Elon Musk chú trọng tài năng, không phải bằng cấp
Quan điểm của Elon Musk là kỹ năng quan trọng hơn bằng cấp. Nhà sáng lập kiêm CEO của tập đoàn sáng tạo khổng lồ Tesla và SpaceX đã tweet vào ngày 2/2/2020 rằng ông tuyển dụng nhân sự cho nhóm trí tuệ nhân tạo của mình tại Tesla và muốn tuyển dụng những người tài năng nhất mà ông có thể tìm thấy.
Đối với Musk, tài năng có nghĩa là “hiểu biết sâu sắc” về trí tuệ nhân tạo và khả năng vượt qua “bài kiểm tra mã hóa khó”, nhưng nó không nhất thiết phải bao gồm các loại bằng cấp.
Musk viết: “Chắc chắn không cần phải có bằng tiến sĩ. Đừng quan tâm nếu bạn thậm chí chỉ tốt nghiệp trung học.”
“Chắc chắn không cần bằng tiến sĩ. Tất cả những gì quan trọng là sự hiểu biết sâu sắc về AI và khả năng triển khai NN (mạng neural nhân tạo) theo cách thực sự hữu ích (ấy mới là thực sự khó). Đừng quan tâm nếu bạn thậm chí chỉ tốt nghiệp trung học.”
Musk tiếp tục nói vào ngày 3/2/2020 rằng “nền tảng giáo dục không liên quan”:
“NN của chúng tôi ban đầu dùng Python để có thể sao chép nhanh chóng, sau đó được chuyển đổi sang mã trình điều khiển C ++ / C / raw metal để tăng tốc độ (quan trọng!). Ngoài ra, cần rất nhiều kỹ sư C ++ / C để điều khiển phương tiện và toàn bộ phần còn lại của xe. Nền tảng giáo dục không liên quan, nhưng tất cả đều phải vượt qua bài kiểm tra mã hóa khó.
Musk không thích trường học
Không có gì ngạc nhiên khi Musk nhấn mạnh khả năng và kiến thức hơn các chứng chỉ của học viện. Các công ty công nghệ khác của Thung lũng Silicon, như Google và Apple, không còn yêu cầu nhân viên phải có bằng đại học. Nhưng Musk cũng không hài lòng với việc đi học của mình, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2015: “Tôi ghét đi học hồi tôi còn là một đứa trẻ. Đó là một sự tra tấn”.
Là một nhà phát minh tỷ phú, Musk quyết định xây dựng một chương trình giáo dục tốt hơn cho chính con cái của mình và mở trường thực nghiệm Ad Astra trong khuôn viên SpaceX’s Los Angeles. Ông không hài lòng với các trường tư thục ưu tú mà chúng đang theo học và nghĩ rằng giáo dục, ngay cả ở các trường “tốt”, đáng lẽ có thể được cải thiện nhiều hơn.”
Trong một cuộc phỏng vấn về Ad Astra, Musk nói: “Các trường học bình thường đã không làm những điều mà tôi nghĩ là nên làm. Vì vậy, tôi nghĩ, hãy xem chúng ta có thể làm gì.”
Ad Astra, có nghĩa là “tới các vì sao”, cung cấp một môi trường học tập thực hành, phương pháp học lấy đam mê làm động lực, bất chấp sự ép buộc vốn có trong hầu hết các trường học thông thường, công lập hay tư thục. Nó không phân chia cấp bậc các lớp, chương trình giảng dạy tập trung vào công nghệ mới nổi và không có lớp học bắt buộc. Theo báo cáo của Fortune, “không có hệ thống điểm số nào tại trường và nếu bọn trẻ không thích một lớp học cụ thể mà chúng đang theo học, chúng có thể chỉ cần chọn không tham gia”.
Đi học vì bằng cấp
Mặc dù nền văn hóa và kinh tế hiện nay tập trung vào công nghệ và cải tiến, hầu hết các trường học thông thường không có khả năng giúp những người trẻ phát triển kiến thức và kỹ năng để làm những công việc thiết yếu của thế kỷ 21. Bị mắc kẹt trong mô hình giảng dạy và chương trình học của thế kỷ 19, các trường học ngày nay chẳng có gì khác ngoài yếu tố hiện đại.
Vấn đề là trường học thiên về vẻ bề ngoài hơn là chất lượng học tập, vì vậy nó thiếu chất xúc tác để thay đổi cấu trúc và cách tiếp cận căn bản. Trong thế giới thực, việc bạn thông thạo tiếng Pháp ở trường trung học có thể không quan trọng, nhưng duy trì thành công việc học tập xuyên suốt quá trình sẽ gửi một dấu hiệu cho các nhà tuyển dụng tiềm năng. Nhà kinh tế học Bryan Caplan viết về tác động của dấu hiệu này trong cuốn sách “Trường hợp chống lại giáo dục”. Ông cũng giải thích cách tìm kiếm thành tích bề ngoài, bất kể chúng nông cạn thế nào, đang dẫn đến tình trạng “lạm phát chứng chỉ” hoặc theo đuổi nhiều bằng cấp hơn cho những nghề thực sự không yêu cầu chúng.
Viết trên The Atlantic, Caplan nói:
“Từ mẫu giáo trở đi, học sinh dành hàng nghìn giờ học các môn học không liên quan đến thị trường lao động hiện đại. Tại sao các lớp học tiếng Anh tập trung vào văn học và thơ ca thay vì viết về kinh doanh và kỹ thuật? Tại sao các lớp toán nâng cao lại bận tâm đến các chứng minh mà hầu như không học sinh nào có thể theo được? Khi nào học sinh tiêu biểu sẽ áp dụng lịch sử? Lượng giác? Nghệ thuật? Âm nhạc? Vật lý? Latin? Chú hề trong lớp cáu kỉnh nói “chuyện này liên quan gì đến cuộc sống thực?” đã khám phá ra điều quan trọng.”
Cách tạo dựng danh tiếng ngoài học vị
May mắn thay, hiện nay có nhiều cách khác ngoài việc học thông thường để có được kỹ năng, kiến thức và thể hiện giá trị của bạn cho những nhà tuyển dụng tiềm năng như Musk. Hơn 400 “trại huấn luyện code” tồn tại trên khắp thế giới, giúp mọi người nắm vững các kỹ năng lập trình và phát triển phần mềm theo yêu cầu. Trường học mã hóa trực tuyến, Lambda School, đã huy động được gần 50 triệu USD vốn đầu tư kể từ khi ra mắt vào năm 2017, có một mô hình kinh doanh hấp dẫn tập trung vào các thỏa thuận chia sẻ thu nhập. Miễn phí tham dự Lambda, nhưng công ty sẽ tính một phần trăm thu nhập của sinh viên tốt nghiệp khi họ có được một công việc công nghệ cao. Nếu sinh viên không tìm được việc làm thì sẽ không phải trả tiền. Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi ước tính Lambda nhận được hơn 1,000 đơn đăng ký mỗi tuần từ các sinh viên quan tâm. Các lựa chọn thay thế cho đại học đang mọc lên và các chương trình học nghề như Praxis tiếp tục được săn đón.
Những doanh nhân như Musk nhận ra những gì cần thiết để thành công trong kỷ nguyên đổi mới, nó không liên quan gì nhiều đến việc học ở trường. Hãy khám phá đam mê, theo đuổi mục tiêu cá nhân, phát triển các kỹ năng thiết yếu để nuôi dưỡng đam mê đó, đạt được những mục tiêu đó. Điều đó chưa bao giờ dễ dàng như ngày nay khi chúng ta nắm trong tay các nguồn lực và công cụ dồi dào theo đúng nghĩa đen.
Musk và Tesla có thể được biết đến với tầm nhìn xa trong việc tạo ra các phương tiện tự động, nhưng chính những con người tự lập với sự sáng tạo và cơ hội để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân mới là bước đột phá thực sự.
Tác giả: Kerry McDonald là một thành viên giáo dục cao cấp tại FEE và là tác giả của cuốn sách “Không đến trường: Nuôi dạy trẻ tò mò, được giáo dục tốt, bên ngoài lớp học thông thường” (Chicago Review Press, 2019). Cô cũng là một học giả hỗ trợ tại Viện Cato và là một cộng tác viên thường xuyên của Forbes. Bài viết này ban đầu được xuất bản trên FEE.org
Kerry McDonald
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: