Ghi nhớ lòng biết ơn
Tôi sẽ không thể viết về lòng biết ơn mà không cảm thấy biết ơn sâu sắc đối với độc giả của mình. Biết rằng thời gian là tài sản quý báu nhất của quý vị, tôi trân quý sự chú tâm của quý vị khi chúng ta thảo luận về “lòng biết ơn.” Lòng biết ơn là gì và tại sao lại quan trọng như vậy?
Hồi tháng trước, chúng ta phải chật vật với khái niệm rộng lớn về đức hạnh như một khuôn mẫu hành động, một kỷ luật sống cần được trau dồi. Đáng tiếc là, một trong những đức tính còn đang thiếu trong xã hội chúng ta ngày nay đó là lòng biết ơn. Tôi nghĩ đến người cha của mình, một cựu chiến binh trong Đệ nhị Thế chiến. Cũng giống như những người khác thuộc Thế Hệ Vĩ Đại Nhất, ông không bao giờ sử dụng những lời lẽ như “căng thẳng” hay “chán nản.” Đây là những cụm từ mới. Mặc dù tôi không hạ thấp những cảm xúc chính đáng hoặc những chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng ngày nay có quá nhiều người than vãn và phàn nàn.
Hãy nhìn xung quanh xem: Chúng ta được đào tạo bởi hoạt động tiếp thị và truyền thông xã hội để tập trung vào những gì chúng ta thiếu, ngay tại đây, và ngay lúc này, cho dù điều đó có tầm thường đến đâu đi nữa. Những suy nghĩ tủi thân có thể nhanh chóng biến thành thói quen. Kết quả cuối cùng là vết dơ tồi tệ về một thái độ bất mãn.
Tâm trí của chúng ta cũng giống như máy điện toán vậy — nhập dữ liệu này vào, cho ra dữ liệu khác. Nếu quý vị suy nghĩ tiêu cực, quý vị sẽ trở nên tiêu cực. Nếu quý vị suy nghĩ tích cực, quý vị sẽ nhìn cuộc sống một cách tích cực. Như tác giả Stephen R. Covey nhắc nhở độc giả của mình rằng, “Gieo suy nghĩ, quý vị sẽ gặt hành động; gieo một hành động và quý vị sẽ gặt một thói quen; gieo thói quen, quý vị sẽ gặt tính cách; gieo tính cách, quý vị sẽ gặt số phận.” Câu nói vô danh này vô cùng phổ biến hồi cuối thế kỷ XIX. Nhà giáo dục người Anh Charlotte Mason cho rằng đó là câu nói của tiểu thuyết gia William Makepeace Thackeray; Người Mỹ thường cho câu nói đó là của giáo sĩ George Dana Boardman hoặc nhà tiểu luận Ralph Waldo Emerson. Trong hơn một thế kỷ qua, câu tục ngữ hiện đại này đã liên kết suy nghĩ của chúng ta với số phận của chúng ta, tuy nhiên vẫn chưa rõ ai là người đầu tiên nói những lời này. Điều rõ ràng là sự thông thái thực sự của câu nói ấy đã vượt thời gian: phổ biến lúc đó, phù hợp với thời nay, và luôn luôn thích hợp.
Cần liên tục thiết lập lại sự chú ý của nhân loại chúng ta. Trong kinh Cựu Ước, đặc biệt là trong những câu thi thiên của Đa vít, nhắc nhở chúng ta nhiều lần “phải tạ ơn Chúa.” Tại sao các nhà văn cổ đại và các truyền thống tín ngưỡng sau này lại nhấn mạnh sâu sắc đến khái niệm lòng biết ơn này? Rất đơn giản, là vì bản thân cuộc sống là một món quà. Chúng ta không bao giờ được quên điều này. Theo lời của Thánh Phaolô, chúng ta phải “biết ơn trong mọi hoàn cảnh.”
Nhưng làm thế nào để chúng ta giữ được thái độ đúng đắn trong những lúc khó khăn? Làm thế nào để chúng ta “biết ơn về những ân phước của mình” khi sự trưởng thành đòi hỏi [phải có] đau đớn, hoặc khi kế hoạch của Chúa cho phép điều đau buồn xảy ra? Cuộc sống trên thế giới này mang đến những tai nạn, thương tích, mất mát người thân và đôi khi còn tồi tệ hơn. Tôi có thể thành thật mà nói rằng, nhờ đức tin, tôi đã học được cách biết ơn. Ngay cả khi tôi không muốn bày tỏ lòng biết ơn, tôi vẫn có thể thay đổi suy nghĩ của mình khi nhớ đến sự thành tín của Ngài.
Lời kêu gọi ghi nhớ này là bài học lớn trong câu chuyện Xuất Hành trong Kinh Cựu Ước. Trong khi dân tộc của ông phải chịu đựng cảnh nô lệ, Mose nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi đương đầu với Pharaoh Ai Cập tàn ác. “Rồi hãy nói với vị vua ấy rằng: ‘Chúa, Chúa của người Hebrew, đã sai tôi đến nói với nhà vua: Hãy để dân tôi đi để họ thờ phượng tôi trong đồng vắng. Nhưng cho đến bây giờ nhà vua vẫn không chịu lắng nghe. … Bằng cách này các ngươi sẽ biết Ta là Chúa: Ta sẽ lấy cây gậy trong tay đập vào nước sông Nile và nước sẽ biến thành máu.” (Ê-díp-tô Ký 7:16-17) Thế là bắt đầu câu chuyện về Pharaoh lòng chai dạ đá và 10 tai vạ ở Ai Cập. Muỗi, ruồi, mụn nhọt, mưa đá, và cuối cùng là sự ra đi của những đứa con trai đầu lòng khiến Pharaoh cuối cùng phải mềm lòng. Sau đó, khi Pharaoh đổi ý, điều một đội quân đến bẫy những người tị nạn ở rìa Hắc Hải, Chúa vẫn thực hiện các phép lạ thay cho dân Israel. Ông rẽ biển và chôn những kẻ truy đuổi họ trong một ngôi mộ đầy nước. Những người mới được giải thoát tiến về phía vùng đất hứa thiêng liêng, vùng đất tràn đầy sữa và mật ong.
Cho dù quý vị chấp nhận câu chuyện này là sự thật hay hư cấu, thì vấn đề đạo đức vẫn rõ rệt. Dân tộc Do Thái có mọi lý do để tưởng nhớ quá khứ và hướng tới tương lai với lòng biết ơn. Tuy nhiên, câu chuyện của họ — thường là câu chuyện của chúng ta — đầy rẫy những lời phàn nàn và càu nhàu. Khi nhìn thấy những cỗ xe ngựa, trong sa mạc khắc nghiệt bên kia đại dương, hay khi đối mặt với món ăn đơn điệu, họ cằn nhằn những người lãnh đạo của mình. Giữa lúc bất bình, họ quên mất những lời hứa của Chúa. Họ nhanh chóng viện cớ, tạo thần tượng, hoặc đơn giản là bỏ cuộc. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Chúa của họ vẫn thể hiện quyền năng và sự thành tín của Ngài.
Chúng ta có thể không lang thang trong sa mạc theo đúng nghĩa bề mặt như người dân Israel, nhưng mỗi người chúng ta đều trải qua những thử thách. Chúng ta rất hay lo lắng về vấn đề tài chính trong lúc đỉnh điểm. Tôi tin rằng chỉ có một trái tim biết ơn — một trái tim luôn ghi nhớ — mới có thể mang lại sự chân chính thực sự. Tôi nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ của mình trước một trong những thị trường bất động sản tồi tệ nhất trong sự nghiệp của tôi. Giờ đây, tôi có thể thấy rõ sự an bài của Chúa đã đưa chúng tôi vượt qua những đỉnh núi cũng như thung lũng, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn.
Ngay cả khi không có gì xảy ra như chúng ta mong muốn, chúng ta vẫn có thể chọn tin tưởng và ghi nhớ. Như kinh Tân Ước dạy: “Chúng ta bị áp lực đủ mọi bề, nhưng không bị đè bẹp; bối rối, nhưng không tuyệt vọng; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị hạ gục nhưng không bị tiêu diệt. … Vì vậy chúng ta không đánh mất trái tim.” Trong sự tĩnh lặng của tâm trí và trái tim, nguyện chúng ta dừng lại mỗi ngày để biết ơn.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times