Đừng vứt bã cà phê đi! 7 Công dụng khử mùi và hút ẩm hiệu quả
Bã cà phê còn sót lại sau khi pha cà phê có rất nhiều tác dụng, bởi vậy sẽ rất lãng phí nếu vứt chúng vào thùng rác. Trên thực tế, bã cà phê có thể hút ẩm, khử mùi, làm sạch nhà cửa v.v.
Bã cà phê có 7 công dụng, sau khi phơi khô càng hữu ích hơn
Bã cà phê có lưu lại mùi thơm của cà phê, bởi vậy nếu vứt đi thì rất đáng tiếc. Có rất nhiều cách tái sử dụng bã cà phê để hút ẩm, khử mùi và làm sạch. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên làm khô trước khi sử dụng.
Dù là bã cà phê tự pha ở nhà hay mang về từ quán cà phê thì đều đã được ngâm trong nước và chứa rất nhiều nước, cho nên thường không để được lâu và dễ bị mốc. Ngoài ra, mọi người thường để bã cà phê vào tủ giày, tủ quần áo, dưới bồn rửa mặt để khử mùi, tuy nhiên những nơi này không thông thoáng, bởi vậy bã cà phê dễ ẩm ướt và nấm mốc phát triển.
Bã cà phê khô không chỉ khó ẩm mốc mà còn dễ bảo quản hơn. Vì vậy nên làm khô bã cà phê để bảo quản, giữ được thời gian lâu hơn. Nếu bạn muốn sử dụng ngay cho việc vệ sinh nhà cửa thì có thể sử dụng trực tiếp mà không cần làm khô.
Cách làm khô bã cà phê cũng rất đơn giản:
Phơi nắng: Đơn giản và tiện lợi, nhưng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết.
Sấy bằng lò vi sóng: Bã cà phê chứa một ít dầu, dùng lò vi sóng ở nhiệt độ cao dễ bị khét. Do đó nên chọn nhiệt độ thấp và thời gian sấy lâu hơn để làm khô từ từ.
Độ khô lý tưởng của bã cà phê là khi bạn bốc một nắm, nắm rồi thả ra, bã cà phê sẽ tản mạn mà không bị vón cục.
1. Hút ẩm và khử mùi trong nhà
Vật liệu: Bã cà phê khô, chai rỗng, khăn giấy, dây chun.
Cho bã cà phê đã khô vào chai rỗng, đặt ở nơi có mùi và ẩm ướt như tủ giày. Bã cà phê sẽ từ từ hấp thụ mùi hôi và hơi ẩm ở trong không khí.
Nếu lo lắng bã cà phê bị vãi ra ngoài, bạn có thể đặt khăn giấy lên trên miệng chai và buộc lại bằng dây chun. Cứ 10 ngày kiểm tra một lần, nếu thấy bã cà phê vón cục thì tức là bã cà phê đã bị ẩm, bạn nên bỏ đi và thay mới.
Không nên cho bã cà phê vào túi gạc, vì bã cà phê mịn nên rất dễ rơi ra ngoài. Một số người có thể sử dụng túi halogen để đựng, tuy túi halogen có các lỗ nhỏ hơn ở túi gạc nhưng vẫn cần gói 2 lớp mới không dễ bị rơi ra ngoài.
2. Khử mùi rác
Vật liệu: Bã cà phê khô hay ướt đều được.
Thích hợp dùng khi rác hoặc chất thải nhà bếp rất nặng mùi mà không thể thanh lý ngay, chẳng hạn như chưa có xe chở rác hoặc khi đã quá muộn để đổ rác. Rắc bã cà phê trực tiếp lên rác và thùng chất thải nhà bếp là có thể khử mùi trong trường hợp khẩn cấp.
3. Làm sạch tay
Vật liệu: Bã cà phê khô hoặc ướt đều được, nước rửa tay.
Sau khi nấu ăn, làm vườn hoặc làm đồ thủ công, tay bạn sẽ bẩn hoặc lưu lại mùi của thực phẩm. Lúc này hãy lấy một ít bã cà phê, thêm một chút nước rửa tay và chà xát hai tay.
Bã cà phê dạng hạt có thể giúp loại bỏ vết bẩn một cách hiệu quả, đồng thời còn có thể rửa sạch các mùi hôi như mùi tanh, nhưng không nên quá thô khiến da bị tổn thương.
