FDA đề nghị thay đổi định nghĩa ‘lành mạnh’ trên bao bì thực phẩm
Hôm 28/09, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đề nghị thay đổi những yêu cầu mà sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn nhất định phải đáp ứng để được ghi nhãn là ‘lành mạnh’.
Theo FDA, quy định được đề nghị này sẽ cập nhật định nghĩa của [thuật ngữ] “lành mạnh” để “giải thích tốt hơn cách tất cả các chất dinh dưỡng trong các nhóm thực phẩm khác nhau đóng góp và có thể hoạt động một cách tổng hợp để tạo ra các mô hình ăn uống lành mạnh và cải thiện sức khỏe.”
Định nghĩa “lành mạnh” hiện tại lần đầu tiên được đưa ra hồi năm 1994. Định nghĩa đó có nghĩa là thực phẩm phải chứa một lượng tối thiểu các chất dinh dưỡng riêng lẻ bao gồm vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, protein, và chất xơ. Nó cũng đặt giới hạn về tổng chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol, và natri, để một sản phẩm thực phẩm được ghi nhãn “lành mạnh.”
Theo định nghĩa hiện có, khoảng 5% thực phẩm trên thị trường sẽ đủ tiêu chuẩn “lành mạnh.” Theo FDA, những thay đổi trong khoa học dinh dưỡng và hướng dẫn chế độ ăn uống của liên bang kể từ năm 1994 đã khiến cho định nghĩa “lành mạnh” hiện tại trở nên lỗi thời.
Tuy nhiên, cơ quan này tuyên bố rằng, định nghĩa được cơ quan này đề nghị, là dựa trên khoa học dinh dưỡng hiện tại, và sẽ có nghĩa là nhiều loại thực phẩm được Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị sẽ đủ điều kiện để được ghi nhãn “lành mạnh.” Các thực phẩm này bao gồm các loại quả hạch và hạt, cá có hàm lượng chất béo cao hơn như cá hồi, cũng như các loại dầu nhất định và nước.
Theo cơ quan này, khoa học dinh dưỡng hiện nay “nhấn mạnh đến các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như trái cây, rau, và ngũ cốc nguyên hạt, là những yếu tố quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh”. Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 định nghĩa thực phẩm giàu dinh dưỡng là những thực phẩm “cung cấp vitamin, khoáng chất, và các thành phần tăng cường sức khỏe khác và bổ sung ít đường, chất béo bão hòa, và natri.”
FDA lưu ý rằng định nghĩa “lành mạnh” hiện tại từ năm 1994 sẽ loại trừ một số thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhất định, chẳng hạn như cá hồi, do hàm lượng chất béo cao, nhưng sẽ bao gồm các loại thực phẩm khác mà chưa được khoa học dinh dưỡng và hướng dẫn chế độ ăn uống cập nhật như là các loại thực phẩm có thể giúp mọi người duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như một số loại ngũ cốc ăn liền có thể chứa hàm lượng đường phụ gia cao.
Tuân theo các nguyên tắc về chế độ ăn uống
Để đủ điều kiện được ghi nhãn “lành mạnh” trên bao bì thực phẩm theo định nghĩa mới được đề nghị, thực phẩm phải chứa “một lượng thực phẩm có ý nghĩa nhất định từ ít nhất một trong các nhóm hoặc phân nhóm thực phẩm (ví dụ: trái cây, rau, sữa, v.v.)” được các hướng dẫn về chế độ ăn uống khuyến nghị.
Một số chất dinh dưỡng trong đó cũng không được vượt quá các giới hạn cụ thể, bao gồm chất béo bão hòa, natri, và đường phụ gia. Theo FDA, ngưỡng giới hạn dựa trên phần trăm giá trị hàng ngày (DV) đối với chất dinh dưỡng. Điều này thay đổi tùy thuộc vào thực phẩm và nhóm thực phẩm.
Ví dụ, hạn chế đối với chất béo bão hòa sẽ được giới hạn ở mức 5% DV đối với các sản phẩm trái cây, rau, và ngũ cốc. Nhưng mức giới hạn này sẽ là 10% đối với các sản phẩm sữa, thịt thú săn, hải sản, và trứng; và 20% tổng lượng chất béo cho các loại dầu, chất phết từ dầu, và nước sốt từ dầu.
FDA đã đưa ra một ví dụ riêng biệt: “một loại ngũ cốc cần phải chứa ¾ ounce (21.3 gram) ngũ cốc nguyên hạt và chứa không quá: 1 gram chất béo bão hòa, 230 miligam natri và 2.5 gram đường phụ gia.”
Cơ quan này cũng lưu ý rằng, về chất béo, “khoa học dinh dưỡng hiện tại ủng hộ quan điểm rằng loại chất béo thì có liên quan đến nguy cơ gây ra bệnh mãn tính nhiều hơn tổng lượng chất béo [mà cơ thể] tiếp nhận.” Do đó, định nghĩa này không đưa ra một giới hạn cho tổng lượng chất béo.
Cơ quan này cũng cho biết rằng họ đã không đặt ra các mức dinh dưỡng tối thiểu để các loại thực phẩm có thể đáp ứng tiêu chí về “lành mạnh,” vì lo ngại rằng làm như vậy “có thể thúc đẩy việc bổ sung thêm [các chất] để khiến các thực phẩm chứa ít chất béo bão hòa, natri, và đường phụ gia có thể đủ điều kiện tuyên bố ‘lành mạnh,’ mặc dù những thực phẩm này không đóng góp một lượng có ý nghĩa của một nhóm thực phẩm (ví dụ: bánh mì trắng được bổ sung thêm canxi).”
“Thực phẩm lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Nhưng quá nhiều người có thể không biết thực phẩm lành mạnh được cấu tạo từ những gì,” ông Xavier Becerra, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cho biết trong một tuyên bố. “Hành động này của FDA sẽ giúp đem kiến thức đến cho nhiều người Mỹ hơn nhằm cải thiện kết quả sức khỏe, giải quyết sự chênh lệch về sức khỏe và cứu người.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times