Giá dầu sụt giảm kỷ lục trong lịch sử, nhiều lo lắng cho năm 2021
Đối với giá dầu, đây là năm không giống bất cứ năm nào.
Mức giá toàn cầu kết thúc năm ở khoảng 51 USD/thùng, gần với mức trung bình cho giai đoạn 2015–2017, đang ẩn che đi một năm thực sự đầy biến động. Vào tháng 4/2020, [giá] dầu thô của Hoa Kỳ đã giảm sâu xuống ngưỡng âm và giá dầu Brent giảm xuống dưới 20 USD/thùng, do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến về giá giữa các đại gia dầu mỏ Saudi Arabia và Nga.
Thời gian còn lại của năm 2020 dành cho sự hồi phục [giá dầu] từ cú sụt giảm đó, khi đại dịch đã hủy hoại nhu cầu về nhiên liệu trên toàn thế giới. Mặc dù sự sụt giảm giá dầu giao sau trong một giai đoạn ngắn xuống dưới mức âm 40 USD/thùng khó có khả năng lặp lại vào năm 2021, nhưng các hoạt động phong tỏa mới đây và việc khai triển vaccine theo giai đoạn để đối phó với virus sẽ gây hạn chế nhu cầu trong năm tới và còn có thể trong thời gian dài hơn.
“Chúng tôi thực sự chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này – không phải như cuộc khủng hoảng tài chính, không phải như sau sự kiện ngày 11/9,” ông Peter McNally, trưởng bộ phận toàn cầu về công nghiệp, vật liệu và năng lượng tại công ty nghiên cứu Third Bridge, cho biết. “Tác động đến nhu cầu đã là rất nhanh và rất đáng kể.”
Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới có thể vẫn thấp hơn kể cả sau đại dịch, khi các quốc gia tìm cách hạn chế khí thải nhằm làm chậm sự biến đổi khí hậu. Các công ty dầu mỏ lớn, chẳng hạn như BP Plc và Total SE, đã công bố các dự báo bao gồm các kịch bản trong đó nhu cầu dầu toàn cầu có thể đã đạt đỉnh vào năm 2019.
Cục Thông tin Năng lượng (EIA, Energy Information Administration) cho biết, sản lượng dầu và nhiên liệu hóa lỏng trên thế giới năm 2020 giảm xuống 94.25 triệu thùng/ngày từ mức 100.61 triệu thùng/ngày vào năm 2019, và sản lượng dự kiến chỉ phục hồi lên 97.42 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Ông John Roby, giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu Teal Natural Resources LLC có trụ sở tại Dallas, Texas, cho biết: “Với mọi chu kỳ, quý vị đều cảm thấy tồi tệ nhất khi quý vị đang trải qua nó, nhưng chu kỳ này thật kỳ lạ.”
Nhu cầu đình trệ
Khi các ca nhiễm virus corona lan rộng, chính phủ các nơi đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, giữ người dân ở trong nhà và không cho ra đường. Tiêu thụ nhiên liệu thô và hóa lỏng trên thế giới đã giảm xuống 92.4 triệu thùng/ngày trong năm, giảm 9% so với mức 101.2 triệu thùng/ngày trong năm 2019, EIA cho biết.
Bối cảnh thay đổi đặt ra một mối đe dọa cho các nhà máy lọc dầu. Morgan Stanley cho biết công suất khai thác khoảng 1.5 triệu thùng/ngày đã bị cắt giảm trên thị trường.
Theo GlobalData, công suất chưng cất dầu thô trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nhưng nhu cầu giảm và tỷ suất lợi nhuận thấp đối với xăng, dầu diesel và các nhiên liệu khác đã khiến các nhà máy lọc dầu ở Á Châu và Bắc Mỹ phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng, bao gồm một số cơ sở dọc theo Bờ Vịnh Hoa Kỳ.
Trong báo cáo triển vọng được công bố hồi tháng 9/2020, hãng BP nêu rõ việc phong tỏa và đóng cửa ở các nền kinh tế phát triển hơn “làm tăng mức rủi ro của các nhà máy lọc dầu trên thị trường xuất cảng có tính cạnh tranh rất cao.”
Biến động leo thang
Vài tháng tới có thể sẽ còn biến động nữa khi các nhà đầu tư đánh giá mức nhu cầu thấp kèm cùng tiềm năng gia tăng nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Các nhà phân tích của Mitsubishi UFJ Financial Group cho biết: “Thị trường đã xáo động và hỗn loạn trong 12 tháng qua với những tác động lâu dài, khi chúng ta bắt đầu thiết lập những chuẩn mực ổn định mới hướng tới trạng thái cân bằng hậu virus.”
Chỉ số Biến động ETF Dầu thô Cboe (Cboe Crude Oil ETF Volatility Index) đã tăng lên mức kỷ lục 517.19 hồi tháng 4/2020.
Chỉ số này đã giảm xuống khoảng 40, nhưng vẫn cao hơn khoảng 60% so với thời điểm này một năm trước (2019), dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy.
Theo Stephanie Kelly và Devika Krishna Kumar
Reuters
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: