Dưới chế độ toàn trị của Trung Cộng, sự bất công chiếm thế thượng phong ở Trung Quốc
Dưới chế độ độc tài toàn trị của Trung Cộng, công lý thường được thực thi theo cách ngược lại với những gì mà hầu hết mọi người mong đợi. Trong nhiều trường hợp, những công dân làm việc chăm chỉ, những người đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ thì bị bỏ tù, còn thủ phạm thực sự thì không.
Có một số ví dụ về sự bất công vốn đang diễn ra này ở Trung Quốc, chẳng hạn như: những kẻ nợ lương thì không phải đi tù, nhưng những người yêu cầu trả nợ lương thì phải vào tù; những kẻ phá nhà của người khác thì không phải đi tù trong khi những người bảo vệ nhà của họ chống lại việc cưỡng chế phá dỡ thì phải vào tù; những kẻ tham ô không phải đi tù, nhưng những người chỉ trích hoặc tung tin tố giác những tham quan ô lại này thì phải vào tù; những kẻ bắt bớ những người vô tội không phải đi tù, nhưng những người bảo vệ quyền lợi của họ thì phải vào tù; những kẻ làm ra thực phẩm độc hại không phải đi tù, nhưng những người bóc trần sự thật thì phải vào tù – danh sách này còn dài lắm, không sao kể hết. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự bất công đang chiếm ưu thế dưới chế độ độc đảng của Trung Cộng.
Dưới đây là một vài trường hợp cụ thể minh họa cho hiện tượng này:
Trường hợp 1: Công nhân di trú bị tạm giam vì phản đối việc không được trả lương
Nhiều người ở các vùng nông thôn của Trung Quốc đến các thành phố lớn để kiếm sống với tư cách là công nhân di trú (đại đa số) cho các dự án của Trung Cộng, nhưng họ thường cảm thấy chán nản vì không nhận được tiền lương. Việc phản đối thường là vô ích vì giới chức địa phương luôn áp đặt các biện pháp trừng trị thẳng tay đối với họ.
Hôm 05/02, một bài báo từ cổng thông tin Sina của Trung Quốc cho biết, một công nhân di trú đến từ tỉnh Cam Túc của Trung Quốc đã bị bắt và giam giữ trong 10 ngày sau khi anh này trèo lên cần cẩu tháp cao 50 mét tại công trường xây dựng trong một nỗ lực tự tử bất thành nhằm đòi khoản tiền lương chưa được thanh toán của mình.
Bài báo này cho hay, giới chức địa phương đã cáo buộc hành vi của anh này là gây rối trật tự công cộng và đòi nợ lương một cách ác ý. Các nhà chức trách có quy tắc “không khoan nhượng” và sẽ nghiêm khắc trừng trị bất cứ hành vi bất hợp pháp nào của lao động di trú, chẳng hạn như nhảy lầu hoặc nhảy từ cần cẩu tháp xuống, hoặc các hành động cực đoan khác để đòi trả lương một cách ác ý.
Trường hợp 2: Cư dân bị giam giữ vì phản đối việc cưỡng chế phá dỡ nhà của mình
Vô luận là để nhường chỗ cho sự phát triển hay vì lý do nào khác, Trung Cộng thường cưỡng chế phá dỡ nhà dân, nhưng những cư dân phản đối việc này sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc hoặc bị bắt giữ.
Hồi đầu tháng 12/2020, giới chức Bắc Kinh bắt đầu cưỡng chế phá dỡ một cộng đồng dân cư gồm 3,800 ngôi nhà ở làng Hương Đường, quận Trường Bình của Bắc Kinh, làm dấy lên một làn sóng phản đối trong cộng đồng cư dân ở đây.
Cư dân Quách Linh Mai (Guo Lingmei), một giám đốc điện ảnh 70 tuổi đã về hưu và là con gái của cố nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc Quách Tiểu Xuyên (Guo Xiaochuan), đã bị cảnh sát địa phương bắt và giam giữ vì tình nghi tụ tập đông người để gây rối trật tự nơi công cộng, sau khi bà này cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình để giải cứu mái ấm của bà và của cộng đồng.
Trường hợp 3: Công dân bị kết án 4 năm tù giam vì thực hiện quyền tự do ngôn luận
Dưới sự cai trị độc đảng của Trung Cộng, đâu đâu cũng xuất hiện sự bại hoại đạo đức và tham nhũng, nhưng những công dân dám công khai chỉ trích chế độ này hoặc các quan chức tham nhũng của nó lại phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Các trường hợp công dân bị trừng phạt vì thực hiện quyền tự do ngôn luận là khá phổ biến.
Theo một bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, hồi tháng 04/2020, cô Lưu Diễm Lệ (Liu Yanli), một nữ nhân viên ngân hàng ở tỉnh Hồ Bắc, đã bị Tòa án Quận Đông Bảo ở thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, kết án bốn năm tù giam vì đã đăng trên WeChat (một nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc) những thông tin bị tình nghi là tấn công các lãnh đạo Trung Cộng và yêu cầu minh bạch tài sản cá nhân của các quan chức Trung Cộng.
Bản tin này cho hay, cô Lưu bị buộc tội gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng bằng cách “tìm cớ gây chuyện và kích động rắc rối,” một tội danh mơ hồ thường được sử dụng để chống lại những người mà Trung Cộng coi là mối đe dọa [đối với nhà cầm quyền này]. Trước khi bị bắt, cô Lưu đã trở thành một “mục tiêu quan tâm chính” của Trung Cộng sau khi cô này đăng trên tài khoản WeChat của mình một số bài báo kêu gọi các quan chức Trung Cộng công khai tài sản của họ và thể hiện sự ủng hộ đối với các cựu chiến binh, những người đã tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc để yêu cầu lương hưu và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Kể từ tháng 09/2016, cô đã bị giam giữ và bị giám sát tại khu dân cư. Theo bản tin, do không thể chịu đựng được sự bức hại này, cô đã cố gắng tự sát nhưng được giải cứu và bị đưa đến Trung tâm Giam giữ Thành phố Kinh Môn.
Trường hợp 4: ‘Cuộc đàn áp 709’ chống lại các luật sư nhân quyền
Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, bất chấp các điều khoản hiến pháp của Trung Quốc cũng như các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của nước này, Trung Cộng vẫn tiếp tục đàn áp không ngừng nghỉ đối với các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền.
Vào ngày 09/07/2015, hơn 200 người đã bị Trung Cộng bắt giữ và thẩm vấn trong một chiến dịch ra quân càn quét trên toàn quốc, được biết đến với tên gọi là “cuộc đàn áp 709,” chống lại các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc. Những nhà ủng hộ nhân quyền này bị cáo buộc tội kích động lật đổ quyền lực nhà nước—những tội danh bị các nhóm nhân quyền quốc tế và các chính phủ phương Tây lên án.
Sau đó, nhiều người trong số những người được trả tự do vẫn là đối tượng bị quản thúc, sách nhiễu và hạn chế về mặt kinh tế. Ngoài ra, bản thân những luật sư đã đại diện pháp lý [cho họ] trong cuộc đàn áp này cũng trở thành mục tiêu đàn áp chính trị. Trong bối cảnh các luật sư nhân quyền tiếp tục phải đối mặt với truy tố hình sự, nhà cầm quyền này càng thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát của mình đối với nghề luật bằng cách hạn chế ngôn luận và yêu cầu phải có lòng trung thành với Đảng.
Trường hợp 5: Bác sĩ bị bắt giữ vì phê bình một loại thuốc bổ thông dụng
Vào ngày 19/12/2017, một bác sĩ tên là Đàm Tần Đông (Tan Qindong) ở Quảng Châu, phía đông nam tỉnh Quảng Đông, đã đăng trên WeChat của mình một bài báo về một loại thuốc bổ phổ biến của Trung Quốc đã được quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình do giới chức địa phương và nhà nước điều hành.
Theo báo cáo của BBC, ông Đàm đã cảnh báo trong bài báo của mình rằng loại thuốc bổ này có chứa các loại thảo mộc độc hại, sẽ gây hại cho những người lớn tuổi bị huyết áp cao hoặc các bệnh về tim mạch.
Vào ngày 10/01/2018, cảnh sát đã bắt ông Đàm tại nhà riêng của ông với lý do “làm tổn hại danh tiếng của hàng hóa.” Cảnh sát đã truy lùng từ tận đầu bên kia đất nước, thành phố Liên Thành, vùng Nội Mông, phía tây bắc Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của công ty thuốc bổ. Tuy nhiên, công ty này lại có tiền sử về các quảng cáo phóng đại và đã vi phạm các quy định chống quảng cáo lừa đảo hơn 2,600 lần. Theo báo cáo, công ty này đã bị đình chỉ kinh doanh hàng chục lần.
Vụ bắt giữ bác sĩ Đàm đã gây ra một sự náo động lớn trên mạng xã hội Trung Quốc, và ông đã được tại ngoại sau khi bị bỏ tù hơn ba tháng. Nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời, ví dụ như làm thế nào mà một bài đăng trực tuyến có thể dẫn cảnh sát địa phương (những người nhiều khả năng đã thông đồng với công ty này) vượt hàng ngàn dặm cho một “vụ bắt giữ liên tỉnh?”
Trường hợp 6: Thẩm phán bị bắt vì bóc trần sai phạm tư pháp
Hồi tháng 12/2018, ông Vương Lâm Thanh (Wang Linqing), một thẩm phán của Tòa án Tối cao Trung Quốc, đã biến mất [một cách kỳ lạ] sau khi ông này bóc trần sai phạm tư pháp trong hai vụ án khai thác khoáng sản trị giá hàng tỷ USD trước tòa án tối cao của Trung Cộng. Sau đó, người tố giác này đã bị bắt và bị điều tra hình sự vì làm rò rỉ bí mật quốc gia.
Ngày 22/02/2019, đài truyền hình nhà nước CCTV đã phát sóng một video “thú tội” của ông Vương, trong lần xuất hiện đầu tiên của ông trước công chúng kể từ khi ông biến mất vào đầu tháng 01/2019. Đoạn video “thú tội” này được đưa ra sau khi hai video khác được phát hành, trong đó ông đã tiết lộ những cáo buộc về hành vi sai trái trong hai vụ án cao cấp.
Việc ông Vương công khai chấp nhận hình phạt đã tiết lộ rằng Trung Cộng sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai phơi bày những bê bối nội bộ của nhà cầm quyền này cho công chúng.
Chính nghĩa ở Trung Quốc đã diệt vong
Pháp luật là nền tảng của một xã hội công bằng. Vào ngày 16/12/1966, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), trong đó quy định mỗi quốc gia thành viên phải tôn trọng và bảo đảm các quyền của công dân mình, bao gồm: quyền sinh sống, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do hội họp, quyền bầu cử, trình tự pháp luật công bằng và quyền được xét xử công bằng.
Kể từ khi Trung Cộng chính thức ký Công ước ICCPR vào ngày 05/10/1998 tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Trung Cộng chưa bao giờ giữ lời hứa sẽ tôn trọng công ước đó.
Trong thập kỷ vừa qua, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ, và bất chấp sự chỉ trích liên tục của cộng đồng quốc tế, Trung Cộng vẫn tiếp tục đi ngược lại hoàn toàn với các công ước quốc tế và tiếp tục vi phạm nhân quyền ở trong nước. Chẳng hạn như: cưỡng chế kế hoạch hóa gia đình, xây dựng tường lửa Internet quốc gia, cưỡng chế phá dỡ nhà dân và nhà thờ, đàn áp tự do tín ngưỡng, tước quyền tự do hội họp, tước quyền tự do ngôn luận, xây dựng trại tập trung ở Tân Cương, bắt giữ bất hợp pháp công dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do của họ, bắt giữ các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền, và còn nhiều việc khác nữa. Tất cả những điều này đủ để cho thấy chính nghĩa ở Trung Quốc đã diệt vong.
Tác giả Cố Phong (Gu Feng) từng là một nhà truyền thông kỳ cựu đến từ Trung Quốc đại lục, người đã dành nhiều năm để đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của nước này. Ông hiện đang sống ở Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Cố Phong thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: