Gia đình của các nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt giữ yêu cầu thả người thân
Hôm thứ Bảy (12/9), một nhóm các gia đình Hồng Kông đã yêu cầu thả khẩn cấp những người thân của họ là các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ bị chính quyền Trung Quốc đại lục giam giữ vào tháng trước khi họ cố gắng chạy trốn khỏi thành phố bằng thuyền đến Đài Loan.
Thân nhân của 6 trong số 12 nhà hoạt động bị giam giữ đã đeo khẩu trang và đội mũ để giấu danh tính khi họ lần đầu tiên công khai kêu gọi sự giúp đỡ và cung cấp thông tin về hoàn cảnh của họ, đã được nhiều chính trị gia địa phương ủng hộ.
Một số người đã khóc nức nở khi họ cầu xin những người bị giam giữ được phép tham vấn các luật sư do gia đình chỉ định chứ không phải Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và được phép gọi cho người thân của họ ở Hồng Kông.
Một phụ nữ họ Li, có con trai là Li Tsz-Yin, 29 tuổi, nằm trong số những người bị giam giữ tại một trung tâm giam giữ ở phía nam thành phố Thẩm Quyến, đã nói: “Tôi không thể tưởng tượng được kịch bản xấu nhất là gì”.
“20 ngày này rất khó khăn đối với chúng tôi, chúng tôi không biết liệu cháu có an toàn và còn sống hay không”, bà nói.
Họ nói rằng họ vẫn chưa có thông tin về những cáo buộc mà người thân của họ phải đối mặt và chính quyền Hồng Kông cũng không đưa ra hỗ trợ cụ thể nào.
Một cậu bé 16 tuổi là người trẻ nhất đang bị giam giữ.
Một số người cần thuốc chữa bệnh, những người thân cho biết. Anh trai của một người bị giam giữ, họ Tang, nói rằng anh không có cách nào gửi được những đơn thuốc chữa bệnh hen suyễn và dị ứng da cho em mình.
Phát ngôn viên của Sở Di trú cho biết các nhân viên đã hỗ trợ trong vụ việc và thường xuyên liên lạc với gia đình.
Ngày 27/8, Cục Cảnh sát biển Trung Quốc đăng trên mạng xã hội rằng họ đã bắt giữ ít nhất 10 người vào ngày 23/8 sau khi chặn một chiếc thuyền ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, miền nam nước này.
Truyền thông Hồng Kông dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết 12 người này đang đến Đài Loan để xin tị nạn chính trị. Các vụ bắt giữ họ diễn ra khi các nhà hoạt động và chính trị gia địa phương lo ngại về một cuộc đàn áp tồi tệ hơn trên khắp thành phố khi luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 7 có hiệu lực đầy đủ.
Luật này có nghĩa là người Hồng Kông có thể phải đối mặt với các tòa án Đại Lục trong các vụ án nghiêm trọng liên quan đến an ninh quốc gia — một viễn cảnh đã khiến nhiều người trên khắp thuộc địa cũ của Anh phải lo lắng.
Hồng Kông có hệ thống pháp luật độc lập và truyền thống pháp quyền khác biệt rất lớn so với Trung Quốc đại lục, nơi hệ thống tư pháp rốt cuộc do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Vài giờ trước khi các gia đình xuất hiện, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc đến các nhà hoạt động. Ông lưu ý rằng họ đã bị từ chối tiếp cận luật sư và chính quyền địa phương đã không cung cấp bất kỳ thông tin nào về sức khỏe của họ hoặc các cáo buộc chống lại họ.
Nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam hồi đầu tuần cho biết nếu họ bị bắt vì vi phạm luật đại lục “thì họ phải bị xử lý theo luật của Đại Lục.”
Tác giả: Jessie Pang