Giá dầu tăng vọt sau khi Saudi Arabia kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng dầu thô đến tháng Mười Hai
Truyền thông quốc gia đưa tin giá dầu thô tăng vọt sau khi Saudi Arabia kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) thêm ba tháng nữa cho đến cuối tháng Mười Hai.
Với sự gia hạn như vậy, sản lượng của Saudi Arabia sẽ đạt tổng cộng 9 triệu thùng/ngày trong tháng Mười, tháng Mười Một, và tháng Mười Hai.
Hôm 05/09, Saudi Press Agency đưa tin, “Nguồn tin cho biết rằng quyết định cắt giảm tự nguyện này sẽ được xem xét hàng tháng để cân nhắc xem cần cắt giảm mạnh hơn hay là tăng sản lượng.”
“Nguồn tin cũng lưu ý rằng đợt cắt giảm này nằm ngoài đợt cắt giảm tự nguyện được vương quốc công bố trước đó hồi tháng 04/2023, kéo dài đến cuối tháng 12/2024.”
Sau thông tin này, hợp đồng tương lai dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) tháng Mười đã tăng tới 2%, và hiện nằm ở mức ổn định trên 87 USD/thùng trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế về giá dầu, đạt mức 90 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures ở London.
Từ đầu năm đến này, giá dầu thô Hoa Kỳ và Brent lần lượt tăng 8% và 5%.
Hồi tháng Bảy, Riyadh lần đầu tiên đưa ra mức giảm 1 triệu thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu khó khăn lắm mới duy trì trên 70 USD/thùng. Các quan chức đã khẳng định trong năm qua rằng có sự mất kết nối đáng kể giữa thị năng lượng trên giấy tờ và ngoài đời thực. Kể từ đó, vương quốc này đã dẫn đầu Tổ chức các Nước xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của tổ chức này, OPEC+, trong việc tự nguyện cắt giảm nhằm thiết lập một mức giá sàn cho dầu.
Hôm 05/09, Nga cũng xác nhận rằng Moscow sẽ tăng thêm mức giảm xuất cảng dầu thô tự nguyện thêm 300,000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay “để duy trì sự ổn định và cân bằng” trên thị trường năng lượng quốc tế.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo nước này đang cắt giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024. Cường quốc năng lượng này đã giảm xuất cảng 500,000 thùng/ngày trong tháng Tám và thêm 300,000 thùng/ngày trong tháng Chín.
Các chuyên gia trong ngành lưu ý rằng những hành động cắt giảm này được xem là tự nguyện vì không thể hiện chính sách chính thức của khối [OPEC] này.
Rắc rối lớn nằm ở Trung Quốc
Các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới có thể lo ngại về tình trạng Trung Quốc tiếp tục suy thoái, với dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy tăng trưởng yếu ớt, từ đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Hồi tháng Tám, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng ngành Dịch vụ của Caixin Trung Quốc (PMI) đã giảm xuống mức thấp hơn dự kiến lần lượt là 51.8 và 51.7 — bất kỳ mức nào trên 50 đều cho thấy sự mở rộng. Cả hai điểm đều thấp nhất kể từ tháng Một.
Điều này xảy ra một tuần sau khi Cục Thống kê Quốc gia báo cáo rằng hoạt động sản xuất đã giảm trong tháng Tám, tháng thứ năm liên tục giảm.
Bất chấp sự suy thoái ở Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhập cảng dầu, trong bảy tháng đầu năm 2023 tăng hơn 12% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng gần 326 triệu tấn. Trong tháng Bảy, nhập cảng dầu thô đã tăng 17% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Trung Quốc đặt ra mối lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu dài hạn, và một số người khẳng định rằng Ấn Độ mang lại tiềm năng tăng trưởng nhu cầu dầu dài hạn trong bối cảnh nước này có một nền kinh tế lành mạnh.
