dường như Chúa muốn chọn một nhóm người mà Ngài tin rằng họ đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn để trở thành Thánh dân sau này.
Vậy tiêu chuẩn để trở thành Thánh dân là gì?
Sự kiện quan trọng nhất với toàn thể dân Do Thái là khi Thiên Chúa đã thông qua Moses ban cho người Israel Mười Điều Răn trên núi Sinai.
Sau khi rời Ai Cập được 50 ngày, Moses lên đến đỉnh núi Sinai trong sa mạc Ả Rập, sau đó ông ở trên núi 40 ngày và nhận được ngôn từ trực tiếp và khải thị thiêng liêng nhất từ Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại (Xh 24,16-18). Ðức Chúa phán với ông Moses: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá: luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dạy dỗ dân chúng.” — Xuất hành 24,12
Ông Moses triệu tập toàn thể dân Israel đến và nói với họ: “Hỡi Israel, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe; anh em phải học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Horeb… Đức Chúa đã phán trước mặt anh em trên núi, từ trong đám lửa”. – Đnl 5, 1-2,4
Những ngôi lời Thiên Chúa nói ra được khắc trên bia đá rất chi tiết và cụ thể. Mười Điều Răn tuyệt đối được ghi chép lại trong kinh Torah hay còn gọi Ngũ kinh Moses – phần thiêng liêng nhất trong Kinh Thánh Hebrew – Đây chính là cuốn sách Quy tắc nước Trời, tiết lộ cho người Hebrew.ghi lại lời dạy của Thiên Chúa về nguồn gốc và những quy chuẩn đạo đức luân lý của con người. Những lề luật này đã tạo nên khuôn mẫu tiêu chuẩn cho cuộc sống hành vi và đạo đức của người Israel mà họ phải tuân giữ để cụ thể hóa việc trở thành dân tộc được Chúa chọn.
Giao ước về một dân tộc chỉ thờ phụng duy nhất Thiên Chúa, và miền đất hứa Canaan (Israel sau này), những người con của Israel và Mười Điều Răn chính là toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa cho việc người Isral trở thành Thánh dân.
Khi ban cho Mười Điều Răn trên núi Sinai Thiên Chúa đã phán: “Nếu các người nghe theo lời răn dạy của ta, tuân thủ giao ước các người sẽ trở thành dân tộc được sủng ái nhất trong thiên hạ, bởi vì toàn thể thế gian đều thuộc sở hữu của ta, các ngươi phải trở thành những người con dân thành kính và những tín đồ đích thực.”
Điều đó có nghĩa là, sự chúc phúc của Thiên Chúa đối với người Do Thái là có điều kiện, đó là yêu cầu họ tuân thủ nghiêm ngặt giao ước với Thiên Chúa. Để trở thành con dân của Chúa việc nhận Mười Điều Răn trên núi Sinai không bao giờ là quá khứ. Ở mọi thời đại người Israel đều có trách nhiệm thực hiện giao ước với Thiên Chúa, cũng tức thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình. Đối với người Do Thái lịch sử chính là sự đáp ứng đối với ý chỉ của ngài.
Mười Điều Răn là lệnh của Thiên Chúa, là “quy tắc nước Trời”, luật pháp là những quy định tôn giáo hoặc hành vi đạo đức phù hợp với những điều răn. Có thể nói toàn bộ nền tảng xã hội Israel được đặt trên cơ sở Mười Điều Răn này. Từ Mười Điều Răn của Chúa, người Do Thái phát triển thành luật dân sự. luật thương mại, luật hình sự và các nghi thức điển lễ…
Người Do Thái không thờ ảnh tượng, trong gian linh thiêng nhất của ngôi đền Jerusalem, vật duy nhất được đặt tại đó là những tấm bàn Mười Điều Răn của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện bản thân Ngài dưới hình hài của bộ luật. Đó là Kinh Thánh Do Thái.
Như vậy để hiểu về dân tộc này, mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng và trí tuệ của họ không gì khác hơn là tìm hiểu họ đã hiện thực hóa việc trở thành con dân của Chúa thông qua việc tuân thủ Mười Điều Răn như thế nào – và đó là toàn bộ Kinh Thánh của họ (bao gồm Ngũ kinh Moses/Kinh Torah/Talmud…)
Đối với người Israel việc gì cũng liên quan đến Thiên Chúa. Ý thức hệ tư tưởng chính thống của người Israel như đã phát triển trong hàng nghìn năm qua dựa trên cơ điểm rằng: tất cả cuộc sống là để được sống trong sự tuân thủ tôn giáo. Hành vi và lối sống được đánh giá là hợp pháp hay không hoàn toàn tùy thuộc và mức độ phù hợp so với ý thức hệ tư tưởng nghiêm khắc này.
“Bản chất sự tồn tại của một con người trên thế gian này là anh ta phải thực hiện những lời răn, thờ cùng và chống lại cám dỗ, toàn bộ sự chú ý của con người nên được dành riêng cho đáng sáng tạo Thiên Chúa và anh ta không nên có mục đích nào khác trong mọi hành động của mình dù nhỏ hay lớn ngoài việc đến gần ngài, đức Chúa trời và xóa tan mọi sự ngăn cách giữa anh ta và Đấng chủ của mình.” Triết lý mạch lạc nhưng nghiêm ngặt này chính là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người Israel, Đây là truyền thống sống động trong Do Thái giáo.