G-7 huy động 600 tỷ USD đối trọng với ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh
Hôm 26/06, các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy đại cường quốc (G-7) đại diện cho các nền dân chủ giàu có nhất đã huy động một gói tài trợ 600 tỷ USD cho các chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm chống lại sự bành trướng của chính phủ Trung Quốc. Kế hoạch này tài trợ các khoản vay khổng lồ cho các quốc gia kém phát triển để phát triển cơ sở hạ tầng.
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo G-7 khác đã cam kết huy động 600 tỷ USD vào năm 2027 cho kế hoạch, được gọi là ‘Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu’, nhằm hỗ trợ nhu cầu cơ sở hạ tầng của các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Ông Biden nói khi công bố dự án sau cuộc họp vào đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Đức: “Tôi muốn nói rõ, đây không phải là viện trợ hay tổ chức từ thiện.”
“Đó là một khoản đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của tất cả các quốc gia của chúng ta.”
Theo Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ sẽ huy động 200 tỷ USD cho chính sách liên kết này trong vòng năm năm tới “thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại, quỹ liên bang, và tận dụng các khoản đầu tư của khu vực tư nhân.”
Âu Châu tuyên bố sẽ huy động 300 tỷ EUR trong cùng thời kỳ.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố riêng: “Đây sẽ chỉ là bước khởi đầu. Hoa Kỳ và các đối tác G-7 sẽ tìm cách huy động thêm vốn từ các đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền, v.v.”
‘Ngoại giao bẫy nợ’
Kế hoạch cơ sở hạ tầng được coi là sự đổi mới thương hiệu của sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (Build Back Better World), còn được gọi là B3W, lần đầu tiên được công bố tại hội nghị thượng đỉnh G-7 năm ngoái ở Anh như một sự đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỷ dollar của chính phủ Trung Quốc.
Được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013, BRI đã đạt đến đỉnh cao trong việc mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ vào năm 2015 thông qua các liên kết thương mại toàn cầu cũng như các dự án xây dựng đường sắt, cảng, đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Hơn 140 quốc gia đã tham gia sáng kiến này, với nhiều kết quả khác nhau.
Các nhà chỉ trích sáng kiến BRI đã gọi dự án này là một hình thức “ngoại giao bẫy nợ”, gây khó khăn cho các quốc gia đang phát triển với mức nợ không bền vững, khiến họ dễ bị tổn thương khi phải nhượng lại cơ sở hạ tầng và nguồn lực chiến lược cho Bắc Kinh. Hồi tháng Chín (2021), phòng nghiên cứu AidData đã thống kê được ít nhất 42 quốc gia có mức nợ công đối với Trung Quốc vượt quá 10% tổng sản phẩm quốc nội của họ.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen trình bày tại cuộc họp báo hôm Chủ Nhật (26/06): “Chúng ta cần phải đưa ra một động lực đầu tư tích cực và mạnh mẽ cho thế giới để cho các đối tác của chúng ta thấy rằng họ có quyền lựa chọn.”
Kế hoạch hợp tác này sẽ tập trung vào y tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bình đẳng giới, khí hậu, và an ninh năng lượng.
Ông Biden nêu bật một số dự án hàng đầu, bao gồm dự án phát triển quang năng trị giá 2 tỷ USD ở Angola với sự hỗ trợ từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ, công ty AfricaGlobal Schaffer và nhà phát triển dự án Sun Africa của Hoa Kỳ.
Ông nói thêm: “Khi các nền dân chủ cho [thế giới] thấy rõ những gì chúng ta có thể làm, toàn bộ những thứ đó chúng ta phải cung cấp, tôi chắc chắn rằng lúc nào họ cũng sẽ dẫn đầu cuộc cạnh tranh.”
Reuters và cô Eva Fu đã đóng góp vào báo cáo.
Cô Dorothy Li là phóng viên của The Epoch Times đóng tại Âu Châu.