Giá năng lượng toàn cầu và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể gia tăng nếu Nga xâm nhập vào Ukraine
Các chuyên gia nhận định, giá năng lượng toàn cầu và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể gia tăng nếu Nga xâm nhập vào Ukraine.
Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sắp xảy ra. Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan tuyên bố rằng hành động quân sự trong khu vực có thể xảy ra “bất cứ ngày nào”, khi lặp lại cảnh báo này trên một số chương trình tin tức buổi sáng.
Được biết là Moscow có tới 136,000 quân đóng dọc biên giới với Ukraine.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã hứa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với các quan chức Điện Kremlin. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin và Nội các của ông đã nỗ lực để khắc phục những hạn chế này bằng cách tăng cường mối quan hệ của Nga với các quốc gia như Trung Quốc, gần đây đã đạt được một thỏa thuận kéo dài 30 năm nhằm cung cấp thêm dầu và khí đốt cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Moscow vẫn có thể bị đóng cửa khỏi hệ thống ngân hàng và thanh toán quốc tế, có khả năng làm suy yếu nền kinh tế quốc gia và phá hủy đồng rúp. Nhưng các nhà phân tích thị trường tin rằng có thể có những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu trong trường hợp xấu nhất này, đặc biệt là đối với giá năng lượng.
Giá năng lượng tăng vọt
Giá dầu và khí đốt tự nhiên đã có một khởi đầu mạnh mẽ cho đến năm 2022, tăng tới 18% tính đến thời điểm hiện tại. Các mặt hàng năng lượng đã bùng nổ do điều kiện thị trường thắt chặt và các nhà đầu tư theo dõi tình hình ở Đông Âu.
Các nhà phân tích của JPMorgan Chase dự báo nếu xung đột gây ra sự xáo động về nguồn cung, dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế cho giá dầu, thì một lúc nào đó giá dầu có thể tăng vọt lên 150 USD trong quý đầu tiên của năm nay.
Các nhà kinh tế học Joseph Lupton và Bruce Kasman của JPMorgan đã viết trong một báo cáo nghiên cứu hồi tháng trước: “Các căng thẳng địa chính trị mới nhất giữa Nga và Ukraine làm giá dầu có nguy cơ tăng đột biến trong quý này. Điều này xảy ra trong bối cảnh lạm phát vốn đã tăng cao — vào hồi quý trước đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên – và nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi một làn sóng khác của đại dịch COVID-19 làm tăng thêm sự mong manh trong ngắn hạn, một tình huống mà lẽ ra phải là một sự phục hồi mạnh mẽ về căn bản.”
Tổ chức tài chính này cũng cho rằng điều này có thể làm hao hụt thêm 1.6% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, và buộc các ngân hàng trung ương “tỏ ra ít kiên nhẫn hơn bình thường” để ứng phó với những xáo động về giá dầu.
Giá dầu Brent đang giao dịch quanh mức 91 USD/thùng.
Khí đốt tự nhiên cũng có thể chứng kiến tình trạng tăng giá mạnh, mặc dù các nhà giao dịch tập trung hơn vào các điều kiện thời tiết vào cuối năm. Giá cả đã biến động trong những phiên gần đây, giảm khoảng 25% so với tuần lễ từ ngày 31/01-06/02.
Các nhà quan sát trong ngành lưu ý rằng điều này có thể thay đổi.
Tây Âu phụ thuộc vào Nga tới 40% lượng khí đốt của nước này, và các kho dự trữ thấp hơn mức trung bình 5 năm của Liên minh Âu Châu. Người ta ước tính rằng khoảng 155 tỷ mét khối (bcm) (5.4 ngàn tỷ feet khối) (tcf) khí đốt tự nhiên nhập cảng vào Âu Châu, bao gồm 40 bcm (1.4 tcf) được dẫn qua Ukraine, có thể gặp nguy hiểm.
Ông Sindre Knutsson, phó chủ tịch phụ trách mảng phân tích thị trường khí đốt và LNG tại Rystad Energy, một công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập, cho biết: “Bất chấp chính sách ngầm của Âu Châu nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào khí đốt của Nga – thể hiện qua việc xây dựng nhiều cơ sở nhập cảng LNG trên bờ biển Tây Âu trong những năm gần đây – Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đáp ứng nhu cầu khí đốt của khu vực này.”
Bất kỳ sự trả đũa nào cũng có thể đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của khu vực này, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và doanh nghiệp.
Ông Carl Tannenbaum, phó chủ tịch điều hành kiêm nhà kinh tế trưởng của Northern Trust, cho biết: “Trong ngắn hạn, rất khó để Âu Châu có thể bù đắp được. Khí tự nhiên không dễ lưu trữ hoặc vận chuyển, nên lượng tồn kho thấp và các kênh thay thế có thể mất nhiều thời gian để phát triển. Với việc lạm phát đang ở mức cao, nhất là một sự xáo động về giá năng lượng sẽ không được hoan nghênh.”
