EU công bố thỏa thuận cải tổ thị trường carbon của Âu Châu, giới hạn giá khí đốt tự nhiên
Hôm 18/12, Liên minh Âu Châu (EU) đã công bố một thỏa thuận tạm thời cải tổ thị trường carbon của khối này, mở rộng thành công một thành phần quan trọng trong nghị trình xanh rộng lớn hơn của khu vực.
Sau một phiên họp kéo dài 30 giờ, đại diện của 27 quốc gia thành viên và Nghị viện Âu Châu đã đồng ý áp dụng Hệ thống Thương mại Khí thải (ETS) của EU đối với sưởi ấm, vận tải đường bộ, và vận tải biển. Các quan chức cũng có kế hoạch sử dụng thỏa thuận này để đẩy nhanh các yêu cầu đối với các công ty nhằm giảm ô nhiễm, cho dù họ sản xuất điện hay sản xuất thép.
Những cải tổ mới nhất là một phần trong sáng kiến “Fit for 55” rộng lớn hơn của EU nhằm cắt giảm tối thiểu 62% lượng khí thải so với mức của năm 1990 vào năm 2030. Khối này muốn đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.
“Thỏa thuận về Hệ thống Thương mại Khí thải của EU và Quỹ Khí hậu cho Xã hội là một chiến thắng cho khí hậu và cho chính sách khí hậu của Âu Châu,” ông Marian Jurecka, Bộ trưởng Môi trường Séc, cho biết trong một tuyên bố. “Thỏa thuận này sẽ cho phép chúng ta đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm các công dân và doanh nghiệp siêu nhỏ dễ bị tổn thương nhất được trợ giúp một cách hiệu quả trong quá trình chuyển đổi khí hậu.”
“Giờ đây chúng ta có thể yên tâm nói rằng EU đã thực hiện đúng những lời hứa của mình với chế tài đầy tham vọng và điều này đưa chúng ta đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.”
Hội đồng Âu Châu và Nghị viện Âu Châu vẫn chưa chính thức xác nhận và thông qua thỏa thuận.
Nội dung trong gói biến đổi khí hậu
Biện pháp quan trọng đầu tiên trong gói toàn diện này là tạo ra một Hệ thống Thương mại Phát thải (ETS) thứ hai cho giao thông đường bộ, các tòa nhà, và vận tải biển. Hệ thống này sẽ áp chi phí phụ trội lên việc phát thải từ các lĩnh vực này vào năm 2027, mặc dù phí có thể bị hoãn lại một năm nếu giá năng lượng ở Âu Châu vẫn tăng cao.
Một thay đổi quan trọng khác là bắt buộc 10,000 nhà máy sản xuất và nhà máy điện phải mua giấy phép phát thải. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cài đặt các công nghệ xanh hơn để giảm dấu vết carbon của họ. Kế hoạch này sẽ loại bỏ dần giấy phép CO2 miễn phí vào năm 2034.
Các quốc gia EU sẽ buộc phải đo lường, báo cáo, và xác thực lượng khí thải từ các cơ sở đốt rác thải đô thị bắt đầu từ năm 2024. Ủy ban Âu Châu dự định đưa các cơ sở này vào ETS bắt đầu từ năm 2028.
“Các cơ sở đốt rác thải sinh hoạt được hưởng lợi từ việc phân bổ miễn phí sẽ cần phải tuân thủ các yêu cầu mang tính điều kiện, trong đó có hình thức kiểm toán năng lượng và dành cho các kế hoạch trung lập khí hậu đối với một số cơ sở nhất định,” báo cáo viết. “Các khoản phân bổ miễn phí chuyển tiếp bổ sung có thể được cấp theo một số điều kiện nhất định cho lĩnh vực sưởi ấm cấp quận ở một số quốc gia thành viên, nhằm khuyến khích các dự án đầu tư vào việc khử carbon trong lĩnh vực đó.”
Lãnh đạo EU sẽ tài trợ cho việc chuyển đổi sang các công nghệ xanh bằng cách khai thác và tăng các khoản trợ cấp cho các quỹ liên quan đến khí hậu.
Bước đầu tiên là tăng trợ cấp của Quỹ Đổi mới lên 575 triệu euro (610 triệu USD) từ mức 450 triệu euro (478 triệu USD) hiện tại.
Quỹ Hiện đại hóa cũng sẽ được trợ giúp bằng cách bán đấu giá 2.5% trợ cấp được phân bổ cho các quốc gia duy trì mức tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của khối. Số tiền này sẽ được theo dõi để bảo đảm nó được phân bổ cho các cố gắng liên quan đến khí hậu.
Mặc dù gần đây Liên minh Âu Châu đã thay đổi quyết định và gán cho khí đốt tự nhiên là năng lượng xanh, nhưng “về nguyên tắc, các dự án khí đốt tự nhiên sẽ không đủ điều kiện nhận” tiền của Quỹ Hiện đại hóa. Tuy nhiên, các quan chức lưu ý rằng “một biện pháp chuyển tiếp sẽ cho phép những người thụ hưởng hiện tại của quỹ này tiếp tục tài trợ có thời hạn cho các dự án khí đốt tự nhiên trong một số điều kiện nhất định.”
Cuối cùng, khối EU dự định thành lập Quỹ Khí hậu Xã hội trị giá 86.7 tỷ euro (92 tỷ USD) để giúp những người sử dụng phương tiện công cộng, các gia đình, và các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương gánh chịu chi phí kinh doanh khí thải. Quỹ này sẽ được lập từ năm 2026 đến năm 2032, và các thành viên có thể đủ điều kiện thụ hưởng kể từ ngày 01/01/2026.
“Mỗi quốc gia thành viên sẽ đệ trình lên Ủy ban một ‘kế hoạch khí hậu xã hội’, bao gồm các biện pháp và các khoản đầu tư mà họ dự định thực hiện để giảm bớt các tác động của hệ thống thương mại phát thải mới đối với các gia đình dễ bị tổn thương,” Hội đồng Âu Châu lưu ý trong thông báo nói trên. “Các biện pháp như vậy có thể bao gồm việc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng của các tòa nhà, cải tạo các tòa nhà, khử carbon cho hệ thống sưởi và làm mát trong các tòa nhà cũng như sử dụng phương tiện di chuyển và vận tải có phát thải ròng bằng không và ít phát thải, đồng thời cung cấp các biện pháp trợ giúp thu nhập trực tiếp bằng một giải pháp tạm thời và hạn chế.”
Kiểm soát giá khí đốt tự nhiên
Ngay sau khi EU công bố phát triển nghị trình xanh mới nhất, khối này đã thông qua một biện pháp nhằm thiết lập một mức giới hạn giá khí đốt tự nhiên để giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng.
Chỉ thị chính sách mới nhất mà các bộ trưởng năng lượng mô tả là một cơ chế điều chỉnh thị trường, sẽ được kích hoạt trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là nếu các hợp đồng khí đốt tháng trước vượt mức 180 euro (191 USD) mỗi megawatt giờ dựa trên giá chuẩn của trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan trong ba ngày làm việc liên tiếp. Trường hợp thứ hai là nếu giá khí đốt cao hơn 35 euro so với giá tham chiếu của khí tự nhiên lỏng trên thị trường quốc tế trong cùng khoảng thời gian.
“Chúng tôi đã thành công trong việc tìm kiếm một thỏa thuận quan trọng vốn sẽ bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt,” ông Jozef Siklea, Bộ trưởng Bộ Công thương Séc cho biết. “Chúng tôi sẽ thiết lập một cơ chế thực tế và hiệu quả, bao gồm các biện pháp bảo vệ cần thiết giúp chúng tôi tránh được những rủi ro đối với an ninh về nguồn cung và sự ổn định của các thị trường tài chính. Một lần nữa, chúng tôi đã chứng minh rằng EU hiệp nhất và sẽ không để bất kỳ ai sử dụng năng lượng như một loại vũ khí.”
Biện pháp kiểm soát giá khí đốt này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/02/2023.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với những biện pháp đó.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) tuyên bố rằng một biện pháp như vậy có thể “gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính trong khu vực đồng euro.”
“Mục đích hiện tại của cơ chế này có thể làm tăng tính biến động và các lệnh gọi ký quỹ (margin call) có liên quan, thách thức khả năng quản lý rủi ro tài chính của các đối tác trung tâm, và cũng có thể khuyến khích việc di chuyển từ các địa điểm giao dịch sang thị trường không yết giá (OTC) được thanh toán bù trừ phi tập trung,” ECB viết trong một báo cáo (pdf). “Những cân nhắc này, do có liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính, nên được Hội đồng tính đến khi thảo luận về quy định được đề nghị.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times