4. Chế thành xà bông cà phê
Vật liệu: Bã cà phê khô, xà bông, nồi (hoặc lò vi sóng), một ít nước, khuôn (có thể có hoặc không).
Cho một ít xà bông vào nồi, thêm một ít nước rồi đun từ từ để xà bông tan chảy thành hỗn hợp sền sệt, hoặc dùng lò vi sóng thay cho nồi và đun cho đến khi xà bông chảy mềm. Cho bã cà phê vào và trộn đều với xà bông, sau đó đổ vào khuôn hoặc dùng tay nặn thành hình dạng mong muốn, chờ nguội và đặc lại thì bạn có thể lấy ra sử dụng.
Nên chọn xà bông có vị nhẹ để tránh xung đột với vị của cà phê. Không có tỷ lệ nhất định giữa bã cà phê và xà bông, nếu bạn muốn vị cà phê đậm đà hơn thì có thể cho nhiều bã cà phê hơn.
Tác dụng của xà bông cà phê cũng giống như tác dụng rửa tay bằng bã cà phê, có mùi thơm của cà phê và khả năng tẩy rửa của xà bông.
5. Loại bỏ vết bẩn và dầu mỡ
Vật liệu: Bã cà phê khô hay ướt đều được, một bọt biển rửa bát.
Gạch men, máy rửa bát, bếp ga, xoong nồi dễ bị bám bẩn và dầu mỡ. Trong khi đó, bã cà phê có đặc tính của dầu, có thể vừa dùng để tẩy dầu, vừa có tác dụng ma sát để loại bỏ chất bẩn. Tuy nhiên, bã cà phê không phù hợp đối với chảo chống dính, vì lớp chống dính dễ bị mòn.
Cách làm là rắc bã cà phê lên những thứ cần làm sạch, sau đó dùng giẻ chà sạch, hoặc làm ướt miếng bọt biển rửa bát và nhúng vào bã cà phê để cọ rửa. Nếu bạn không chắc liệu bã cà phê có làm xước bề mặt vật liệu hay không, bạn nên chà thử ở chỗ dễ thấy trước.
6. Làm sáng và sạch sàn gỗ
Vật liệu: Bã cà phê khô hoặc ướt, tất chân bỏ đi.
Đổ bã cà phê vào tất và từ từ lau sàn gỗ theo chuyển động tròn để làm sạch và sáng. Vì bã cà phê có tính dầu nên có tác dụng tương tự như phủ một lớp dầu bảo dưỡng lên sàn.
7. Làm phân bón cho cây
Vật liệu: Bã cà phê khô.
Bã cà phê có thể làm cho đất chua hơn, rất thích hợp cho một số loại cây ưa đất chua như đỗ quyên và dâu tây. Cách làm là trộn đều bã cà phê đã phơi nắng với đất, để trong ba tháng để bã cà phê phân hủy hoàn toàn và trở thành chất dinh dưỡng. Nếu rắc bã cà phê ướt trực tiếp lên bề mặt đất, bã cà phê sẽ dễ bị mốc và có thể làm chết cây.
Không nên sử dụng bã cà phê để tẩy da chết
Trong các bài viết về công dụng kỳ diệu của bã cà phê trên Internet, cần chú ý đến một số cách dùng không hợp lý, ví như sử dụng bã cà phê để tẩy keratin (chất sừng) trên mặt, trộn với dầu massage để loại bỏ cellulite (da sần vỏ cam), massage da đầu với bã cà phê để loại bỏ tế bào chết trên da đầu, v.v.
Đối với các bác sĩ da liễu, đây là những việc làm không tốt cho da. Thứ nhất, bã cà phê có nhiều kích cỡ khác nhau, có thể gây tổn thương khi cọ xát vào da; thứ hai, việc tẩy keratin là không cần thiết. Ông Chu Uyển Nghi (Zhou Wanyi), bác sĩ trưởng của Phòng khám Da liễu La Kỳ Thủ tại Đài Loan chỉ ra rằng, trên thực tế, các bác sĩ da liễu đều khuyến khích bảo vệ keratin chứ không khuyến khích tẩy nó đi. “Keratin đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da của chúng ta”.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