Nhưng liệu các sản phẩm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Hoa Kỳ có thể giúp thu hẹp khoảng cách không?
Hãng Rystad Energy đã tuyên bố trong một báo cáo mới rằng “nguồn cung LNG có sẵn nhiều hơn”, nhưng các nước Âu Châu sẽ phải “trả giá cao hơn.”
Trong khi Úc và Á Châu có lượng hàng giao ngay dồi dào, khoảng cách vận chuyển có thể là một trở ngại khó khăn cần vượt qua. Điều này làm cho Hoa Kỳ, Châu Phi, và các khu vực của Âu Châu trở thành những lựa chọn thay thế tiềm năng.
Ông Knutsson cho biết thêm: “Phần lớn nguồn cung LNG bổ sung có thể đến từ Hoa Kỳ, nơi có 102 bcm [3.6 tcf] khối lượng theo giá FOB (free on board: điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu) trên thị trường.”
Hãng IHS Markit đồng tình. Công ty phân tích và thông tin này đã công bố một báo cáo mới, có nhan đề “Đưa an ninh nguồn cung cấp khí đốt của Âu Châu vào cuộc thử nghiệm”, viết rằng “Nhập cảng LNG sang Âu Châu sẽ đủ để khắc phục tình trạng ngừng dòng khí đốt của Nga qua Ukraine.”
Bà Shankari Srinivasan, phó chủ tịch khí đốt toàn cầu, hãng IHS Markit, cho biết trong một ghi chú: “Trong một tình huống cực hạn, khó xảy ra, khi toàn bộ các dòng chảy qua đường ống của Nga bị cắt đứt, nguồn cung LNG toàn cầu bị thắt chặt, và năng lực thiếp lập mới LNG dự phòng của Âu Châu bị hạn chế có nghĩa là cần phải có các đòn bẩy cung ứng khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Công suất phát điện hạt nhân và than tăng thêm — dưới dạng công suất băng phiến được đưa trở lại hoạt động, khôi phục lại các nguồn dự trữ chiến lược hoặc các nhà máy đóng cửa, dừng hoạt động — cùng với việc rút thêm khí từ kho chứa đều có thể được cần đến.”
Hồi tháng trước, Tòa Bạch Ốc đã liên lạc với các công ty khí đốt tự nhiên và các quốc gia sản xuất chủ chốt khác để giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng. Các quan chức Hoa Kỳ đã tham gia với các bên khác về việc tăng công suất đầu ra và vận chuyển nhiều nguồn cung hơn sang Âu Châu.
Nhưng liệu những cái đầu lạnh sẽ chiếm ưu thế?
Ông nói thêm, “Hy vọng rằng chi phí tiềm năng bằng USD, euro, hryvnia, và đồng rúp sẽ đủ nhiều để giải quyết xung đột ngay từ đầu.”
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng thêm phần bế tắc
Các mặt hàng năng lượng là trọng tâm chính trong bất kỳ cuộc thảo luận nào xung quanh cuộc xung đột Ukraine-Nga. Nhưng các sản phẩm hàng hóa khác có thể phải chịu áp lực rất lớn.
Nga và Ukraine lần lượt đại diện cho các nhà sản xuất lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm thế giới.
Trên quy mô toàn thế giới, Moscow chiếm 49% niken, 26% nhôm, 23% amoniac, 17% kali và 14% sản lượng urê.
Điều này có thể tạo ra những tác động đáng kể vốn sẽ xâm nhập vào thị trường toàn cầu.
Chiến lược gia toàn cầu của Rabobank, ông Michael Every, giải thích trong một ghi chú: “Điều đó ngay lập tức loại bỏ một nửa tổng lượng xuất cảng niken toàn cầu cho đồ dùng nhà bếp, điện thoại di động, thiết bị y tế, phương tiện giao thông, các tòa nhà, và năng lượng; paladi cho bộ chuyển đổi xúc tác, điện cực và thiết bị điện tử; và một phần tư nhôm cho xe cộ, xây dựng, máy móc, và bao bì và sẽ dẫn đến áp lực tăng giá rất lớn.”
Thật vậy, điều này sẽ khiến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu thêm phần bế tắc. Đồng thời, theo ông Every, điều này sẽ dẫn đến những hệ quả chính sách dài hạn và “đẩy nhanh một số xu hướng toàn cầu đã và đang diễn ra,” chẳng hạn như chuyển sản xuất về thị trường nội địa và tách rời [kinh tế].
Bình Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: