Giá ngô kỳ hạn của Trung Quốc ở mức cao kỷ lục do các yếu tố bất lợi
Giá ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian ngắn do các yếu tố bất lợi quốc tế và trong nước. Giá ngô kỳ hạn đạt mức cao kỷ lục trong hai hôm giao dịch liên tiếp vào cuối tháng Tư. Sau đó, hôm 02/05, giá tăng lên 487 USD/tấn khiến giá ngô kỳ hạn của Trung Quốc tăng 13% từ đầu năm 2022.
Đồng thời, giá ngô tại Chicago’s Board of Trade (CBOT) cũng đang đạt mức cao kỷ lục, vượt 8 USD/giạ. Con số này tăng 35% so với đầu năm.
Ukraine và Nga là những nước xuất cảng lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và các sản phẩm nông nghiệp khác lớn nhất thế giới. Cuộc chiến giữa các nước này được cho là sẽ làm suy yếu nguồn cung lương thực toàn cầu và đẩy giá lương thực và ngũ cốc quốc tế lên cao.
Nga đứng đầu thế giới về xuất cảng lúa mì, tiếp theo là Hoa Kỳ ở vị trí thứ hai, thứ ba là Canada và thứ năm là Ukraine. Nga và Ukraine cùng nhau chiếm hơn một phần ba xuất cảng ngũ cốc toàn cầu, trong đó lúa mạch ở mức 19%, lúa mì là 14% và ngô là 4%.
Mặc dù chiến tranh Nga-Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực của thế giới, nhưng đây không phải là lý do duy nhất khiến giá lương thực của Trung Quốc tăng nhanh như vậy. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc tăng giá là chính sách “zero -COVID” khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc để chống lại đại dịch.
Giờ đây, Trung Quốc đang trong vụ cày ải mùa xuân, các cuộc phong tỏa trên toàn thành phố và các biện pháp Zero-COVID của ĐCSTQ đã khiến nông dân ở các vùng sản xuất ngũ cốc lớn ở phía đông bắc khó trở về quê hương và trồng trọt. Người nông dân cũng đang phải trả giá cao hơn nhiều để xác định vị trí và trả tiền cho các loại hạt giống và phân bón thiết yếu. Nếu xu hướng này tiếp tục, Trung Quốc có khả năng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong năm nay.
Kể từ tháng Ba, các quan chức ĐCSTQ nói rằng tỉnh Cát Lâm, một khu vực sản xuất ngũ cốc lớn ở phía đông bắc, đã ghi nhận hơn 60,000 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID. Sự thật có thể còn tồi tệ hơn vì ĐCSTQ có xu hướng báo cáo thấp hơn những thông tin nào ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Hôm 20/04 , Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin rằng nhiều nông dân ở tỉnh Cát Lâm đã bị mắc kẹt do phong tỏa ở các thành phố như Trường Xuân và không thể đến được nơi làm việc của họ. Ngoài ra, vào cuối tháng Ba, gần một phần ba nông dân của Cát Lâm không thể có đủ phân bón.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, sản lượng ngũ cốc của khu vực Đông Bắc năm 2021 đạt 144,456,000 tấn. Con số này chiếm hơn 20% tổng sản lượng của Trung Quốc. Nếu vụ gieo trồng mùa xuân năm 2022 bị trì hoãn như dự kiến, sản lượng ngũ cốc và an ninh lương thực của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những thách thức đối với sản xuất ngũ cốc của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở những tác động ngắn hạn của các đợt phong tỏa COVID-19 và nguồn cung cấp hạt giống và phân bón bị thiếu hụt. Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều mối lo ngại dài hạn.
Tuyên truyền chính thức do ĐCSTQ phát hành vào năm 2021 nói rằng Trung Quốc đã có một “vụ mùa bội thu” trong hơn một thập niên. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập cảng lương thực và ngũ cốc lớn nhất thế giới trong vài năm liên tiếp.
Theo số liệu của Hải quan, Trung Quốc đã nhập cảng 111,440,000 tấn ngũ cốc trong năm 2019. Năm 2020, nhập cảng tăng 27.97% lên 142,621,000 tấn. Sau đó, một lần nữa vào năm 2021, nhập cảng ngũ cốc tăng 18% lên tổng mức kỷ lục là 165,000,000 tấn.
Ông Liêu Sĩ Minh (Liao Shiming), một nhà báo chuyên mục tài chính Hồng Kông nói với Epoch Times rằng bất chấp những tuyên bố của ĐCSTQ về một “vụ mùa bội thu”, dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc đang thiếu hụt. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, quốc gia này đã mua ngũ cốc trên toàn thế giới.
Hôm 08/12/2021, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã chuyển những lo ngại của mình về cuộc khủng hoảng lương thực tới Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương. Ông nói: “Trước đây, thực phẩm miền Nam được chuyển ra miền Bắc, nhưng bây giờ thực phẩm miền Bắc chuyển vào miền Nam. Ở một số nơi, nhiều mảnh đất thậm chí không được trồng thực phẩm mà chỉ trồng hoa và trái. Vậy còn đồ ăn thì sao?”
Theo ông Liêu, “Mãi đến năm 1971, sau khi ĐCSTQ được thành lập, sản lượng lương thực mới vượt qua thời kỳ cuối nhà Thanh. Bởi vì lương thực là cơ sở cho sự ổn định của nhà cầm quyền, các quan chức của ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng có những vụ mùa bội thu năm này qua năm khác.”
Ở Trung Quốc, người dân không muốn làm nông nghiệp là một trong những lý do chính khiến sản lượng lương thực bị hạn chế. Một nông dân ở vùng đông bắc của Trung Quốc nói với The Epoch Times: “giờ đây, quý vị không thể kiếm được nhiều tiền từ việc trồng trọt và thậm chí có thể thua lỗ, vậy ai sẽ làm nông nghiệp? Hạt giống và phân bón rất đắt, và chính phủ trợ cấp một số, nhưng nó không đủ để trả các khoản phí của làng.”
Thiếu đất canh tác là một lý do lâu dài khác khiến sản lượng lương thực của Trung Quốc bị hạn chế. Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng họ có 313 triệu mẫu đất canh tác, nhiều hơn diện tích tối thiểu của đất canh tác thường xuyên — “ranh giới đỏ về đất canh tác” — là 300 triệu mẫu Anh, nhưng diện tích đất canh tác thực tế đang giảm dần. Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập lo ngại về điều này.
Việc chuyển đổi diện tích canh tác của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2002 khi ĐCSTQ phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm “trả lại đất nông nghiệp cho rừng”. Các quan chức tuyên bố việc chuyển đổi sẽ “cải thiện môi trường sinh thái.” Đến năm 2019, nông dân đã mất khoảng 23 triệu mẫu đất cho rừng hoặc đồng cỏ và các thiệt hại khác do các vấn đề liên quan đến đất đai đang đến gần.
Các cuộc khảo sát của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc năm 2014 cho thấy hơn 40% diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã bị thoái hóa. Theo báo cáo, nguyên nhân là do lớp đất đen mỏng dần, đất bị chua hóa, hàm lượng hữu cơ trong đất ngày càng giảm, v.v.
Bộ Bảo vệ Môi trường và Đất đai & Tài nguyên cho biết ít nhất 20% hoặc 58 triệu mẫu đất canh tác của Trung Quốc đã bị ô nhiễm. Con số này cao hơn 133% so với 25 triệu mẫu đất bị ô nhiễm được báo cáo vào năm 2006. Các chất ô nhiễm cụ thể bao gồm cadmium, nickel, đồng, asen, thủy ngân, chì, DDT và các hydrocacbon thơm đa vòng.
Các nhà quan sát phi chính phủ như ông Liêu từng mô tả các tỉnh đông nam tươi tốt của Trung Quốc là “các động cơ tăng trưởng kinh tế”. Bây giờ ông ấy nói, “đất năng xuất cao ở đó đã được công nghiệp hóa phần lớn và đất canh tác mới của Trung Quốc nằm ở phía tây. Nhưng do điều kiện thời tiết mưa nắng kém nên vùng đất đó không thích hợp để làm ruộng.”
Một nhà quan sát khác, ông Antonio Graceffo, nhà kinh tế học Hoa Kỳ và là cộng tác viên của The Epoch Times, nói rằng Trung Quốc đã đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực có hệ thống kể từ năm 2020. Quốc gia này có diện tích đất canh tác trên đầu người ít hơn 60% so với các quốc gia khác, nhưng nông dân của họ cũng thấy tác động của lũ lụt kỷ lục, đại dịch và dân số gia tăng. Giờ đây, giá lương thực tiếp tục tăng cao do mọi người đang yêu cầu tăng lượng thịt và rau trồng trong trang trại.
Theo số liệu năm 2021 do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cung cấp, giá ngũ cốc trong tháng Chín năm đó tăng 27.3% so với cùng thời kỳ năm trước trong khi giá lương thực tăng 32.8%.
FAO lưu ý rằng sự gia tăng đột ngột và ồ ạt nhập cảng lương thực của Trung Quốc đang gây áp lực lên nguồn cung lương thực toàn cầu và tạo ra sự không chắc chắn cũng như các vấn đề không lường trước được. Nhà kinh tế của FAO, Abdolreza Abbassian, nói, “điều duy nhất chúng tôi biết là thị trường thực phẩm sẽ có nhiều biến động trong tương lai hơn so với trước đây.”
Anh Justin Zhang đã phân tích và viết các bài báo về các vấn đề Trung Quốc từ năm 2012. Có thể liên hệ với anh ấy tại [email protected]
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: