Đường sắt Trung Quốc-Lào bắt đầu đi vào hoạt động, Trung Quốc đạt được lợi ích và Lào rơi vào bẫy nợ
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã gây ra bẫy nợ cho một số quốc gia. Lào có thể vừa gia nhập danh sách với việc khai trương tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào hôm 03/12.
Các quốc gia như Kenya và Ethiopia hiện đang phải vật lộn để trả các khoản vay Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong khi Lào, một quốc gia không giáp biển, vẫn đặt kỳ vọng lớn vào dự án đường sắt Trung Quốc-Lào do Bắc Kinh khởi xướng, với hy vọng dự án này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế dựa vào nông nghiệp của quốc gia này.
Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Viêng Chăn, thủ đô của Lào đến Côn Minh, Trung Quốc thường mất khoảng 2-3 ngày. Giờ đây, với tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào dài 643 dặm được đưa vào sử dụng, chỉ mất chưa đầy 24 giờ. Đối với tàu khách, với tốc độ lên đến 100 dặm một giờ, chỉ mất ba giờ để đi từ Viêng Chăn đến biên giới Trung Quốc-Lào, và đến Côn Minh trong vòng 12 giờ, theo Tân Hoa xã của Trung Quốc.
Không giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, Lào là một quốc gia tương đối lạc hậu. Địa hình đồi núi không giáp biển khiến đất nước gặp bất lợi về giao thương và vận tải. Năm 2019, Lào được Liên hợp quốc liệt vào danh sách 13 nước nghèo có nguy cơ căng thẳng về nợ cao nhất.
Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng với những cải cách hỗ trợ, tuyến đường sắt xuyên quốc gia có thể giúp Lào tăng thu nhập lên 21%. Tuy nhiên, có thể mất hơn mười năm để Lào đạt được lợi nhuận dự kiến, vì các phát triển hỗ trợ, chẳng hạn như phát triển đất đai, xây dựng, và thiết bị, cũng đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn.
Hơn nữa, một số chuyên gia tin rằng cơ sở hạ tầng này có thể khiến Lào rơi vào “bẫy nợ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
AidData, một dự án nghiên cứu thuộc Đại học William & Mary, Virginia, đã công bố một báo cáo nghiên cứu vào tháng Chín năm nay, tiết lộ rằng Trung Quốc nắm giữ 70% cổ phần sở hữu trong liên doanh (về dự án này) trong khi Lào nắm 30%.
Báo cáo cho biết: “Tổng chi phí của dự án là 5.9 tỷ USD và đang được tài trợ theo tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu 60:40 (3.54 tỷ USD nợ và 2.36 tỷ USD vốn chủ sở hữu). Công ty Đường sắt Lào-Trung trực tiếp bảo lãnh khoản vay 3.54 tỷ USD từ China Eximbank, và Chính phủ Lào và Chính phủ Trung Quốc cùng góp vốn cổ phần lần lượt là 730 triệu USD và 1.63 tỷ USD. Để thực hiện khoản góp vốn 730 triệu USD cho dự án, Chính phủ Lào đã bảo lãnh khoản vay 480 triệu USD từ China Eximbank và đồng ý cung cấp 250 triệu USD vốn riêng của mình (trả góp hàng năm).”
Khoản nợ mà Lào gánh chịu, 3.54 tỷ USD, gần bằng 1/5 GDP năm 2020 của Lào, là 19.14 tỷ USD. Nếu không trả được nợ, Lào sẽ phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình, chẳng hạn như mỏ bauxit và mỏ kali, để trả nợ.
Theo báo cáo ngày 02/12 của hãng thông tấn AP, khoản nợ tồn đọng của Lào, phần lớn là nợ Trung Quốc, bằng khoảng 2/3 tổng sản lượng kinh tế hàng năm của nước này.
Báo cáo của AP dẫn lời ông Greg Raymond, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết: “Lào đã tự đặt mình vào vị trí mà nếu đường sắt không tạo ra lợi nhuận, thì họ sẽ có vấn đề thực sự về nợ.”
Ông Raymond nói với BBC rằng Trung Quốc sẽ có lợi kép từ dự án đường sắt. Thứ nhất, tuyến này giúp kết nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ở sân sau của họ bằng đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho việc tiếp cận của Trung Quốc với các nước đó. Thứ hai, Trung Quốc có thể sử dụng đặc khu kinh tế mới ở Lào như một điểm nút để kiểm soát sản xuất, chuỗi cung ứng, và tiêu dùng.
Tuyến đường mới mở sẽ đến Trung Quốc ở phía bắc, Thái Lan ở phía đông, Myanmar ở phía tây, Malaysia và Singapore ở phía nam. Đó là sự trợ giúp đắc lực để ĐCSTQ hiện thực hóa tham vọng mở rộng ảnh hưởng của mình tại các nước Đông Nam Á.
Bà Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và là phóng viên từ năm 2003.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: