Enes Kanter: Các vận động viên Hoa Kỳ ‘sợ’ lên tiếng về hành vi lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh
Theo cầu thủ Enes Kanter Freedom, trung phong của đội Boston Celtics, các vận động viên Hoa Kỳ và cộng đồng thể thao nói chung luôn né tránh thể hiện một lập trường công khai về hành vi tàn bạo đối với nhân quyền của Trung Quốc cộng sản, vì lo sẽ bị tổn thất về tài chính.
“Bất cứ khi nào chúng tôi ngồi xuống để trò chuyện, họ luôn… thừa nhận rõ ràng tội ác diệt chủng đó và họ biết điều gì đang diễn ra,” anh Freedom nói trong một sự kiện được phát trực tiếp hôm 31/01 do Heritage Foundation tổ chức. “Nhưng tiếc là họ quá sợ hãi để lên tiếng về bất cứ điều gì chỉ vì — một lần nữa, kinh doanh và tiền bạc là một khía cạnh của việc này.”
“Đó là điều khiến tôi đau lòng nhiều nhất,” cầu thủ NBA này nói khi đề cập đến sự im lặng tập thể của các đồng nghiệp trong làng thể thao của anh.
“Họ biết chuyện gì đang diễn ra, họ biết tất cả những hành vi lạm dụng của ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc], nhưng chỉ vì… họ đã có những hợp đồng đại diện thương hiệu lớn này hoặc họ có rất nhiều doanh số bán áo đấu hoặc bán giày ở Trung Quốc, họ đang nói với tôi rằng họ phải im lặng nhưng họ vẫn ủng hộ và cầu nguyện cho tôi,” anh nói.
Và “không chỉ các vận động viên” – Freedom cho biết anh đã quan sát thấy sự tự kiểm duyệt tương tự của liên đoàn, giữa các đại diện cho NBA, cũng như bất kỳ ai khác có một nền tảng.
Sự im lặng của cộng đồng thể thao không phải là hiếm. Các nhà quan sát lưu ý rằng lo ngại về sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh đã ngăn cản một loạt các lĩnh vực khác thể hiện quan điểm về hồ sơ nhân quyền của chế độ này.
Hồi tháng 09/2021, Tiến sĩ Weldon Gilcrease, một chuyên gia về ung thư đường tiêu hóa tại Đại học Utah, đã kể lại những trở ngại mà ông phải đối mặt khi hy vọng thảo luận với ban lãnh đạo trường y này về cách ứng phó với nạn thu hoạch nội tạng của chế độ đó.
Một trong số những người trong ban lãnh đạo “về cơ bản đã nói với tôi rằng trong tâm trí ông ấy không hề nghi ngờ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng tàn bạo đến vậy và điều đó đã thực sự xảy ra, nhưng nếu chúng tôi nói lên bất cứ điều gì, Trung Quốc sẽ đơn giản là gửi tất cả các sinh viên của họ đến tiểu bang Texas,” thay vì Utah, ông Gilcrease nói trong một hội thảo trực tuyến trên web.
“Quý vị nhất định sẽ nhận được sự ủng hộ ở cấp độ cá nhân, nhưng một khi quý vị cố gắng nâng điều đó lên thành cấp độ tổ chức, đó sẽ là lúc mọi thứ trở nên im lặng đến mức khó tin,” ông Gilcrease trước đây đã nói với The Epoch Times.
Hơn một chục cầu thủ NBA có hợp đồng đại diện với các thương hiệu thể thao có trụ sở tại Trung Quốc có dính líu đến lao động cưỡng bức. Những thương hiệu đó, chẳng hạn như Anta và Li-Ning, đã công khai ủng hộ việc tìm nguồn cung cấp bông từ Tân Cương, ngay cả khi các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ đã xác định những nguyên liệu như vậy có thể được sản xuất từ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ không dung thứ sự chỉ trích từ thế giới bên ngoài. Năm 2019, sau khi người quản lý của đội Houston Rockets thuộc NBA đăng một dòng tweet thể hiện sự đồng cảm với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, các đối tác Trung Quốc của đội bóng này đã nhanh chóng cắt đứt mối quan hệ. Một số vận động viên đã bị hủy bỏ trận đấu tại Trung Quốc, và một vận động viên được cho là đã mất một hợp đồng đại diện thương hiệu trị giá hàng triệu dollar ở nước này.
Trước thềm Thế vận hội Mùa Đông, sẽ khai mạc trong vài ngày nữa, các nhà chức trách Trung Quốc đã tỏ ra không mấy khoan nhượng trước những lời chỉ trích của công chúng. Một quan chức Olympic Bắc Kinh đã cảnh báo các vận động viên tham gia tránh lên tiếng về các vấn đề chính trị kẻo vi phạm “tinh thần Olympic” và sớm bị chấm dứt khả năng thi đấu.
Anh Freedom, người đã tận dụng mạng xã hội để làm nổi bật các nhóm bị đàn áp của Trung Quốc, đã thấy tên của mình lặng lẽ bị loại khỏi danh sách của đội Celtics trên Sohu, một cổng truyền thông lớn của Trung Quốc. Đại công ty Internet Tencent, có thỏa thuận năm năm phát sóng các trận NBA ở Trung Quốc, đã rút tính năng phát trực tiếp các trận đấu của Celtics khỏi trang web của mình hồi tháng 10/2021 sau khi anh Freedom thực hiện một video kêu gọi chế độ này chấm dứt đàn áp ở Tây Tạng. Dịch vụ phát sóng vẫn chưa hoạt động trở lại tính đến hôm thứ Hai (31/01).
Khi được hỏi liệu anh có phải trả giá hay không, cầu thủ 29 tuổi tỏ ra không hề nao núng.
“Ai đó phải làm điều này,” anh nói. “Tôi sẽ là người đó. Tôi sẽ là kẻ xấu nếu quý vị gọi làm như thế là kẻ xấu.”
Anh Freedom nói rằng anh sẽ làm tất cả những gì có thể để “giáo dục” những người bạn đồng trang lứa của mình. “Tôi không thể dừng lại chỉ vì tất cả những công việc kinh doanh đó bị liên lụy,” anh nói.
“Tôi chỉ ước nhiều vận động viên hơn có thể tham gia cùng tôi,” anh nói. “Đó là một con đường dài, nhưng tôi luôn nói rằng Chúa ở bên tôi.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: