Đường đến Mandalay và những điều đặc sắc của đất nước Miến Điện
Điệp khúc của một bài hát nổi tiếng cứ liên tục vang lên trong tâm trí tôi. Đó là một bài thơ từ những năm 1890 của Rudyard Kipling mà Billy May đã phổ nhạc thành bài hát của Frank Sinatra vào những năm 1950. Bài thơ kể về một vùng đất xa xôi kỳ lạ và bí ẩn: và đó là một đất nước huyền bí đang được mở ra trước mắt tôi.
“Trên con đường đến Mandalay,
Tôi thấy đàn cá bay đang chơi đùa
Tôi thấy bình minh ló dạng trên vùng vịnh ngoài khơi Trung Hoa!”
Tôi đang ở trên đài ngắm cảnh của một chiếc du thuyền xa hoa, nhìn ngắm mặt trời dần lặn xuống khi con tàu đang yên ả lướt trên dòng sông Irrawaddy rộng lớn. Dòng sông này chảy xuyên qua vùng đất đã từng được biết đến với tên gọi là Burma, ngày nay được gọi là Miến Điện.
Ngoài khơi xa là một ngôi làng nhỏ bé. Tôi có thể thấy một số người đang đi dạo ở đó. Một vài người phụ nữ đang đội những bó hàng hóa trên đầu. Một vài người đang ngồi bên bờ sông cùng với những món nhạc cụ và chơi những giai điệu hứng khởi. Không xa chỗ họ ngồi, có hai con trâu nước đang kéo một cỗ xe chất đầy hàng hóa, bên cạnh là một thanh niên trẻ tuổi đang thúc chúng tiến về phía trước.
Và, cũng tương tự như những ngôi làng khác mà con tàu của chúng tôi đã đi ngang qua hôm nay, đứng sừng sững bên trên tất cả mọi thứ là một ngôi chùa to lớn, ngôi đền thờ Phật cũng đồng thời là một nơi để cầu nguyện và là trung tâm của tất cả các hoạt động gia đình và xã hội của con người nơi đây.
Trong khung cảnh bầu trời được nhuộm bởi ánh cam của hoàng hôn, tôi nhìn thấy trên sông bóng ảnh của những ngư dân trên những chiếc thuyền nhỏ đang giăng những tấm lưới to lớn.
Những đường nét nổi bật của ngôi chùa, bóng ảnh của những chiếc lưới đánh cá từ người ngư dân và âm nhạc du dương trên con chiếc tàu du lịch dường như hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo để tạo nên ánh hào quang của vùng đất Đông phương này, và điều đó làm cho tôi chợt nhận ra rằng mình đang ở một nơi rất xa so với xứ sở quê hương của mình – đất nước Hoa Kỳ.
Và đoạn điệp khúc tiếp tục vang lên trong tâm trí tôi:
“Trên con đường đến Mandalay,
Tôi thấy đàn cá bay đang chơi đùa
Tôi thấy bình minh ló dạng trên vùng vịnh ngoài khơi Trung Hoa!”
Nhưng bất chợt tôi nhận ra, đã vài giờ trôi qua rồi, và tôi chưa hề thấy bất kỳ con cá bay nào trên con sông Irrawaddy này.
Và thêm một lần giật mình nữa, tôi hiểu rất rõ về địa lý. Tôi đã xem nhiều bản đồ cũng như mô hình địa cầu về vị trí giáp ranh giữa đất nước Miến Điện / Burma và Trung Quốc. Không có bất kỳ cái vịnh nào trong khoảng 1,356 dặm biên giới giữa hai quốc gia này.
“Bài hát này là tổng thể những hồi ức miền Viễn Đông của ca sĩ” – đó là lời giải thích của Kipling. Tôi đã hiểu được điều này sau khi quay trở về nhà và nghiên cứu về nó. Nhà văn vĩ đại đoạt giải Nobel chưa hề đến Mandalay! Ông đã từng đến đất nước Miến Điện một vài ngày khi chiếc tàu viễn dương mà ông đang đi có chuyến ghé thăm các cảng biển xa xôi của Mandalay ở Rangoon (ngày nay là Yangon) và Moulmein. Chỉ có vài ngày ngắn ngủi vậy thôi.
Quả là tiếc nuối cho Kipling – cũng có thể là cho chúng ta – ông ấy đã không dành thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về vùng đất Đông Nam Á có diện tích xấp xỉ tiểu bang Texas này với dân số 53 triệu người nằm ở phía Nam của đất nước Trung Quốc, phía trên vịnh Bengal và Biển Andaman, giáp với Ấn Độ và Bangladesh về phía Tây, giáp Thái Lan và Laos ở phía Đông. Đây là một địa phương vô cùng hấp dẫn – đây là một trong những địa phương thật sự kỳ bí trên toàn thế giới.
Phương thức tốt nhất để tham quan Miến Điện
Cách tốt nhất để tham quan đất nước Miến Điện là tham gia chuyến du lịch đường sông bằng du thuyền đến Mandalay bằng sông Irrawaddy – từ Bagan đến Mandalay. Có rất nhiều sự lựa chọn cho chuyến hành trình như vậy, và hầu hết du thuyền đều trang bị rất tiện nghi với những phòng riêng có máy điều hòa nhiệt độ và góc nhìn thuận lợi để ngắm cảnh.
Miến Điện là quốc gia lớn nhất ở lục địa Đông Nam Á và cũng từng là quốc gia trù phú nhất. Sau khi một vị tướng lĩnh quân đội theo chủ nghĩa Marx lên nắm quyền lực vào năm 1962, đất nước này đã đóng cửa và không tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong vài thập kỷ, cho đến khi cuối cùng, chính phủ đã quyết định rằng du lịch chính là nguồn bổ sung ngoại tệ cấp thiết nhanh chóng nhất cho họ. Nhiều người dân đã rời bỏ đất nước vì những chính sách đàn áp hà khắc trong thời kỳ đó; cuối cùng họ đã buộc phải nới lỏng, và mọi thứ dường như đang hướng đến Miến Điện trong những năm gần đây, mặc dù điều này cũng không mang ý nghĩa là thành quả cuối cùng mà họ mong muốn.
Khởi hành ở Yangon
Tôi bắt đầu chuyến hành trình của mình ở Yangon, trước đây gọi là Rangoon. Mặc dù hơi lụp xụp, nhưng Yangon hấp dẫn hơn nhiều so với sự mường tượng của tôi. Một thành phố với một vài đại lộ xinh đẹp rộng lớn và một số công viên xinh xắn với những hồ nước lấp lánh, Yangon mang một vẻ ngoài có thể nói là trông như một thuộc địa cũ của nước Anh.
Điều làm cho nơi này trở nên đặc biệt chính là Ngôi Chùa Shwedagon 2,500 năm tuổi cao sừng sững mà có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi nào của thành phố. Đây là ngôi đền tín ngưỡng quan trọng nhất ở Miến Điện và cũng là một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn nhất và linh thiêng nhất trên thế giới.
Một cấu trúc thượng tầng hình chuông cao 326 feet dát vàng lá gọi là bảo tháp được đặt trên một bờ thềm hình bậc thang. Một đặc điểm kinh ngạc khác của tháp này là mái vòm hình chiếc dù với một đỉnh chóp nhọn bên trên. Tháp được nạm bởi những viên ngọc quý như hồng ngọc, saphia và hoàng ngọc cùng với những chiếc chuông bạc treo lủng lẳng ở đó. Chiếc chong chóng gió bằng vàng và bạc của ngôi chùa được trang trí với hơn một ngàn viên kim cương.
Đây là một tuyệt tác mà Kipling đã được chiêm ngưỡng trong vài ngày ông ghé qua đất nước này – và ông gọi đó là “một kỳ quan xinh đẹp lấp lánh.”
Trong ngày đầu ở Miến Điện, tôi đã đi bộ bằng chân trần trên thánh địa Phật giáo – mọi người đều phải tháo bỏ cả giày và vớ để được bước vào ngôi đền thờ Phật ở đây – Sự thanh bình của vùng đất này cũng như tính cách nhẹ nhàng của những con người nơi đây đã khiến tôi mê hoặc.
Người dân nơi đây được kỳ vọng sinh sống và cư xử theo một quy tắc ứng xử gọi là “bamahsan chin”, có nghĩa là “Người Miến Điện.” Một tính cách tự tin và trầm lắng, cung kính tôn trọng người lớn tuổi, ăn mặc giản dị, ứng xử đúng mức và kín đáo với người khác giới, và đối xử với tất cả những người khác theo cách nhẹ nhàng thân thiện để không làm cảm xúc của bất kỳ ai bị tổn thương. Điều cốt lõi trong hành vi của họ là niềm tin rằng việc bị mất mặt hoặc khiến người khác mất mặt là một trong những việc tồi tệ nhất trong cuộc sống.
Yangon là một địa phương an toàn một cách bất thường, cũng như tất cả các vùng khác của đất nước Miến Điện mở cửa phục vụ du lịch. Một phần là do mức phạt dành cho hành vi quấy rối du khách là rất nặng – tuy nhiên phần lớn là bởi vì tính cách thân thiện tự nhiên của dân đất nước Miến Điện này. Ở bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ nơi nào tại đất nước này, tôi không hề cảm thấy bất cứ điều gì ngoài cảm giác thoải mái. Người dân ở đây vô cùng thân thiện và rất nhiều người trong số họ đều có thể nói tiếng Anh rất tốt, đó là ngôn ngữ quốc gia thứ hai của họ.
Thành phố Mandalay: Trung tâm Văn Hóa và Tín Ngưỡng
Mandalay, thành phố lớn thứ nhì của đất nước, đã từng là thủ đô hoàng gia cuối cùng của Quốc Vương Miến Điện trước khi đất nước trở thành thuộc địa của Vương Quốc Anh kể từ năm 1886.
Có những ngôi đền hoặc bảo tháp trắng lấp lánh nằm rải rác xung quanh trên các sườn đồi. Trông giống như những đống tuyết khổng lồ đang vươn lên bầu trời cận nhiệt đới.
Ngôi Chùa Mahamuni (hoặc Arakan) là thánh địa linh thiêng nhất ở Mandalay. Tại đó có một pho tượng Phật bằng đồng cao đến 12.5 feet (hơn 3.8 mét) được cho là giống như thật, tuy nhiên các đặc điểm ban đầu của pho tượng đã bị lu mờ bởi những lớp vàng lá mà những người hành hương đã dát lên qua hàng nhiều năm.
Việc những người hành hương thường xuyên trát vàng lá lên các ngôi chùa hoặc các bức phù điêu phổ biến đến mức việc sản xuất vàng lá là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu ở Mandalay.
Một thế giới hoàn toàn khác biệt
Bất kỳ nơi mà bạn đặt chân trên đất nước Miến Điện này đều sẽ mang đến cho bạn một cảm giác như đang ở một thế giới rất khác biệt.
Người Miến Điện gọi thế giới của họ là “Shwe Pyi Daw”, có nghĩa là “Vùng Đất Hoàng Kim” để nói đến những ngôi chùa dát vàng của họ, thật sự là vô cùng ấn tượng bởi ánh hoàng hôn màu vàng kim của vùng đất này, cũng như sự giàu có về tài nguyên như ngọc bích, hồng ngọc, gỗ Tếch và dầu mỏ – bên cạnh là sự màu mỡ của đất đai, Miến Điện là một trong những vùng nông nghiệp tốt nhất ở khu vực Châu Á.
Đất nước này như một lời nhắc nhở vĩnh hằng về một thế giới khác biệt, đó là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn những ảnh hưởng Tây phương đều hiện diện rất đậm nét tại rất nhiều ở quốc gia Á Châu khác. Có thể hơi khó hiểu khi nói rằng tôi có cảm giác đang ngược về quá khứ khi đến Miến Điện, nhưng cảm giác ấy rất thật.
Hầu như mọi người phụ nữ nơi đây đều trang điểm với “thanaka,” một hợp chất như bột nhão màu vàng bằng bột gỗ đàn hương. Loại mỹ phẩm này được coi như là một loại mặt nạ làm đẹp tự nhiên cũng như có khả năng chống nắng cho da.
Đàn ông cũng mặc một loại váy giống như phụ nữ được gọi là “longyi”. Được làm bằng vải cotton, hoặc cũng có khi là vải lụa, “longyi” có nhiều màu sắc, luôn hợp thời và được xem là thích hợp cho cả trang phục thường nhật hoặc các dịp lễ tiết.
Và tất nhiên, hầu như ở mọi hướng nhìn, bạn sẽ thấy có cùng một loại cảm giác luôn luôn nhắc nhở về một vùng đất khác biệt – những nhà sư đang chầm chậm bước đi gần như ở khắp xung quanh. Thỉnh thoảng họ đi một mình, cũng có khi là thành từng nhóm hai hoặc ba người, và cũng có khi là đi theo từng hàng hoặc cả một nhóm lớn, các nhà sư mặc áo choàng màu cam hoặc đỏ sẫm mang theo chiếc bát khất thực sơn đen. Đầu cạo trọc và áo cà sa đơn giản tượng trưng cho việc tu sĩ từ bỏ thú vui trần tục theo gương Đức Phật. Họ sống hoàn toàn dựa vào lòng hảo tâm của Phật tử. Họ không được phép tự trồng thực phẩm hoặc đào xới đất cho người khác.
Thành phố Bagan độc nhất vô nhị
Không có bất kỳ nơi nào ở đất nước Miến Điện hoàn toàn giống với một thế giới khác như ở Bagan – huyền diệu, bí ẩn, linh động, hùng vĩ và siêu thực, đây là một trong những phong cảnh tuyệt vời nhất ở Á châu, được xếp vào hạng các kỳ quan khảo cổ hàng đầu trên toàn thế giới.
Trong gần khoảng 2.5 thế kỷ gần đây – cho đến khi đội quân Mông Cổ chiếm đóng vào năm 1287 – Bagan chính là vùng đất của hưng thịnh, hòa bình và phục hưng Phật giáo. Trong thời kỳ đó, một thành phố hoàng gia vĩ đại đã tồn tại ở đây, có hơn 13,000 ngôi chùa đã được xây dựng trên một lãnh thổ rộng 30 dặm vuông của vùng đồng bằng khô thuộc thành phố Bagan trên khúc quanh của một con sông lớn.
Ngày nay tất cả các tòa nhà thế tục của Bagan cổ đại đã không còn nữa. Có đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn ngôi nhà như thế đã từng tồn tại ở đây. Chúng được làm bằng gỗ, đã mục nát từ lâu.
Tuy nhiên, thậm chí sau những vụ cướp bóc của người Mông Cổ và bảy thế kỷ ngập chìm trong nhiều trận động đất và bị bỏ hoang, thì 2,217 ngôi chùa, những tuyệt tác kiến trúc được làm từ gạch và vữa xtuco, vẫn đứng vững vàng. Và rất nhiều tàn tích vẫn còn tồn tại cùng nhau như thế.
Ngày nay thành phố Bagan nổi tiếng vì sản phẩm sơn mài tuyệt vời của vùng đất này. Sơn mài chính là vật phẩm tốt nhất nên mua sắm ở Miến Điện, đặc biệt là khi rất nhiều hàng hóa như ngọc và đá quý được bày bán ở đất nước này rất nhiều là giả.
Để thưởng thức Bagan một cách trọn vẹn, mọi người nên dành thời gian để chiêm ngưỡng cả hoàng hôn lẫn bình minh của vùng đất này.
Một cách thú vị để di chuyển giữa các ngôi chùa là sử dụng xe ngựa kéo. Có một số thứ có thể làm cho bạn cảm giác như bước về quá khứ như việc cưỡi một trong những chiếc xe ngựa kéo và ngắm nhìn một khung cảnh đầy tinh thần tôn giáo bởi những ngôi chùa cổ kính và hàng dài những dòng người hành hương hướng đến nơi này theo cách thức kỳ lạ như thế.
Đứng trên đỉnh của một ngôi chùa vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn và phóng tầm mắt bao quát khắp Bagan là một điều kỳ diệu. Bất cứ nơi nào ánh mắt bạn chạm tới, cả 360 độ xung quanh, là một khung cảnh rộng lớn hình thành bởi những ngôi chùa kéo dài dường như vô tận. Đó chính là cảm giác mà bạn sẽ biết rằng mình đang ở một thế giới hoàn toàn khác biệt. Thật nghịch lý, bởi vì đó là một trải nghiệm pha lẫn nhẹ nhàng và phấn khích.
Mọi thứ ông đã tưởng tượng sẽ trở thành sự thật
Quay trở lại con tàu du lịch của mình, trong khi lướt đi trên con sông Irrawaddy rộng lớn để khám phá nhiều điều mới lạ hơn nữa, tôi đứng ở gần lan can của đài quan sát và nhìn ngắm một thế giới kỳ lạ đang chầm chậm lướt qua. Đoạn điệp khúc của bài hát nổi tiếng ấy lại tiếp tục vang lên trong tâm trí tôi:
“Trên con đường đến Mandalay,
Tôi thấy đàn cá bay đang chơi đùa
Tôi thấy bình minh ló dạng trên vùng vịnh ngoài khơi Trung Hoa!”
Tôi vui mừng vì những ca từ của tác giả Kipling đã khơi dậy trong tôi mong ước về một ngày nào đó sẽ đến thăm vùng đất hấp dẫn này
Và tôi cũng ước rằng ông ấy có thể ở đây nhiều thêm vài ngày và nhìn ngắm thêm được nhiều thứ như cơ hội mà tôi đang có đây. Tất cả những gì ông tưởng tượng đều là sự thật.
Kinh nghiệm dành cho bạn
Thông tin: Một chuyến du lịch trọn gói có nhiều điều hấp dẫn hơn là một chuyến du lịch độc lập ở Miến Điện, sẽ rất khôn ngoan nếu có thể xem xét thêm một số nhà cung cấp các dịch vụ du lịch.
Thời gian thích hợp: thời điểm tốt nhất để đến thăm đất nước Miến Điện là trong suốt mùa lạnh và khô trong khoảng từ Tháng Mười đến khoảng tháng Ba.
An toàn: Các khu vực ở đất nước này mà chuyến du lịch ghé thăm đều khá an toàn – cũng an toàn như những nơi khác ở Âu Châu vậy.
Ngôn ngữ: Miến Điện là thuộc địa cũ của Vương Quốc Anh và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở đây.
Y tế: Nếu bạn không đến từ Phi Châu, thì không cần tiêm chủng. Tuy nhiên du khách nên tư vấn bác sĩ điều tốt nhất để có thể phòng ngừa bệnh tật. Thuốc trị sốt rét và tiêm phòng Viêm gan A và B thường được khuyến khích.
Thủ tục nhập cảnh: Công dân Hoa Kỳ cần cả Hộ Chiếu và Visa để có thể đến Miến Điện. Công ty tổ chức lữ hành sẽ thu xếp visa cho bạn.
Sách hướng dẫn du lịch: Quyển “Hướng dẫn du lịch Miến Điện (Miến Điện) của DK Eyewitness” là một sự lựa chọn rất tốt.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times