Đừng ‘so đo sức mạnh’ với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, hãy giành chiến thắng trong trận chiến cấp cơ sở
Theo một cựu sĩ quan đặc nhiệm, Úc, Hoa Kỳ và các nước đồng minh dân chủ nên tránh tham gia một “cuộc chiến leo thang” với Bắc Kinh để giành chiến thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với các nhà lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương, mà thay vào đó, nên tập trung vào các nỗ lực cấp cơ sở để xây dựng mối liên kết mạnh mẽ hơn với các thế hệ cộng đồng.
Ông Heston Russell, người cũng đã dành nhiều năm hoạt động bí mật ở khu vực Nam Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia dân chủ không thể cạnh tranh với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc giành lấy “giới tinh anh” của các quốc gia ở khu vực đó.
“Có sự tách biệt giữa tầng lớp chính trị và dân cư địa phương. Hầu hết người dân đều quá bận rộn với sinh kế và cuộc sống thường nhật của họ, và không tích cực tham gia vào chính trị hay những gì đang diễn ra,” ông nói với The Epoch Times. “Điều đó cho phép giới tinh anh chính trị lợi dụng đất nước, bị ảnh hưởng, bị tha hóa, và điều đó có lợi cho các nước có nhiều nguồn tài nguyên, có các khu vực rộng lớn, và có ảnh hưởng quyền lực lớn như Trung Quốc.”
Ông Russell nói rằng Úc và New Zealand cần phải xem xét các năng lực của riêng họ vì việc “so đo sức mạnh” với Bắc Kinh là không khả thi.
“Chúng ta có thể làm gì để định hình và tác động đến dân cư địa phương? Chúng ta cần xem xét vấn đề này trong 10, 20, hoặc 50 năm nữa,” ông nói. “Chúng ta cần thế hệ tiếp theo của những người lớn lên ở Á Châu-Thái Bình Dương biết về Úc.”
Ông nói rằng các quốc gia dân chủ có thể hoạt động phối hợp, với việc thủ đô Hoa Thịnh Đốn cung cấp khuôn khổ bao quát về “chiến lược, tài chính, và ngoại giao”. Ngược lại, Úc và New Zealand đã cung cấp “quân đội thực chiến trên bộ” để phát triển các mối quan hệ giữa các dân tộc, chơi thể thao, xây dựng trường học, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, và giúp cứu trợ thiên tai.
Những nỗ lực này cuối cùng sẽ tạo ra cơ sở và gây áp lực cho các nhà lãnh đạo từ cấp cơ sở trong khi có khả năng phục hồi quá trình dân chủ.
“Các hệ thống và cơ sở hạ tầng của chúng tôi, ngay cả từ góc độ kinh tế và thương mại, được thiết lập nhiều hơn để tích hợp tốt hơn với các đảo ở Thái Bình Dương [so với Bắc Kinh]. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính — đây là những khác biệt tinh tế,” ông nói, đồng thời lưu ý sự phổ biến của Cơ Đốc giáo trong khu vực khiến các cộng đồng ở Thái Bình Dương không tương hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc vô thần.
“Một điều mà Trung Quốc đang làm rất tuyệt vời là họ đến và thiết lập ‘Thành phố Thông minh’ mới của họ và mang theo toàn bộ khía cạnh kỹ thuật số với họ,” ông nói. “Đó là nơi mà Hoa Kỳ cần những người như ông Elon Musk đưa [mạng internet vệ tinh] Starlink của họ vào và tất cả những thứ thuộc loại này.”
Ngoại trưởng của ĐCSTQ, ông Vương Nghị, đã bắt đầu chuyến công du tám nước đến Nam Thái Bình Dương nhằm mục đích thúc đẩy liên minh với các nhà lãnh đạo chủ chốt đã duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh, gồm các lãnh đạo của Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, và Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, và Timor-Leste.
Tuy nhiên, các tài liệu bị rò rỉ đã tiết lộ rằng ĐCSTQ có các tham vọng vượt xa những mối quan hệ song phương bền chặt, với việc Bắc Kinh đề xướng một khối kinh tế và an ninh sâu rộng gồm 10 quốc gia trong khu vực.
Tầm Nhìn Phát Triển Chung của Các Đảo Quốc Thái Bình Dương-Trung Quốc hình dung rằng ĐCSTQ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương trong các lĩnh vực thương mại tự do, ngư nghiệp, ứng phó với đại dịch, cũng như các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, mạng, và lập bản đồ hàng hải.
Thỏa thuận nói trên đã thất bại hôm 30/05 trong cuộc họp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương sau khi các quốc gia Thái Bình Dương thiếu sự đồng thuận về thỏa thuận này.
Ông David Panuelo, Tổng thống Liên bang Micronesia, đã cực lực phản đối hiệp ước nói trên, và viết thư cho 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cảnh báo rằng hiệp ước này có thể kích hoạt một cuộc “Chiến Tranh Lạnh” mới.
Ông nói: “Tuy nhiên, những tác động thực tế của việc Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, lãnh hải của chúng ta và các nguồn tài nguyên trong đó, cũng như không gian an ninh của chúng ta, ngoài các tác động đến chủ quyền của chúng ta, sẽ làm tăng khả năng Trung Quốc xung đột với Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và New Zealand.”
Các nhà lãnh đạo Úc và Hoa Kỳ đã thực hiện các bước để đẩy lùi bước tiến của Bắc Kinh vào khu vực, bao gồm việc khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF) để thúc đẩy thương mại và giao lưu kinh tế giữa các quốc gia.
Tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong cũng đã đến thăm Fiji chỉ vài ngày sau khi Đảng Lao Động giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang của Úc. Bà Wong cam kết một “kỷ nguyên mới” của sự cam kết và viện trợ nhiều hơn cho các sáng kiến về biến đổi khí hậu.
Trong khi hiệp ước khu vực nói trên phải gác lại, ngoại trưởng Trung Quốc vẫn cố gắng đạt được thêm các cam kết ngoại giao từ các chính phủ của Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, và Tonga. ĐCSTQ cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ không từ bỏ thỏa thuận khu vực đó.
Ông Russell cho biết một số nhà lãnh đạo ở Thái Bình Dương có thể sẽ xem xét hiệp ước.
“Các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ làm việc cùng nhau và nói chuyện với nhau khi nhận thấy thỏa thuận này không mang lại nhiều lợi ích như mong muốn,” ông nói. “Vấn đề là nhiều chính phủ trong số các quốc gia này tham nhũng đầy rẫy. Họ có đầy rẫy những người đang thu xếp cho bản thân họ cuộc sống bên ngoài chính trị.”
Tham nhũng đã đang là một vấn đề công khai diễn ra. Ví dụ, tại Quần đảo Solomon, 39 trong số 50 nhà lập pháp trong Nghị viện của nước này — những người ủng hộ Thủ tướng Manasseh Sogavare — đã nhận được tiền từ Quỹ Phát triển Quốc gia, được điều hành chung với Đại sứ quán Trung Quốc.
Hơn nữa, các chuyên gia đã cảnh báo rằng sự phát triển các sòng bạc tại địa phương do Trung Quốc hậu thuẫn có thể là trung tâm cho ảnh hưởng và các hoạt động bành trướng của Bắc Kinh.
Trong khi đó, ông Eric Louw, một giáo sư truyền thông chính trị đã về hưu đồng thời là một chuyên gia về chống phân biệt đối xử, đã cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo tham nhũng ở các nước đang phát triển có thể lợi dụng những tâm lý của phương Tây về biến đổi khí hậu — và cảm giác tội lỗi về chủ nghĩa thực dân — để có được nguồn tài trợ.
“Thật không may, phe Cánh Tả đã tuyên truyền rộng rãi lý thuyết hoang đường chống thực dân này đến mức gần như không thể có một cuộc thảo luận hợp lý nào về thời đại của chủ nghĩa đế quốc,” ông viết cho The Epoch Times. “Chuyện hoang đường xã hội chủ nghĩa này đã được thuyết phục cho nhiều người theo chủ nghĩa tự do có thiện chí nhưng ngây thơ thông qua các ký giả và những người nổi tiếng, hoặc bằng cách chiếu các hình ảnh kích động tâm linh và gây xúc động mạnh mẽ trên truyền hình.”
“Trở lại những ngày Chiến Tranh Lạnh, các chính trị gia tham nhũng ở các nước yếu, kém phát triển từ Thái Bình Dương đến Phi Châu và Châu Mỹ Latinh đến Á Châu đã trở nên giàu có khi đứng giữa hai bên chống lại nhau,” ông viết trong một bài báo khác. Có lẽ [Thủ tướng Manasseh] Sogavare nghĩ rằng thời kỳ tốt đẹp đã trở lại và ‘Chiến Tranh Lạnh mới’ có nghĩa là ông ấy có thể đồng thời trục lợi từ cả Bắc Kinh, Canberra, và Hoa Thịnh Đốn cùng một lúc.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].