FBI đưa người cung cấp tin then chốt cho hồ sơ Steel vào biên chế để che giấu việc bịa đặt hồ sơ
Hôm 13/09, Biện lý Đặc biệt John Durham đã đệ trình một bản kiến nghị loại bỏ một số lời khai hoặc bằng chứng trước phiên xét xử trong vụ ông kiện ông Igor Danchenko — nguồn cung cấp tin thứ cấp chính cho hồ sơ của ông Christopher Steele về ông Donald Trump — về tội danh khai man. Trước đó, ông Danchenko, người bị buộc năm tội danh khai man FBI về những nguồn cung cấp tin của mình cho hồ sơ này, đã đệ đơn kiến nghị bác bỏ các cáo buộc chống lại mình.
Kiến nghị loại bỏ lời khai hoặc bằng chứng (motion in limine) là loại kiến nghị thường được sử dụng để xác định bằng chứng nào có thể và không thể được sử dụng tại phiên tòa. Phiên tòa của ông Danchenko dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng tới (10/2022).
Tuy nhiên, kiến nghị của ông Durham không phải là loại thường và chứa một loạt các tiết lộ gây chấn động về ông Danchenko.
Có lẽ tiết lộ chấn động nhất là hồi tháng 03/2017, ông Danchenko đã được FBI cấp thân phận là người cung cấp tin mật (CHS). Đáng chú ý, điều này diễn ra sau khi ông Danchenko không thừa nhận hồ sơ Steele trong một cuộc phỏng vấn với FBI hồi tháng 01/2017, sau khi xác nhận rằng hồ sơ này chỉ dựa trên những câu chuyện tán dóc và tin đồn. Xét trên việc ông Danchenko đã xác nhận như vậy, thì không có lý do hợp pháp nào để gia hạn sự bảo vệ có được từ thân phận CHS cho ông ấy, người không còn bất kỳ giá trị thực chất nào đối với cuộc điều tra của FBI về cáo buộc thông đồng giữa ông Trump và Nga.
Trên thực tế, cuộc điều tra của FBI lẽ ra phải kết thúc ngay sau khi ông Danchenko đã tiết lộ lai lịch thực sự của hồ sơ Steele.
Mục tiêu của FBI trong việc mang lại cho ông Danchenko thân phận CHS đáng ao ước dường như là để giúp ông Danchenko thoát khỏi sự giám sát của chính phủ. Với địa vị của một CHS, ông Danchenko được hưởng sự bảo vệ và các đặc quyền đặc biệt. Chủ yếu là, FBI có thể sử dụng thân phận loại này để che giấu ông Danchenko cùng những tiết lộ của ông ấy khỏi các cuộc thẩm vấn của Quốc hội, chẳng hạn như cuộc điều tra của Dân biểu đương thời Devin Nunes do ông Kash Patel dẫn đầu. Các cuộc điều tra khác, chẳng hạn như các yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin, cũng có thể bị ngăn trở khi tham chiếu đến “các nguồn và phương pháp” biện minh cho việc che giấu danh tính, và thậm chí cả sự tồn tại, của một CHS.
FBI có những động cơ lớn để che giấu ông Danchenko. Mặc dù ông Danchenko đã khai man một số lần với FBI, điều mà ông Durham mô tả là một nỗ lực để nhất quán với những gì ông Danchenko đã nói với ông Steele, nhưng thông điệp bao quát từ ông Danchenko là hồ sơ này không đúng sự thật. Điều này đã chấm dứt một cách hiệu quả bất kỳ cuộc điều tra hợp pháp nào về sự thông đồng giữa ông Trump và Nga. Sự không thừa nhận của ông Danchenko cũng đồng nghĩa với việc các lệnh của FBI theo Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA) chống lại ông Carter Page, cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump — được ban hành dựa trên hồ sơ Steele — trên thực tế đã bị vô hiệu.
FBI có nghĩa vụ pháp lý phải thông báo cho tòa án FISA về ông Danchenko nhưng đã không làm như vậy. Trên thực tế, họ đã thành công trong việc nộp thêm hai lệnh FISA nữa chống lại ông Page dựa trên hồ sơ Steele mà họ đã biết là không có thật.
Thời điểm mà thân phận của ông Danchenko được nâng lên thành CHS trùng với hai diễn biến chính. Đầu tiên, vào ngày 20/03/2017, Giám đốc FBI đương thời James Comey nói với Quốc hội rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump đang bị điều tra vì cáo buộc có các mối liên hệ với Nga. Tại thời điểm đó, ông Comey đã biết rằng ông Danchenko đã khiến cuộc điều tra này không còn cần thiết nữa, nhưng bất chấp thực tế này ông Comey đã chọn tiếp tục điều tra. Thứ hai, cũng vào hồi tháng 03/2017, từ một người tố giác trong cộng đồng tình báo, ông Nunes đã phát hiện rằng nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử đương thời Donald Trump đã bị theo dõi. Dân biểu Nunes phàn nàn rằng thông tin đó đã không được báo cáo cho Quốc hội.
Với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Nunes ngay lập tức tăng tốc cuộc điều tra của riêng mình về vụ thông đồng giữa ông Trump và Nga. Cuộc điều tra đó đã dẫn đến bản ghi nhớ của ông Nunes hồi tháng 02/2018. Tuy nhiên, bản ghi nhớ của ông Nunes không đề cập đến ông Danchenko hoặc về việc ông Danchenko đã phủ nhận hồ sơ Steele. Sau khi FBI đưa ông Danchenko vào biên chế CHS của cục, ông ấy hoàn toàn không nằm trong phạm vi tầm soát của chính phủ và bất kỳ thông tin nào về ông ấy đều bị che giấu khỏi Quốc hội theo diện “các nguồn và phương pháp.”
Kế hoạch rõ ràng là nhằm để che chắn ông Danchenko của FBI dường như đã có tác dụng như dự kiến. Cả ông Nunes và những người khác đều không hay biết gì về ông Danchenko hoặc việc ông ấy phủ nhận hồ sơ Steele cho đến tháng 12/2019, khi Tổng thanh tra Bộ Tư pháp (DOJ) Michael Horowitz đưa ra báo cáo của mình về các vụ lạm dụng FISA của FBI. Ông Horowitz đã không tiết lộ tên của ông Danchenko và cung cấp rất ít thông tin ngoại trừ việc ông Steele có một nguồn tin thứ cấp chính, người đã kể câu chuyện khác so với câu chuyện do chính ông Steele kể.
Mãi cho đến tháng 07/2020, một nhóm trinh thám trực tuyến, trong đó có cả tôi, mới có thể suy ra danh tính của ông Danchenko từ nhiều điểm dữ liệu khác nhau trong báo cáo của ông Horowitz, cũng như từ các ghi chú phỏng vấn bị biên tập lại nhiều do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) công bố.
Với việc phát hiện ra ông Danchenko, mọi sự tín nhiệm còn lại đối với hồ sơ Steele đã sụp đổ. Trái ngược với tuyên bố của FBI, ông Danchenko không phải là một người cung cấp tin có quyền tiếp cận với người bên trong Điện Kremlin và sống ở Nga. Thay vào đó, ông ấy là một người thuộc giới chính trị Hoa Thịnh Đốn, đã dành một số năm làm việc tại Viện Brookings thiên về Đảng Dân Chủ, nơi nhân chứng đàn hặc ông Trump là bà Fiona Hill từng là người chỉ dạy cho ông.
Tuy nhiên, FBI vẫn tiếp tục trả lương cho ông Danchenko, cũng như duy trì thân phận CHS của ông ấy cho đến tháng 10/2020. Vào thời điểm đó, ông Durham đã điều tra nguồn gốc của cuộc điều tra Trump-Nga được 19 tháng. Cũng không rõ khi nào thì ông Durham phát hiện ra thân phận CHS của ông Danchenko. Có khả năng là thân phận CHS của ông Danchenko đã bị thu hồi sau khi Tổng chưởng lý đương thời Bill Barr tiết lộ hồi tháng 09/2020 rằng ông Danchenko đã bị nghi ngờ là đang làm việc cho tình báo Nga.
FBI đã biết việc này từ năm 2009, nhưng tiết lộ công khai của ông Bar có thể đã buộc cơ quan này phải hành động.
Có vẻ như mục đích duy nhất của việc biến ông Danchenko thành một CHS là để che giấu hành động sai trái của FBI khỏi Quốc hội, tòa án FISA, và công chúng; điều này mở ra con đường mới để ông Durham truy tố hình sự các quan chức FBI. Các quan chức đó bao gồm cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu Phó Giám đốc Andrew McCabe, người từng đứng đầu cơ quan phản gián Peter Strzok, và người đặc vụ trong vụ kiện của ông Danchenko tên là Brian Auten.
Người ta cho rằng thời hiệu truy tố các quan chức FBI đã hết hiệu lực vào đầu năm nay, vì năm năm đã trôi qua kể từ thời điểm các quan chức thực hiện các hành động tương ứng. Tuy nhiên, bây giờ có vẻ như thời hiệu truy tố đã được kéo dài vì FBI tiếp tục sử dụng ông Danchenko dưới vỏ bọc hư giả cho đến tháng 10/2020. Điều đó giúp ông Durham có đủ thời gian để truy tố các quan chức FBI, nếu ông ấy muốn làm vậy.
Ngoài những tiết lộ về thân phận CHS [của ông Danchenko], bản kiến nghị mới của ông Durham cũng làm sáng tỏ sự việc nói trên, trong đó ông Barr tiết lộ rằng, khi ông Danchenko còn làm việc trong Viện Brookings, ông ấy được cho là đã tiếp cận hai nhân viên đồng nghiệp để nói với họ rằng nếu họ “có quyền truy cập thông tin mật,” và muốn “kiếm thêm chút tiền,” thì ông biết “vài người mà họ có thể nói chuyện.”
Sau khi sự việc nói trên được trình báo với cơ quan chấp pháp hồi năm 2009, FBI đã mở một “cuộc điều tra đầy đủ” đối với ông Danchenko sau khi biết rằng ông ấy “(1) được xác định là đồng sự của hai đối tượng bị điều tra phản gián của FBI và (2) trước đó từng liên hệ với Đại sứ quán Nga và các sĩ quan tình báo đã biết của Nga.”
Cho đến hôm 13/09, tiến triển của cuộc điều tra đó vẫn là ẩn số. Cho đến nay, ông Durham đã tiết lộ rằng FBI đã khép lại cuộc điều tra về ông Danchenko này vào năm 2010 vì họ “đã tin một cách sai lầm” rằng ông ấy đã rời khỏi Hoa Kỳ.
Không biết liệu ông Durham có tin lời giải thích sơ sài này của FBI không. Đáng chú ý là ông Durham đã không buộc tội ông Danchenko khai man về các mối liên hệ của ông với các sĩ quan tình báo Nga. Trong cuộc phỏng vấn với FBI hồi tháng 01/2017, ông Danchenko đã tuyên bố không biết hoặc chưa gặp bất kỳ sĩ quan nào như vậy.
Một điều cũng đáng chú ý khác là ông Durham đã không buộc tội ông Danchenko khai man về câu chuyện “đoạn băng trụy lạc” khét tiếng. Hồ sơ Steele tuyên bố rằng câu chuyện này bắt nguồn hồi tháng 06/2016 từ một nhân viên phương Tây cao cấp làm việc tại khách sạn Ritz-Carlton ở Moscow. Tuy nhiên, ông Durham hiện đã tiết lộ rằng văn phòng của ông đã tìm ra được nhân viên khách sạn phương Tây duy nhất làm việc tại thời điểm đó, một người mang quốc tịch Đức.
Theo ông Durham, công dân Đức đó sẽ làm chứng tại phiên tòa xét xử ông Danchenko rằng ông ấy chưa bao giờ gặp ông Danchenko, và cũng chưa bao giờ nghe về câu chuyện đoạn băng trụy lạc này cho đến khi giới truyền thông bắt đầu đưa tin về hồ sơ Steele hồi năm 2017.
Tương tự như tình huống liên quan đến các sĩ quan tình báo Nga, không hiểu lý do vì sao ông Durham không buộc tội ông Danchenko một cách cụ thể về tội khai man về những tương tác được cho là của ông Danchenko với người quản lý khách sạn quốc tịch Đức đó. Xét về sự quan tâm rất lớn mà câu chuyện về đoạn băng trụy lạc này mang lại, thì dường như việc truy tố đến cùng tội khai man như thế là lẽ dĩ nhiên, đặc biệt vì người quản lý khách sạn đó có thể và sẵn sàng ra làm chứng trước tòa.
Câu chuyện của người quản lý được ông Charles Dolan, một cố vấn chính trị có mối liên hệ với ông Bill và bà Hillary Clinton, xác nhận. Theo ông Durham, ông Dolan sẽ làm chứng tại phiên xét xử ông Danchenko rằng ông ấy và ông Danchenko đã đến Moscow hồi tháng 06/2016. Tuy nhiên, không giống như ông Dolan, ông Danchenko không ở tại khách sạn Ritz-Carlton và không gặp người quản lý khách sạn quốc tịch Đức đó. Có vẻ như ông Danchenko đã hoàn toàn bịa ra câu chuyện về đoạn băng trụy lạc này, quy nó cho người quản lý quốc tịch Đức mà ông chưa từng gặp.
Trong khi ông Danchenko bị buộc tội khai man về các tương tác của ông với ông Dolan, ông Durham đang yêu cầu tòa án cũng cho phép người quản lý khách sạn đó làm chứng để chứng minh là ông Danchenko “đã nỗ lực bịa đặt và tuyên bố sai về thông tin được phản ánh trong Báo cáo Steele.”
Trong một tiết lộ chấn động khác, ông Durham hiện đã cho biết rằng hồi tháng 02/2016, chỉ vài tháng trước khi hồ sơ của ông Danchenko bắt đầu khởi tác dụng, ông Danchenko đã chỉ dẫn cho đối tác quản lý của một công ty tình báo kinh doanh về cách ngụy tạo nguồn tin. Theo ông Durham, ông Danchenko đã khuyên người đối tác này rằng nếu không có nguồn tin nào, người đó nên “sử dụng chính mình như một nguồn tin” nhưng phải che giấu sự thật này bằng cách trích dẫn người khác “để cứu vãn tình thế.”
Mặc dù các tương tác của ông Danchenko với người đối tác tình báo kinh doanh này không liên quan trực tiếp đến hồ sơ hoặc với những lời khai man bị cáo buộc của ông Danchenko đối với FBI, nhưng ông Durham đang yêu cầu tòa án cho phép thông tin đó được trình bày trước bồi thẩm đoàn như một cách để cho thấy phương thức mà ông Danchenko bịa đặt các nguồn tin.
Tuy những tiết lộ mới nhất này của ông Durham hết sức bất lợi cho ông Danchenko, nhưng chúng còn gây thiệt hại hơn nhiều cho FBI, một cơ quan dường như đã sử dụng một cách gian dối cơ chế CHS để đưa ông Danchenko ra khỏi tầm giám sát của chính phủ và che đậy sự thật rằng ông ấy đã phủ nhận hồ sơ Steele. Bằng cách đó, ban lãnh đạo FBI đã đánh lừa Quốc hội, các tòa án, tổng thanh tra DOJ, và công chúng. Tệ nhất là họ đã làm điều đó để có thể tiếp tục các nỗ lực hạ bệ Tổng thống đương thời Donald Trump.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times