“Trung Quốc đã trợ giúp cho nhu cầu dầu thô toàn cầu trong 20 năm qua, nhưng trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhu cầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất và sau đó sẽ bắt đầu giảm. Thị trường toàn cầu phải cân nhắc đến Ấn Độ hoặc các nước khác để phục hồi nhu cầu,” Chủ tịch FGE Fereidun Fesharaki nói tại một hội thảo về Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga tại Hội nghị Dầu mỏ Châu Á Thái Bình Dương (APPC) 2023 do S&P Global Commodity Insights tổ chức.
Ông Kang Wu, người đứng đầu toàn cầu của bộ phận nghiên cứu nhu cầu tại S&P Global, cảnh báo rằng nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất sớm hơn ở Ấn Độ do thị trường mới nổi này có “sự mở rộng kinh tế và một cơ cấu dân số trẻ.”
Một báo cáo khác từ Sinopec, công ty dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc, cho thấy nhu cầu xăng của nước này có thể đã đạt mức cao nhất rồi do nước này đã cho sử dụng các loại xe chạy bằng năng lượng mới, tăng 38% trong năm nay từ mức tăng 30% hồi năm 2022.
Thị trường dầu đang thắt chặt
Trong khi những lo ngại về nhu cầu vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu, thì dữ liệu cho biết rằng thị trường dầu mỏ trên toàn thế giới đang thắt chặt và sẽ chuyển sang trạng thái thiếu hụt trong tháng này.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Số dư của chúng tôi cho thấy thị trường sẽ vẫn thiếu hụt trong năm 2024.”
“Tuy nhiên, mức thiếu hụt này nghiêng nhiều vào nửa cuối năm 2024. Trên thực tế, chúng tôi thấy thặng dư nhỏ trong quý 1 năm 2024, điều này cho thấy giá có thể giảm trở lại vào đầu năm tới, trước khi tăng cao hơn một lần nữa.”
Các nhà phân tích của ING dự đoán giá dầu sẽ tăng nhiều hơn, với WTI và Brent chạm mức 92 USD và 88 USD mỗi thùng trong quý 4. Họ cũng dự báo WTI và Brent sẽ tăng lên 93 USD và 96 USD trong quý 4 năm tới.
Ông Patterson cho biết: “Giả định đằng sau các dự báo năm 2024 của chúng tôi là OPEC+ bám sát các mục tiêu sản xuất đã được trù tính, trong khi tình trạng một số nhà sản xuất OPEC+ tự nguyện cắt giảm thêm 1.66 triệu thùng/ngày cũng tiếp tục đến năm 2024.”
Ông Ben Luckock, đồng giám đốc giao dịch dầu tại Trafigura, giải thích trong cuộc thảo luận của APPC rằng dầu có điểm yếu là giá sẽ tăng cấp thời “do thiếu đầu tư dài hạn vào các mỏ dầu mới.”
Tại Hoa Kỳ, hoạt động khoan đã chậm lại trong năm nay. Theo Baker Hughes Oil Rig Count, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm khoảng 15% kể từ đầu năm xuống còn 525 giàn.
Tuy nhiên, dự án Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho rằng sản lượng trong nước sẽ tăng lên 12.76 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 13.09 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Báo cáo Thị trường Dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (OMR) cho thấy nguồn cung cấp dầu thô toàn cầu giảm xuống 100.9 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy và tồn kho trên toàn thế giới giảm 17.3 triệu thùng trong tháng Sáu. Đồng thời, OMR cho biết, nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng 2.2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 102.2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.
Điều này cũng có thể dẫn đến giá tại các trạm xăng tăng cao hơn.
“Các nhà máy lọc dầu đang chật vật để theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu, trong bối cảnh việc chuyển sang nguyên liệu thô mới, ngừng hoạt động do thiếu năng lượng, và nhiệt độ cao đã buộc nhiều nhà máy lọc dầu phải giảm công suất,” EIA lưu ý. “Thị trường xăng và dầu diesel thắt chặt đã đẩy tỷ suất lợi nhuận lên mức cao nhất trong sáu tháng.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times